Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hải Phòng tích cực kiến nghị phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật
Trước
đó, nhận thấy trên địa bàn thành phố Hải Phòng liên tục xảy ra nhiều vụ
việc gây rối trật tự công cộng và vi phạm các quy định về điều khiển phương
tiện giao thông đường bộ do các nhóm
đối tượng là thanh, thiếu nên chưa đủ 18 tuổi tham gia gây án, trong đó có
khoảng 22% còn đang ở độ tuổi từ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi (chưa đủ tuổi chịu
trách nhiệm hình sự).
Phần lớn các cháu đều tự ý lấy xe
mô tô, xe gắn máy của gia đình, hoặc cũng có cháu được bố mẹ giao xe để làm
phương tiện đi lại hàng ngày, trong khi các cháu này đều chưa đủ điều kiện điều
khiển phương tiện là xe mô tô có dung tích từ 50cc trở lên hoặc xe gắn máy dưới 50cc tham gia giao
thông. Sau khi có xe mô tô, xe gắn máy, nhóm đối tượng liền tìm cách tụ tập
nhau để đua xe trên nhiều tuyến đường, thậm chí có nhóm đối tượng còn thành lập
một nhóm kín trên mạng xã hội với tên gọi “Biệt đội đánh Công an” nhằm mục đích
hẹn thời gian, địa điểm, tuyến đường sẽ cùng nhau tham gia đua xe và trêu ghẹo,
chống đối lại lực lượng Công an nếu bị phát hiện, đuổi bắt.
Có nhiều vụ, việc các nhóm khác
nhau bất ngờ phát sinh mâu thuẫn trên đường đi, như: va chạm nhẹ giao thông
hoặc là với bất kỳ lý do nào có thể nại ra được, như “nhìn đểu” hoặc cảm thấy
đã từng có mâu thuẫn với một người nào đó trong nhóm đối phương… Để giải quyết
mâu thuẫn, các nhóm ngay lập tức rượt đuổi đánh nhau, cũng có nhóm hẹn thời
gian, địa điểm đánh nhau, sau đó các bên đều có sự chuẩn bị về hung khí, như:
vỏ chai thủy tinh, giáo chọc, dao bầu, tuýp sắt… chở nhau đi trên phương tiện
là các xe mô tô tìm nhau, rượt đuổi trên nhiều tuyến đường.
Có thể nói, số lượng các vụ việc,
vụ án như trên đang có chiều hướng gia tăng, với tính chất mức độ và hậu quả
ngày càng nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận xã hội và dư luận xã hội quan
tâm theo dõi về việc các cơ quan tố tụng sẽ xử lý hành vi giao xe gắn máy cho
thiếu niên này tham gia giao thông khi chưa đủ tuổi theo quy định của Pháp luật
như thế nào.
Có thể thấy, tình trạng người chưa
thành niên sử dụng xe mô tô có dung tích từ 50cc trở lên tham gia giao thông,
thực hiện một số hành vi phạm tội và hành vi vi phạm khác ngày càng gia tăng
xuất phát từ những nguyên nhân chính sau:
Thứ nhất,
bản thân người chưa thành niên chưa phát triển toàn diện, kém hiểu biết về pháp
luật dễ bị lôi kéo, kích động, dẫn tới việc đua đòi điều khiển phương tiện xe
mô tô, xe gắn máy khi chưa đủ điều kiện Pháp luật cho phép.
Thứ hai,
phần lớn các đối tượng chưa thanh niên phạm tội đều được bố mẹ nuông chiều hoặc
có hoàn cảnh gia đình phức tạp bố mẹ ly hôn, bạo lực, rượu chè, thậm chí là tội
phạm ma túy, thiếu quan tâm, chăm sóc con em mình, giao xe mô tô, xe gắn máy
khi các cháu khi chưa đủ điều kiện Pháp luật cho phép.
Thứ ba, đối với nhà trường, đặc biệt là công tác phối hợp giữa gia đình
và nhà trường, xã hội trong việc quản lý, giáo dục học sinh mặc dù đã được quan
tâm, chú trọng nhưng còn lỏng lẻo, đặc biệt đối với học sinh cá biệt, có biểu
hiện tiêu cực.
Thứ tư,
xuất phát từ lối sống thực dụng, chịu tác động nhiều của phim ảnh bạo lực, đồi trụy
và các thông tin xấu, độc trên mạng xã hội chưa có sự kiểm duyệt, đã có sự tác
động tiêu cực đến suy nghĩ, hành động của người chưa thành niên. Ngoài ra, công
tác tuyên truyền pháp luật, văn hóa, đạo đức lối sống cho đối tượng thanh thiếu
niên mặc dù đã được các cấp, các ngành quan tâm nhưng chưa thường xuyên, công
tác nắm bắt tình hình còn thiếu chặt chẽ, tạo sơ hở để người chưa thành niên
phạm tội.
Nội dung
kiến nghị của Viện kiểm sát nhân dân thành phố tập trung vào việc đề nghị Chủ
tịch Ủy ban nhân dân thành phố có các giải pháp chỉ đạo các Cơ
quan, Sở, Ban ngành các cấp thực hiện một số nội dung, cụ thể:
- Tăng cường công tác phòng ngừa của các cơ quan chuyên môn, tổ
chức chính trị đoàn thể trên địa bàn thành phố Hải Phòng kết hợp cùng tổ dân
phố thực hiện đồng bộ các giải pháp tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho các
tầng lớp nhân dân, đặc biệt là đối tượng thanh thiếu niên. Qua đó giáo dục đạo
đức, nhân cách, trang bị kỹ năng sống, kiến thức cơ bản về pháp luật phù hợp
với lứa tuổi, tâm sinh lý của các em, đồng thời chú trọng quản lý, giám sát
thời gian, mức độ sử dụng mạng xã hội, kịp thời nắm bắt các hành vi lệch chuẩn,
không để các em vi phạm pháp luật.
- Chỉ đạo các cơ sở giáo dục tiếp tục nâng cao vai trò, trách
nhiệm trong việc giáo dục, phổ biển, nâng cao nhận thức về chủ trương, đường
lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong công tác đấu tranh, phòng
chống tội phạm và tệ nạn xã hội, đặc biệt là tội phạm trong lứa tuổi thanh
thiếu niên.
- Tăng cường công tác tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao
đội ngũ cán bộ làm công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em, thanh thiếu niên.
- Tăng cường công tác quản lý Nhà nước trong việc kiểm tra, xử
lý vi phạm đối với đối tượng thanh thiếu niên trong việc điều khiển xe mô tô,
xe gắn máy không đảm bảo quy định về độ tuổi và xử lý nghiêm hành vi giao xe
cho nhóm người này tham gia giao thông đường bộ, đồng thời thực hiện việc kiểm
tra thường xuyên đối với các trang mạng xã hội và các cơ sở kinh doanh dịch vụ
như Karaoke, Massege, Internet… để ngăn chặn kịp thời các biểu hiện sai lệch
chuẩn mực đạo đức do đối tượng thanh thiếu niên gây ra.
Tiếp thu kiến nghị của VKSND thành phố, ngày 02/11/2022, Chủ
tịch Ủy ban nhân dân thành phố có Công văn số 4439/VP-NCKTGS chỉ đạo các Sở,
ban, ngành thành phố và Ủy ban nhân dân các quận, huyện, cụ thể:
Giao các Sở, ban, ngành, đoàn thể thành phố và Ủy ban nhân dân
các quận, huyện tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho các tầng lớp nhân dân, đặc biệt
là đối tượng thanh thiếu niên, qua đó giáo dục
đạo đức, nhân cách; trang bị kỹ năng sống, kiến thức cơ bản về pháp luật
phù hợp với lứa tuổi, tâm sinh lý của các em. Đồng thời chú trọng quản lý, giám
sát thời gian, mức độ sử dụng ti vi, điện thoại, mạng xã hội, phương tiện, đặc
biệt là sử dụng rượu, bia, chất kích thích, ma túy…; kịp thời nắm bắt, ngăn
chặn các hành vi lệch chuẩn, không để các em vi phạm pháp luật.
Giao Sở thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình
Hải Phòng, Chuyên đề An ninh Hải Phòng, Cổng thông tin điện tử thành phố xây
dựng các phóng sự, bài báo để giáo dục, răn đe, cảnh tỉnh cho lứa tuổi thanh
thiếu niên trong việc điều khiển xe mô tô, xe gắn máy không đảm bảo quy định,
gây tại nạn giao thông, vi phạm pháp luật.
Giao Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các cơ sở giáo dục nâng cao
vai trò, trách nhiệm, tăng cường phối hợp với các gia đình, phụ huynh trong
quản lý học sinh, sinh viên; giáo dục
nâng cao nhận thức về chủ trương, đường lối chính sách pháp luật của Đảng, Nhà
nước trong công tác phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội, đặc biệt trong lứa
tuổi thiếu niên.
Đề nghị Thành đoàn Hải Phòng chỉ đạo các cơ sở đoàn tăng cường
quản lý, giáo dục các đối tượng thanh thiếu niên; tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng
nâng cao chất lượng đội ngũ làm công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em, thanh thiếu
niên.
Giao Công an thành phố tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các
hành vi vi phạm đối với các đối tượng là thanh thiếu niên trong việc điều khiển
xe mô tô, xe gắn máy không đảm bảo quy định về đội tuổi và xử lý nghiêm các
hành vi giao xe cho thanh thiếu niên tham gia giao thông đường bộ; Thường xuyên
kiểm tra các trang mạng xã hội và các cơ sở kinh doanh như Karaoke, massage,
game, inernet…để kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi lệch chuẩn đạo
đức do đối tượng thanh thiếu niên gây ra; Phối hợp với Tòa án nhân dân thành
phố, Viện kiểm sát nhân dân thành phố mở các phiên tòa lưu động để xét xử
nghiêm một số vụ án để răn đe các đối tượng là thanh thiếu niên vi phạm pháp
luật.
Thông qua việc thực hiện chức năng nhiệm vụ của ngành Kiểm sát,
nhất là việc ban hành kiến nghị đã góp phần phòng ngừa tội phạm và các hành vi
vi phạm pháp luật, giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn thành
phố.
Ban
Biên tập Trang tin