Về bài viết “Trao đổi quan điểm về phục hồi giải quyết từng phần nguồn tin về tội phạm”
Vướng
mắc được đưa ra là do Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 và Thông tư Liên tịch số
01/2017/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC
ngày 29/12/2017 của liên Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn, Viện kiểm sát nhân dân tối cao (Thông tư Liên tịch
số 01/2017/TTLT) không có quy định hoặc hướng dẫn việc phục hồi giải quyết từng
phần nguồn tin về tội phạm trong trường hợp một quyết định phân công giải quyết
nguồn tin có nhiều nội dung tố giác đã được tạm đình chỉ. Tác giả đồng thời đưa
ra 02 quan điểm để xử lý trong trường hợp tạm đình chỉ giải quyết nguồn tin về
tội phạm đối với vụ việc có nhiều nội dung tố giác, là:
Thứ nhất, khi
có đầy đủ các căn cứ để phục hồi toàn bộ các nội dung đã tạm đình chỉ mới phục
hồi giải quyết đối với tất cả các nội dung đó.
Thứ hai,
khi có căn cứ để phục hồi giải quyết nội dung nào, sẽ chỉ phục hồi đối với nội
dung đó để giải quyết theo quy định.
Tuy
nhiên, cả hai cách làm trên đều sẽ vướng phải những khó khăn hoặc gây ra tranh
luận khi áp dụng. Như trong ví dụ tác giả đã nêu, các kết quả giám định về dấu
vết tin học và hình ảnh video được hoàn thành vào các thời điểm khác nhau,
ngoài ra, người tố giác và nhà trường cũng giao nộp tài liệu, chứng cứ liên
quan không cùng một thời điểm. Do vậy, theo quan điểm thứ nhất, nếu chờ đợi khi
có đầy đủ các căn cứ mới phục hồi toàn bộ các nội dung đã tạm đình chỉ thì sẽ
gây ra tình trạng chậm trễ cho quá trình giải quyết. Còn theo quan điểm thứ
hai, căn cứ lý do tạm đình chỉ của từng nội dung tố giác để phục hồi từng phần
của nguồn tin về tội phạm như quá trình tố tụng tác giả đã nêu thì sẽ giải quyết
nhanh chóng từng nội dung tố giác. Tuy nhiên, trường hợp kết quả xác minh 02 nội
dung tố giác đầu tiên lại liên quan, ảnh hưởng tới việc giải quyết vấn đề còn lại
(ví dụ như người liên quan khai báo và cung cấp tài liệu chứng minh có sai phạm trong việc mua sắm
trang thiết bị, máy móc của nhà trường…) mà không phải do người tố giác
và nhà trường giao nộp tài liệu, chứng cứ liên quan đến nội dung tố giác (là
căn cứ tạm đình chỉ giải quyết phần nội dung này) thì có căn cứ để phục hồi với
phần nội dung thứ 3 đã tạm đình chỉ hay không? Nếu không phục hồi thì những tài
liệu, chứng cứ thu thập được trong quá trình này, liên quan tới nội dung thứ 3
đang tạm đình chỉ có hợp pháp không?
Do đó, cá nhân tôi thấy nên áp dụng quy định trên
theo phương án khác như sau: trong trường hợp tạm đình chỉ giải
quyết nguồn tin về tội phạm đối với vụ việc có nhiều nội dung tố giác, chỉ cần
có căn cứ để phục hồi giải quyết đối với một hoặc một số nội dung thì có thể phục
hồi giải quyết toàn bộ nguồn tin. Thực tiễn cho thấy, các tin báo, tố giác tội
phạm có nhiều nội dung cần xác minh, làm rõ thường rất phức tạp, nhiều vấn đề
chồng chéo, liên quan đến nhau, cần áp dụng nhiều biện pháp xác minh… nên mất
nhiều thời gian để giải quyết. Trong khi, Bộ luật tố tụng hình sự và văn bản
liên quan lại giới hạn thời gian giải quyết và quy định chặt chẽ hơn về thủ tục
tố tụng so với trước đây. Bên cạnh đó, kết quả xác minh của nội dung này lại ảnh
hưởng, thậm chí có ý nghĩa quyết định tới việc giải quyết vấn đề khác trong tin
báo đó. Nên rất khó tách bạch việc xác minh, làm rõ từng nội dung tố giác.
Như
trong ví dụ tác giả đã nêu, giả sử khi Cơ quan điều tra nhận được Kết luận giám
định về dấu vết tin học (đối với nội dung tố giác sinh viên Nguyễn
Văn A có hành vi xâm nhập trái phép vào trang thông tin điện tử của nhà trường,
sửa nâng điểm thi học phần của các sinh viên để thu lời), đã đủ căn cứ
xác định hành vi phạm tội của Nguyễn Văn A. Trong trường hợp, này có thể ra quyết
định phục hồi giải quyết toàn bộ nguồn tin; khởi tố vụ án, khởi tố bị can về tội
Xâm nhập trái phép mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của
người khác, quy định tại Điều 289 BLHS, đồng thời vẫn tiếp tục các biện pháp
xác minh khác, để thu thập tài liệu có liên quan, làm rõ những nội dung còn lại
(làm rõ dấu hiệu tiêu cực trong kỳ
thi tuyển sinh đại học khóa 32 của trường này, làm rõ sai phạm trong việc mua sắm
trang thiết bị, máy móc của nhà trường). Trong thời hạn giải quyết, nếu nhận được
Kết luận giám định video clip
thì vẫn tiếp tục xác minh như thủ tục bình thường (mà không cần thiết ra quyết
định phục hồi giải quyết tin báo, tố giác riêng). Khi hết thời hạn, nếu chưa nhận
được kết quả giám định đoạn video hoặc chưa đủ căn cứ để quyết định kết quả giải
quyết những nội dung khác thì lại tiếp tục tách ra để tạm đình chỉ việc giải
quyết tin báo như thủ tục thông thường.
Làm như vậy, vừa không trái với quy định của Pháp
luật, vừa vận dụng được thời gian để tích cực xác minh, làm rõ toàn bộ các nội
dung liên quan và không phải nhiều lần ra quyết định phục hồi giải quyết từng
phần tố giác. Đồng thời, cũng tránh được các ý kiến trái chiều, hoài nghi về
tính hợp pháp của tài liệu, kết quả xác minh liên quan tới nội dung khác, không
thuộc vấn đề đang được phục hồi, giải quyết.
Trên đây hoàn toàn là quan điểm cá nhân của người
viết trên cơ sở tìm hiểu để vận dụng quy định về phục hồi giải quyết nguồn tin
về tội phạm. Vì đây còn là khoảng trống của pháp luật nên, để có cơ sở pháp lý vững
chắc, đảm bảo việc áp dụng thống nhất trên thực tiễn, tôi hoàn toàn đồng ý với
tác giả về việc cần kiến nghị đến cơ quan có thẩm quyền xem xét bổ sung quy định
của pháp luật hoặc hướng dẫn cụ thể về vấn đề này. Rất mong tiếp tục nhận được
các ý kiến trao đổi cũng như kinh nghiệm thực tiễn của các đồng nghiệp./.
Đồng Thị Lan Anh – Phòng 7 VKSND thành phố Hải Phòng.
Link: bài viết Trao đổi về vấn đề phục hồi giải quyết từng phần nguồn tin về tội phạm - VKS Vũ Thành Lê