Tuyên án về các trường hợp thi hành án dân dự – một biện pháp bảo đảm quyền lợi cho bị cáo trong Tố tụng hình sự.
Công
văn số 99/TANDTC-KHXX ngày 01/7/2009 của Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC) hướng
dẫn:
“Điều 26 Luật thi
hành án dân sự quy định: “Khi ra bản án, quyết định... Tòa án phải giải thích
cho đương sự, đồng thời ghi rõ trong bản án, quyết định về quyền yêu cầu thi
hành án, nghĩa vụ thi hành án, thời hiệu yêu cầu thi hành án”. Đây là một quy định
mới, cho nên các Tòa án cần phải tổ chức quán triệt và phải thi hành đúng.
Để thi hành đúng
quy định tại Điều 26 Luật thi hành án dân sự, Tòa án
nhân dân tối cao tạm thời hướng dẫn một số điểm sau đây:
a. Chỉ ghi theo
quy định tại Điều 26 Luật thi hành án dân sự khi
trong bản án, quyết định của Tòa án có quyết định được thi hành theo Luật thi
hành án dân sự;
b. Thống nhất ghi
theo quy định tại Điều 26 Luật thi hành án dân sự trong
bản án, quyết định của Tòa án như sau:
“Trường hợp bản
án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật
thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi
hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự
nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các điều 6, 7 và 9 Luật thi hành án dân sự ; thời hiệu thi
hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi
hành án dân sự”;
c. Ghi nội dung được
hướng dẫn tại điểm b mục 3 này vào phần cuối cùng của phần quyết định.
d. Sau khi tuyên
án xong, Tòa án giải thích cho đương sự (người được thi hành án dân sự, người
phải thi hành án dân sự) biết về quyền yêu cầu thi hành án, nghĩa vụ thi hành
án, thời hiệu yêu cầu thi hành án. Việc giải thích phải căn cứ và các quy định
của Luật thi hành án dân sự.”
Hướng
dẫn này đã được Tòa án nhân dân các cấp thống nhất thực hiện trong thời gian
dài, góp phần đảm bảo cho bị cáo quyền được giải thích về quyền và nghĩa vụ thi
hành án dân sự, để có cơ sở thi hành hết các phần của bản án. Tuy nhiên, từ khi
BLTTHS 2015 ra đời và có hiệu lực thi hành, tuy chưa có hướng dẫn nào mới
về vấn đề này nhưng nhiều Bản án không còn duy trì việc ghi nội dung thi hành
án theo quy định tại Điều 26 Luật thi hành án dân sự như Công
văn số 99/TANDTC-KHXX ngày 01/7/2009 của TANDTC (Công văn
số 99). Theo quan điểm của người viết, trường hợp Tòa án
không thực hiện đầy đủ 04 yêu cầu nêu trên (theo các điểm từ a đến d mục 3 Công
văn số 99), sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới quyền lợi của bị cáo. Đồng thời,
cũng gây khó khăn cho các cơ quan tiến hành tố tụng trong hoạt động đánh giá việc
thi hành bản án của người bị kết án khi thực hiện tội phạm mới và là bị can, bị
cáo trong một vụ án mới.
Ví dụ: Năm 2010, A bị
xét xử về tội Trộm cắp tài sản, bản án tuyên phạt 18 tháng tù đồng thời tuyên bồi
thường cho người bị hại, án phí dân sự và án phí hình sự. Đến năm 2020, A phạm
tội mới, qua xác minh, xác định được do không nhận được thông báo và quyết định
thi hành án của Cơ quan thi hành án dân sự nên A vẫn chưa thi hành phần án phí
dân sự, hình sự.
Hiện
nay, có nhiều quan điểm khác nhau về việc tính xóa án tích đối với A như sau:
Quan điểm thứ nhất cho rằng: căn
cứ vào hướng dẫn tại Mục 7 Công văn số 64/TANDTC-PC ngày 03/4/2019 của Tòa án
nhân dân tối cao, cần đánh giá A không đương nhiên được xóa án tích đối với tiền
án năm 2010. Mục 7 Công văn số 64/TANDTC-PC ngày 03/4/2019 của Tòa án nhân dân
tối cao quy định:
“Điều 70 của Bộ luật Hình sự quy định về các điều kiện đương nhiên được xóa
án tích, trong đó có điều kiện: người bị kết án nếu từ khi chấp hành xong hình
phạt chính hoặc hết thời gian thử thách của án treo, người đó đã chấp hành xong
hình phạt bổ sung, các quyết định khác của bản án. Như vậy, Bộ luật Hình sự
không quy định trường hợp loại trừ việc người bị kết án chưa chấp xong hành
hình phạt bổ sung và các quyết định khác của bản án với bất kỳ lý do gì. Hơn nữa,
pháp luật thi hành án dân sự quy định nhiều phương thức thi hành để người
phải thi hành án có quyền lựa chọn như: tự nguyện thi hành, thỏa thuận thi hành
án hoặc nhờ thân nhân nộp thay.
Do vậy, trường hợp
người bị kết án (sau này là bị can, bị cáo trong một vụ án mới) không nhận được
thông báo và quyết định thi hành án của Cơ quan thi hành án dân sự nên chưa thi
hành hình phạt bổ sung, chưa nộp tiền án phí hình sự sơ thẩm và các quyết định
khác của bản án là chưa chấp hành xong hình phạt bổ sung và các quyết định khác
của bản án. Trong trường hợp này, người bị kết án không đương nhiên được xóa án
tích theo quy định tại Điều 70 của Bộ luật Hình sự.”
Quan điểm thứ hai cho rằng: việc đánh giá A
có hay không đương nhiên được xóa án tích đối với tiền án năm 2010, cần phụ thuộc
vào việc bản án đó có hay không tuyên về việc thi hành án dân sự theo quy
định tại Điều 26 Luật thi hành án dân sự và Cơ quan thi hành án dân sự đã thụ
lý hồ sơ thi hành án đối với A hay chưa. Cụ thể:
Trường hợp thứ nhất: Bản án không
tuyên về việc thi hành án dân sự theo quy định tại Điều 26 Luật thi hành
án dân sự (được hướng dẫn tại Công văn số 99), đồng thời xác minh được sau
khi tuyên án, Hội đồng xét xử không giải thích cho đương sự (người được thi
hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự) biết về quyền yêu cầu thi hành
án, nghĩa vụ thi hành án, thời hiệu yêu cầu thi hành án và cũng xác minh được Cơ
quan thi hành án dân sự không thụ lý hồ sơ để giải quyết theo thủ tục chung. Theo
đó, người bị kết án không được cơ quan có thẩm quyền nào giải thích, hướng dẫn về
việc thi hành án dân sự theo quy định tại Điều 26 Luật thi hành án dân sự.
Theo nguyên tắc có lợi cho bị can, bị cáo, cần đánh giá người bị kết án không
buộc phải biết về quyền và nghĩa vụ này. Do đó, họ không hiểu về các phương thức
thi hành để lựa chọn thực hiện như: tự nguyện thi hành, thỏa thuận thi
hành án hoặc nhờ thân nhân nộp thay. Trong trường hợp này, cần đánh giá việc A
chưa thi hành phần án phí dân sự, hình sự của bản án năm 2010 là do lỗi của các
cơ quan tiến hành tố tụng. Tính đến thời điểm phạm tội mới, đã hết thời hiệu yêu
cầu thi hành án, theo nguyên tắc có lợi cho bị can, bị cáo, cần đánh giá A đã
được xóa án tích đối với bản án năm 2010.
Trường hợp thứ hai: Bản án đã tuyên về
việc thi hành án dân sự theo quy định tại Điều 26 Luật thi hành án dân sự (được
hướng dẫn tại Công văn số 99) và Cơ quan thi hành án dân sự đã thụ lý hồ sơ để
giải quyết theo thủ tục chung. Trường hợp này cần đánh giá người bị kết án có mặt
tại phiên tòa, được nghe tuyên án và giải thích đầy đủ về quyền và nghĩa vụ này
nhưng đã không thực hiện. Theo hướng dẫn tại Mục 7 Công văn số 64/TANDTC-PC
ngày 03/4/2019 của TANDTC, cần đánh giá A không đương nhiên được xóa án tích đối
với tiền án năm 2010.
Trường hợp thứ ba: Bản án không tuyên
về việc thi hành án dân sự theo quy định tại Điều 26 Luật thi hành án dân
sự (như được hướng dẫn tại Công văn số 99), đồng thời xác minh được sau
khi tuyên án xong, Tòa án không giải thích cho đương sự (người được thi hành án
dân sự, người phải thi hành án dân sự) biết về quyền yêu cầu thi hành án, nghĩa
vụ thi hành án, thời hiệu yêu cầu thi hành án nhưng Cơ quan thi hành án dân sự đã
thụ lý hồ sơ để giải quyết theo thủ tục chung. Trường hợp này đang gây ra nhiều
ý kiến khác nhau. Ý kiến thứ nhất cho rằng,
chỉ cần Cơ quan thi hành án dân sự đã thụ lý hồ sơ để giải quyết theo thủ tục
chung thì A có nghĩa vụ phải thi hành. Theo hướng dẫn tại Mục 7 Công văn số
64/TANDTC-PC ngày 03/4/2019, cần đánh giá A không đương nhiên được xóa án tích đối
với tiền án năm 2010. Ý kiến thứ hai cho
rằng, Tòa án không tuyên và giải thích về việc thi hành án dân sự theo
quy định tại Điều 26 Luật thi hành án dân sự nên A không buộc phải biết về
quyền và nghĩa vụ này. Mặc dù Cơ quan thi hành án dân sự đã thụ lý hồ sơ để giải
quyết theo thủ tục chung nhưng vì lý do khách quan, A không nhận được thông báo
và quyết định thi hành án của Cơ quan thi hành án dân sự nên tiếp tục không được
giải thích rõ về quyền và nghĩa vụ đó nên cũng không hiểu được các phương thức
thi hành án để lựa chọn thực hiện (tự nguyện thi hành, thỏa thuận thi hành án
hoặc nhờ thân nhân nộp thay). Vì vậy, cũng cần đánh giá đây là lỗi của cơ quan
tiến hành tố tụng, tính đến thời điểm phạm tội mới, đã hết thời hiệu yêu cầu
thi hành án nên cần đánh giá A đã được xóa án tích đối với bản án năm 2010.
Quan điểm của người viết ủng hộ ý kiến thứ hai vì như vậy mới đảm bảo cao nhất
nguyên tắc có lợi cho bị can, bị cáo.
Thực
tiễn cho thấy, vấn đề này đặt ra yêu cầu cao hơn với Kiểm sát viên trong việc phối
hợp với Cơ quan điều tra, đảm bảo thu thập đầy đủ các tài liệu liên quan tới việc
thi hành bản án trước của bị can, bị cáo trong vụ án đang được điều tra, truy tố
và xét xử lần này gồm: tài liệu xác minh việc thi hành án hình sự (thời điểm ra
tù), việc thi hành án dân sự (án phí, nộp tiền phạt, bồi thường...). Ngoài ra, Kiểm
sát viên cần nghiên cứu kỹ bản án trước đó về việc bản án có hay không tuyên nội
dung thi hành án dân sự theo quy định tại Điều 26 Luật thi hành án dân sự.
Nếu bản án không có mục này, cần kiểm tra biên bản phiên tòa xem sau khi tuyên
án, Hội đồng xét xử có hay không giải thích cho đương sự (người được thi hành
án dân sự, người phải thi hành án dân sự) biết về quyền yêu cầu thi hành án,
nghĩa vụ thi hành án, thời hiệu yêu cầu thi hành án (theo hướng dẫn tại Công
văn số 99). Với những trường hợp bị can, bị cáo chưa thi hành phần dân sự trong
bản án trước, cần yêu cầu tiếp tục xác minh về việc Cơ quan thi hành án dân sự
có thẩm quyền đã thụ lý, giải quyết theo thủ tục chung hay chưa, lý do vì sao bị
can, bị cáo không nhận được thông báo và chưa thi hành phần bản án này (có hay
không việc trốn tránh nghĩa vụ thi hành...). Trên cơ sở đó mới có thể đánh giá
được đầy đủ ý thức và việc chấp hành bản án trước của bị can, bị cáo, tránh tình
trạng thu thập thiếu tài liệu dẫn đến tính xóa án tích sai, áp dụng sai hoặc bỏ
lọt tình tiết tăng nặng (tái phạm, tái phạm nguy hiểm).
Đối
với Tòa án, để đáp ứng yêu cầu mới, trong khi chưa có quy định nào loại trừ Công
văn số 99/TANDTC-KHXX ngày 01/7/2009 của Tòa án nhân dân tối cao, thiết nghĩ
các bản án cần thống nhất tuyên về các trường hợp thi hành án dân sự theo đúng hướng
dẫn tại công văn này như phân tích nêu trên. Làm tốt được công tác này không chỉ
là một trong những giải pháp hữu hiệu để đảm bảo quyền lợi
của bị can, bị cáo, đặc biệt là việc thi hành bản án, mà còn tạo điều kiện thuận
lợi hơn cho các cơ quan tố tụng khi tính xóa án tích sau này, cũng như đảm bảo
sự thống nhất trong áp dụng pháp luật.
Trên
đây là vấn đề mà thực tiễn còn nhiều quan điểm chưa thống nhất, người viết muốn
đưa ra trao đổi cùng các đồng chí. Rất mong nhận được các ý kiến thảo luận và
kinh nghiệm giải quyết hiệu quả của các đồng nghiệp.
Đồng
Thị Lan Anh – Phòng 7 Viện KSND thành phố Hải Phòng.