Thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả công tác Kiểm sát Thi hành án hành chính trên địa bàn thành phố Hải Phòng trong giai đoạn hiện nay
Thực trạng công tác Kiểm
sát Thi hành án hành chính trên địa bàn thành phố Hải
Phòng
Do quá trình đô thị
hóa diễn ra mạnh mẽ làm cho nhu cầu sử dụng đất tăng lên, thúc đẩy giá đất tăng
cao; người sử dụng đất thực hiện không đúng quy định của pháp luật về đất đai
và các quy định có liên quan khác. Văn bản
pháp luật liên quan còn chồng chéo, mâu thuẫn, không thống nhất…là nguyên nhân
dẫn đến tỷ lệ khiếu kiện án hành chính tăng nhanh trong thời gian qua. Khởi kiện hành chính trong lĩnh vực đất đai hiện
nay đang có xu hướng gia tăng cả về số lượng và tính chất phức tạp. Năm
2020, số lượng vụ án hành chính sơ thẩm cấp thành phố thụ lý mới là 116 vụ (tăng 05 vụ so với năm 2019), cấp huyện là 15 vụ
(tăng 08 vụ so với năm 2019). Tính
đến hết ngày 30/9/2020, Tòa án nhân dân các cấp đã chuyển giao cho các cơ quan
THADS 37 Bản án hành chính (trong đó, số Bản án có nội dung theo dõi là 03, số Bản
án không có nội dung theo dõi là 34). Cơ quan THADS thực hiện theo dõi 06 vụ việc.
Kết quả theo dõi: Đã thi hành xong 01 vụ việc, chưa thi hành xong 05 vụ việc.
VKSND thành phố Hải Phòng đã kiểm sát chặt chẽ việc
tổ chức thi hành Luật Tố tụng hành chính năm 2015, Nghị định 71/2016/NĐ-CP ngày
01/7/2016 của Chính phủ quy định thời hạn và trình tự, thủ tục thi hành bản án,
quyết định của Tòa án về vụ án hành chính và xử lý trách nhiệm đối với người phải
thi hành án (sau đây viết tắt là Nghị định 71/2016/NĐ-CP) và các văn bản hướng dẫn thi hành quy định cụ thể
trình tự, thủ tục, thẩm quyền, trách nhiệm quản lý và thi hành bản án, quyết định
của Tòa án về vụ án hành chính. Thực hiện Chỉ thị số 07/CT-VKSNDTC ngày
23/11/2017 của Viện trưởng VKSND tối cao về việc nâng cao chất lượng, hiệu quả công
tác kiểm sát thi hành án dân sự, hành chính, Công văn số 7427/UBND-NC ngày
26/11/2019 của Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng và văn bản số
134/TCTHADS-NV3 ngày 15/01/2020 của Tổng cục Thi hành án dân sự về việc triển
khai thực hiện Chỉ thị số 26/CT-Ttg ngày 15/11/2019 của Thủ tướng Chính phủ về
tăng cường chấp hành pháp luật tố tụng hành chính và thi hành án hành chính (viết
tắt là THAHC). VKSND thành phố Hải Phòng đã triển khai đến toàn thể Kiểm sát
viên, cán bộ, công chức, người lao động của các VKSND quận, huyện trên địa bàn thành phố với yêu cầu nâng cao chất lượng, hiệu quả công
tác kiểm sát việc theo dõi án hành chính, bảo đảm theo dõi 100% bản án, quyết định
của Tòa án có nội dung theo dõi do Tòa án nhân dân chuyển giao; kịp thời có kiến
nghị người có thẩm quyền có giải pháp để thi hành dứt điểm vụ việc hoặc xử lý
trách nhiệm người phải thi hành án chậm THAHC theo đúng quy định tại Nghị định 71/2016/NĐ-CP. VKSND thành phố Hải Phòng đã thực hiện tốt công
tác tập huấn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên các kỹ năng kiểm sát THAHC.
Từ đó trang bị đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác kiểm sát THAHC những kiến
thức cơ bản để nâng cao chất lượng công tác kiểm sát. Kiểm sát chặt chẽ việc Cơ
THADS thực hiện việc theo dõi thi hành án đối với các bản án, quyết định hành
chính của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Phối hợp với Cơ quan THADS, các cơ
quan hữu quan trên địa bàn thành phố trong việc cưỡng chế thi hành án đối với
các vụ án lớn, phức tạp có ảnh hưởng về an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã
hội ở địa phương. Trên toàn thành phố thời gian qua không có trường hợp nào phải
áp dụng biện pháp xử lý trách nhiệm đối với cá nhân, tổ chức vi phạm nghĩa vụ
trong THAHC.
Trong lĩnh vực kiểm sát THAHC, VKSND thành phố Hải
Phòng đã có nhiều cố gắng, nỗ lực để thi hành Luật Tố tụng hành chính năm 2015.
Đã tích cực kiểm tra phát hiện các dạng vi phạm để kịp thời ban hành kháng nghị,
kiến nghị, hướng dẫn nghiệp vụ đối với các VKSND quận, huyện trong việc giải
quyết từng vụ việc THAHC cụ thể. Bên cạnh đó, quá trình kiểm sát THAHC cũng
phát sinh nhiều khó khăn vướng mắc, cần có sự hướng dẫn, thống nhất của các Cơ
quan tư pháp Trung ương, cụ thể như sau:
Thứ nhất: Vướng mắc trong việc thực hiện khoản 2 Điều
14 Nghị định 71/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ
Hiện nay, Tổng cục Thi hành án dân sự Bộ Tư
pháp có Công văn số 16/TCTHADS-NV3 ngày 05/01/2021 Hướng dẫn nghiệp vụ theo dõi
THAHC về các nội dung: “Các cơ quan Thi
hành án dân sự thực hiện các nội dung theo dõi thi hành án hành chính theo quy
định tại Điều 14 Nghị định 71/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định
thời hạn và trình tự, thủ tục thi hành bản án, quyết định của Tòa án về vụ án
hành chính và xử lý trách nhiệm đối với người phải thi hành án không thi hành bản
án, quyết định của Tòa án (trừ khoản 2 Điều 14 về trách nhiệm thông báo nghĩa vụ
tự nguyện thi hành án cho người phải thi hành án).”
Tại Công văn số 66/TCTHADS-NV3 ngày 04/3/2021 của
Tổng cục THADS Hướng dẫn nghiệp vụ theo dõi THAHC: Khi nhận được bản án, quyết định của Tòa án có nội dung chấp nhận một
phần hoặc toàn bộ yêu cầu khởi kiện (chưa có quyết định buộc THAHC) thì Cơ quan
THADS không ban hành quyết định phân công chấp hành viên theo dõi đối với các bản
án, quyết định này cho đến khi nhận được có quyết định buộc THAHC của Tòa án…
Như vậy, với nội dung của
hai văn bản hướng dẫn
nghiệp vụ này có sự mâu thuẫn đối với quy định tại khoản 2 Điều 14 Nghị định
71/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định thời hạn và trình tự, thủ tục
thi hành bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính và xử lý trách nhiệm
đối với người phải thi hành án, bởi lẽ tại khoản 2 Điều 14 Nghị định
71/2016/NĐ-CP quy định rất rõ: “Khi nhận
được bản án, quyết định của Tòa án, cơ quan THADS
phân công Chấp hành viên thực hiện theo dõi việc thi hành án hành chính. Trong
thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được bản án, quyết định của Tòa án,
cơ quan thi hành án dân sự có trách nhiệm ra văn bản thông báo về việc tự nguyện
thi hành án gửi người phải thi hành án…”. Như
vậy, Nghị định 71/2016/NĐ-CP quy định cụ thể về trách nhiệm của Cơ quan THADS
trong việc THAHC kể từ khi nhận được bản án, quyết định của Tòa án. Theo Công
văn số 16/TCTHADS-NV3 ngày 05/01/2021 và Công văn số 66/TCTHADS-NV3 ngày
04/3/2021 của Tổng cục THADS thì toàn bộ nội dung của khoản 2 Nghị định 71/2016/NĐ-CP sẽ không được triển khai thực hiện.
Việc Tổng cục THADS có
văn bản hướng dẫn như vậy đã gây khó khăn cho quá trình THAHC trong thực tiễn,
nhiều bản án, quyết định của Tòa án không được theo dõi theo đúng quy định. Như
vậy, hiện đang tồn tại hai nội dung mâu thuẫn nhau về cùng một vấn đề nhưng căn
cứ để áp dụng khoản 2 Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm
2015 quy định:“Trong trường hợp các văn bản
quy phạm pháp luật có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng văn bản
có hiệu lực pháp lý cao hơn” là rất khó.
Thứ hai: Nội dung quyết định hành chính trong bản án
dân sự không được theo dõi, tổ chức thi hành
Những tranh chấp dân sự có
yêu cầu khởi kiện tuyên hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất diễn ra phổ biến.
Với những vụ việc này Tòa án thụ lý giải quyết vụ việc dân sự và có giải quyết
cả nội dung hành chính. Nhưng hiện tại nhiều bản án dân sự có phần quyết định
hành chính Tòa án tuyên chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn không được
theo dõi, tổ chức thi hành, cụ thể như sau:
Bản án dân sự
số 08/2016/DSST ngày 16/9/2016 của TAND thành phố H, phần hành chính trong bản án: Tuyên hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
số AI 140147 Ủy ban nhân dân huyện A cấp ngày 11/6/2007 mang tên ông N.V.T và
bà Đ.T.L; Bản án dân sự số 08/2017/DSST ngày 08/9/2017 của TAND
thành phố H và Bản án dân sự phúc thẩm số 415/2018/DS-PT ngày 25/9/2018 của
TAND cấp cao tại Hà Nội, phần hành chính trong bản án: Tuyên
hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số S6V 534175 số vào sổ 05217 ngày
30/12/2002 của Ủy ban nhân dân huyện T, thành phố H cấp cho ông M; Bản án số
25/2018/DS-ST ngày 30/11/2018 của Tòa án nhân dân thành phố H và Bản án số
101/2019/DS-PT ngày 30/7/2019 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội. Phần hành
chính trong bản án: Tuyên hủy Giấy chứng
nhận quyền sử dụng đất số BG 289151 ngày 17/5/2012 của Ủy ban nhân dân huyện B,
thành phố H đã cấp cho ông P.V.C và bà P.T.L; Bản án số 13/2019/DS-ST ngày
27/9/2019 của Tòa án nhân dân thành phố H, phần hành chính trong bản án: Tuyên hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
số CĐ 843506 do Ủy ban nhân dân huyện N cấp ngày 28/11/2016 cho từ đường họ C.
Theo quy định tại Điều 34 Bộ luật tố tụng dân sự
năm 2015: “1) Khi giải quyết vụ việc dân sự, Tòa án có quyền hủy quyết định cá biệt
trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền xâm phạm quyền, lợi
ích hợp pháp của đương sự trong vụ việc dân sự mà Tòa án có nhiệm vụ giải quyết…
2) Thẩm quyền của cấp Tòa án giải quyết vụ việc dân sự trong trường hợp có xem
xét việc hủy quyết định cá biệt quy định tại khoản 1 Điều này được xác định
theo quy định tương ứng của Luật tố tụng hành chính về thẩm quyền của Tòa án
nhân dân…”. Như vậy, nội dung tuyên hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
trong 04 bản án nêu trên là phần án hành chính trong bản án dân sự. Với phần
quyết định này có được thi hành theo luật tố tụng hành chính không? Trình tự thực
hiện theo dõi như thế nào? hiện nay có 02 quan điểm như sau:
Quan điểm thứ nhất cho rằng: Đối với 04
bản án là những bản án về tranh chấp dân sự, không phải là bản án của Tòa án về
vụ án hành chính được thi hành theo quy định tại Điều 309 Luật tố tụng hành
chính năm 2015…. Do vậy, trong trường hợp này không thuộc trường hợp Cơ quan
THADS phải phân công Chấp hành viên thực hiện việc theo dõi THAHC và ra văn bản
thông báo về việc tự nguyện thi hành án gửi người phải thi hành án, theo quy định
tại khoản 2 Điều 14 Nghị định 71/2016/NĐ-CP.
Như vậy, thì toàn bộ nội dung hành chính trong 04
bản án dân sự nêu trên sẽ không được theo dõi. Vấn đề đặt ra là quy định pháp
luật nào điều chỉnh phạm vi, trình tự thủ tục thi hành đối với phần hành chính?
Và như vậy, phần Tòa án tuyên nội dung hành chính này sẽ bị bỏ qua, không bị điều
chỉnh bởi pháp luật THAHC? Trước thực trạng này, nhiều bản án như trên đã bị tồn
đọng, kéo dài...
Quan điểm thứ hai cho
rằng: 04 bản án dân
sự nêu trên có nội dung hành chính là phần phải được thi hành theo quy định của
Luật Tố tụng hành chính năm 2015 và Nghị định 71/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của
Chính phủ. Có như vậy, thì toàn bộ nội dung bản án mới được tổ chức thi hành
triệt để, đúng quy định của pháp luật. Điều 309 Luật Tố tụng hành chính năm 2015
quy định về những bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính được thi
hành nhưng không quy định phần nội dung hành chính trong các bản án dân sự là
chưa đầy đủ, bỏ sót phần hành chính được Tòa án xem xét trong vụ án giải quyết
tranh chấp về dân sự.
Đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả công tác Kiểm sát Thi hành án hành
chính
Để tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong thực tế đối
với công tác kiểm sát THAHC trong thời gian tới, chúng tôi đề xuất một số nội
dung:
Thứ nhất: Các cơ
quan tư pháp Trung ương cần có sự thống nhất, hướng dẫn cụ thể về việc thực hiện
Điều 14 Nghị định 71/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định thời hạn
và trình tự, thủ tục thi hành bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính
và xử lý trách nhiệm đối với người phải thi hành án, đảm bảo việc thi hành án
hành chính được thi hành đúng pháp luật, khắc phục tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn giữa các quy định gây
khó khăn trong thực tế thi hành.
Thứ hai: Đề xuất sửa đổi, bổ
sung Điều 309 Luật tố tụng
hành chính năm 2015 theo hướng bổ sung: Những bản án, quyết định của Tòa án về
hành chính được thi hành... Phần hành
chính trong các vụ án dân sự. Tạo hành lang pháp lý để Cơ quan THADS thực
hiện việc theo dõi, đôn đốc thi hành theo đúng quy định của pháp luật, khắc phục
tình trạng nhiều bản án không được nghiêm chỉnh chấp hành trong thực tiễn.
3. Kết luận
Thi hành bản án, quyết định của Tòa án về hành
chính là một nội dung quan trọng trong việc đảm bảo tính hiệu lực của bản án,
quyết định của Tòa án thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật. Trường hợp Tòa
án chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn trong việc tuyên buộc Cơ quan nhà nước có
thẩm quyền phải thực hiện công việc nhất định hoặc tuyên hủy quyết định cá biệt
đối với công dân là việc Tòa án xác định hành vi hành chính, quyết định hành
chính của cơ quan nhà nước có vi phạm pháp luật và buộc Cơ quan nhà nước phải
thực hiện theo đúng quy định của pháp luật để tránh gây thiệt hại cho người
dân. Tuy nhiên, trong thực tế hiện nay phần thi hành bản án, quyết định hành
chính còn nhiều tồn tại, hạn chế như đã nêu ở trên. Có nhiều vụ việc sau khi bản
án, quyết định có hiệu lực pháp luật chấp nhận yêu cầu khởi kiện của người dân,
nhưng Cơ quan nhà nước có thẩm quyền không nghiêm túc thực hiện nội dung của bản
án. Như vậy quyết định của Tòa án cũng chỉ là nội dung trên giấy mà không được
tổ chức thi hành theo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm quyền và lợi ích hợp
pháp cho người dân.
Phòng 11 – VKSND thành phố Hải Phòng