Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tu dưỡng phẩm chất cách mạng qua câu chuyện “CÁI ĐUÔI TÔN NGỘ KHÔNG” (•)
Năm ấy
Bác Hồ đến dự lớp Chỉnh Đảng Trung ương
khoá 1, năm 1952 tại Việt Bắc, Bác nói: “Các cô, các chú (bao giờ Bác cũng gọi
các cô trước, đồng bào, chiến sĩ trước) học đã căng thẳng, nên Bác đề nghị tối
nay nghỉ học để Bác cháu ta nói chuyện vui”. Cả lớp vỗ tay hoan hô, không khí lớp
học sôi nổi hẳn lên.
Bác
hỏi: ''Trong các chú ở đây, ai đã đọc Tây Du Ký?''. Nhiều cánh tay giơ lên. Bác
nhìn thấy ông Tôn Quang Phiệt là nhà hoạt động cách mạng, người đã tham gia
sáng lập Đảng Tân Việt, bấy giờ là Tổng thư ký Uỷ ban Thường trực Quốc hội. Bác
mời ông Phiệt, đồng hương Nghệ An lên kể chuyện, nhưng yêu cầu chỉ được nói
trong 15 phút. Ông Phiệt mới “đi” được vài đoạn đã hết giờ, đành thú thực “kể vắn
tắt khó lắm'' và ông Phiệt ''trêu'' lại Bác: “xin mời Bác”.
Bác
cười, “thông cảm” rồi kể:
“Từ
khi loài người có đầu óc tư hữu thì sinh ra nhiều thói hư, tật xấu. Đường Tăng
là một vị chân tu, bản nhất tốt, có lòng nhân hậu, có tính khoan dung. Ông ta
muốn chống áp bức nhưng không có đường lối cách mạng dẫn đường. Tin vào sức mạch
cảm hoá của đạo Phật, nên ông tình nguyện đi lấy Kinh Phật để truyền bá. Sau 14
năm trời tức là qua 5.048 ngày đêm, thầy trò Đường Tăng vượt 18 vạn 8 ngàn dặm
đường, chịu đựng 81 tai ương để lấy được 55 bộ kinh gồm 5.048 quyển. Đó là pho
truyện dài, đấu tranh giữa thiện và ác, chính nghĩa và phi nghĩa. Còn có thể
tìm thấy ở Tây Du Ký nhiều vấn đề bổ ích nữa. Đường Tăng là một người có lập
trường kiên định, có bản lĩnh, tạo được cái “bất biến” để đối phó vời cái “vạn
biến”. Còn Tôn Ngộ Không vì không tu thành đạo được nên vẫn còn cái đuôi. Khi
Tôn Ngộ Không biến thành cái đình thì cái đuôi ở sau phải hoá phép làm cái cột
cờ. Bọn ma vương thấy lạ, tại sao cột cờ ở phía sau đình, phát hiện ra có đuôi
của Tề Thiên Đại Thánh nên không bị mắc lừa, không vào đình nữa, nên mưu của họ
Tôn bị thất bại …”.
Nghe
đến đây chúng tôi ''sợ'' quá. Quả là được nghe một bản ''tổng thuật'' giá trị về
Tây Du Ký. Biết chắc là Bác còn có cái gì đó nữa nên chờ. Bác nói tiếp: “Người
cách mạng chúng ta nếu không tu dưỡng thì cũng có phen có cái đuôi ấy, dù nhỏ sẽ
có ngày gây hậu quả khôn lường” … Cả lớp ngồi im…
Đến nay, câu chuyện Bác kể vẫn vẹn nguyên
tính thời sự và ý nghĩa giáo dục sâu sắc. Đối với mỗi người cán bộ Kiểm sát chúng ta, là thành viên của cơ quan bảo vệ pháp luật, thực hiện chức năng, nhiệm
vụ của ngành cũng là pho truyện dài về đấu tranh giữa thiện và ác, chính nghĩa
và phi nghĩa. Mỗi cá nhân đều là bản thể riêng, mang trong mình cả những ưu điểm
và khiếm khuyết, ai cũng có quyền mưu cầu 1 cuộc sống tốt đẹp, sung sướng hơn. Đặc
biệt trong bối cảnh hiện nay, khi sức cám dỗ của các lợi ích vật chất, tinh thần…
đều biến hóa đa dạng, khó lường, bủa vây mạnh mẽ, thì việc nhận diện, phòng
tránh và vượt qua, để hoàn thành đúng chức trách, nhiệm vụ được giao, phụ thuộc
rất nhiều vào bản lĩnh của mỗi cán bộ, Đảng viên. Nhìn rộng ra, một sự thật
đáng buồn là gần đây, đã có một bộ phận cán bộ, Đảng viên có biểu hiện đi xuống,
sai lệch về nhận thức, về việc giữ gìn phẩm chất cách mạng, vi phạm các quy định
của Đảng và Nhà nước. Do đó, để xây dựng và tăng cường “sức đề kháng” với những
mặt trái xã hội, không bị rơi vào nguy cơ “tự diễn biến, tự chuyển hóa”, hơn ai
hết, chính mỗi chúng ta cần cố gắng kiên định, thường xuyên, quyết tâm, rèn luyện
và tu dưỡng cả phẩm chất đạo đức lẫn năng lực chuyên môn, như lời dạy của Người.
Không phải là bắt chước, dập khuôn mà học tập theo tư tưởng, tấm gương của Bác,
lựa chọn cách thức phù hợp với hoàn cảnh, năng lực, điều kiện mỗi cá nhân mới
mang lại hiệu quả cao nhất, cũng như thầy trò Đường Tăng, có lập trường kiên định, có bản lĩnh, tạo được cái “bất biến'' để đối
phó với cái “vạn biến'', ắt có ngày sẽ thành công.
Đồng Thị Lan Anh,
Tổ tuyên truyền Đảng ủy cơ quan VKSND TP