Trên hành trình đi tìm ngọn cờ giải phóng dân tộc Việt Nam,
từ khi đến với lý luận của Chủ nghĩa Mác Lênin, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã luôn mơ
ước về một xã hội đại đồng, công bằng, bình đẳng, và theo suy nghĩ của người
thì chủ nghĩa xã hội chính là “một xã hội bình đẳng”. Công bằng xã hội là một
trong những đặc trưng mang tính nhân văn của chế độ xã hội chủ nghĩa.
Tuy nhiên, theo Bác công bằng không có nghĩa là cào
bằng, bình quân chủ nghĩa, tất cả đều như nhau, Người viết: “Con người có
trí tuệ, năng lực, thể chất khác nhau nên có cống hiến khác nhau, không nên có
tình trạng người giỏi, người kém, việc khó, việc dễ cũng công điểm như nhau. Công
bằng xã hội phải được hiểu thông qua bình đẳng xã hội, tức là mối quan hệ bình
đẳng giữa quyền lợi với nghĩa vụ, bình đẳng giữa người với người trong việc
thực hiện nghĩa vụ và hưởng thụ quyền lợi.
Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về sự công bằng thể hiện
rất sinh động, dễ hiểu thông qua nhiều câu chuyện, điển hình là chuyện “Ba
chiếc ba lô”:
Trong những ngày sống ở Việt Bắc, mỗi lần Bác đi công tác,
có hai đồng chí cán bộ đi cùng. Vì sợ Bác mệt, nên hai đồng chí định mang hộ ba
lô cho Bác, nhưng Bác nói:
Đi đường rừng, leo núi ai mà chẳng mệt, tập trung đồ vật cho
một người mang đi thì người đó càng chóng mệt. Cứ phân ra mỗi người mang một
ít.
Khi mọi thứ đã được phân ra cho vào 3 ba lô rồi, Bác còn hỏi thêm:
- Các chú đã chia đều rồi chứ?
Hai đồng chí trả lời:
- Thưa bác rồi ạ!
Ba người lên đường, qua một chặng, mọi người dừng chân, Bác
đến chỗ đồng chí bên cạnh, xách chiếc ba lô lên: - Tại sao ba lô của chú nặng
mà của Bác lại nhẹ?
Sau đó, Bác mở cả 3 chiếc ba lô ra xem thì thấy ba lô của
Bác nhẹ nhất chỉ có chăn, màn. Bác không đồng ý và nói: Chỉ có lao động thật sự
mới đem lại hạnh phúc cho con người.
Hai đồng chí kia lại phải san đều các thứ vào 3 chiếc ba lô.
Khi nói đến công bằng xã hội tại kỳ họp Hội đồng Chính phủ
cuối năm 24/12/1966 Người chỉ rõ:
Trong công tác lưu thông phân phối có hai điều quan trọng
luôn phải nhớ:
“Không sợ thiếu chỉ sợ không công bằng
Không sợ nghèo chỉ sợ lòng dân không yên”
Trong phân phối công bằng theo Người là: “Làm nhiều hưởng
nhiều, làm ít hưởng ít, không làm thì không được hưởng”. Đây cũng là nguyên tắc
phân phối công bằng cơ bản trong điều kiện nước ta hiện nay. Do đó, sự bình
đẳng của những người lao động trong mối quan hệ giữa nghĩa vụ và quyền lợi, mà
cụ thể là sự ngang bằng nhau về địa vị làm chủ nước nhà, làm chủ tư liệu sản
xuất, bảo đảm cho mỗi người đều có thể phát huy mọi khả năng của mình để
vươn tới một cuộc sống ấm no hạnh phúc.
Trong quan điểm Hồ Chí Minh, công bằng và bình đẳng là một
mục tiêu của sự nghiệp xây dựng chế độ xã hội mới. Bên cạnh đó, Người rất chú
trọng đến điều kiện để thực hiện công bằng xã hội đó là lợi ích cá nhân, nhằm
động viên mỗi người không ngừng phấn đấu, cống hiến nhiều nhất cho xã hội, đồng
thời đấu tranh chống lại chủ nghĩa cá nhân.
Như vậy, Hồ Chí Minh đã có quan điểm về công bằng xã hội khá
toàn diện và sâu sắc. Người khẳng định công bằng xã hội là mục tiêu của chủ
nghĩa xã hội mà chúng ta cần phải vươn tới. Thực chất của công bằng xã hội theo
Người là không gì khác ngoài mối quan hệ giữa giữa cống hiến và hưởng thụ. Công
bằng xã hội phải được thể hiện đầy đủ trong việc giải quyết quan hệ giữa phát
triển kinh tế và giải quyết những vấn đề xã hội, giải quyết
hài hòa giữa quyền lợi và nghĩa vụ của mỗi người. Công bằng xã hội là
trách nhiệm chung của nhà nước, của toàn xã hội trong việc chăm lo, bảo vệ
quyền lợi của nhân dân và tạo ra điều kiện thuận lợi để nhân dân hoàn thành
nghĩa vụ, quyền lợi của mình đối với nhà nước và xã hội.
Những bài học kinh nghiệm mỗi cán
bộ, Đảng viên chúng ta tự rút ra thông qua nghiên cứu, học tập tư tưởng của Chủ
tịch Hồ Chí Minh về sự công bằng đó là:
Bác Hồ là người đứng đầu một nước nhưng Người luôn đặt mình
bình đẳng như bao người xung quanh. Cả cuộc đời vì dân, vì nước, Chủ tịch Hồ
Chí Minh đã gần như quên đi những gì thuộc về bản thân mình. Bác không đặt ra
một quyền lợi đặc biệt nào cho bản thân mà luôn ân cần quan tâm đến những điều
nhỏ nhoi, bình dị nhất của mọi người. Bác đã nêu một tấm gương sáng ngời cho
lớp lớp thế hệ cán bộ hôm nay, mai sau và mãi mãi. Đó là mình vì mọi
người, mọi người vì mình.
Ngày nay, mục tiêu “công bằng” theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ
Chí Minh đã được Đảng và Nhà nước ta xác định là mục tiêu hàng đầu để xây dựng
một xã hội “công bằng, dân chủ, văn minh”. Công bằng xã hội về cơ bản đã đạt được
nhiều thành tựu to lớn, nhưng ở đâu đó, ngay trong mỗi tập thể, mỗi cá nhân vẫn
còn tồn tại những suy nghĩ, những hành động theo sự “cào bằng”, bình quân chủ
nghĩa, chưa có sự đánh giá, nhìn nhận đúng đắn về công sức, thành tích và quyền
lợi có tình trạng người giỏi, người kém, việc khó, việc dễ cũng công điểm như
nhau. Đây chính là quan điểm Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cực lực phê phán.
Bởi vậy, vận dụng tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công
bằng xã hội, mỗi cán bộ, Đảng viên chúng ta phải tự rút ra cho mình phương pháp
tư duy và hành động đúng đắn. Mình vì mọi người, mọi người vì mình, đó là thông
điệp giản dị nhưng đầy sâu sắc mà Bác Hồ để lại cho chúng ta khi chúng ta nói
đến, nghĩ đến “công bằng xã hội”.
Nguyễn Diệu Trang, Tổ tuyên truyền Đảng ủy cơ quan VKSND TP