Kinh nghiệm xây dựng Kế hoạch thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra và đề ra yêu cầu điều tra trong vụ án Cố ý gây thương tích có đồng phạm
Theo quy định tại Khoản 6 Điều
165 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, quy định Kiểm sát viên có nhiệm vụ và
quyền hạn “Đề ra yêu cầu điều tra và yêu cầu Cơ quan điều
tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra tiến hành
điều tra để làm rõ tội phạm, người phạm tội”. Tại Điều 47, Điều 48 của Quy
chế công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra và truy
tố ban hành kèm theo Quyết định số 111/QĐ-VKSTC ngày 17/4/2020 của Viện trưởng
Viện kiểm sát nhân dân tối cao (gọi tắt là Quy chế 111) quy định: "1. Kiểm sát viên phải kịp thời trao đổi với Điều tra viên, Cán
bộ điều tra được phân công điều tra vụ án về những nội dung điều tra ngay từ
khi nhận được quyết định khởi tố vụ án hình sự và trong quá trình điều tra. Trường
hợp thấy có những vấn đề cần điều tra mà Điều tra viên chưa thực hiện thì Kiểm
sát viên phải đề ra yêu cầu điều tra. Yêu cầu điều tra có thể được thực
hiện nhiều lần, bằng lời nói trong trường hợp kiểm sát trực tiếp hoạt động điều
tra hoặc bằng văn bản. Yêu cầu điều tra phải nêu rõ ràng, cụ thể những vấn đề cần
điều tra, chứng cứ, tài liệu cần thu thập. Văn bản yêu cầu điều tra
được đưa vào hồ sơ vụ án, lưu hồ sơ kiểm sát…”
“Kiểm sát viên phải xây dựng kế hoạch thực hành quyền công
tố, kiểm sát điều tra (trường hợp áp dụng theo thủ tục rút gọn thì Kiểm
sát viên không cần thiết phải xây dựng kế hoạch thực hành quyền công tố, kiểm
sát điều tra), trình lãnh đạo đơn vị, lãnh đạo Viện phê duyệt. Nội
dung kế hoạch dự kiến các nhiệm vụ và hoạt động cụ thể, phân công thực hiện,
cách thức, lực lượng, thời gian thực hiện và các vấn đề khác có liên quan”.
Như vậy, việc xây dựng kế hoạch thực hành quyền
công tố, kiểm sát điều tra phù hợp với từng vụ án hình sự là hoạt động hết sức
cần thiết của mỗi Kiểm sát viên. Bởi lẽ, lập kế hoạch là việc lựa chọn mục tiêu
và chương trình hành động trong tương lai, giúp Kiểm sát viên xác định được
những công việc cần thực hiện nhằm đảm bảo đạt được các mục tiêu đã đề ra. Việc đề ra yêu cầu điều tra là định
hướng cụ thể cho quá trình thu thập chứng cứ và là một biện pháp hữu hiệu để
kiểm sát việc lập hồ sơ của Điều tra viên. Kiểm sát viên phải kịp thời trao đổi
với Điều tra viên được phân công điều tra vụ án về những vấn đề cần điều tra
ngay từ khi khám nghiệm hiện trường,kiểm sát việc khởi tố vụ án và trong quá
trình điều tra, bảo đảm phối hợp để Cơ quan điều tra nhanh chóng thu thập đầy
đủ các tài liệu, chứng cứ của vụ án.
Đơn vị xác định rõ việc "Xây dựng Kế hoạch
thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra và đề ra yêu cầu điều tra"trong
các vụ án hình sự, nhất là đối với vụ án Cố ý gây thương tích có đồng phạm là
yêu cầu bắt buộc đối với Kiểm sát viên khi thực hành quyền công tố, kiểm sát
điều tra.Trên cơ sở kế hoạch thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra đã giúp
cho Kiểm sát viên đề ra được nội dung, tiến độ, thời gian nghiên cứu hồ sơ, kế
hoạch kiểm sát việc lập hồ sơ, tham gia các hoạt động điều tra, dự kiến các
tình huống phát sinh trong quá trình điều tra để kịp thời báo cáo lãnh đạo viện
những vẫn đề phát sinh để chỉ đạo kịp thời. Việc đề rabản yêu cầu điều tra có
chất lượng, giúp ích rất nhiều cho Điều tra viên nhằm giải quyết vụ án một cách
khách quan, toàn diện và triệt để, góp phần hạn chế oan, sai, bỏ lọt tội phạm
hoặc phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung làm kéo dài thời gian giải quyết vụ án.
Để nâng cao chất lượng xây dựng bản Kế hoạch thực hành quyền công tố,
kiểm sát điều tra và đề ra yêu cầu điều tra trong các vụ án Cố ý gây thương
tích có đồng phạm, Viện kiểm sát nhân dân huyện Tiên Lãng chia sẻ một số kinh
nghiệm từ thực tiễn như sau:
- Thứ nhất: Xây dựng Kế hoạch thực hành quyền công tố và đề ra yêu
cầu điều tra từ khi kiểm sát việckhám nghiệm hiện trường.
Đối với vụ án Cố
ý gây thương tích nhất là các vụ án có đồng phạm, khám nghiệm hiện trường gây
án là một trong các hoạt động thu thập chứng cứ đặc biệt quan trọng trong việc
điều tra vụ án. Vì vậy, việc xây dựng kế hoạch THQCT và
KSĐT; đề ra Yêu cầu điều tra ngay khi tiếp nhận nguồn tin về tội phạm, tham gia
khám nghiệm hiện trường, tham gia ghi lời khai ban đầu của Kiểm sát viên với Điều
tra viên là cần thiết, bắt buộc KSV phải tham gia từ đầu. Kiểm sát viên được
lãnh đạo viện phân công kiểm sát việc khám nghiệm hiện trường phải thận trọng, tỉ mỉ, khách quan tránh bỏ sót hoặc hư hỏng dấu vết,
vật chứng trong quá trình khám nghiệm; việc thu giữ, bảo quản vật chứng phải yêu
cầu ĐTV thực hiện đúng phương pháp và tiến hành giám định ngay sau khi thu thập
để xác định dấu vết của tội phạm.Đáng lưu ý khi khám nghiệm KSV phải cầu ĐTV quan
sát, rà soát camera xung quanh khu vực hiện trường, thu thập ngay vật chứng của
vụ án, tránh việc tẩu tán, tiêu hủy vật chứng. Trước khi khám nghiệm hiện trường,
Kiểm sát viên cần yêu cầu Điều tra viên hoặc những người biết việc báo cáo sơ bộ
nội dung vụ việc, báo cáo sơ bộ tình hình về hiện trường, công tác bảo vệ hiện
trường để từ đó có phương pháp và yêu cầu định hướng phù hợp với Cơ quan điều
tra và lực lượng khám nghiệm hiện trường. Trường hợp
sau nhiều ngày kể từ khi xảy ra vụ án, mới tiến hành khám nghiệm hiện trường
thì Kiểm sát viên phải yêu cầu Cơ quan điều tra tiến hành xác định hiện trường
vụ việc theo lời khai của người tố giác, người biết việc, người liên quan để
làm căn cứ xác định vị trí, địa điểm xảy ra vụ án. Đối với hiện trường vụ
án Cố ý gây thương tích nhất thiết phải thu thập chứng cứ cẩn thận, tỉ mỉ ngay
từ đầu nếu để chậm có thể mất chứng cứ, dấu vết nên ngay khi khám nghiệm hiện trường yêu cầu
những người liên quan đến vụ án xác định ngay các vị trí, động tác, tư thế, lời
nói, hành động … của các đối tượng đồng phạm trong vụ án. Kiểm sát viên
được lãnh đạo viện phân công kiểm sát việc khám nghiệm hiện trường vụ án Cố ý
gây thương tích có đồng
phạm phải thu thập thông tin đồng phạm vai trò giúp sức đứng ở vị trí nào … để
từ đó yêu cầu ĐTV xác định rõ vị trí, khoảng cách với người thực hành, người
giúp sức.
Thứ hai: Kế hoạch thực
hành quyền công tố và đề ra yêu cầu điều tra khi kiểm sát thực nghiệm điều tra.
Thực nghiệm điều
tra là biện pháp điều tra được tiến hành thông qua các hoạt động dựng lại hiện
trường hoặc diễn lại hành vi trong điều kiện tương tự như điều kiện mà hành vi,
sự việc, hiện tượng cần kiểm tra, xác minh đã diễn ra trước đây để có cơ sở
khách quan kết luận về hành vi, sự việc, hiện tượng đó phục vụ công tác điều
tra, xử lý vụ án. Đối với các vụ án Cố ý
gây thương tích có đồng phạm thì việc thực nghiệm điều tra là rất cần thiết.
Khi kiểm sát thực nghiệm điều tra Kiểm sát viên bắt buộc phải nghiên cứu kế hoạch
thực nghiệm của Cơ quan điều tra, xây dựng kế hoạch kiểm sát thực nghiệm điều
tra, dự kiến các tình huống phát sinh trong khi thực nghiệm để báo cáo Lãnh đạo
viện cho quan điểm chỉ đạo.
Thứ ba: Kế hoạch thực
hành quyền công tố và đề ra yêu cầu điều tra khi kiểm sát việc nhận dạng.
Theo quy định tại Điều 190 BLTTHS thì khi cần thiết ĐTV có thể
đưa người, ảnh hoặc vật cho người làm chứng, bị hại hoặc bị can nhận dạng, tức
là sẽ cho họ trực tiếp nhìn, quan sát để họ chỉ ra có hay không người, vật, ảnh
mà họ đã nhìn thấy trước đó và xác định đúng người hoặc vật, ảnh mà họ đã nhìn
thấy trước đó hoặc trực tiếp nghe lại âm thanh, giọng nói để xác nhận đúng hay
không đúng. Điều luật quy định khi cần thiết, thì ĐTV tiến hành cho nhận dạng.
Tuy nhiên, trên thực tiễn đối với các vụ án cố ý gây thương tích có đồng phạm,
đơn vị chúng tôi đều yêu cầu KVS đều phải yêu cầu ĐTV tiến hành cho nhận dạng.
Đối với vụ án nêu trên khi tiến hành nhận dạng đã làm cơ sở để điều tra, khởi tố
đối với tất cả các bị can.
Thứ tư: Đề ra yêu cầu
điều tra, trực tiếp tiến hành một số hoạt động điều tra.
- Đề ra yêu cầu điều tra và yêu cầu CQĐT thực hiện. Yêu cầu
điều tra là hoạt động tố tụng quan trọng trong việc gắn chức năng công tố với
điều tra như tinh thần chỉ đạo của Nghị quyết 49/NQ-TW của Bộ chính trị, Chỉ thị 06/CT-VKSTC của
Viện trưởng Viện kiểm sát tối cao về tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt
động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra. Trong quá trình THQCT, kiểm
sát điều tra vụ án hình sự, KSV đề ra yêu cầu điều tra khi cần làm rõ về tội phạm,
người phạm tội và những vấn đề phải chứng minh trong vụ án hoặc để hoàn thiện
thủ tục tố tụng. Việc đề ra yêu cầu điều tra có ý nghĩa quan trọng đối với các
KSV trong quá trình kiểm sát giải quyết vụ án hình sự đối với tội Cố ý gây
thương tích, đây là quyền hạn theo tố tụng và cũng là trách nhiệm pháp lý của
các KSV. Đối với vụ án Cố ý gây thương tích có đồng phạm phần nhiều là vụ án phức
tạp và có nhiều tình tiết phải chứng minh, do đó yêu cầu điều tra cần phải được
thực hiện bằng văn bản để thể hiện rõ các nội dung yêu cầu điều tra sát với nội
dung vụ án, định hướng thu thập chứng cứ để làm rõ cấu thành tội phạm, những vấn
đề phải chứng minh trong vụ án.
Về phía CQĐT, Điều tra viên được phân công điều tra vụ án phải
thực hiện yêu cầu điều tra của KSV; nếu thấy cần thiết, Điều tra viên có thể
trao đổi với KSV để làm rõ những nội dung của yêu cầu điều tra. Trường hợp có nội
dung yêu cầu điều tra mà Điều tra viên không nhất trí thì Điều tra viên báo cáo
Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng CQĐT; KSV báo cáo Viện trưởng, Phó Viện trưởng VKS để
thống nhất về nội dung yêu cầu điều tra. Trường hợp CQĐT không thực hiện yêu cầu
điều tra của VKS hoặc đã tiến hành các hoạt động điều tra nhưng do trở ngại
khách quan mà không thể thực hiện được yêu cầu điều tra của VKS thì CQĐT phải
nêu rõ lý do trong bản kết luận điều tra.
- Trực tiếp tiến hành một số hoạt động điều tra trong trường
hợp cần thiết.
Qua thực tiễn khi thấy cần thiết bổ sung chứng cứ, tài liệu để
quyết định phê chuẩn hoặc ra các quyết định theo quy định của BLTTHS, hoặc khi
phát hiện có dấu hiệu oan, sai, bỏ lọt tội phạm thì VKS phải trực tiếp điều tra
nếu yêu cầu điều tra không được CQĐT thực hiện hoặc nếu có căn cứ xác định rằng
việc điều tra đó sẽ không được khách quan nếu giao cho CQĐT thực hiện. Quy định
này còn phù hợp với những chủ trương về cải cách tư pháp “không để lọt tội phạm và người phạm tội” và “tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với
hoạt động điều tra”
Khi THQCT trong giai đoạn điều tra, KSV có quyền tiến hành một
số hoạt động như: trực tiếp hỏi cung bị can trong trường hợp bị can kêu oan,
khiếu nại hoạt động điều tra hoặc có căn cứ xác định việc điều tra vi phạm pháp
luật hoặc trong trường hợp khác khi xét thấy cần thiết. Trực tiếp lấy lời khai
người làm chứng trong trường hợp xét thấy việc lấy lời khai của Điều tra viên
không khách quan hoặc có vi phạm pháp luật hoặc xét cần làm rõ chứng cứ, tài liệu
để quyết định việc phê chuẩn hoặc không phê chuẩn quyết định tố tụng của CQĐT
hoặc để quyết định việc truy tố. Tổ chức đối chất và thực nghiệm điều tra trong
trường hợp đã yêu cầu nhưng Điều tra viên không thực hiện hoặc khi thấy cần thiết
để thu thập chứng cứ.
Ngoài ra, khi THQCT trong giai đoạn điều tra, VKS có quyền kiến
nghị với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền quản lý bị can tạm đình chỉ chức vụ của
bị can khi xét thấy khi bị can tiếp tục giữ chức vụ gây khó khăn cho hoạt động
điều tra.
- Thứ năm: Thực hành quyền công tố trong việc áp dụng, thay đổi, hủy bỏ
các biện pháp ngăn chặn.
Biện pháp ngăn chặn là
những biện pháp cưỡng chế trong TTHS được áp dụng đối với bị can, bị cáo hoặc đối
với người chưa bị khởi tố (trong trường hợp giữ người trong trường hợp khẩn cấp
hoặc phạm tội quả tang) nhằm ngăn chặn kịp thời hành vi phạm tội của họ, ngăn
ngừa họ tiếp tục phạm tội, trốn tránh pháp luật hoặc cản trở việc điều tra,
truy tố, xét xử hoặc nhằm bảo đảm việc thi hành án.
VKS có trách nhiệm bảo
đảm các các hoạt động điều tra, các biện pháp ngăn chặn, các biện pháp tư pháp
áp dụng đối với người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, bị can, bị cáo được tuân thủ
đúng quy định của pháp luật. VKS vừa là cơ quan có quyền quyết định áp dụng các
biện pháp ngăn chặn đồng thời cũng là cơ quan kiểm sát việc áp dụng các biện
pháp ngăn chặn của CQĐT để bảo vệ quyền con người, quyền công dân, quyền và lợi
ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, bảo đảm việc áp dụng các biện pháp này là hợp
pháp và cần thiết. Thông
qua việc phê chuẩn, VKS có thể ngăn chặn những hoạt động xâm phạm các quyền
công dân không được pháp luật cho phép; ngăn ngừa sự lạm quyền, lạm dụng các biện
pháp cưỡng chế của CQĐT. Trong giai đoạn điều tra, hầu hết các quyết định tố tụng
của CQĐT đều phải được VKS phê chuẩn, trừ những trường hợp đặc biệt mà nếu chờ
sự phê chuẩn của VKS thì việc thực hiện các quyết định đó sẽ có khả năng không
thực hiện được. Ngoài quyết định phê chuẩn, không phê chuẩn các lệnh, quyết định
áp dụng các biện pháp ngăn chặn của CQĐT thì VKS còn có thẩm quyền trực tiếp áp
dụng, thay đổi, hủy bỏ một số biện pháp ngăn chặn ở giai đoạn điều tra khi thấy
không còn cần thiết hoặc trong các trường hợp có quyết định không khởi tố vụ án
hình sự hoặc có quyết định đình chỉ đối với vụ án, đối với bị can. Đối với những
biện pháp ngăn chặn do VKS phê chuẩn trong giai đoạn điều tra thì việc hủy bỏ
hoặc thay thế các biện pháp này phải do VKS quyết định.
Tuy nhiên, khi "Xây dựng Kế hoạch thực hành quyền
công tố, kiểm sát điều tra và đề ra yêu cầu điều tra" đối với các vụ án Cố ý gây
thương tích có đồng phạm, đơn vị thấy còn một số khó khăn sau:
Một là: Tại
điểm b của Điều 134 BLHS về quy định “Dùng
a-xít nguy hiểm hoặc hóa chất nguy hiểm”. Đối với các vụ án gây thương tích
bằng a-xít trên thực tế thường gây hậu quả rất nghiêm trọng, vì không chỉ gây
ra thương tích cho nạn nhân mà còn gây tổn thương về tinh thần sâu sắc, hủy hoại
dung nhan…. Tuy nhiên, quy định về dùng a-xít nguy hiểm và hóa chất nguy hiểm lại
chưa được quy định cụ thể trong Bộ luật hình sự. Vậy như thế nào là a-xít, hóa
chất nguy hiểm? Xét tính nguy hiểm bằng việc đo hàm lượng a xít hay xác định
nơi bị thương tích như tạt a-xít? Trường hợp lấy hàm lượng a-xít để xác định
tính nguy hiểm mà khi không thu được a-xít để giám định hàm lượng thì xử lý như
thế nào?
Hai là: Về
quy định “người già yếu” tại điểm c khoản 1 Điều 134 BLHS. Người như thế nào là
người già yếu? Theo hướng dẫn tại tiểu mục 2.4 Mục 2 Nghị quyết số
01/2006/NQ-HĐTP ngày 12/5/2006 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao
thì “Người già” là người tử 70 tuổi trở lên, còn theo hướng dẫn tại điểm a, tiểu
mục 4.1 Mục 4 Nghị quyết số 01/NQ-HĐTP ngày 02/10/2007 của Hội đồng thẩm phán
Tòa án tối cao thì “Người quá già yếu” là người từ 70 tuổi trở lên hoặc người từ
60 tuổi trở lên nhưng thường xuyên đau ốm.
Thứ ba: Ngày
30/3/2015 Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hải Phòng đã ban hành mẫu kế hoạch
thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra vụ án hình sự kèm theo công văn số
134/VKS-P1A để áp dụng thống nhất trong toàn ngành kiểm sát Hải Phòng. Tại Điều
48 của Quy chế 111, quy định Kiểm sát viên phải xây dựng kế hoạch thực hành
quyền công tố, kiểm sát điều tra, nhưng chưa có mẫu ban hành kèm theo quy chế. Một
số Kiểm sát viên chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng và ý nghĩa của Kế hoạch,
yêu cầu điều tra, nên việc xây dựng kế hoạch kiểm sát điều tra và đề ra yêu
cầu điều tra, còn mang tính đối phó, hình thức.
Để nâng cao chất lượng xây dựng
bản Kế hoạch thực hành quyền công tố,
kiểm sát điều tra và đề ra yêu cầu điều tra các vụ án nói chung, các vụ án Cố ý
gây thương tích có đồng phạm nói riêng chúng tôi kiến nghị, đề xuất một số nội dung sau:
1. Đề nghị Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hải Phòng kiến nghị
liên ngành trung ương sớm có văn bản hướng dẫn quy định về “a-xít nguy hiểm; hóa chất nguy hiểm”, khái
niệm về “Người già yếu”
2. Lãnh đạo đơn vị có trách nhiệm định hướng cho Kiểm sát viên xây
dựng kế hoạch thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra đối với vụ án theo
đúng hướng dẫn số 83/HD-VKS-P2 ngày 24/02/2016 của Viện kiểm sát nhân dân thành
phố Hải Phòng về việc thực hiện chuyên đề “kế hoạch thực hành quyền công tố
kiểm sát điều tra vụ án hình sự. Lãnh đạo viện phải cho quan điểm về tố tụng,
nội dung cụ thể từng vấn đề mà Kiểm sát viên đã xây dựng trong kế hoạch, cũng
như những nội dung liên quan đến vụ án mà Kiểm sát viên chưa dự kiến. Sau đó,
lãnh đạo viện có trách nhiệm lưu giữ 01 bản photo kế hoạch thực hành quyền công
tố và 01 bản yêu cầu điều tra của Kiểm sát viên để theo dõi, đôn đốc, kiểm tra
việc thực hiện.
3. Tại các cuộc giao ban hàng tháng, lãnh đạo đơn vị tiếp tục nhắc
nhở, đôn đốc kiểm sát viên trong việc xây dựng kế hoạch thực hành quyền công tố
kiểm sát điều tra và ban hành yêu cầu điều tra. Định kỳ 06 tháng, 01 năm tổ
chức đánh giá việc thực hiện chuyên đề tại đơn vị để khen thưởng, động viên kịp
thời Kiểm sát viên, chuyên viên thực hiện tốt, có tinh thần trách nhiệm trong
việc thực hiện chuyên đề.
4. Kiểm sát viên nêu cao tinh thần trách nhiệm trong việc nghiên cứu
hồ sơ, xây dựng kế hoạch thực hành quyền công tố, ban hành yêu cầu điều tracó
chất lượng, hiệu quả, tránh việc xây dựng kế hoạch thực hành quyền công tố, kiểm
sát điều tra và đề ra yêu cầu điều tra một cách đối phó, thụ động, hình thức.
Phạm Quốc Uy – Phó viện trưởng
VKSND huyện Tiên Lãng, Hải Phòng