Ảnh minh họa
Điểm a khoản 1 Điều 23 Nghị
quyết số 326 quy định:
“Người bị kết án phải
chịu án phí hình sự sơ thẩm”.
Khoản 2 Điều 23 Nghị
quyết số 326 quy định cụ thể về từng đối tượng có nghĩa vụ chịu án phí phúc thẩm trong VAHS, có thể hiểu tóm tắt là người kháng cáo
không được chấp nhận kháng cáo của mình (hoặc người được họ đại diện) thì phải
chịu án phí hình sự phúc thẩm, còn kháng cáo được chấp nhận thì không phải chịu
án phí hình sự phúc thẩm.
Điểm đ khoản 1 Điều
12 Nghị quyết số 326 quy định về đối tượng được miễn
nộp tiền tạm ứng án phí, án phí, tạm ứng lệ phí tòa án, lệ phí tòa án gồm:
“đ) Trẻ em; cá nhân thuộc hộ nghèo,
cận nghèo; người cao tuổi; người khuyết tật; người có công với cách mạng; đồng
bào dân tộc thiểu số ở các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn;
thân nhân liệt sĩ được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận
gia đình liệt sĩ”.
Điều 1 Luật trẻ em 2016 và Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ
em quy định: trẻ em là công dân dưới 16 tuổi.
Như vậy, án phí trong vụ án hình sự, tuyên xử đối với người chưa
thành niên phạm tội, sẽ chia thành 02 trường hợp:
- Người chưa thành niên phạm tội từ đủ 14 tuổi đến dưới
16 tuổi thì được miễn nộp án phí (cả dân sự và hình sự).
- Người chưa thành niên phạm tội từ đủ 16 tuổi đến dưới
18 tuổi thì không được miễn án phí.
Khoản 2 Điều 586 Bộ luật Dân sự năm 2015 lại
quy định: “Người chưa đủ mười lăm tuổi gây thiệt hại mà còn cha,
mẹ thì cha, mẹ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại; nếu
tài sản của cha, mẹ không đủ để bồi thường mà con chưa thành niên gây thiệt hại
có tài sản riêng thì lấy tài sản đó để bồi thường phần còn thiếu, trừ trường hợp
quy định tại Điều 599 của Bộ luật này. Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười
tám tuổi gây thiệt hại thì phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu
không đủ tài sản để bồi thường thì cha, mẹ phải bồi thường phần
còn thiếu bằng tài sản của mình”.
Theo quy định này, khi giải quyết VAHS do người dưới mười tám tuổi
thực hiện mà phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, Tòa án
sẽ buộc cha, mẹ của người phạm tội chịu nghĩa vụ bồi thường chính và buộc người
phạm tội thực hiện nghĩa vụ bồi thường bổ sung phần còn thiếu (trường hợp người
phạm tội từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi) hoặc ngược lại (trường hợp
người phạm tội chưa đủ mười lăm tuổi).
Vấn đề đặt ra là, đối với án phí (cả dân sự và hình sự), cha,
mẹ của người chưa thành niên phạm tội từ đủ 16 tuổi đến dưới
18 tuổi, có phải liên đới chịu trách nhiệm như quy định về bồi
thường thiệt hại hay không?
Ví dụ:
Ngày 12/5/2020, Nguyễn Văn A (sinh ngày 12/4/2004) trộm cắp tài sản của ông Đào
Văn B số tiền 150 triệu đồng (khi phạm tội A mới 16 tuổi 01 tháng). A bị Tòa án
tuyên xử phạt về tội Trộm cắp tài sản theo khoản 2 Điều 173 BLHS năm 2015. Về
trách nhiệm dân sự, Tòa án tuyên: buộc Nguyễn Văn A phải có trách nhiệm bồi thường
cho ông Đào Văn B số tiền 150 triệu đồng, trường hợp, bị cáo Nguyễn Văn A không
có tài sản hoặc không đủ tài sản để bồi thường đủ số tiền trên thì ông Nguyễn
Văn C (bố đẻ của A) phải tiếp tục bồi thường cho ông Đào Văn B cho đến khi đủ số
tiền 150 triệu đồng. Án phí dân sự sơ thẩm cần phải nộp cho Nhà nước trong trường
hợp này là 6.500.000 đồng.
Hiện nay, pháp luật chưa có quy định hoặc hướng dẫn cụ thể về vấn
đề án phí trong trường hợp này, nên trong thực tiễn thực hiện nhiệm vụ vẫn có
02 quan điểm giải quyết khác nhau như sau:
Quan
điểm thứ nhất cho rằng, khoản tiền án phí hình sự phải nộp không chỉ
có ý nghĩa để cấn trừ chi phí mà Nhà nước bỏ ra giải quyết vụ án, mà nó còn là
chế tài để buộc người phạm tội tôn trọng pháp luật và người yêu cầu xem xét
trách nhiệm hình sự - loại trách nhiệm pháp lý cao nhất, phải cẩn trọng trong
việc yêu cầu. Theo đó, căn cứ điểm a khoản 1, khoản 2
Điều 23 Nghị quyết số 326, người chưa thành niên phạm tội từ đủ
16 tuổi đến dưới 18 tuổi đã bị kết án, lại không thuộc
nhóm đối tượng được miễn án phí, nên phải chịu án phí hình sự sơ thẩm và án
phí hình sự phúc thẩm (trong trường hợp kháng cáo không được chấp nhận). Căn cứ
Điều 26 Nghị quyết số 326 và Khoản 2 Điều 586 Bộ luật Dân sự năm 2015,
trường hợp phát sinh trách nhiệm bồi thường mà người chưa thành niên phạm tội từ đủ
16 tuổi đến dưới 18 tuổi không có hoặc không đủ tài sản, thì cha,
mẹ mới thực hiện việc bồi thường thiệt hại, nhưng lại không quy định về việc
cha, mẹ phải nộp án phí dân sự. Đồng thời, vào thời điểm tuyên án, không thể biết
cha mẹ bị cáo có phải bồi thường hay không, nếu có thì là toàn bộ số tiền hay cụ
thể bao nhiêu nên không thể tuyên án phí dân sự sơ thẩm cho cha mẹ, bị cáo là
người bị tuyên trách nhiệm bồi thường chính nên vẫn phải nộp án phí dân sự. Như
ví dụ nêu trên, bị cáo Nguyễn Văn A phải chịu 200.000 đồng án phí hình sự sơ thẩm
và 6.500.000 đồng án phí dân sự sơ thẩm. Nếu A kháng cáo, không được Tòa án chấp
nhận, tuyên y án sơ thẩm thì cũng phải chịu khoản án phí phúc thẩm.
Quan
điểm thứ hai cho rằng, về nguyên tắc, người nào bồi thường thì đồng thời phải chịu án
phí dân sự sơ thẩm trong VAHS và phải chịu án phí dân sự phúc thẩm trong trường
hợp kháng cáo của họ hoặc người được họ đại diện không được chấp nhận. Theo đó,
người chưa thành niên phạm tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi
không có tài sản nên trách nhiệm bồi thường thuộc về cha, mẹ thì đồng thời cha,
mẹ phải có nghĩa vụ nộp án phí dân sự sơ thẩm trong vụ án đó. Trên nguyên tắc
pháp chế, để đảm bảo sự thống nhất trong thực thi pháp luật, trường hợp người chưa
thành niên phạm tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi bị kết
án, thì đồng thời cha, mẹ chịu án phí hình sự sơ thẩm và án phí phúc thẩm nếu
kháng cáo của bị cáo hoặc đại diện hợp pháp không được chấp nhận.
Cá nhân người viết đồng ý với quan điểm thứ hai, vì, ngoài những
lý do đã được phân tích ở trên, các quy định liên quan tới việc miễn án phí hoặc
trách nhiệm liên đới bồi thường của cha, mẹ đối với người chưa thành niên là một
trong những cách thể hiện chính sách khoan hồng của Nhà nước, phù hợp với nhiều
chế định khác đang được áp dụng với đối tượng đặc biệt này (quy định về loại
hình phạt, mức hình phạt, cách tính thời hạn xóa án tích…). Trên tinh thần
đó, người chưa thành niên phải trực tiếp chịu trách nhiệm hình sự là trách nhiệm
lớn nhất trước Nhà nước, đã đảm bảo mục đích răn đe, giáo dục, còn trách nhiệm
bồi thường và án phí được tuyên cho cha, mẹ sẽ đồng thời thể hiện việc gắn kết
trách nhiệm những người đại diện này trong thiếu sót về quản lý, giáo dục con
cái, góp phần để xảy ra việc phạm tội, gây thiệt hại. Bên cạnh đó, nếu tuyên
nghĩa vụ nộp án phí cho người đại diện của người chưa thành niên phạm tội như
đã nêu trên, cũng tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc tổ chức thi hành án,
tránh thất thu cho Nhà nước.
Tuy nhiên, có thể thấy việc tuyên án như trong ví dụ nêu trên đã
thể hiện việc chưa thẩm tra, đánh giá toàn diện khi giải quyết vụ án. Quá trình
điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự, các cơ quan tiến hành tố tụng phải có
trách nhiệm làm rõ về tình trạng tài sản,
thu nhập của bị can, bị cáo để xác định rõ chủ thể phải chịu trách nhiệm bồi
thường và án phí trong trường hợp này. Trừ những trường hợp chứng minh rõ ràng
bị cáo có thu nhập và tài sản riêng đảm bảo cho việc bồi thường và nộp án phí
thì sẽ tuyên cho bị cáo có nghĩa vụ thực hiện các khoản này. Còn lại, thực tiễn
cho thấy, đa số các bị cáo ở độ tuổi nêu trên, đều không có tài sản riêng, sống
phụ thuộc gia đình nên tại phiên tòa cần làm rõ và bản án nhận định về việc bị
cáo không có thu nhập, tài sản riêng để tuyên nghĩa vụ bồi thường và nộp án phí
cho cha, mẹ. Việc tuyên án như vậy, vừa thể hiện tính nhân văn trong chính sách
đối với người chưa thành niên phạm tội, vừa đảm bảo việc thi hành án được thuận
lợi, rõ ràng, tạo điều kiện tốt nhất cho việc bảo vệ quyền lợi cho Nhà nước, tổ
chức và người bị thiệt hại.
Trên đây là vấn đề thực tiễn xét xử đang có nhiều cách giải quyết
khác nhau, chưa có sự thống nhất, tác giả bài viết đưa ra để cùng trao đổi, rất
mong nhận được ý kiến của các đồng nghiệp để nâng cao thêm nhận thức.
Đồng Thị
Lan Anh – Phòng 7
VKSND thành phố Hải Phòng.