Trao đổi về bài viết “Vướng mắc trong xử lý đối với hành vi chế tạo trái phép thuốc pháo nổ để sản xuất pháo nổ”
Ngày 03/3/2021, trang tin điện tử của Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hải Phòng đăng bài viết của tổ tuyên truyền Viện kiểm sát nhân dân huyện An Lão, trao đổi về vướng mắc trong việc xử lý đối với hành vi chế tạo trái phép thuốc pháo nổ để sản xuất pháo nổ. Về một số tình huống cụ thể được đưa ra, cá nhân tôi có quan điểm giải quyết như sau:

Vụ án thứ nhất: Ngày 30/12/2020, A bị Cơ quan Công an bắt quả tang đang sản xuất vật nghi là pháo nổ. Cơ quan Công an đã thu giữ 110kg pháo thành phẩm, 03kg thuốc pháo nổ (theo kết luận giám định của Cơ quan chuyên môn) và tổng khối lượng 10kg nguyên liệu khác để sản xuất pháo nổ gồm giấy báo, giấy nilon, dây cháy chậm,... A khai mua các nguyên liệu gồm KClO3 (Kali clorat), Lưu huỳnh (thành phần bắt buộc có trong thuốc pháo), bột than hoa, giấy… để sản xuất pháo nổ.

A khai về quy trình chế tạo thuốc pháo nổ: A dùng chày, cối giã mịn than hoa, sau đó trộn đều bột mịn than hoa với lưu huỳnh và KClO3 với tỷ lệ: 01kg KClO3 + 200gam lưu huỳnh + 200gam bột mịn than hoa.

Chế tạo dây cháy chậm bằng cách dùng màng nilon bọc thực phẩm trải ra, đổ thuốc pháo nổ lên rồi dùng tay cuộn chặt màng nilon lại, vê thành dây cháy chậm.

Sản xuất pháo: A dùng giấy cuộn lại thành hình trụ rỗng ở giữa, lấy ngòi thuốc (dây cháy chậm) nhồi vào 01 đầu, sau đó đổ thuốc pháo vào trong ruột. Khi thuốc pháo gần đầy, A đổ cát vào đầu còn lại, đổ keo 502 vào cát, gắn kín đầu pháo. Cuối cùng, A cuộn giấy đỏ ra ngoài vỏ pháo và kết các quả pháo thành băng pháo.

Tôi không đồng tính với quan điểm thứ nhất bài viết khi cho rằng: “tính tổng khối lượng thuốc pháo nổ này cùng các nguyên liệu khác để sản xuất pháo nổ đã thu giữ của A để định khung đối với hành vi phạm tội của A về tội Sản xuất hàng cấm”. Bởi lẽ, Điều 190 Bộ luật hình sự (BLHS) chỉ quy định về đối tượng là pháo nổ thành phẩm, vì vậy, không có căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự (TNHS) về tội danh này đối với hành vi sản xuất các nguyên liệu khác để sản xuất pháo nổ.

Trong trường hợp này, theo quan điểm của người viết, hành vi A sản xuất 110kg pháo thành phẩm đủ cơ sở để truy cứu TNHS về tội “Sản xuất hàng cấm” theo quy định tại điểm g khoản 2 Điều 190 BLHS.

Đối với hành vi sản xuất ra 3,1kg thuốc pháo nổ thì bị truy cứu TNHS về tội “Chế tạo trái phép vật liệu nổ” theo quy định tại khoản 1 Điều 305 BLHS.

Đối với 10kg nguyên liệu khác để sản xuất pháo nổ gồm giấy báo, giấy nilon, dây cháy chậm…, căn cứ khoản 7 Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017, chỉ có thể xác định dây cháy chậm là vật liệu nổ. Tuy nhiên, để có cơ sở đánh giá, hành vi sản xuất ra dây cháy chậm của A có đủ yếu tố cấu thành tội “Chế tạo trái phép vật liệu nổ” theo quy định tại khoản 1 Điều 305 BLHS hay không, cần tiến hành đo đạc để xác định độ dài của dây cháy chậm. Bởi lẽ, đến nay Bộ luật hình sự chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể nhưng có thể vận dụng các quy định tại Thông tư liên tịch số 01/LN ngày 07/01/1995 của Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) - Viện kiểm sát nhân dân Tối cao - Tòa án nhân dân Tối cao (Mục III tiểu mục 1 điểm k) để xử lý. Theo quy định tại Mục 3, tiểu mục 1, điểm b Thông tư này, nếu dây cháy chậm có độ dài từ 500m đến 3000m thì đủ cơ sở khởi tố A về tội “Chế tạo trái phép vật liệu nổ” theo quy định tại khoản 1 Điều 305 BLHS, còn nếu độ dài dưới 500m thì không xử lý hình sự.

Vụ án thứ hai: A bị bắt quả tang khi cũng đang sản xuất pháo nổ (theo lời khai thừa nhận của A), nhưng chưa tạo ra pháo thành phẩm. Tất cả các nguyên liệu theo A khai dùng để sản xuất pháo nổ và được Cơ quan Công an thu giữ là 110kg gồm: Thuốc pháo nổ, dây cháy chậm, giấy màu,...

Cũng theo tinh thần trên, cần phân loại để định lượng cụ thể trọng lượng thuốc pháo nổ và độ dài dây cháy chậm trong số vật chứng thu giữ được. Nếu thuốc pháo nổ có trọng lượng từ 1kg trở lên, dây cháy chậm từ 500m trở lên thì đủ căn cứ truy cứu TNHS đối với A về tội “Tàng trữ trái phép vật liệu nổ” theo quy định tại Điều 305 BLHS. Nếu chứng minh được A có hành vi sử dụng các nguyên vật liệu để làm ra thuốc pháo nổ và dây cháy chậm thì khởi tố về tội “Chế tạo trái phép vật liệu nổ” còn chỉ chứng minh được A cất giấu số thuốc pháo nổ và dây cháy chậm trên (do mua, được cho…) để sản xuất pháo thì khởi tố về tội “Tàng trữ trái phép vật liệu nổ” theo quy định tại Điều 305 BLHS.

Tuy nhiên, đến nay, do chưa có hướng dẫn cụ thể về Điều 305 BLHS nên thực tiễn gặp phải nhiều vướng mắc và cách hiểu, áp dụng khác nhau trên nhiều địa phương. Quan điểm giải quyết của người viết là dựa trên hướng dẫn của những văn bản cũ, chưa bị thay thế, hủy bỏ. Tuy nhiên, chính những văn bản này cũng chưa hướng dẫn cụ thể như thế nào là “số lượng rất lớn”, “số lượng đặc biệt lớn” đối với các loại phụ kiện nổ.

Vì vậy, để có căn cứ pháp luật chính xác và áp dụng thống nhất, kiến nghị các Cơ quan có thẩm quyền cần hướng dẫn cụ thể:

- Khoản 1 của Điều 305 BLHS: quy định rõ khối lượng thuốc nổ là từ bao nhiêu đến dưới 10 kilôgam; phụ kiện nổ là bao nhiêu (thuốc phóng là bao nhiêu kilôgam; dây cháy chậm là bao nhiêu mét; kíp mìn, nụ xùy là bao nhiêu cái…);

- Các Khoản 2, 3, 4 Điều 305 BLHS: quy định rõ các loại phụ kiện nổ có số lượng lớn, rất lớn, đặc biệt lớn là bao nhiêu? (thuốc phóng là bao nhiêu kilôgam; dây cháy chậm là bao nhiêu mét; kíp mìn, nụ xùy là bao nhiêu cái…)

Trên đây là quan điểm cá nhân của người viết về vấn đề này, rất mong nhận được phản hồi của các đồng nghiệp để cùng trao đổi, nâng cao thêm nhận thức.

Đồng Thị Lan Anh, Phòng 7 VKSND TP

(·)



· Để các đồng chí tiện theo dõi, BBT đăng lại toàn văn bài viết của VKSND huyện An Lão:

Vướng mắc trong xử lý đối với hành vi chế tạo trái phép thuốc pháo nổ để sản xuất pháo nổ

Thông qua thực tiễn thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra các vụ án liên quan đến pháo nổ và thuốc pháo tại địa phương thời gian gần đây, chúng tôi thấy có những khó khăn, vướng mắc cần trao đổi với đồng nghiệp như sau:

Vụ án thứ nhất: Ngày 30/12/2020, A bị Cơ quan Công an bắt quả tang đang sản xuất vật nghi là pháo nổ. Cơ quan Công an đã thu giữ 110kg pháo thành phẩm, 03kg thuốc pháo nổ (theo kết luận giám định của Cơ quan chuyên môn) và tổng khối lượng 10kg nguyên liệu khác để sản xuất pháo nổ gồm giấy báo, giấy nilon, dây cháy chậm,... A khai mua các nguyên liệu gồm KClO3 (Kali clorat), Lưu huỳnh (thành phần bắt buộc có trong thuốc pháo), bột than hoa, giấy,… để sản xuất pháo nổ.

A khai về quy trình chế tạo thuốc pháo nổ: A dùng chày, cối giã mịn than hoa, sau đó trộn đều bột mịn than hoa với lưu huỳnh và KClO3 với tỷ lệ: 01kg KClO3 + 200gam lưu huỳnh + 200gam bột mịn than hoa.

Chế tạo dây cháy chậm bằng cách dùng màng nilon bọc thực phẩm trải ra, đổ thuốc pháo nổ lên rồi dùng tay cuộn chặt màng nilon lại, vê thành dây cháy chậm.

Sản xuất pháo: A dùng giấy cuộn lại thành hình trụ rỗng ở giữa, lấy ngòi thuốc (dây cháy chậm) nhồi vào 01 đầu, sau đỏ đổ thuốc pháo vào trong ruột. Khi thuốc pháo gần đầy, A đổ cát vào đầu còn lại, đổ keo 502 vào cát, gắn kín đầu pháo. Cuối cùng, A cuộn giấy đỏ ra ngoài vỏ pháo và kết các quả pháo thành băng pháo.

Giải quyết vụ án này về tội danh của A có 02 quan điểm:

Một là, hành vi của A chỉ cấu thành tội Sản xuất hàng cấm quy định tại Điều 190 Bộ luật Hình sự năm 2015. A đã làm ra pháo nổ thành phẩm với khối lượng thuộc phạm vi truy cứu trách nhiệm hình sự. Đối với việc còn thu giữ của A 03kg thuốc pháo nổ nhưng dùng để sản xuất pháo nổ, việc chưa làm thành pháo thành phẩm đối với khối lượng thuốc pháo nổ như trên là do nguyên nhân ngoài ý muốn chủ quan của A. Do đó, cần tính tổng khối lượng thuốc pháo nổ này cùng các nguyên liệu khác để sản xuất pháo nổ đã thu giữ của A để định khung đối với hành vi phạm tội của A về tội Sản xuất hàng cấm.

Hai là, hành vi của A cấu thành 02 tội là Sản xuất hàng cấm và Chế tạo trái phép vật liệu nổ, quy định tại Điều 190 và Điều 305 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Khoản 7 Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ quy định:

Vật liệu nổ là sản phẩm dưới tác động của xung kích thích ban đầu gây ra phản ứng hóa học nhanh, mạnh, tỏa nhiệt, sinh khí, phát sáng, tạo ra tiếng nổ, bao gồm:

a) Thuốc nổ là hóa chất hoặc hỗn hợp chất được sản xuất, sử dụng nhằm tạo ra phản ứng nổ dưới tác động của xung kích thích;

b) Phụ kiện nổ là kíp nổ, dây nổ, dây cháy chậm, mồi nổ, vật phẩm chứa thuốc nổ có tác dụng tạo xung kích thích ban đầu làm nổ khối thuốc nổ hoặc thiết bị chuyên dùng có chứa thuốc nổ”.

Khoản 1 Điều 3 Nghị định số 36/NĐ-CP ngày 15/4/2009 của Chính phủ về quản lý, sử dụng pháo quy định: Thuốc pháo nổ là hóa chất hoặc hỗn hợp hóa chất khi có tác động của các kích thích cơ, nhiệt, hóa, điện gây nên một phản ứng hóa học nhanh, nhạy, tỏa nhiệt, sinh khí và tạo ra tiếng nổ”.

Đồng thời, Thông tư liên tịch số 06/2008/TLTT-BCA-VKSNDTC-TANDTC ngày 25/12/2008 quy định: “Người nào… chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt thuốc pháo, thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội “chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ” quy định tại Điều 232 BLHS” (BLHS năm 1999).

Do đó, giữa Nghị định số 36/NĐ-CP ngày 15/4/2009, Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ và Thông tư liên tịch số 06/2008 thì đủ căn cứ xác định thuốc pháo nổ chính là vật liệu nổ, chế tạo thuốc pháo là chế tạo vật liệu nổ.

Đồng thời tại Bản giám định của Cơ quan giám định đã kết luận có thu giữ của A 03kg thuốc pháo nổ và các đoạn dây cháy chậm, A thừa nhận và khai ra cách thức làm, chế tạo thuốc pháo nổ và các đoạn dây cháy chậm này. Như vậy hành vi chế tạo trái phép thuốc pháo nổ, dây cháy chậm là hành vi chế tạo trái phép vật liệu nổ quy định tại Điều 305 Bộ luật Hình sự, quy định:

1. Người nào chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:…

b) Thuốc nổ các loại từ 10 kilôgam đến dưới 30 kilôgam;

c) Các loại phụ kiện nổ có số lượng lớn;…”.

Đối với hành vi sử dụng thuốc pháo nổ cùng các nguyên liệu khác để sản xuất thành pháo nổ thành phẩm sẽ cấu thành tội Sản xuất hàng cấm theo quy định tại Điều 190 Bộ luật Hình sự năm 2015, quy định:

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 232, 234, 244246, 248251253, 254304, 305306309 và 311 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:…

c) Sản xuất, buôn bán pháo nổ từ 06 kilôgam đến dưới 40 kilôgam;…

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:…

g) Pháo nổ từ 40 kilôgam đến dưới 120 kilôgam;…”.

Từ các căn cứ nêu trên, với hành vi của A là sản xuất 110kg pháo nổ (đã thành phẩm) và chế tạo trái phép 03kg thuốc pháo nổ (mặc dù A chế tạo thuốc pháo nổ để sản xuất pháo, nhưng chưa làm được pháo thành phẩm), phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội Sản xuất hàng cấm và Chế tạo trái phép vật liệu nổ, theo khoản 2 Điều 190 và khoản 1 Điều 305 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Vụ án thứ hai: A bị bắt quả tang khi cũng đang sản xuất pháo nổ (theo lời khai thừa nhận của A), nhưng chưa tạo ra pháo thành phẩm. Tất cả các nguyên liệu theo A khai dùng để sản xuất pháo nổ và được Cơ quan Công an thu giữ là 110kg gồm: Thuốc pháo nổ, dây cháy chậm, giấy màu,...

Có quan điểm cho rằng cần khởi tố A về tội Sản xuất hàng cấm theo Điều 190 Bộ luật Hình sự năm 2015, trường hợp này sẽ xem xét tình tiết “Phạm tội chưa đạt” theo Điều 15 Bộ luật Hình sự.

Quan điểm của chúng tôi đối với vụ án này: Đối chiếu với quy định tại Điều 190 Bộ luật Hình sự năm 2015 thì khối lượng để truy cứu trách nhiệm hình sự phải là “Pháo nổ” (tức là pháo thành phẩm) từ 06kg trở lên.

Cần phải lưu ý, việc kết luận thế nào là pháo nổ phải thuộc chuyên môn của Cơ quan giám định. Trong trường hợp chưa thu giữ được pháo thành phẩm thì liệu chỉ với các nguyên liệu như vậy, các cơ quan tố tụng có thể khẳng định các nguyên liệu đó có thể tạo ra “Pháo nổ” hay không? Và nếu không trải qua quy trình giám định gắt gao gồm cả việc “thử nghiệm” thì Cơ quan giám định có thể khẳng định các nguyên liệu đó có thể tạo ra “Pháo nổ” hay không khi mà đối tượng phạm tội không phải đối tượng sản xuất chuyên nghiệp? Do đó đối với vụ việc này, quan điểm truy cứu trách nhiệm hình sự đối với A về tội Sản xuất hàng cấm, với tình tiết “phạm tội chưa đạt” là chưa thuyết phục, đặc biệt giai đoạn hiện nay phải áp dụng nguyên tắc suy đoán vô tội theo Bộ luật Tố tụng hình sự.

Một vướng mắc nữa là khoản 2 Điều 17 Luật Tổ chức Cơ quan điều tra hình sự thì đối với tội phạm quy định tại khoản 1 Điều 305 Bộ luật Hình sự thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan An ninh điều tra Công an cấp tỉnh, nhưng Điều 268 Bộ luật Tố tụng hình sự thì thẩm quyền xét xử thuộc về Tòa án nhân dân cấp huyện, dẫn chiếu đến Điều 163 Bộ luật Tố tụng hình sự thì thẩm quyền điều tra vụ án đối với tội phạm này vẫn thuộc Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp huyện. Vậy thẩm quyền điều tra, truy tố, xét xử thuộc Cơ quan cấp nào đối với tội Chế tạo trái phép vật liệu nổ quy định tại Điều 305 Bộ luật Hình sự năm 2015, trong khi Bộ luật Tố tụng hình sự và Luật Tổ chức Cơ quan điều tra hình sự đều không có quy phạm hướng dẫn cụ thể về việc có áp dụng Luật chuyên ngành nếu có mâu thuẫn hay không? 

 


Ứng dụng hỗ trợ nghiệp vụ
Tin tức
Thông tin cần biết
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 0
  • Hôm nay: 509
  • Trong tuần: 3 922
  • Tổng lượt truy cập: 1894519
  • Tất cả: 1166

Trang thông tin điện tử: VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG - Cơ quan chủ quản: VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO
Địa chỉ: Lô 18A, Lê Hồng Phong, Hải An, TP Hải Phòng - Điện thoại: 02253.838308 - Fax: 02253.839072 - Email: vp_haiphong@vks.gov.vn
Trưởng ban biên tập: Phó Viện trưởng Lưu Xuân Sang
Số giấy phép: 03/GP-STTTT do Sở Thông tin và Truyền thông TP Hải Phòng cấp ngày 17 tháng 10 năm 2017 (Giấy phép có giá trị 10 năm)
Bản quyền thuộc về VKSND TP Hải Phòng - Thiết kế bởi VNPT | Quản trị

Chung nhan Tin Nhiem Mang