VKSND thành phố thí điểm tổ chức “Phòng họp không giấy”, phù hợp xu thế chuyển đổi số toàn cầu
Chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ
trọng tâm của ngành Kiểm sát nhân dân góp phần nâng cao năng lực quản lý, chỉ
đạo, điều hành và công tác chuyên môn nghiệp vụ theo hướng chuyên nghiệp, minh
bạch; góp phần tăng năng suất chất lượng lao động của mỗi cá nhân, đơn vị; đáp
ứng yêu cầu quản lý, điều hành của Ngành.
Chiều ngày 30/3/2023, Viện kiểm sát nhân dân thành phố tổ chức
Hội nghị “Tổng kết kết quả ứng dụng công nghệ thông tin năm 2022 và triển
khai nội dung đột phá năm 2023”, đã thực hiện thí điểm theo hình thức “phòng
họp không giấy”.
Trước hội nghị, Tổ giúp việc Ban chỉ
đạo ứng dụng công nghệ thông tin, thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành Kiểm sát Hải
Phòng chuẩn bị nội dung, tài liệu hội nghị, đăng tải dưới hình thức mã QR, chuyển đến các đơn vị để nghiên cứu và chuẩn
bị nội dung tham luận nhằm nâng cao chất lượng thảo luận và rút ngắn thời
gian Hội nghị.
Vào hội nghị, các đồng chí đại biểu quét mã QR do Ban Tổ
chức cung cấp để tham gia nhóm “Phòng họp” và thực hiện điền phiếu điểm danh.
Ban Tổ chức kiểm tra người tham dự qua các phiếu gửi điểm danh hiển thị
trong nhóm.
Đại biểu
quét mã QR tham gia nhóm “Phòng họp”
Tham dự và chỉ đạo Hội nghị, có đồng chí Lưu Xuân Sang – Phó
Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hải Phòng, Trưởng Ban Chỉ đạo ứng
dụng công nghệ thông tin, thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành Kiểm sát Hải
Phòng.
Tại Hội nghị, đồng chí Lưu
Xuân Sang đã nhấn mạnh về sự cần thiết phải tổ
chức Hội nghị theo mô hình mới. Từ những thành tựu về công nghệ thông tin của
các nước trên thế giới, trí tuệ
nhân tạo (AI) ngày càng được phổ biến và ứng dụng rộng rãi trong mọi
lĩnh vực của cuộc sống, với năng lực “tự học” của máy tính, có thể tự phán đoán, phân
tích trước các dữ liệu mới mà không cần sự hỗ trợ của con người, đồng thời có
khả năng xử lý dữ liệu với số lượng rất lớn và tốc độ cao. Ở Việt Nam, Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số được thành lập từ năm
2021, đặt mục tiêu từ năm 2022 đến năm 2025 triển khai 53 chỉ tiêu
hướng tới Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Trong
đó, các hoạt động
trọng tâm năm 2023 sẽ là dữ liệu số, là năm phát triển, kết nối, khai thác dữ
liệu để tạo ra giá trị mới. Tại Hải Phòng, dịch vụ công (DVC) trực tuyến
tăng trưởng mạnh; từ tháng 12/2022, người
dân và du khách có thể tìm hiểu về các con đường, công trình bằng cách quét
mã QR trên 2.800 biển hiệu của 450 tuyến phố; theo
xu hướng sống xanh, dự án xe đạp công nghệ với 39 trạm do UBND TP Hải Phòng bố trí trên
vỉa hè các quận Lê Chân, Hồng Bàng, Ngô Quyền. Để thuê xe, người dân cần tải ứng dụng về điện thoại,
đăng ký tài khoản, nạp tiền, di chuyển và trả xe tại trạm bất
kỳ trên thành phố. Trong hệ thống các cơ quan tư
pháp, Bộ Công an với vai trò là thường trực Đề án 06 của Chính phủ về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và
xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn
đến năm 2030;
phần mềm “Trợ lý ảo” của Tòa án nhân dân tối cao đã triển khai từ tháng 4/2022.
Trong ngành Kiểm sát nhân dân, để tạo chuyển biến tích cực trong việc tăng cường
ứng dụng công nghệ thông tin và thúc đẩy chuyển đổi số, Viện kiểm sát nhân dân
tối cao đã ban hành Chỉ thị số 03/CT-VKSTC ngày 17/5/2021, Quyết định số
359/QĐ-VKSTC ngày 02/12/2022 phê duyệt “Quy hoạch phát triển công nghệ thông
tin của ngành Kiểm sát nhân dân đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”,
trong đó đã nêu rõ các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp thực hiện.
“Phòng họp không giấy” là một nội dung
quan trọng cần phải thực hiện trong Kế hoạch thực hiện khâu đột phá của ngành
Kiểm sát Hải Phòng năm 2023; là sản phẩm có tính mới, sử dụng các phần mềm, tiện ích có sẵn (phần mềm Zalo, ứng
dụng Microsoft office Power Point), hệ thống cơ sở vật chất hiện có (các laptop
đã trang bị cho các đơn vị, điện thoại thông minh, máy tính bảng của cá nhân)
và nguồn nhân lực tại chỗ của của Viện kiểm sát hai cấp để tổ chức hội nghị mà
không phải đầu tư lớn về kinh phí. Thí điểm chuyển
đổi hình thức tổ chức hội nghị từ sử dụng văn bản, tài liệu giấy
sang sử dụng văn bản, tài liệu điện tử, làm việc trực tuyến trên môi trường máy
tính và thiết bị di động nhằm xây dựng phòng họp hiện đại. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, giảm
văn bản giấy tờ, rút ngắn thời gian chuẩn bị hội nghị, tiết kiệm phí, nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác quản lý, chỉ
đạo, điều hành.
Toàn cảnh Hội nghị
Đánh giá kết quả “tăng cường ứng
dụng công nghệ thông tin, thúc đẩy chuyển đổi số gắn liền việc bảo đảm an toàn,
an ninh thông tin mạng với công tác bảo vệ bí mật Nhà nước” năm 2022 trong
ngành Kiểm sát Hải Phòng, đồng chí Đào Thị Lan Phương – Phó Chánh Văn phòng khẳng
định những chỉ đạo, định hướng đúng của Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân thành
phố Hải Phòng trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động chuyên môn
nghiệp vụ, bước đầu đã tạo ra được phong trào sôi nổi trong toàn ngành và có được
một số sản phẩm chất lượng. Chỉ số ứng dụng công nghệ thông tin của ngành Kiểm
sát Hải Phòng đạt 995 điểm, tiếp tục là đơn vị dẫn đầu toàn Ngành. Ngoài những
kết quả đã đạt, Viện kiểm sát hai cấp ngành Kiểm sát Hải Phòng còn gặp nhiều
khó khăn, vướng mắc như: ngành Kiểm sát Hải Phòng hiện chỉ có 01 kỹ sư công nghệ
thông tin, nhưng do khối lượng công việc nhiều, trong cùng một thời điểm phải
thực hiện nhiều công việc khác nhau như công tác thống kê, phụ trách về kỹ thuật
trong tổ chức các hội nghị trực tiếp và trực tuyến, phụ trách công tác quản trị
mạng... nên chưa thực sự phát huy được năng lực trong việc nghiên cứu, ứng dụng
giải pháp, sáng kiến về công nghệ thông tin cho ngành. Hầu hết các cán bộ, Kiểm
sát viên của ngành đều không được đào tạo về công nghệ thông tin, mà tự nghiên
cứu, học tập để cập nhật và sử dụng các phần mềm của ngành nên chưa khai thác
được hết các tính năng và hiệu quả của phần mềm. Các chế độ, chính sách cho cán
bộ công nghệ thông tin chưa được chú trọng nên chưa phát huy được sự sáng tạo của
tất cả đội ngũ công chức, người lao động của ngành. Nguồn kinh phí được cấp và
hỗ trợ để mua sắm, trang bị cơ sở vật chất cho công tác ứng dụng công nghệ
thông tin còn bị hạn chế, không đủ để đầu tư nâng cấp về hạ tầng máy chủ, đường
truyền, về các biện pháp đảm bảo an toàn an ninh mạng..., làm ảnh hưởng không
nhỏ đến tiến trình ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số tại Viện kiểm
sát hai cấp.
Với những kết quả đã đạt được của
năm 2022, hội nghị đã biểu dương, vinh danh Viện kiểm sát nhân dân huyện An Dương và đồng chí Trần Trần
Đình Trường – Kỹ sư Công nghệ thông tin, Văn phòng tổng hợp Viện kiểm sát nhân
dân thành phố Hải Phòng đã có thành tích xuất sắc.
Đồng chí Nguyễn Thị Liên – Chánh
Văn phòng Viện kiểm sát nhân dân thành phố triển khai khâu đột phá năm 2023,
trong đó xác định các mục đích, yêu cầu và nhiệm vụ cụ thể để thực hiện có
hiệu quả Kế hoạch công tác năm 2023 của Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hải
Phòng cũng như triển khai chủ đề công tác “Đoàn kết - Kỷ cương - Liêm chính - Hiệu quả” và khâu đột phá “Thúc
đẩy ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động quản lý, chỉ
đạo, điều hành và chuyên môn, nghiệp vụ”. Nâng cao chất lượng ứng dụng
công nghệ thông tin và chuyển đổi số vào các hoạt động quản lý, chỉ đạo, điều
hành và chuyên môn, nghiệp vụ để từ đó giảm thời gian làm
việc, tăng chất lượng, hiệu quả công việc. Đáp ứng yêu cầu
phát triển, hội nhập quốc tế, theo lộ trình tiếp cận với cuộc Cách mạng công
nghiệp 4.0 và các yêu cầu của ngành Kiểm sát nhân dân.
Hội nghị thực hiện việc đăng ký phát biểu tham luận bằng Google form theo
hướng dẫn của Ban Tổ chức. Phát huy vai trò, trách nhiệm của các đơn vị tham dự,
tất cả các đơn vị đều tích cực gửi bài tham luận có chất lượng. Tại hội nghị có
06 đơn vị gồm An Dương, Dương Kinh, Kiến Thụy, Phòng 3, Phòng 10 và Chi đoàn
thanh niên cơ quan Viện kiểm sát nhân dân thành phố phát biểu tham luận. Các
phát biểu đều được chuẩn bị tâm huyết và trình chiếu bằng ứng dụng Xmind, Power
Point với nội dung hữu ích áp dụng trong hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ. Cùng
với những thảo luận, giải đáp, quyết định của đồng chí chủ trì hội nghị, phần
thảo luận trở lên sôi nổi hơn so với những hội nghị được tổ chức theo hình thức
truyền thống.
Đại biểu phát biểu
tham luận
Trước khi kết thúc hội nghị, để có căn cứ đánh giá chất lượng
Hội nghị nhằm tiếp tục nghiên cứu, phát triển, nhân rộng việc áp
dụng các giải pháp, ứng dụng tổ chức “Phòng họp không giấy”, hội nghị biểu
quyết đánh
giá chất lượng theo 03 mức: Tốt, Đạt và Chưa đạt, trong đó 70,7% đại biểu bình
chọn Hội nghị đạt chất lượng “Tốt”; 26,3% “Đạt” và 3% đánh giá “Chưa đạt”.
Biểu đồ biểu quyết
chất lượng cuộc họp của Hội nghị
Đồng chí Lưu Xuân
Sang phát biểu kết luận và Bế mạc Hội nghị
Sau ½ ngày làm việc khẩn trương, sôi nổi, nghiêm túc, phát biểu kết luận
và bế mạc Hội nghị, đồng chí Lưu Xuân Sang – Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân
dân thành phố biểu dương các đồng chí thuộc
Ban tổ chức hội nghị đã rất sáng tạo, quyết tâm vượt mọi khó khăn để phối hợp tạo
được một chương trình thành công. Đồng thời, đồng chí cũng yêu cầu các đơn vị Viện kiểm
sát hai cấp tập trung triển khai nghiêm túc, có chất lượng các nhiệm vụ
đã được phân công, đảm bảo thực hiện
có hiệu quả nhiệm vụ phát triển công nghệ thông tin và chuyển đổi số của
Ngành Kiểm sát nhân dân năm 2023 và
những năm tiếp theo.
Tổ giúp việc Ban chỉ đạo ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong
ngành Kiểm sát Hải Phòng