Đại biểu Lương Văn Thành thảo luận về dự thảo Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi) tại phiên họp thứ 10 - Quốc hội XIII chiều ngày 26/10/2015

      Ngày 24/10/2015, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, nghe Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý trình bày Báo cáo của Ủy ban thường vụ Quốc hội về giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi). Sau đó, Quốc hội đã thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi). Đại biểu Quốc hội Lương Văn Thành (Đoàn Hải Phòng) đã phát biểu ý kiến. Toàn văn clip phát biểu được đăng tải tại đây: http://www.dailymotion.com/video/x3bfuz3

 

Đại biểu Quốc hội Lương Văn Thành phát biểu ý kiến thảo luận tại hội trường

       Kính thưa Chủ tọa kỳ họp,

      Kính thưa Quốc hội,

      Để góp phần hoàn thiện Bộ luật Tố tụng dân sự, tôi xin tham gia một số ý kiến:

      Thứ nhất, về vị trí của Viện Kiểm sát nhân dân, từ sáng đến bây giờ có rất nhiều các đại biểu đã phát biểu ý kiến về nội dung này và đại đa số đều thống nhất với tiếp thu của Ủy ban thường vụ Quốc hội đó là khẳng định Viện Kiểm sát nhân dân tiếp tục giữ vai trò là cơ quan tiến hành tố tụng. Tôi cũng là một trong những ý kiến trong đa số đó, tôi cho rằng việc quy định như vậy hoàn toàn phù hợp với lý luận cũng như thực tiễn đang đặt ra. Viện Kiểm sát nhân dân hiện nay vẫn làm tốt công tác của mình, đó là công tác thực hành quyền công tố và kiểm soát hoạt động tư pháp. Trong quá trình kiểm soát giải quyết các vụ án dân sự, Viện Kiểm sát nhân dân thực hiện việc kết luận giải quyết vụ án và kết luận việc tuân theo pháp luật của những người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng.

      Một nhiệm vụ nữa đó là khi mà bản án quyết định có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì Viện Kiểm sát nhân dân thực hành quyền kháng nghị của mình, như vậy Viện Kiểm sát nhân dân tham gia cùng với Tòa án để giải quyết vụ án. Vì vậy, việc khẳng định Viện Kiểm sát nhân dân là cơ quan tiến hành tố tụng tôi thấy hoàn toàn phù hợp với lý luận, cũng như phù hợp với thực tiễn hiện nay.

      Nội dung thứ hai, về nguyên tắc Tòa án không được từ chối vụ việc dân sự vì chưa có luật áp dụng. Tôi hoàn toàn nhất trí với nguyên tắc này, bởi lẽ Tòa án trong thời gian trước đây có một số vụ việc không có điều luật áp dụng. Do vậy, phải trả lại đơn dẫn đến những việc khiếu kiện kéo dài vì không có cơ sở pháp luật. Việc Tòa án quy định phải thực hiện, thụ lý các vụ việc này cũng giải quyết những vướng mắc trong đời sống nhân dân. Việc giải quyết này khi không có luật, Bộ luật dân sự đã định hướng áp dụng luật tương tự, áp dụng tập quán cũng như lẽ công bằng. Điều này không mâu thuẫn gì với nguyên tắc pháp quyền. Bởi vì pháp luật quy định cho phép được áp dụng việc này. Rõ ràng Tòa án cũng như các cơ quan nhà nước đều được thực hiện việc áp dụng về tập quán, án lệ. Như thế giải quyết được những vấn đề phát sinh trong thực tiễn.

      Về trường hợp Viện Kiểm sát nhân dân tham gia phiên tòa sơ thẩm tại dự thảo vẫn được tiếp thu thì Viện Kiểm sát nhân dân giữ lại nhiệm vụ của mình theo Điều 21, đó là tham gia các phiên tòa do Tòa án thu thập chứng cứ. Hoặc đối tượng tranh chấp đó đất đai, lợi ích công. Hoặc một hoặc các bên bị yếu thế. Có bổ sung thêm Khoản 2, Điều 4, đó là những việc mà tòa án thụ lý nhưng chưa có luật áp dụng thì Viện Kiểm sát nhân dân cũng nên tham gia. Bởi lẽ đối với những vụ việc như vậy thường rất khó. Ví dụ chưa có luật áp dụng thì phải thực hiện theo tập quán, theo án lệ cũng như theo lẽ công bằng. Cần phải bổ sung vai trò của Viện Kiểm sát nhân dân sẽ tham gia nhiệm vụ này, trong dự thảo đã tiếp thu nội dung này, tôi thấy hoàn toàn nhất trí.

      Nội dung thứ tư, về phát biểu quan điểm của Viện Kiểm sát nhân dân tại phiên tòa sơ thẩm. Cũng như đã phân tích ở trên, Viện Kiểm sát nhân dân với vai trò là cơ quan tố tụng, do vậy tại phiên tòa Viện Kiểm sát nhân dân cần phải phát biểu quan điểm về giải quyết vụ án. Thứ hai nữa là phát biểu quan điểm chấp hành pháp luật của các bên tham gia thi hành tố tụng. Do vậy, trong dự thảo tôi đề nghị chúng ta làm rõ. Hiện nay có dấu \",\" tức là \"giải quyết vụ án, và chấp hành pháp luật. Tôi đề nghị thay dấu \",\" đó bằng chữ \"và". \"Viện Kiểm sát nhân dân tại phiên tòa sơ thẩm có thẩm quyền phát biểu về hướng giải quyết vụ án và việc chấp hành pháp luật\", như thế rõ ràng hơn để sau này đỡ phải hướng dẫn.

      Về phát biểu quan điểm của Viện Kiểm sát nhân dân tại phiên tòa như vậy, tôi nghĩ ràng không tăng thêm biên chế của Viện Kiểm sát nhân dân, không kéo dài thời gian. Thêm một kênh thông tin, một nguồn dữ liệu để cho hội đồng xét xử trước khi nghị án có thêm một kênh. Nếu đúng pháp luật rồi thì Tòa án, Hội đồng xét xử chấp nhận, nếu không đúng thì hội đồng xét xử hoàn toàn có thể bác. Điều đó không ảnh hưởng khách quan đến tính độc lập của tòa án, đề nghị nên để Viện Kiểm sát nhân dân tham gia. Hiện nay trong dự thảo này đã được ghi nhận Viện Kiểm sát nhân dân tại phiên tòa sơ thẩm phát biểu quan điểm về mặt giải quyết vụ án và thi hành pháp luật.

      Nội dung thứ năm, đó là quyền thu thập chứng cứ của Viện Kiểm sát nhân dân. Tôi cho rằng Viện Kiểm sát nhân dân có chức năng, nhiệm vụ đó là kháng nghị. Khi đã kháng nghị thì phải có quyền thu thập chứng cứ và yêu cầu các đương sự có chứng cứ, chúng ta chỉ giải quyết một đơn bình thường thì chúng ta cũng phải xuống cơ sở chúng ta cũng phải xác minh, thu thập chứng cứ, huống chi đây là quyết định kháng nghị một bản án, một quyết định của tòa án, rõ ràng phải có quyền thu thập chứng cứ, đánh giá chứng cứ. Như vậy mới đảm bảo sự khách quan, đảm bảo độ chính xác. Quyền kháng nghị này giúp cho việc giải quyết các vụ án, khắc phục được những sai lầm, khắc phục được thiết sót trong quá trình giải quyết vụ án. Do vậy, không những chỉ ở giai đoạn giám đốc thẩm, tái thẩm mà ngay giai đoạn sơ thẩm Viện kiểm sát vẫn tiếp tục được có quyền thu thập chứng cứ mới đảm bảo kháng nghị phúc thẩm của Viện Kiểm sát nhân dân khách quan và toàn diện. Việc này không tăng biên chế, không tăng thời gian, không tăng một cái gì cả, chỉ làm có lợi. Tôi nghĩ những gì có lợi cho nhân dân, cái gì có lợi đảm bảo cho vụ án giải quyết được khách quan thì chúng ta nên ủng hộ. Tôi đề nghị tiếp tục xác định Viện Kiểm sát nhân dân là cơ quan tiến hành tố tụng thì cũng tiếp tục đề nghị với Viện Kiểm sát nhân dân có quyền của mình đó là quyền thu thập và đánh giá chứng cứ.

      Nội dung thứ sáu, về thẩm quyền Hội đồng xét xử giám đốc thẩm. Tôi nhất trí với dự thảo đó là Hội đồng xét xử giám đốc có quyền được sửa một phần hoặc toàn bộ bản án nếu như chứng cứ rõ ràng, không cần phải có điều tra, bổ sung xác minh thêm. Điều này tiết kiệm được kinh phí, tiết kiệm thời gian, đỡ bị hủy điều tra lại từ đầu, giúp cho dân.

      Nội dung cuối cùng, đó là án phí giám đốc thẩm. Trong dự thảo xác định xác định không thu án phí giám đốc thẩm, nhưng hiện nay việc giám đốc thẩm rất nhiều và tràn lan, nhiều đơn đề nghị giám đốc thẩm mang tính chất cầu may, nhiều đơn đề nghị giám đốc thẩm để kéo dài thời gian thi hành án để có lợi, do vậy tôi đề nghị phải tạm ứng tiền giám đốc thẩm, còn nếu đúng thì dân không phải nộp, nếu sai thì người đề nghị kháng nghị sai đó phải chịu trách nhiệm./.

Đại biểu Quốc hội Lương Văn Thành

Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng


Ứng dụng hỗ trợ nghiệp vụ
Tin tức
Thông tin cần biết
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1

Trang thông tin điện tử: VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG - Cơ quan chủ quản: VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO
Địa chỉ: Lô 18A, Lê Hồng Phong, Hải An, TP Hải Phòng - Điện thoại: 02253.838308 - Fax: 02253.839072 - Email: vp_haiphong@vks.gov.vn
Trưởng ban biên tập: Phó Viện trưởng Lưu Xuân Sang
Số giấy phép: 03/GP-STTTT do Sở Thông tin và Truyền thông TP Hải Phòng cấp ngày 17 tháng 10 năm 2017 (Giấy phép có giá trị 10 năm)
Bản quyền thuộc về VKSND TP Hải Phòng - Thiết kế bởi VNPT | Quản trị

Chung nhan Tin Nhiem Mang