Đại biểu Quốc hội Lương Văn Thành thảo luận ở hội trường về dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi)

      Kính thưa Chủ tọa phiên họp,

      Kính thưa Quốc hội,

     Bộ luật Hình sự là một bộ luật lớn, đồ sộ, là công cụ sắc bén để bảo vệ chế độ, bảo vệ nhà nước, bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Tôi nhất trí cao về sự cần thiết phải sửa đổi toàn diện Bộ luật Hình sự và đánh giá cao những điểm mới trong dự thảo Bộ luật được sửa đổi lần này.

      Sau đây, tôi xin tham gia một số nội dung như sau:

Đại biểu Quốc hội Lương Văn Thành tại phiên thảo luận

      Thứ nhất, với nhận thức hình phạt không chỉ là trừng trị mà còn có tác dụng giáo dục, răn đe, phòng ngừa chung, xã hội càng phát triển, càng văn minh thì càng cần phải hạn chế án tử hình, đề cao hơn tính nhân đạo trong việc áp dụng các hình phạt tử hình này. Để đảm bảo tính răn đe và phòng ngừa cũng cần thiết phải quy định chặt chẽ các điều kiện cần thiết để giảm tù từ chung thân xuống tù có thời hạn.

      Về hình phạt tử hình, tôi thấy Nghị quyết số 49 ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 đã khẳng định chủ trương hạn chế áp dụng hình phạt tử hình theo hướng chỉ áp dụng đối với một số ít loại tội đặc biệt nghiêm trọng và kết quả tổng kết thực tiễn 14 năm thi hành Bộ luật Hình sự năm 1999. Tôi nhất trí với nội dung trong dự thảo bộ luật là quy định chặt chẽ các điều kiện áp dụng hình phạt tử hình nhằm thu hẹp phạm vi áp dụng hình phạt này. Theo đó hình phạt tử hình chỉ được áp dụng đối với một số đối tượng phạm tội một số loại tội đặc biệt nghiêm trọng, cụ thể về đối tượng, chỉ áp dụng hình phạt tử hình đối với người phạm tội giữ vai trò chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy, ngoan cố chống đối, cố ý thực hiện tội phạm đến cùng, đối tượng lưu manh, côn đồ, tái phạm nguy hiểm.

      Về loai tội chỉ nên quy định hình phạt tử hình đối với một số tội đặc biệt nghiêm trọng thuộc các nhóm tội xâm phạm về an ninh quốc gia, xâm phạm về tính mạng con người, tội phạm về ma túy, kinh tế, tham nhũng. Theo đó không quy định hình phạt tử hình đối với 7 trong số 22 tội danh có hình phạt tử hình trong Bộ luật Hình sự, cụ thể tội cướp tài sản, tội phá hủy công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia, tội chống mệnh lệnh, tội đầu hàng địch, tội phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược, tội chống loài người, tội phạm chiến tranh.

      Thứ hai, về chính sách hình sự xử lý đối với người chưa thành niên phạm tội, về cơ bản việc sửa đổi bổ sung trong dự thảo bộ luật phù hợp với nguyên tắc bảo đảm lợi ích tốt nhất cho trẻ em để thực hiện các cam kết trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên liên quan đến vấn đề này.

      Tôi nhất trí cao việc bổ sung quy định ưu tiên xem xét áp dụng các biện pháp thay thế xử lý hình sự. Tuy nhiên, đề nghị quy định rõ các biện pháp thay thế xử lý hình sự như khiển trách, hòa giải tại cộng đồng, giám sát, giáo dục tại gia đình hoặc giám sát giáo dục của các cơ quan, tổ chức, chỉ áp dụng đối với người chưa thành niên từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng, do cố ý. Người chưa thành niên từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi phạm tội ít nghiêm trọng, nghiêm trọng và tội rất nghiêm trọng, do cố ý.

      Về phần tội phạm trong Bộ luật Hình sự, tôi xin tham gia trực tiếp vào một số nội dung sau:

      Thứ nhất, về các tội phạm về ma túy, nhằm hạn chế nguồn gốc tạo ra ma túy trái phép, tạo cơ sở pháp lý đấu tranh phòng, chống có hiệu quả hơn đối với tội phạm về ma túy. Tôi nhất trí với đề xuất tội phạm hóa các hành vi tàng trữ, vận chuyển mua, bán trái phép hoặc chiếm đoạt cây giống, cây thuốc phiện, các loại cây khác có chứa ma túy, tách các điều luật trong chương này thành từng tội phạm độc lập để giúp việc phân loại, định tội được chính xác và định khung hình phạt phù hợp với từng hành vi của từng đối tượng phạm tội, giảm bớt quy định hình phạt tử hình trong việc vận chuyển, tàng trữ chất trái phép chất ma túy. Tuy nhiên, đề nghị quy định rõ trong dự thảo bộ luật để tháo gỡ những vướng mắc bất cập trong thực tiễn đối với các trường hợp sau:

      Ngày 17/9/2014 Tòa án nhân dân tối cao ban hành Công văn số 234, yêu cầu các tòa án địa phương quán triệt và triển khai thực hiện đúng hướng dẫn tại thông tư liên tịch số 17 năm 2007, Hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XVIII các tội phạm về ma túy của Bộ luật Hình sự năm 1999 theo hướng bắt buộc phải giám định hàm lượng các chất thu giữ nghi là chất ma túy, hướng dẫn này hiện nay gây rất nhiều khó khăn. Hiện nay, công an cấp tỉnh mới chỉ giám định được loại và trọng lượng, còn hàm lượng thì phải gửi đến Bộ Công an mới giám định được. Do đó, tại các địa phương việc truy tố, xác định trách nhiệm hình sự mới chỉ dựa vào kết quả giám định là loại, trọng lượng gồm tinh chất và tạp chất mà không thể và không có điều kiện giám định được hàm lượng tinh chất dẫn đến khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn.

      Thứ hai, về các tội phạm chức vụ, việc xử lý với các tội tham nhũng trong lĩnh vực tư hay khu vực ngoài nhà nước. Dự thảo Bộ luật điều chỉnh tội phạm về chức vụ tham nhũng theo hướng mở rộng bao gồm cả hành vi tội phạm, chức vụ tham nhũng xảy ra trong khu vực nhà nước và ngoài khu vực nhà nước với 4 tội danh là tham ô tài sản, nhận hối lộ, đưa hối lộ, mua giới hối lộ mà chưa có cơ sở pháp lý và cơ sở thực tiễn để luận giải về vấn đề này. Đây là vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau trong thời gian qua, vì vậy tôi đề nghị trong dự thảo cần đưa ra hai phương án để lựa chọn.

 

      Về các tội xâm phạm hoạt động tư pháp. Dự thảo Bộ luật sửa đổi khái niệm các tội xâm phạm hoạt động tư pháp là những hành vi xâm phạm hoạt động tố tụng và thi hành án là quá ngắn gọn, chưa thống nhất với khái niệm tội phạm về chức vụ trong dự thảo Bộ luật. Do vậy, đề nghị sửa đổi khái niệm này như sau: Các tội xâm phạm hoạt động tư pháp là những hành vi xâm phạm, hoạt động đúng đắn của cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án, cơ quan thành án và các cơ quan được giao tiến hành hoạt động tư pháp. Sửa đổi theo hướng này sẽ đảm bảo thống nhất với các luật vừa được Quốc hội thông qua như Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân. Điều 386, dự thảo Bộ luật sửa đổi quy định và mô tả cụ thể về tội dùng nhục hình theo hướng người trong hoạt động tố tụng hính sự, thi hành án hình sự, thi hành biện pháp hành chính tước tự do, chưa bao quát cụ thể tội phạm này, đó là người quản lý, người bị tạm giữ, tạm giam, thi hành án phạt tù cũng là chủ thể của đối tượng này. Do vậy, trong dự thảo luật đề nghị cần bổ sung./.

Đại biểu Quốc hội Lương Văn Thành (Đoàn Hải Phòng)


Ứng dụng hỗ trợ nghiệp vụ
Tin tức
Thông tin cần biết
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1

Trang thông tin điện tử: VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG - Cơ quan chủ quản: VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO
Địa chỉ: Lô 18A, Lê Hồng Phong, Hải An, TP Hải Phòng - Điện thoại: 02253.838308 - Fax: 02253.839072 - Email: vp_haiphong@vks.gov.vn
Trưởng ban biên tập: Phó Viện trưởng Lưu Xuân Sang
Số giấy phép: 03/GP-STTTT do Sở Thông tin và Truyền thông TP Hải Phòng cấp ngày 17 tháng 10 năm 2017 (Giấy phép có giá trị 10 năm)
Bản quyền thuộc về VKSND TP Hải Phòng - Thiết kế bởi VNPT | Quản trị

Chung nhan Tin Nhiem Mang