Đại biểu Quốc hội Lương Văn Thành thảo luận về dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi)
28/10/2015
Ngày 26/10/2015, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ Mười, Quốc hội khóa XIII, các vị đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường, nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi) và thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo bộ luật này. Đại biểu Quốc hội Lương Văn Thành (Đoàn Hải Phòng) đã phát biểu ý kiến.
Đại biểu Quốc hội Lương Văn Thành phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận
Kính thưa Quốc hội,
Trước hết, tôi đánh giá rất cao về tiếp thu giải trình của Ủy ban thường vụ Quốc hội về Bộ luật Dân sự. Để tiếp tục góp phần hoàn thiện Bộ luật Dân sự, tôi xin tham gia 2 nội dung mà tôi thấy rằng từ sáng đến giờ có một số ý kiến phát biểu nhưng tôi xin tiếp cận ở một góc độ khác.
Thứ nhất, về vấn đề thời hiệu. Chúng ta đều hiểu pháp luật quy định về thời hiệu nhằm mục đích tạo lập, duy trì sự ổn định của đời sống dân sự, tránh phát sinh những tranh chấp đã được xác lập từ rất lâu do chịu sự điều chỉnh của nhiều văn bản pháp luật trong nhiều thời kỳ khác nhau.
Tại khoản 2, Điều 149 dự thảo đã tiếp thu và có quy định: \"Tòa án chỉ áp dụng quy định về thời hiệu theo yêu cầu áp dụng thời hiệu của một bên hoặc các bên\", tôi cho rằng quy định áp dụng thời hiệu theo yêu cầu của một bên hoặc các bên như vậy thì rất khó thực hiện trong thực tiễn. Bởi vì, trong tranh chấp dân sự bao giờ cũng có sự xung đột về lợi ích giữa các bên. Trong khi đó, áp dụng thời hiệu lại theo yêu cầu của một bên hoặc các bên. Như vậy, những bên không có lợi thì họ sẽ không yêu cầu, những bên có lợi trong việc áp dụng thời hiệu thì họ sẽ yêu cầu, dẫn đến sẽ có sự không công bằng và sẽ dẫn đến sự kéo dài thời gian giải quyết. Về nguyên tắc xác định áp dụng thời hiệu mà Tòa án chỉ áp dụng quy định về thời hiệu theo yêu cầu của một bên hoặc hai bên. Tôi thấy về vấn đề này cần phải làm rõ thêm.
Nội dung thứ hai, về lãi suất, lãi suất được quy định tại mục 4, hợp đồng vay tài sản mà vay tài sản thì trong mục này quy định quyền, nghĩa vụ và các cách thức thanh toán mà tài sản được hiểu bao gồm tiền, vật, giấy tờ có giá và quyền về tài sản. Điều 467, quy định về lãi suất trong hai phương án, tôi nghĩ cả hai phương án này đều không giải quyết được vấn đề về hợp đồng vay tài sản. Hợp đồng tài sản có quy định phải trả lãi nếu có thỏa thuận thì nếu lãi suất ở phương án 1, phương án 2 thì mới chỉ giải quyết được vấn đề vay bằng tiền. Còn trong những trường hợp không phải là tiền mà là vật, giấy tờ có giá hoặc quyền tài sản thì vấn đề này sẽ được giải quyết như thế nào. Ví dụ, vay bằng thóc, vay bằng gạo, đơn vị đo thường là tấn, tạ, kilôgam thì lúc đó tính không biết 20% của giá trị tài sản vay trên 1 năm hoặc quá 200% theo lãi suất cơ bản. Tôi nghĩ cần phải có một việc làm rõ về trả lãi suất đối với không phải là tiền.
Riêng Điều 467 về lãi suất, trong hai phương án tôi hoàn toàn nhất trí với phương án 1, đó là tính theo lãi suất 20%. Tuy nhiên, ở đây mới giải quyết được bài toán vay bằng tiền để trả lãi suất bằng tiền. Còn bài toán khi vay bằng vật, giấy tờ có giá hoặc quyền về tài sản, đó cũng là những đối tượng hợp đồng để vay tài sản nhưng chưa được giải quyết ở trong đây.
Tôi xin tham gia hai ý kiến như vậy. Xin hết, cảm ơn Quốc hội./.
Đại biểu Lương Văn Thành - Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng