Một số vấn đề góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992

     Thực hiện công văn số 18/VKS ngày 08/01/2013 của Văn phòng Viện kiểm sát nhân dân thành phố về việc góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Viện kiểm sát nhân dân quận đã tiến hành tổ chức, nghiên cứu, thảo luận và tham gia những ý kiến có các nội dung như sau:

     Ảnh minh họa.

     I. Nhận xét chung về kết quả thực hiện Hiến pháp năm 1992.
      1. Hoàn cảnh ra đời của Hiến pháp năm 1992.

     Hiến pháp năm 1992 được thông qua ngày 15/4/1992 tại kỳ họp thứ 11  Quốc hội khóa VIII. Đây là thời kỳ Đảng và nhà nước vừa tiến hành chính sách Đổi mới nhằm đưa đất nước thoát khỏi thời kỳ khủng hoảng trầm trọng về kinh tế, xã hội kéo dài do những hệ quả của cơ chế quản lý “tập trung quan liêu, bao cấp”, sự sụp đổ của hệ thống XHCN ở Liên Xô và Đông Âu và tình trạng bao vây cấm vận của nước ngoài.  Với ý nghĩa là đạo luật cơ bản của đất nước, Hiến pháp 1992 là nền tảng pháp lý cơ bản cho việc thực hiện và đẩy mạnh công cuộc đổi mới kinh tế đã được đề ra trong Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI và thể chế hoá Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội năm 1991.

     Mặc dù ra đời để cụ thể hóa chính sách đổi mới, nhưng cơ chế tập trung, quan liêu, bao cấp vẫn còn ảnh hưởng khá nhiều đến nội dung các điều của Hiến pháp 1992. Với bối cảnh ra đời trên, hiến pháp 1992 là cơ sở để tạo ra những thành tựu đã đạt được, song vẫn còn những hạn chế, bất cập trong việc thi hành Hiến pháp.

     2. Những thành tựu và hạn chế của Hiến pháp năm 1992.
     2.1. Những thành tựu của việc thực thi Hiến pháp 1992

     Sau gần 20 năm thi hành, Hiến pháp 1992 đã chứng tỏ vai trò to lớn trong việc thúc đẩy công cuộc Đổi mới, đặc biệt là đổi mới về kinh tế ở nước ta từ đầu thập kỷ 1990 đến nay. Với việc thừa nhận quyền sở hữu tư nhân về tài sản và tư liệu sản xuất, đồng thời với việc hiến định quyền tự do kinh doanh và nền kinh tế nhiều thành phần, Hiến pháp 1992 đã tạo lập khuôn khổ pháp lý cho quan hệ kinh tế thị trường ở nước ta thay thế cho quan hệ sản xuất quan liêu, bao cấp đã lỗi thời, cản trở sự phát triển. Nhờ đó, trong hai thập kỷ qua, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn trên nhiều lĩnh vực.  

    Bên cạnh tác động to lớn tới sự phát triển về kinh tế, với việc lần đầu tiên xác định bản chất của nhà nước ta là nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân (Điều 2) cùng những thay đổi trong các chế định về chế độ chính trị và tổ chức bộ máy nhà nước, Hiến pháp 1992 đã tạo lập nền tảng ban đầu quan trọng cho việc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa , thổi làn gió mới dân chủ vào mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân, từ đó nâng cao uy tín, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, củng cố, tăng cường sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.

    Hiến pháp 1992 xác lập chính sách đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa các mối quan hệ quốc tế, Việt Nam muốn làm bạn với các nước vì độc lập, tự chủ, hoà bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, tạo cơ sở hiến định để hiện thực hóa đường lối ngoại giao mới của Đảng, góp phần đưa đất nước thoát ra khỏi thế bị cô lập, bao vây, cấm vận kéo dài nhiều thập kỷ, hóa giải sự đối đầu, căng thẳng với một số quốc gia láng giềng và khu vực, hòa nhập thành công vào cộng đồng quốc tế trong bối cảnh chỗ dựa trước kia là khối các nước XHCN ở Liên Xô-Đông Âu vừa sụp đổ.

    Hiến pháp 1992 đã mở đường cho nhiều thay đổi về lý luận và thực tiễn, cụ thể như việc ghi nhận chủ trương xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN và tiến trình cải cách hệ thống pháp luật, hệ thống tư pháp cũng như cải cách bộ máy Nhà nước trong những năm gần đây.

     2.2 Hạn chế của việc thi hành Hiến pháp năm 1992

     Bên cạnh những thành tựu có tính chất như là sứ mệnh lịch sử mà Hiến pháp năm 1992 đã đạt được, thì việc thi hành Hiến pháp năm 1992 còn có những hạn chế, bất cập sau:

    - Chưa tạo được nền tảng hiến định để giải phóng mọi năng lực sản xuất xã hội (thể hiện ở những bất cập về chế độ sở hữu đất đai; quy định về các thành phần kinh tế..), chưa phát huy đầy đủ sức mạnh của dân chủ XHCN (thể hiện ở những bất cập trong các quy định về quyền làm chủ của nhân dân, dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện).

    - Quyền lực nhân dân vẫn chưa được xác lập một cách đầy đủ trong Hiến pháp, chưa phân biệt rõ ràng quyền lực nhân dân và quyền lực của nhà nước được nhân dân trao cho.

    - Chưa phân định được rõ ràng quan hệ giữa nhà nước và các thiết chế xã hội.

    - Chưa xác lập được mô hình tổ chức bộ máy nhà nước hợp lý. Quy định về nguyên tắc quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp giữa các cơ quan nhà nước thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp chưa rõ ràng. Quy định về quan hệ giữa các cơ quan nhà nước ở trung ương với nhau và giữa các cơ quan nhà nước ở trung ương và địa phương chưa được phân cấp đầy đủ.  

    - Chưa thiết lập được cơ chế phù hợp, hiệu quả để kiểm soát quyền lực trong bộ máy nhà nước. Quan hệ giữa nhà nước với công dân chưa được xác lập rõ ràng. Hiến pháp chưa đề cập đầy đủ đến trách nhiệm của nhà nước trong việc bảo vệ các quyền con người, quyền công dân; chưa có cơ quan bảo hiến độc lập.  

     II. Những ý kiến đóng góp Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992
     1. Sự cần thiết phải sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

     Mặc dù Hiến pháp 1992, được sửa đổi năm 2001, đã xác định rõ định hướng xây dựng nhà nước pháp quyền (Điều 2), song nhận thức và ý thức tuân thủ các nguyên tắc của nhà nước pháp quyền vẫn còn rất hạn chế trong đại bộ phận cơ quan, công chức nhà nước và nhân dân. Hậu quả là Hiến pháp vẫn chưa được tôn trọng thích đáng, pháp luật vẫn chưa được tuân thủ và thi hành nghiêm minh, nhiều văn bản, quy định pháp luật chưa thực sự đi vào cuộc sống. Hệ thống pháp luật mặc dù đã được liên tục củng cố, hoàn thiện nhưng vẫn còn thiếu đồng bộ, phức tạp, chồng chéo và còn nhiều mâu thuẫn.

     Những bất cập kể trên khiến cho nhiều chủ trương cải cách quan trọng của  Đảng và Nhà nước, trong đó có cải cách hệ thống pháp luật và tư pháp theo định hướng xây dựng nhà nước pháp quyền trong thời gian qua đã không thực hiện được hoặc thực hiện rất chậm trên thực tế. Thực trạng đó có những vướng mắc từ quy định có liên quan của Hiến pháp 1992.  

     Đặc biệt trong bối cảnh đất nước ta bước vào thời kỳ phát triển mới trong bối cảnh tình hình chính trị và kinh tế thế giới có những thay đổi nhanh chóng. Toàn cầu hóa tiếp tục mở rộng, mang lại cả cơ hội và thách thức, tác động cả tích cực và tiêu cực đến các quốc gia. Kinh tế tri thức phát triển mạnh, con người ngày càng trở thành nhân tố quyết định sự phát triển của mỗi dân tộc.

     Những yêu cầu đó đã được cụ thể hoá thành các nhiệm vụ trong các văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XI. Những văn kiện này đã đề ra nhiệm vụ tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN, giữ vững song đổi mới vai trò lãnh đạo của Đảng với nhà nước và xã hội; bảo đảm Nhà nước ta thực sự là của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân; tăng cường pháp chế XHCN và kỷ luật, kỷ cương; tiếp tục đổi mới tổ chức, hoạt động của bộ máy nhà nước theo hướng tăng cường vai trò và hiệu lực quản lý kinh tế của Nhà nước phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN, đồng thời xây dựng, bổ sung các thể chế và cơ chế bảo đảm các nguyên tắc tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân và nguyên tắc quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan trong việc thực hiện quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Do vậy chúng ta cần phải sửa đổi Hiến pháp năm 1992 cho phù hợp với tình hình mới.

     2. Nội dung góp ý sửa đổi Hiến pháp năm 1992

     Sau khi tiến hành tổ chức, nghiên cứu, thảo luận, về cơ bản Viện kiểm sát nhân dân quận Dương Kinh nhất trí với dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 của Uỷ ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, ngoài ra chúng tôi mạnh dạn xin đóng góp một số ý kiến như sau:

     - Điều 3 cần sửa là: “Nhà nước có nghĩa vụ phát huy quyền làm chủ của nhân dân, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện”.

     Bỏ cụm từ bảo đảm và thay cụm từ có nghĩa vụ, việc quy định này sẽ đảm bảo trách nhiệm của Nhà nước đối với người dân vì nghĩa của cụm từ nghĩa vụ sẽ bao hàm cả nghĩa của cụm từ bảo đảm.

     - Điều 7 Hiến pháp 1992 quy định nguyên tắc bầu cử phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín là đúng đắn nhưng chưa đủ, cần bổ sung thêm nguyên tắc bầu cử tự do, để đảm bảo đúng bản chất của bầu cử là quyền của công dân, công dân tự giác đi bầu, không có cơ quan, tổ chức nào có thể bắt buộc công dân phải thực hiện quyền này.

     Do vậy điều 7 sửa như sau: “Việc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND tiến hành theo nguyên tắc tự do, phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín”.

     - Điều 9 cần sửa đổi:

     Nhà nước có nghĩa vụ tạo điều kiện để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của mình và các tổ chức xã hội khác hoạt động.

      Vì nếu quy định nhà nước có nghĩa vụ thì sẽ đảm bảo chắc chắn hơn cho Mặt trận Tổ quốc cũng như các tổ chức xã hội khác hoạt động có hiệu quả hơn là chỉ quy định Nhà nước tạo điều kiện vì nếu theo nghĩa tạo điều kiện thì việc tạo điều kiện này sẽ như kiểu cơ chế xin- cho.

     - Theo Điều 107 sửa đổi: “Trong tình hình đặc biệt, Quốc hội có thể quyết định thành lập Toà án đặc biệt”.

    Nên bỏ quy định này vì Tòa án đặc biệt là thiết chế tư pháp của thời chiến tranh, hiện nay là không cần thiết.
Trên đây là những đóng góp ý kiến vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 của Viện kiểm sát nhân dân quận Dương Kinh, thành phố Hải Phòng./.


                              Cấn Mạnh Cường - Phó Viện trưởng VKSND Dương Kinh 


Ứng dụng hỗ trợ nghiệp vụ
Tin tức
Thông tin cần biết
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1

Trang thông tin điện tử: VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG - Cơ quan chủ quản: VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO
Địa chỉ: Lô 18A, Lê Hồng Phong, Hải An, TP Hải Phòng - Điện thoại: 02253.838308 - Fax: 02253.839072 - Email: vp_haiphong@vks.gov.vn
Trưởng ban biên tập: Phó Viện trưởng Lưu Xuân Sang
Số giấy phép: 03/GP-STTTT do Sở Thông tin và Truyền thông TP Hải Phòng cấp ngày 17 tháng 10 năm 2017 (Giấy phép có giá trị 10 năm)
Bản quyền thuộc về VKSND TP Hải Phòng - Thiết kế bởi VNPT | Quản trị

Chung nhan Tin Nhiem Mang