Một số vấn đề về tổ chức bộ máy và chức năng, nhiệm vụ của Viện kiểm sát nhân dân được quy định trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992
Quá trình nghiên cứu, sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Chế định Viện kiểm sát nhân dân luôn có nhiều ý kiến trái chiều với nhiều câu hỏi đặt ra. Có hay không việc chuyển mô hình Viện kiểm sát sang Viện công tố? Viện kiểm sát có mấy chức năng? Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 (gọi tắt là dự thảo sửa đổi Hiến pháp) với quy định gồm 03 điều (Điều 112, 113, 114) ngắn gọn hơn so với Hiến pháp năm 1992 đã khẳng định mô hình Viện kiểm sát nhân dân với hai chức năng thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp là lựa chọn thích hợp nhất của đất nước ta hiện nay.
Ảnh minh họa.
Đây là một khẳng định rất quan trọng phù hợp với quan điểm của Đảng ta và xu hướng hiện nay trên thế giới về phạm vi hoạt động của Viện công tố, cụ thể là Viện công tố không chỉ hạn chế trong chức năng về lĩnh vực hình sự mà trong nhiều lĩnh vực khác như hành chính, thương mại, dân sự…(Theo kết luận của Hội thảo Viện công tố ở châu Âu trong thế kỷ 21).
Về vai trò, vị trí của Viện kiểm sát nhân dân trong bộ máy Nhà nước
Trong Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) đã khẳng định “Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Quyền lực Nhà nước là thống nhất; có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”. Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa được nêu trong Cương lĩnh chính trị của Đảng cho thấy: Đó là sự kế thừa, phát triển những ưu điểm của mô hình tổ chức bộ máy nhà nước Việt Nam từ năm 1946 đến nay và phù hợp với điều kiện, tình hình phát triển của đất nước, dân tộc trong giai đoạn mới, được xây dựng trên cơ sở của Chủ nghĩa Mác- Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, do Đảng cộng sản là tổ chức lãnh đạo duy nhất. Chính vì vậy trong tổ chức bộ máy của Nhà nước ta có rất nhiều đặc trưng khác biệt với các mô hình tổ chức Nhà nước theo thuyết tam quyền phân lập. Trong đó, mô hình Viện kiểm sát nhân dân là một đặc trưng cơ bản. Với tư cách là một cơ quan hiến định trong tổ chức bộ máy nhà nước, Viện kiểm sát nhân dân đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát quyền lực nhà nước.
Dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần này đã quy định rất rõ “Quốc hội…thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp” (Điều 74 dự thảo sửa đổi Hiến pháp), “Chính phủ… thực hiện quyền hành pháp” (Điều 99 dự thảo sửa đổi Hiến pháp), “Tòa án nhân dân…thực hiện quyền tư pháp” (Điều 107 dự thảo sửa đổi Hiến pháp). Với những quy định như trên thì dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã thể hiện rõ quan điểm của Đảng ta là “Quyền lực Nhà nước là thống nhất; có sự phân công, phối hợp giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”. Chế định Viện kiểm sát nhân dân tuy đã được khẳng định là cơ quan Hiến định, có vai trò quan trọng trong bộ máy nhà nước. Tuy nhiên, khi đặt cùng chương với Tòa án nhân dân (Chương VIII của dự thảo sửa đổi Hiến pháp) và không được khái quát là cơ quan gì? thực hiện quyền năng gì? Nên đã không nêu rõ được vai trò, vị trí cụ thể của Viện kiểm sát nhân dân và hơn nữa đã không thể hiện được quan điểm của Đảng ta là phải có sự “kiểm soát giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”. Do vậy, dự thảo sửa đổi Hiến pháp cần khái quát Viện kiểm sát nhân dân là cơ quan thực hiện kiểm soát quyền lực nhà nước và nếu có thể thì quy định thành một Chương độc lập trong Hiến pháp mới.
Về chức năng, nhiệm vụ của Viện kiểm sát nhân dân.
So với Hiến pháp năm 1992, dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã quy định rõ chức năng và nhiệm vụ của Viện kiểm sát nhân dân. Về chức năng của Viện kiểm sát nhân dân dự thảo sửa đổi không có gì thay đổi so với hiến pháp năm 1992 và chỉ được viết gọn hơn, tại khoản 1 Điều 112 dự thảo sửa đổi Hiến pháp quy định:“Viện kiểm sát nhân dân thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp”. Về nhiệm vụ của Viện kiểm sát nhân dân theo Hiến pháp năm 1992 được ghi chung với nhiệm vụ của Tòa án nhân dân (Điều 126 Hiến pháp năm 1992) những nay đã được tách ra thành một quy định riêng (Khoản 3 Điều 112 dự thảo sửa đổi Hiến pháp). Đánh giá chung, dự thảo sửa đổi Hiến pháp dùng từ chính xác hơn và khoa học hơn thể hiện cụm từ “thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp” đã được thay bằng cụm từ “thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp” quan trọng hơn là đã tách bạch được nhiệm vụ của Tòa án nhân dân và nhiệm vụ của Viện kiểm sát nhân dân thành các điều luật riêng. Các cụm từ được dùng trong nhiệm vụ của Viện kiểm sát thể hiện trách nhiệm to lớn được giao phó cho ngành Kiểm sát, thể hiện chỉ có Viện kiểm sát nhân dân mới có nhiệm vụ “góp phần bảo đảm cho pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất”, nhiệm vụ “bảo vệ quyền con người” lần đầu tiên được giao cho Viện kiểm sát nhân dân. Với sửa đổi như vậy về cơ bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã đánh giá đúng vai trò không thể thiếu của Viện kiểm sát trong bộ máy nhà nước. Tuy nhiên việc bỏ chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật của các Bộ, các cơ quan ngang Bộ, các cơ quan chính quyền địa phương, tổ chức kinh tế, xã hội, đơn vị vũ trang và công dân (gọi tắt là kiểm sát chung), khi mà Đảng và Quốc hội cũng đều đánh giá là việc bỏ chức năng này không phải do Viện kiểm sát làm không tốt mà vì muốn tránh sự chồng chéo trong thực hiện chức năng của một số ngành và để chuyển chức năng này của Viện kiểm sát sang cho một số cơ quan khác, đồng thời để Viện kiểm sát tập trung làm tốt hai chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp. Nhưng hiện nay trong dự thảo Hiến pháp thì chức năng này vẫn chưa giao cho một cơ quan nào khác. Trong một xã hội dân chủ (có quan điểm về xã hội dân sự) cần có nhiều kênh bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các chủ thể quan hệ pháp luật. Mặt khác, kể cả pháp luật trao cho người dân có quyền tự bảo vệ mình trước pháp luật thì chắc gì họ đã sử dụng triệt để quyền năng này. Vấn đề là cần một lá chắn từ phía bộ máy nhà nước để bảo vệ quyền tự do và lợi ích chính đáng của nhân dân là đòi hỏi cấp thiết. Giao cho Viện kiểm sát nhân dân thêm chức năng này chính là tạo một kênh quan trọng, một lá chắn hữu hiệu để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân và các tổ chức. và lúc đó cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước sẽ có thêm đảm bảo đảm bảo. Vì vậy, cần khôi phục chức năng này cho Viện kiểm sát nhân dân.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân và khoản 3 Điều 10 Bộ luật tố tụng hình sự quy định cho Viện kiểm sát một nhiệm vụ đặc biệt là điều tra một số loại tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp mà người phạm tội là cán bộ thuộc các cơ quan tư pháp. Theo xu hướng cải cách tư pháp hiện nay, công tác điều tra tội phạm này cần được quan tâm một cách đúng mức vì lực lượng cán bộ tư pháp có trong sạch thì mới là gốc để hoàn thành công cuộc cải cách tư pháp của nước ta. Thực tiễn vừa qua Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 522e/NQ- UBTVQH13 ngày 16/8/2012 quyết định tăng biên chế cho ngành Kiểm sát đã ghi rõ tăng thêm 21 Điều tra viên cao cấp cho ngành Kiểm sát nhân dân. Những cả 03 điều luật trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp về Viện kiểm sát nhân dân không có bất kỳ một từ nào để xác định nhiệm vụ này và chức danh pháp lý Điều tra viên của ngành Kiểm sát nhân dân và nếu không hiến định thì nhiệm vụ và chức danh pháp lý thực hiện nhiệm vụ trên, sẽ có thể không được các luật quy định. Vậy cần thiết bổ sung thành một khoản trong quy định của Điều 112 dự thảo sửa đổi Hiến pháp.
Về nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân
Một trong những nguyên tắc quan trọng trong tổ chức và hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân là nguyên tắc tập trung thống nhất lãnh đạo trong ngành đây chính là sức mạnh của Viện kiểm sát trong quá trình thực hiện chức năng và nhiệm vụ của mình. Dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã dành hẳn một điều (Điều 114) để ghi nhận nguyên tắc này. Đối chiếu với tất cả các chế định khác, ta nhận thấy chỉ duy nhất chế định Viện kiểm sát nhân dân được Hiến định nguyên tắc này trong tổ chức hoạt động của mình. Không những vậy so với Hiến pháp năm 1992, dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã nâng một tầm mới cho nguyên tắc thể hiện ở hai điểm. Một là, tại Điều 138 Hiến pháp năm 1992 quy định “Việc thành lập Ủy ban kiểm sát, những vấn đề Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân có quyền quyết định, những vấn đề quan trọng mà Ủy ban kiểm sát phải thảo luận và quyết định theo đa số do luật định” những dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã không còn quy định này nữa, điều này chứng tỏ chế định Ủy ban kiểm sát có thể sẽ không còn nữa, những mặt khác lại chứng tỏ Hiến định đã tăng quyền lực cho Viện trưởng và là một chứng minh cho nguyên tắc tập trung thống nhất lãnh đạo trong ngành đã được phát triển lên một nấc. Hai là, tại khoản 2 Điều 114 dự thảo sửa đổi Hiến pháp quy định “Khi thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, Kiểm sát viên tuân theo pháp luật và chịu sự chỉ đạo của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân” đây là một hiến định rất quan trọng ghi nhận lần đầu tiên trong Hiến pháp, nó không chỉ thể hiện tính độc lập của Kiểm sát viên mà còn thể hiện rõ nét nguyên tắc này hơn về mặt nội dung. Tuy nhiên với quy định tại khoản 3 Điều 114 của dự thảo sửa đổi Hiến pháp lại quy định chưa cụ thể và rất dễ làm ảnh hưởng đến nguyên tắc này. Theo khoản 3 Điều 114 dự thảo sửa đổi Hiến pháp quy định “Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức và nhiệm kỳ của Kiểm sát viên do luật định”. Nếu quy định như vậy thì theo như pháp luật hiện hành (Pháp lệnh về Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ngày 04/10/2002, sửa đổi năm 2011) quy định: Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Kiểm sát viên trung cấp, Kiểm sát viên sơ cấp của Viện kiểm sát nhân dân theo đề nghị của Hội đồng tuyển chọn Kiểm sát viên trung cấp, Kiểm sát viên sơ cấp. Thành viên của Hội đồng tuyển chọn có lãnh đạo Sở Nội Vụ, là cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh… Như vậy, Viện kiểm sát nhân dân vô hình dung đã bị chuyển dần sang chế độ “song trùng” trực thuộc về tổ chức trong mối quan hệ với chính quyền địa phương và nguyên tắc tập trung thống nhất lãnh đạo trong ngành sẽ mất đi giá trị đích thực của nó. Vì vậy, cần quy định rõ ở khoản 3 điều này theo hướng Ủy ban kiểm sát thay thế vai trò của Hội đồng tuyển chọn Kiểm sát viên hoặc áp dụng chế độ thi tuyển với Kiểm sát viên.
Vì vậy, tiếp tục hoàn thiện chế định Viện kiểm sát nhân dân với tính cách là một hệ thống cơ quan độc lập trong bộ máy nhà nước là một trong những biện pháp quan trọng góp phần vào việc đẩy mạnh các cơ chế kiểm tra, giám sát, kiểm soát việc thực hiện quyền lực nhà nước theo yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở đất nước ta./.
Lưu Xuân Sang - Phó trưởng phòng 9 VKSNDTP