Những định hướng đối với việc sửa đổi Luật tổ chức Viện kiểm satsnhaan dân phù hợp với Hiến pháp 2013 và yêu cầu cải cách tư pháp

     I. Nhận xét chung

    Tôi cơ bản nhất trí với Ban soạn thảo về sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) nhằm thể chế hóa đầy đủ các yêu cầu cải cách tư pháp của Đảng, được nêu tại Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 02/01/2002 của Bộ Chính trị “Về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới”, đồng thời cụ thể hóa chế định Viện Kiểm sát nhân dân đã được ghi nhận trong Hiến pháp năm 2013; kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, bất cập trong Luật tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân và các Pháp lệnh hiện hành, thể hiện đúng vị trí, vai trò của Viện Kiểm sát nhân dân trong việc thực hiện quyền lực nhà nước và trách nhiệm đối với xã hội, công dân, bảo đảm thiết chế VKSND có đủ năng lực, đáp ứng yêu cầu đấu tranh có hiệu quả với tội phạm và vi phạm pháp luật trong tình hình mới.

     Trần Ngọc Vinh - Thành ủy viên; Phó Trưởng đoàn Chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố; Ủy viên Ủy ban pháp luật Quốc hội; Chủ tịch Hội Luật gia TP Hải Phòng.

     Tuy nhiên, để thể chế hóa rõ hơn quy định của Hiến pháp (sửa đổi) và chủ trương của Đảng về cải cách tư pháp, đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu làm rõ cơ sở khoa học và lý luận về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung về cơ cấu, tổ chức bộ máy, cán bộ của Viện Kiểm sát nhằm đảm bảo tổ chức, bộ máy của Viện kiểm sát phải được tổ chức khoa học, gọn nhẹ, hiệu quả; kết hợp hài hòa giữa tính độc lập tuân theo pháp luật của mỗi cấp Viện Kiểm sát, của mỗi Kiểm sát viên với sự chỉ đạo của Viện trưởng và sự chỉ đạo, lãnh đạo thống nhất của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; bảo đảm phù hợp với đặc điểm cụ thể của Việt Nam, đủ điều kiện và năng lực thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, đồng thời rà soát đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật Việt Nam.

     Ngoài ra, tôi đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung thêm một điều luật quy định về đối tượng áp dụng nhằm làm rõ hơn tính chuyên biệt của dự thảo Luật này với các luật khác trong hệ thống pháp luật Việt Nam.

       II- Một số đề xuất cụ thể tham gia vào Dự thảo Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân.

     2.1. Về tên gọi của dự án Luật

   Hiện nay có hai quan điểm khác nhau về tên gọi của luật: quan điểm thứ nhất đề nghị giữ nguyên tên gọi là Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, quan điểm thứ hai đề nghị lấy tên là Luật về Viện kiểm sát nhân dân.

     Cá nhân tôi tán thành với quan điểm thứ hai, vì lý do sau:

    Về tên gọi Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, tên gọi này dễ làm người đọc hiểu là quy định về việc sắp xếp, bố trí, các đơn vị của Viện kiểm sát nhân dân. Nhưng với tên gọi Luật về Viện kiểm sát nhân dân có nội hàm rộng hơn, bao trùm được toàn bộ các vấn đề liên quan đến Viện kiểm sát nhân dân mà thuật ngữ Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân không có được, có nghĩa là luật quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy và các vấn đề khác có liên quan đến Viện kiểm sát nhân dân.

    Mặt khác, khi nghiên cứu tài liệu tham khảo của một số nước cũng sử dụng thuật ngữ Luật về Viện kiểm sát (Viện công tố) như: Luật về Công tố viên Hoàng gia (Anh và xứ Wales); Luật về Viện công tố Hàn Quốc...

    Tuy nhiên, nếu sử dụng tên gọi này sẽ không đồng bộ với các tên gọi của một số luật về tổ chức bộ máy nhà nước như: Luật tổ chức Chính phủ, Luật tổ chức Toà án nhân dân… Vì vậy, tôi đề nghị trong lần sửa đổi này tôi đề nghị sửa đổi tên gọi các dự án luật về tổ chức bộ máy nhà nước.

     2.2. Về cơ cấu, sự phù hợp của dự án

    Qua nghiên cứu dự thảo cho thấy: cơ quan dự thảo đã chuẩn bị rất công phu, việc xây dựng dự án luật dựa trên cơ sở tổng kết 10 năm thi hành Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2002, Pháp lệnh tổ chức Viện kiểm sát quân sự, Pháp lệnh Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân năm 2002; thể chế hóa các quan điểm chỉ đạo của Đảng, quy định của Hiến pháp liên quan đến tổ chức và hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân, Viện kiểm sát quân sự. Do đó, dự án Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân sửa đổi đã đáp ứng được yêu cầu cả về hình thức và nội dung theo yêu cầu của Dự thảo Luật trình ra Quốc Hội về những vấn đề cần ý kiến khác nhau trong dự thảo Luật, quan điểm của tôi như sau:

       2.3. Về đổi mới mô hình của Viện kiểm sát nhân dân theo yêu cầu của cải cách tư pháp.

      Tại Điều 41 Dự thảo quy định về hệ thống Viện kiểm sát nhân dân Viện kiểm sát nhân dân được chia thành 4 cấp gồm có: Viện kiểm sát nhân dân Tối cao, Viện kiểm sát nhân dân cấp cao, các Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh và Viện kiểm sát nhân dân khu vực (phương án 1), Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện (phương án 2).

      Tôi cơ bản thống nhất với Điều 41 Dự thảo xác định Viện kiểm sát được chia thành 04 cấp, riêng khoản 4 Điều 41 quy định 02 phương án về Viện kiểm sát khu vực và Viện kiểm sát và Viện kiểm sát khu vực thống nhất với phương án 2, bởi lẽ: hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện gắn bó mật thiết với hoạt động của Cơ quan điều tra, cơ quan thi hành án dân sự, hình sự. Trong khi đó hệ thống tổ chức của các cơ quan này không thay đổi, vẫn gắn với cơ quan hành chính cấp huyện. Việc tổ chức Viện kiểm sát theo khu vực như Kết luận 79-KL/TW sẽ gây khó khăn cho Viện kiểm sát trong công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, không phù hợp với chủ trương “Tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt  động điều tra, thực hiện cơ chế gắn công tố với  điều tra” của Đảng.

      2.4. Về vai trò của Ủy ban Kiểm sát

     Theo quy định hiện hành, Ủy ban kiểm sát thảo luận và quyết định theo đa số những vấn đề quan trọng trong tổ chức và hoạt động của Viện kiểm sát như phương hướng, kế hoạch công tác hàng năm, báo cáo của Viện trưởng Viện kiểm sát trước cơ quan dân cử…; xem xét quyết định những vụ án hình sự, dân sự, hôn nhân gia đình quan trọng.

      Theo tôi cần giữ nguyên các quy định về vai trò của Ủy ban kiểm sát như quy định hiện hành. Riêng đối việc giải quyết án, Ủy ban Kiểm sát có trách nhiệm thảo luận và cho ý kiến trước khi Viện trưởng ra quyết định; thủ tục lấy ý kiến là bắt buộc nhằm kết hợp nguyên tắc tập trung dân chủ với nguyên tắc tập trung thống nhất trong ngành, đồng thời phù hợp với tư cách tố tụng của Viện trưởng và nguyên tắc chịu trách nhiệm trong hoạt động tư pháp của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân được quy định trong các Luật tố tụng. Vì vậy, tôi nhất trí với các quy định về vai trò của Ủy ban kiểm sát tại các Điều 44, 46, 48, 86, 89 Dự thảo Luật.

      Về vấn đề có tổ chức Ủy ban Kiểm sát ở Viện kiểm sát cấp cao hay không? Theo quy định tại khoản 2 Điều 42 dự thảo,Viện kiểm sát nhân dân cấp cao thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp đối với các vụ, việc thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp cao. Như vậy, thẩm quyền của Viện kiểm sát nhân dân cấp cao rất quan trọng, phải giải quyết những vụ án hình sự, những vụ việc dân sự, hành chính, kinh doanh, thương mại… phức tạp. Để phát huy nguyên tắc tập trung dân chủ, nguyên tắc tập trung thống nhất lãnh đạo trong ngành Kiểm sát, đòi hỏi phải có Ủy ban Kiểm sát ở Viện kiểm sát nhân dân cấp cao. Vì vậy, tôi thống nhất với Điều 45, 46 dự thảo quy định về cơ cấu, tổ chức và Ủy ban kiểm sát Viện kiểm sát cấp cao.

    2.5. Về kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự, vụ án hành chính và những việc khác theo quy định của pháp luật (mục 6, 7,8 Chương II)

      Tôi hoàn toàn nhất trí với việc sửa đổi thẩm quyền của Viện kiểm sát nhân dân trong công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự, vụ án hành chính và những việc khác theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên vấn để đặt ra ở đây là tính thống nhất của hệ thống pháp luật về thẩm quyền của Viện kiểm sát nhân dân trong công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự, vụ án hành chính và những việc khác theo quy định của pháp luật quy định tại dự thảo Luật này với Luật tố tụng dân sự, Luật tố tụng hành chính. Theo quy định của các Luật tố tụng dân sự, hành chính đều quy định hạn chế chức năng giám sát việc tuân theo pháp luật của Viện kiểm sát nhân dân các cấp như: Viện kiểm sát nhân dân không có quyền khởi tố các vụ án dân sự, hành chính; không yêu cầu Tòa án nhân dân áp dụng những biện pháp khẩn cấp tạm thời; không tự mình xác minh, thu thập chứng cứ, triệu tập đương sự khi vụ án còn trong giai đoạn chuẩn bị xét xử của Tòa án nhân dân; không quy định Viện kiểm sát nhân dân yêu cầu Tòa án nhân dân xác minh, thu thập chứng cứ bổ sung... Vì vậy, tôi đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định này nhằm tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân được thuận lợi, thống nhất với các Luật tố tụng dân sự, hành chính, góp phần bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của những người tham gia tố tụng.

      2.6. Các quy định về Kiểm sát viên

     - Về ngạch Kiểm sát viên: Điều 65 Dự thảo quy định Kiểm sát viên được chia làm 4 ngạch, gồm Kiểm sát viên Viện KSND Tối cao, Kiểm sát viên cao cấp, Kiểm sát viên trung cấp, Kiểm sát viên. Tôi thống nhất với dự thảo, bởi lẽ: việc phân chia thành 4 ngạch Kiểm sát viên sẽ phù hợp với quy định tại Điều 41 Dự thảo và yêu cầu cải cách tư pháp là chia Viện kiểm sát nhân dân thành 4 cấp; tạo điều kiện cho công tác luân chuyển cán bộ; bảo đảm đánh giá đội ngũ Kiểm sát viên một cách rõ nét về trình độ, năng lực, đạo đức.

     - Về nhiệm kỳ của Kiểm sát viên:Tôi cho rằng việc không quy định nhiệm kỳ của Kiểm sat viên có thể dẫn đến việc Kiểm sát viên sau khi đã được bổ nhiệm phát sinh tâm lý chủ quan, thiếu tinh thần, ý chí phấn đấu. Do đó, vẫn nên quy định nhiệm kỳ của Kiểm sát viên là phù hợp với quy định về công tác cán bộ của chúng ta hiện nay, tuy nhiên tôi đề nghị nên tăng thời hạn bổ nhiệm (có thể lên đến 10 năm) để bảo đảm Kiểm sát viên thường xuyên phấn đấu nâng cao ý thức rèn luyện và trách nhiệm trong công việc, đồng thời, có cơ chế đánh giá cán bộ thận trọng, hiệu quả hơn. Quy định này cũng phù hợp với tinh thần Nghị quyết số 49-NQ/TW về “tăng thời hạn bổ nhiệm chức danh tư pháp hoặc thực hiện chế độ bổ nhiệm không có kỳ hạn”.

      Đối với Kiểm sát viên Viện KSND Tối cao, là chức danh pháp lý cao nhất, là những người có nhiều kinh nghiệm, đã kinh qua các ngạch, bậc Kiểm sát viên nên không cần thiết quy định thời hạn bổ nhiệm.

    - Về tuổi nghỉ hưu của Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân Tối cao: Về cơ bản tôi nhất trí với quy định tăng tuổi nghỉ hưu cho Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao theo tinh thần kết luận số 92-KL/TW của Bộ Chính trị và phù hợp với Điều 187 Khoản 3 Bộ luật lao động. Tuy nhiên, tôi cho rằng do đối tượng được kéo dài thêm thời gian công tác ít (theo giải trình của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, số lượng này khoảng 15-20 người), không phải là số đông nên không cần đưa vào Luật (tránh tư tưởng cho rằng quy định này có tính cục bộ nhóm), nên quy định tăng tuổi nghỉ hưu cho Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối bằng văn bản dưới Luật.

      - Về tuyên thệ của kiểm sát viên: Tại Sắc lệnh số 13/SL của  Chủ tịch nước ngày 24/01/1946 quy định cách tổ chức các Toà án và các ngạch thẩm phán trong nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đã quy định bắt buộc: Thẩm phán xử án, Thẩm phán của Công tố viện phải đọc lời tuyên thệ khi nhậm chức. Như vậy, quy định Thẩm phán của Công tố viện (Kiểm sát viên ngày nay) phải đọc lời tuyên thệ khi nhậm chức đã có từ ngay sau khi thành lập nước Việt Namdân chủ cộng hoà. Đây là quy định rất tiến bộ, thể hiện tầm nhìn chính trị, đồng thời ghi nhận sự nỗ lực, quyết tâm của Kiểm sát viên trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao... Tuy nhiên, Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 1981, 1992, 2002 và Pháp lệnh Kiểm sát viên VKSND năm 2002 (sửa đổi) không quy định Kiểm sát viên phải đọc lời tuyên thệ khi được bổ nhiệm.

     Tôi hoàn toàn tán thành quy định của dự thảo Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi) lần này đã bổ sung quy định Kiểm sát viên đọc lời tuyên thệ khi được bổ nhiệm. Đây là điều luật mới, quy định này không chỉ kế thừa quan điểm lập pháp của Nhà nước ta mà còn phù hợp với Luật pháp một số nước trên thế giới như: Luật liên bang về Viện kiểm sát Liên bang Nga, Luật Tổ chức Toà án Pháp, Luật Tổ chức cơ quan công tố nước cộng hoà Indonesia...

     - Về Hội đồng tuyển chọn Kiểm sát viên (Điều 75): Nếu quy định Hội đồng tuyển chọn Kiểm sát viên là Ủy ban kiểm sát sẽ có bất cập là quy trình tuyển chọn khép kín, có thể không bảo đảm tính khách quan bởi UBKS VKSND cấp tỉnh có số lượng thành viên không nhiều. Trường hợp giữ nguyên Hội đồng tuyển chọn như hiện nay cũng không phù hợp vì, thành phần Hội đồng tuyển chọn gồm các thành viên của nhiều ngành khác nhau và thường là lãnh đạo đầu ngành nên việc triệu tập Hội đồng phụ thuộc vào công việc của từng thành viên. Bên cạnh đó, có những trường hợp phải thay đổi, bổ sung thành viên Hội đồng vì lý do về hưu, chuyển công tác khác...khiến cho việc triệu tập Hội đồng rơi vào thế bị động, kéo dài. Hơn nữa, do hầu hết các thành viên Hội đồng tuyển chọn công tác trong các ngành khác nên không thực sự hiểu rõ năng lực chuyên môn của cán bộ ngành Kiểm sát. Việc tuyển chọn chủ yếu phải dựa trên cơ sở hồ sơ đề nghị của ngành Kiểm sát nên còn mang tính hình thức..Do đó, tôi cho rằng dự thảo Luật chỉ quy định Hội đồng tuyển chọn Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao là phù hợp, các ngạch Kiểm sát viên khác thực hiện hình thức thituyển theo xu thế tuyển chọn công chức hiện nay. Quy định này là phù hợp với chủ trương của Nghị quyết số 49-NQ/TW về “nghiên cứu thực hiện cơ chế thi tuyển để chọn người bổ nhiệm vào các chức danh tư pháp.

       2.7. Về thẩm quyền điều tra của Viện kiểm sát nhân dân

     Tôi thống nhất với Điều 20 Dự thảo quy định về quyền hạn điều tra của Viện kiểm sát nhân dân khi thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp. Việc tiếp tục quy định về thẩm quyền điều tra của Viện kiểm sát nhân dân là cần thiết, đáp ứng được yêu cầu cải cách tư pháp “tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra”; bảo đảm sự chủ động của Viện kiểm sát trong quá trình thực hành quyền công tố và kiểm sát việc điều tra các vụ án hình sự, hạn chế các trường hợp trả hồ sơ để điều tra bổ sung, tránh tình trạng kéo dài thời gian tố tụng.

      2.8. Về thẩm quyền của Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân

     Cần quy định cụ thể về thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân để có nhận thức thống nhất về việc Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân điều tra các tội xâm phạm tính đúng đắn của các hoạt động tư pháp, phù hợp với phạm vi thực hiện chức năng, đảm bảo tốt việc thực hiện chức năng theo yêu cầu cải cách tư pháp. Vì vậy, tôi thống nhất với quy định tại Điều 21 dự thảo về thẩm quyền của Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân. Tuy nhiên để đảm bảo tính mở trong quy định của điều luật, phù hợp với xu hướng về thẩm quyền của Viện công tố một số nước trên thế giới cần bổ sung quy định tại Điều 21 dự thảo theo hướng Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân có thẩm quyền “điều tra một số loại tội phạm khác theo quy định của pháp luật”.

Trần Ngọc Vinh - Thành ủy viên;

Phó Trưởng đoàn Chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố;

Ủy viên Ủy ban pháp luật Quốc hội; Chủ tịch Hội Luật gia TP Hải Phòng.


Ứng dụng hỗ trợ nghiệp vụ
Tin tức
Thông tin cần biết
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1

Trang thông tin điện tử: VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG - Cơ quan chủ quản: VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO
Địa chỉ: Lô 18A, Lê Hồng Phong, Hải An, TP Hải Phòng - Điện thoại: 02253.838308 - Fax: 02253.839072 - Email: vp_haiphong@vks.gov.vn
Trưởng ban biên tập: Phó Viện trưởng Lưu Xuân Sang
Số giấy phép: 03/GP-STTTT do Sở Thông tin và Truyền thông TP Hải Phòng cấp ngày 17 tháng 10 năm 2017 (Giấy phép có giá trị 10 năm)
Bản quyền thuộc về VKSND TP Hải Phòng - Thiết kế bởi VNPT | Quản trị

Chung nhan Tin Nhiem Mang