Quốc hội thảo luận các dự án Luật Thống kê (sửa đổi) và Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi)
Buổi chiều ngày 04/6/2015, các vị đại biểu Quốc hội làm việc tại tổ thảo luận về các dự án Luật Thống kê (sửa đổi) và Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi).
Về dự án Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi), nhiều đại biểu cho rằng, dự thảo luật đã bổ sung nguyên tắc tranh tụng trong xét xử là "Bảo đảm quyền tranh tụng trong tố tụng hành chính" (Ðiều 19) và đây là nội dung mới rất quan trọng. Do đó, cần quy định cụ thể vấn đề này theo hướng thể chế hóa đầy đủ quy định của Hiến pháp năm 2013.
Đại biểu Quốc hội Lương Văn Thành góp ý, thảo luận Luật Tố tụng Hành chính
Về dự án Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi), nhiều đại biểu cho rằng, dự thảo luật đã bổ sung nguyên tắc tranh tụng trong xét xử là "Bảo đảm quyền tranh tụng trong tố tụng hành chính" (Ðiều 19) và đây là nội dung mới rất quan trọng. Do đó, cần quy định cụ thể vấn đề này theo hướng thể chế hóa đầy đủ quy định của Hiến pháp năm 2013.
Một số đại biểu đề nghị, quy định trong dự thảo luật về xử lý các hành vi cản trở hoạt động tố tụng hành chính của Tòa án nhân dân, nhằm xác định rõ hành vi vi phạm nào được coi là cản trở hoạt động tố tụng hành chính của Tòa án nhân dân và bị xử lý hành chính cũng như hình thức xử lý. Còn trình tự, thủ tục, thẩm quyền, mức tiền phạt... nên thực hiện theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Thực tiễn thi hành Luật Tố tụng hành chính hiện hành cho thấy, quy định tại Ðiều 210 về căn cứ kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm còn chung chung, khó áp dụng trong thực tiễn, chưa bảo đảm chặt chẽ, chưa cụ thể hóa thế nào là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, thế nào là có sai lầm trong việc áp dụng pháp luật... Trong khi đó, Ðiều 256 của dự thảo Luật sửa đổi chưa khắc phục được hạn chế này, vì vậy nhiều đại biểu đề nghị cần quy định cụ thể, minh bạch hơn, bảo đảm nâng cao chất lượng kháng nghị giám đốc thẩm đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp.
Ðể nâng cao hiệu quả công tác thi hành án hành chính và thống nhất trong hệ thống pháp luật, một số đại biểu cho rằng cần tiếp tục rà soát các quy định mới được bổ sung trong dự thảo luật, bảo đảm phù hợp Hiến pháp năm 2013 và thống nhất với các luật liên quan.
Đại biểu Quốc hội Lương Văn Thành (Đoàn Hải Phòng) tán thành sự cần thiết phải sửa đổi Luật Tố tụng hành chính và cho rằng, tỷ lệ giải quyết án hành chính những năm qua còn thấp, lĩnh vực giải quyết chủ yếu trong tố tụng hành chính là giải quyết khiếu kiện đất đai, quy định nguyên tắc tranh tụng chưa rõ, còn chung chung... Đại biểu đề nghị giữ nguyên quy định về thẩm quyền của Tòa án trong việc giải quyết vụ án hành chính như luật hiện hành; không quy định Tòa án xét xử những hành vi cản trở tố tụng ngay tại tòa; quy định người bị khiếu kiện, người ra quyết định hành chính phải là người có trách nhiệm giải trình, không quy định việc ủy quyền tham gia vụ án...
Về dự án Luật Thống kê (sửa đổi), các ý kiến cho rằng, công tác thống kê hiện nay còn nhiều hạn chế, nhất là về chất lượng, độ tin cậy của số liệu thống kê; sự chênh lệch số liệu thống kê giữa trung ương và địa phương... Tán thành phạm vi điều chỉnh như dự thảo luật, bao gồm thống kê nhà nước và thống kê ngoài nhà nước, nhưng nhiều đại biểu cho rằng, thống kê là loại hình dịch vụ đặc biệt mà sản phẩm của thống kê có thể tác động lớn đến kinh tế - xã hội, có tính chất dẫn dắt, định hướng xã hội, do vậy, nên đưa hoạt động thống kê ngoài nhà nước vào loại hình kinh doanh có điều kiện.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Xuân Trường (Đoàn Hải Phòng) bày tỏ nhất trí với việc sửa đổi Luật Thống kê lần này và đề nghị phải bảo đảm tiêu chí cụ thể, thống nhất bảo đảm nhanh, chính xác và khách quan; nhất trí với phạm vi, đối tượng điều chỉnh, các quy định đối với cơ quan quản lý Nhà nước về thống kê. Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung chế tài xử lý với tổ chức, cá nhân thống kê số liệu không trung thực, chính xác, thiếu khách quan hoặc cố tình làm sai lệch số liệu...
Theo http://dbndhaiphong.gov.vn