VKSND 2 cấp TP Hải Phòng thực hiện khâu đột phá về chuyển đổi số

Tăng cường “Ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong Ngành Kiểm sát nhân dân” không chỉ là nhiệm vụ đột phá của ngành Kiểm sát Hải Phòng mà còn là nhiệm vụ chung của toàn Ngành kiểm sát nhân dân. Để cụ thể hóa nội dung này, VKSND TP Hải Phòng đã ban hành nhiều kế hoạch về thực hiện khâu đột phá về ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số, yêu cầu các đơn vị có các biện pháp, cách thức để thực hiện có hiệu quả khâu đột phá này.

Triển khai khâu đột phá ở VKSND 2 cấp

Xác định tầm quan trọng của công tác ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, cùng với việc kiện toàn Ban Chỉ đạo chuyển đổi số và Tổ giúp việc của ngành Kiểm sát Hải Phòng. Trong đó, đồng chí Viện trưởng VKSND thành phố là Trưởng ban và chịu trách nhiệm trong triển khai thực hiện công tác chuyển đổi số của ngành Kiểm sát Hải Phòng.

Ban Chỉ đạo yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị thuộc VKS hai cấp thành lập Tổ thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số của cơ quan, đơn vị. 26/26 cơ quan, đơn vị hai cấp đã thành lập Tổ công nghệ thông tin để triển khai thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số theo Kế hoạch của Ngành và của đơn vị.

Thực hiện Chỉ thị số 01 của Viện trưởng VKSND tối cao, năm 2024, ngành Kiểm sát Hải Phòng tiếp tục xác định chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin là nhiệm vụ đột phá năm 2024 để bứt phá, tiến tới hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ về ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số của Ngành. Ban Chỉ đạo yêu cầu các đơn vị hai cấp triển khai chuyển đổi số một cách tổng thể, toàn diện; lựa chọn việc dễ làm trước, việc khó triển khai thí điểm, đánh giá hiệu quả và nghiên cứu hoàn thiện trước khi mở rộng. Các mục tiêu, giải pháp, nhiệm vụ đề ra phải bảo đảm tính khả thi, đồng bộ, phù hợp khả năng thực hiện của các đơn vị VKS hai cấp gắn với khả năng cân đối, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực nhằm quyết tâm vượt khó, tạo ra chuyển biến mạnh mẽ, thực chất. Đồng thời, yêu cầu mỗi đơn vị đăng ký 01 nội dung đột phá phù hợp với đặc điểm tình hình của đơn vị.

Sau khi được Ban Chỉ đạo thẩm định, chấp nhận nội dung đăng ký đột phá, các đơn vị xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện. Căn cứ kết quả thực hiện của các đơn vị, Ban Chỉ đạo thẩm duyệt, đánh giá, lựa chọn từ 01 đến 02 sản phẩm có tính bứt phá, ứng dụng cao trong công tác chuyên môn, nghiệp vụ để phát triển, triển khai thực hiện tại VKS hai cấp ngành Kiểm sát Hải Phòng.

anh tin bai

Đồng chí Lưu Xuân Sang, Phó viện trưởng VKSND TP Hải Phòng phát biểu về kết quả ứng dụng công nghệ thông tin trong một Hội nghị theo mô hình “phòng họp không giấy”

Số hóa đi vào thực tiễn

Trong công tác quản lý, chỉ đạo điều hành thời gian qua tại VKS hai cấp ngành Kiểm sát Hải Phòng đã thực hiện100% văn bản hành chính được trao đổi, xử lý trên môi trường mạng được ký số bằng chữ ký số chuyên dùng và gửi qua hộp thư nội bộ của Ngành. Theo dõi, quản lý, lưu trữ 100% các tài liệu, báo cáo các chuyên đề nghiệp vụ, báo cáo sơ kết, tổng kết kết quả kiểm sát trên môi trường số.

100% các đơn vị thuộc VKS hai cấp triển khai, tổ chức “Phòng họp không giấy” đối với các cuộc họp giao ban và các cuộc họp có tính chất không mật bằng các ứng dụng, phần mềm miễn phí. Một số cuộc họp, hội nghị trực tuyến đã áp dụng phương án xem trực tiếp trên thiết bị di động qua phần mềm Google Meet.

VKSND TP Hải Phòng đã nghiên cứu trao đổi với VNPT Hải Phòng về việc sử dụng dịch vụ Cloud Object Storage để lưu trữ tài liệu trên nền điện toán đám mây và đang dự thảo Chương trình hợp tác với VNPT Hải Phòng về công tác chuyển đổi số trong thời gian tới.

Trong hoạt động nghiệp vụ, VKSND TP Hải Phòng và 15 VKSND quận, huyện đã được trang bị và hướng dẫn sử dụng cơ bản thiết bị ghi âm, ghi hình có âm thanh di động theo đề án của VKSND tối cao.

VKS hai cấp TP Hải Phòng tiếp tục xây dựng báo cáo án bằng sơ đồ tư duy đối với những vụ án có tính chất phức tạp để đảm bảo nâng cao hiệu quả việc nghiên cứu, tiếp cận hồ sơ vụ án. Trong 6 tháng đầu năm 2024, VKS hai cấp đã xây dựng 67 sơ đồ tư duy. Tất cả các báo cáo án đều đảm bảo được tiêu chí của sơ đồ tư duy, sử dụng từ ngữ ngắn gọn, trung tâm, có khả năng gợi mở được toàn bộ nội dung cần trình bày, giúp người nghe báo cáo dễ dàng ghi nhớ nội dung vụ án để đưa ra quan điểm giải quyết. Tiếp tục thực hiện nghiêm túc việc số hóa sồ sơ các vụ án hình sự, hành chính; vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh thương mại, lao động… Tổng số hồ sơ vụ án, vụ việc đã số hóa là 3.107 phục vụ xét xử, lưu trữ.

Lãnh đạo VKSD TP Hải Phòng chỉ đạo các đơn vị hai cấp tiếp tục tích cực phối hợp với Tòa án, Trại tạm giam nâng cao chất lượng đường truyền, tăng cường về số lượng và chất lượng trong việc tổ chức phiên tòa trực tuyến (6 tháng đầu năm, đã tổ chức 182 phiên tòa hình sự, 39 phiên tòa trong lĩnh vực kinh doanh thương mại, lao động, hành chính); phiên tòa có sử dụng tài liệu, chứng cứ đã được số hóa để công bố bằng hình ảnh tại phiên tòa nhằm phục vụ việc phát biểu, xét hỏi và luận tội của Kiểm sát viên (37 phiên tòa hình sự; 01 phiên tòa dân sự, hôn nhân và gia đình; 06 phiên tòa kinh doanh thương mại, hành chính).

Góp phần thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số

anh tin bai

Kiểm sát viên báo cáo án bằng sơ đồ tư duy trước phiên xét xử hình sự có sử dụng chứng cứ, tài liệu bằng hình ảnh tại phiên tòa

Với quyết tâm tạo ra những sản phẩm thực chất, có hiệu quả làm tiền đề tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các sản phẩm ứng dụng công nghệ thông tin. Các đơn vị hai cấp ngành Kiểm sát Hải Phòng đã đăng ký 26 nội dung đột phá và được thẩm định, chấp nhận nội dung đăng ký.

Sau khi hoàn thành thực hiện nội dung đột phá, các đơn vị báo cáo Ban chỉ đạo để tiến hành nghiệm thu. Việc thực hiện nghiệm thu theo một trình tự cụ thể áp dụng đối với tất cả các đơn vị, cụ thể: Mỗi đơn vị được nghiệm thu, Ban Chỉ đạo ban hành 01 Quyết định thành lập tổ thẩm định để chấm điểm, đánh giá kết quả thực hiện. Tổ thẩm định do đồng chí Trưởng phòng Tổ chức cán bộ làm Tổ trưởng; thành viên là các đồng chí phụ trách về công tác chuyển đổi số thuộc Văn phòng tổng hợp và Lãnh đạo phòng nghiệp vụ. Các thành viên trong Tổ thẩm định thống nhất phương pháp, xây dựng tiêu chí đánh giá, chấm điểm đảm bảo khách quan, công tâm, thực chất.

Đến nay, Tổ thẩm định đã nghiệm thu kết quả thực hiện tại 05/26 đơn vị thuộc ngành Kiểm sát Hải Phòng. Các đơn vị đã được thẩm định đều được xếp loại hoàn thành xuất sắc nội dung đột phá, đơn vị có điểm trung bình thấp nhất là 83 điểm (VKSND quận Ngô Quyền, quận Kiến An), đơn vị có điểm cao nhất là 91 điểm (VKSND huyện Kiến Thụy).

Trong đó, nổi bật có 02 sản phẩm được Tổ thẩm định đánh giá là chất lượng, có khả năng ứng dụng rộng rãi trong toàn Ngành: “Sử dụng tính năng Mail Merge trong Word và Excel để làm quyết định phân công Kiểm sát viên kiểm sát việc giải quyết vụ, việc hình sự, dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh thương mại, lao động, hành chính và các việc khác theo quy định của pháp luật” (VKSND huyện Kiến Thụy); “Ứng dụng phần mềm Google Sheets và Gmail trong việc tự động gửi tin nhắn thông báo số liệu, thời hạn tố tụng để theo dõi, quản lý, chỉ đạo, điều hành công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra các vụ án hình sự” (VKSND huyện Vĩnh Bảo).

anh tin bai

Đồng chí Nguyễn Công Hoàng, Viện trưởng VKSND huyện Kiến Thụy báo cáo nội dung khâu đột phá với Tổ thẩm định (tháng 6/2024). 

VKS huyện Kiến Thụy đã sử dụng triệt để các tính năng có sẵn trong bộ phần mềm Microsoft Office (Word và Excel), nhập dữ liệu liên quan đến vụ án, vụ việc 01 lần, kết hợp với tính năng in trộn (mail merge) để có thể tạo được 06 loại quyết định về việc phân công thụ lý, lập hồ sơ kiểm sát... Tiết kiệm tối đa về thời gian trong việc việc soạn thảo các quyết định; các văn bản tự động soạn thảo đảm bảo chính xác, không bị sai sót, nhầm lẫn như soạn thủ công từng quyết định. Qua đó nâng cao chất lượng ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số vào các hoạt động quản lý, chỉ đạo, điều hành và chuyên môn, nghiệp vụ, giảm thời gian làm việc, tăng cường chất lượng, hiệu quả công việc. Đồng thời, ứng dụng còn có khả năng tổng hợp thông tin, số lượng các vụ án, việc phân công vụ án giữa các Phó Viện trưởng, Kiểm sát viên… phục vụ công tác thống kê và công tác quản lý chỉ đạo điều hành của Lãnh đạo Viện.

VKSND huyện Vĩnh Bảo sử dụng phần mềm Google trang tính kết hợp với Google app scripts để quản lý thời hạn tin báo, thời hạn tố tụng, thời hạn tạm giữ, tạm giam... và tự động gửi tin nhắn thông báo những vụ án sắp hết thời hạn tố tụng (trước khi hết thời hạn tố tụng 10 ngày) vào Gmail của Lãnh đạo Viện, Kiểm sát viên. Qua đó, công tác theo dõi, quản lý thời hạn tố tụng giải quyết các vụ án, vụ việc được đảm bảo, kịp thời, không để xảy ra tình trạng quá thời hạn giải quyết.

Việc triển khai thực hiện khâu đột phá và hoạt động nghiệm thu nội dung đột phá của VKSND TP Hải Phòng có thể đánh giá là điểm mới, không chỉ đảm bảo tính khách quan, chuyên nghiệp mà còn đồng thời cũng là cơ hội để các thành viên trong Tổ thẩm định, các đồng chí trong đơn vị chia sẻ, trao đổi và nhân rộng sáng kiến, cách làm hay. Qua đó, thúc đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số của ngành Kiểm sát Hải Phòng, đưa công nghệ thông tin trở thành hoạt động ứng dụng thường xuyên trong tất cả các khâu công tác.

Hưng Thịnh (Hoàng Hưng – Phạm Thịnh)

Nguồn bài viết:  Báo Bảo vệ pháp luật số 60 (2199) phát hành Thứ 6 ngày  26 /7/2024


Ứng dụng hỗ trợ nghiệp vụ
Tin tức
Thông tin cần biết
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1

Trang thông tin điện tử: VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG - Cơ quan chủ quản: VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO
Địa chỉ: Lô 18A, Lê Hồng Phong, Hải An, TP Hải Phòng - Điện thoại: 02253.838308 - Fax: 02253.839072 - Email: vp_haiphong@vks.gov.vn
Trưởng ban biên tập: Phó Viện trưởng Lưu Xuân Sang
Số giấy phép: 03/GP-STTTT do Sở Thông tin và Truyền thông TP Hải Phòng cấp ngày 17 tháng 10 năm 2017 (Giấy phép có giá trị 10 năm)
Bản quyền thuộc về VKSND TP Hải Phòng - Thiết kế bởi VNPT | Quản trị

Chung nhan Tin Nhiem Mang