Hoạt động bán đấu giá tài sản trong thi hành án dân sự là giai đoạn cuối cùng rất quan trọng trong quá trình xử lý tài sản của người phải thi hành án nhằm bảo đảm cho việc xử lý tài sản được công khai, minh bạch, khách quan, giảm thiểu các tiêu cực trong việc xử lý tài sản, góp phần giải quyết dứt điểm, kịp thời số lượng án tồn đọng của cơ quan thi hành án dân sự. Trên thực tế, hoạt động này đã có nhiều vi phạm của Cơ quan THADS; Chấp hành viên; tổ chức đấu giá; cá nhân có liên quan trong công tác kê biên, bán đấu giá tài sản làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích nhà nước và của các bên đương sự... Vì vậy, ngày 10/8/2023 Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hải Phòng đã tổ chức Hội thảo tập huấn “Quy trình, kỹ năng kiểm sát hoạt động bán đấu giá tài sản thi hành án”.
Với mục đích đánh giá thực trạng
công tác kiếm sát bán đấu giá tài sản trong thi hành án; nhận diện các vi phạm,
đưa ra các kỹ năng kiểm sát hoạt động bán đấu giá tài sản thi hành án; từ đó
đưa ra những giải pháp để nâng cao chất lượng kiểm sát hoạt động bán đấu giá
tài sản thi hành án nói riêng và tổ chức thi hành án dân sự nói chung trên địa
bàn thành phố.
Theo đó, Kiểm sát viên kiểm sát
việc bán đấu giá tài sản trong thi hành án thông qua hai phương thức: thông ra
kiểm sát hồ sơ bán đấu giá tài sản theo quy định tại Điều 12 Luật Thi hành án
dân sự và thông báo kiểm sát trực tiếp tại cuộc đấu giá tài sản.
Khi kiểm sát thông qua hồ sơ bán
đấu giá tài sản, Kiểm sát viên cần lưu lý các trường hợp Viện kiểm sát ban hành
văn bản yêu cầu Cơ quan thi hành án dân sự và cơ quan, tổ chức có liên quan cung cấp hồ sơ, tài liệu về hoạt
động bán đấu giá tài sản thi hành án để tiến hành kiểm sát. Kiểm sát viên tiếp nhận và nghiên cứu hồ
sơ, tài liệu để kiểm sát trình tự, thủ tục về bán đấu giá tài sản thi hành án.
Khi kiểm sát trực tiếp tại cuộc đấu giá tài sản: Khi được
Cơ quan Thi hành án dân sự, Tổ chức bán đấu giá tài sản mời tham dự cuộc đấu
giá thì Viện kiểm sát phân công Kiểm sát viên tham dự để kiểm sát việc tuân
theo pháp luật của Chấp hành viên, Đấu giá viên và những người tham gia trong
quá trình đấu giá.
Khi kiểm sát hoạt động bán đấu
già tài sản, Kiểm sát viên phải kiểm sát toàn diện các hoạt động trước, trong
và sau khi kết thúc việc đấu giá, từ đó kịp thời phát hiện vi phạm phát luật
trong quá trình tổ chức thi hành, vi phạm trong việc bán đấu giá tài sản thì
tùy theo tính chất và mức độ vi phạm, Kiểm sát viên báo cáo đề xuất lãnh đạo
Viện ban hành kiến nghị, kháng nghị, yêu cầu khắc phục vi phạm.
Kiểm sát các hoạt động trước bán
đấu giá tài sản yêu cầu Kiểm sát viên phải kiểm sát việc xác định thẩm quyền
bán đấu giá tài sản theo quy định tại khoản 2, 3 Điều 101 Luật Thi hành án dân sự; kiểm sát việc
thực hiện quyền bán đấu giá và kiểm sát việc ký hợp đồng bán dịch vụ bán đấu
giá; kiểm sát việc Chấp hành viên thực hiện quy định về bán đấu giá tài sản kê
biên thuộc sở hữu chúng; kiểm sát việc Tổ chức bán đấu giá ban hành Quy chế
cuộc đấu giá; kiểm sát việc Tổ chức bán đấu giá niêm yết việc đấu giá; kiểm
sát việc Tổ chức bán đấu giá thông báo công khai việc đấu giá tài sản kê biên; kiểm sát việc
bán hồ sơ và tiếp nhận hồ sơ tham gia đấu giá; kiểm sát việc thu, quản lý, xử lý khoản tiền đặt trước
của người tham gia đấu giá; kiểm sát việc cho người tham gia
đấu giá trực tiếp xem tài sản kê biên.
Khi
kiểm sát các hoạt động trong quá trình bán đấu giá tài sản bao gồm: kiểm sát
việc Chấp hành viên giải quyết cho người phải thi hành án quyền được nhận lại
tài sản kê biên; kiểm sát địa điểm tổ chức cuộc đấu giá; kiểm sát việc thực hiện
trình tự, thủ tục tổ chức, điều hành cuộc đấu giá của Tổ chức bán đấu giá tài
sản và Đấu giá viên; kiểm sát việc bán đấu giá trong trường hợp chỉ có một
người đăng ký tham gia đấu giá, một người tham gia đấu giá, một người trả giá, một
người chấp nhận giá; kiểm sát trong trường hợp không có người tham gia đấu giá,
bán đấu giá không thành.
Kỹ
năng khi kiểm sát các hoạt động sau khi kết thúc việc đấu giá bao gồm: kiểm sát
việc Chấp hành viên thực hiện ký Hợp đồng mua bán tài sản đấu giá; kiểm sát
việc Cơ quan THADS thu tiền bán đấu giá; kiểm sát việc Chấp hành viên thực hiện
giao tài sản cho người trúng đấu giá; kiểm sát việc hủy kết quả bán đấu giá;
kiểm sát việc Tổ chức bán đấu giá chuyển hồ sơ đấu giá cho Cơ quan THADS; kiểm
sát việc Cơ quan THADS thụ lý, giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến hoạt
động bán đấu giá; kiểm sát việc Chấp hành viên lưu trữ hồ
sơ bán đấu giá.
Qua
kiểm sát hoạt động bán đấu giá tài sản thi hành án, nếu phát hiện vi phạm pháp
luật trong quá trình tổ chức thi hành, vi phạm trong việc bán đấu giá tài sản
thì Kiểm sát viên phải kịp thời báo cáo đề xuất lãnh đạo Viện ban hành văn bản
kiến nghị, kháng nghị, yêu cầu khắc phục vi phạm. Cụ thể như sau:
-
Trường hợp phát hiện vi phạm pháp luật ít nghiêm trọng thì báo cáo đề xuất ban
hành kiến nghị đối với Thủ trưởng Cơ quan Thi hành án dân sự hoặc với cơ quan,
tổ chức cá nhân có liên quan đến hoạt động bán đấu giá để khắc phục vi phạm và
xử lý người vi phạm hoặc áp dụng biện pháp phòng ngừa chung theo quy định tại
khoản 7 Điều 28 Luật Tổ chức Viện kiểm sát, điểm đ khoản 2 Điều 12 Luật
Thi hành án dân sự và Điều 35 Quy chế số 810.
-
Trường hợp phát hiện quyết định hoặc hành vi của Thủ trưởng, Chấp hành viên Cơ
quan Thi hành án dân sự trong hoạt động bán đấu giá có vi phạm pháp luật nghiêm
trọng, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ
chức, cá nhân thì phải báo cáo đề xuất ban hành kháng nghị, yêu cầu đình chỉ
việc thi hành, thu hồi, sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ quyết định có vi phạm pháp
luật, chấm dứt hành vi vi phạm pháp luật theo quy định
tại khoản 8 Điều 28 Luật Tổ chức Viện kiểm sát, điểm
e khoản 2 Điều 12, Điều 160 Luật Thi hành án dân sự và Điều 34 Quy chế số
810.
-
Trường hợp phát hiện bản án, quyết định của Tòa án tuyên không rõ, có sai sót,
khó thi hành thì Kiểm sát viên báo cáo đề xuất ban hành văn bản yêu cầu Cơ quan
Thi hành án dân sự có văn bản yêu cầu Tòa án đã ra bản án, quyết định đó giải
thích, sửa chữa theo quy định tại khoản 1 Điều 9 Thông tư liên tịch số
11/2016/TTLT.
- Trường
hợp có căn cứ để xem xét lại bản án, quyết định của Tòa án theo thủ tục giám
đốc thẩm hoặc tái thẩm thì Kiểm sát viên báo cáo đề xuất ban hành văn bản yêu
cầu Cơ quan Thi hành án dân sự kiến nghị với người có thẩm quyền xem xét lại
bản án, quyết định đó theo quy định tại khoản 1 Điều 10 Thông tư liên tịch số
11/2016/TTLT.
Hội
thảo cũng nhận được rất nhiều tham luận, ý kiến phát biểu trực tiếp tại từng
điểm cầu, qua đó đã nêu được thực trạng, những khó khăn, vướng mắc, những giải
pháp của các đơn vị quận, huyện nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác
kiểm sát hoạt động bán đấu giá tài sản. Theo đó để hoạt động bán đấu giá tài sản trong
thi hành án dân sự đúng với quy định của Luật đấu giá, Luật thi hành án dân sự cần
có các giải pháp đồng bộ sau:
- Tăng
cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ Đảng trong công tác phối hợp thi hành
án dân sự đặc
biệt là trong việc thực hiện quy chế phối hợp trong công tác thi hành án dân sự
và các vụ việc thi hành án dân sự nói chung có khó khăn, vướng mắc, khó thi
hành để kịp thời tháo gỡ, giải quyết triệt để, tránh kéo dài quá trình thi hành
án, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhận, cơ quan, tổ chức có
liên quan.
- Phát huy vai trò của Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự. Ban Chỉ đạo thi hành án
dân sự kịp thời tổ chức cuộc họp để bàn biện pháp chỉ đạo việc tổ chức phối hợp
và tổ chức cưỡng chế thi hành án dân sự theo đề nghị của Thủ trưởng cơ quan thi
hành án dân sự cùng cấp theo quy định của pháp luật. Cơ quan thi hành án dân sự
chủ động thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn giúp Ủy ban nhân dân cùng cấp trong chỉ
đạo việc tổ chức phối hợp các cơ quan có liên quan trong thi hành án dân sự trên
địa bàn và chỉ đạo việc tổ chức cưỡng chế thi hành các vụ án lớn, phức tạp, có
ảnh hưởng về an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương. Trường
hợp có khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn thì kịp
thời báo cáo Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự cùng cấp để tham mưu giúp Ủy ban
nhân dân chỉ đạo giải quyết. Với quy định trên cho thấy Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự có một
vai trò, vị trí rất quan trọng, đã góp phần không nhỏ vào việc giải quyết những
vướng mắc trong công tác thi hành án dân sự, ngoài ra Ban chỉ đạo thi hành án
dân sự còn là cầu nối để khơi thông, điều phối mối quan hệ giữa cơ quan thi
hành án dân sự với các cơ quan khác trong huyện. Đến ngày 17/9/2021, Ban chỉ
đạo thi hành án dân sự huyện Tiên Lãng đã được kiện toàn theo Quyết định số
1958/QĐ- UBND, theo đó đồng chí Chủ tịch UBND huyện là Trưởng ban.
- Phát huy vai trò của người đứng đầu; Quan hệ trong công tác giữa Viện kiểm sát, Cơ quan thi hành án với
các cơ quan hữu quan mặc dù đã được pháp luật quy định về quyền và nghĩa vụ của
các bên. Tuy nhiên, để phát huy tốt mối quan hệ trong công tác phối hợp, thì người
đứng đầu có sự ảnh hưởng lớn đến việc thiết lập mối quan hệ giữa Viện kiểm sát
với Cơ quan thi hành án dân sự, cũng như với các cơ quan hữu quan. Tại hai cấp Viện kiểm sát thành phố Hải Phòng thì công tác thi hành án dân
sự đều được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Viện trưởng. Dưới sự chỉ đạo của
Viện trưởng, Kiểm sát
viên được phân công đã thuận lợi trong việc trao đổi, phối hợp, kiểm sát hoạt
động của Chấp hành viên trong việc giải quyết vụ việc để đảm bảo Cơ quan thi
hành án cũng như cơ quan chuyên môn gửi đầy đủ các tài liệu có liên quan đến
hoạt động bán đấu giá tài sản, như: ký hợp đồng thẩm định giá, nhận kết quả
thẩm định giá, ký hợp đồng bán đấu giá, …. góp phần đảm bảo việc kiểm sát được
toàn diện, kịp thời.
- Phối hợp chặt chẽ giữa Kiểm sát viên,
Chấp hành viên với Đấu giá viên trong việc bán đấu giá tài sản thi hành án. Để có căn cứ kiểm sát hoạt động bán đấu giá tài sản thi hành án
đúng quy định của pháp luật, Kiểm sát viên phối hợp tốt với chấp hành viên, đấu
giá viên để cung cấp các tài liệu liên quan đến hoạt động bán đấu giá tài sản
trong thi hành án dân sự.
Trong thời gian tới, Viện kiểm sát
nhân dân thành phố tiếp tục phối hợp với Cục Thi hành dân sự thành phố và
các cơ quan liên quan tăng cường hơn nữa trong
công tác phối hợp hướng dẫn, thực thi pháp luật liên quan đến hoạt
động bán đấu giá tài sản trong thi hành án dân sự trên địa bàn thành phố, hạn
chế thấp nhất các vi phạm xảy ra trong lĩnh vực này.
Đặng Minh Phượng – Phòng 11 Viện kiểm sát ND thành phố Hải
Phòng