Ngành kiểm sát Hải Phòng chủ động, tích cực trong công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực
Hải Phòng là thành phố Cảng lớn nhất miền Bắc, là vùng kinh tế trọng điểm của Bắc Bộ. Trong những năm vừa qua, thành phố Hải Phòng đã thực hiện nhiều chính sách đột phá trong phát triển kinh tế, xã hội, tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, đời sống của nhân dân được cải thiện, tình hình an ninh, chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Tuy nhiên bên cạnh đó, tình hình tội phạm nói chung và tội phạm về tham nhũng, chức vụ, kinh tế có chiều hướng gia tăng, diễn biến phức tạp. Tội phạm về tham nhũng, chức vụ, kinh tế liên quan đến chức vụ xảy ra ở nhiều lĩnh vực quản lý nhà nước như quản lý, sử dụng đất đai; khai thác tài nguyên, khoáng sản; quản lý thuế, tài chính, kế toán; mua sắm tài sản công; giáo dục, y tế, đăng kiểm… Phương thức, thủ đoạn phạm tội tham nhũng, chức vụ thường rất tinh vi, lợi dụng sơ hở, bất cập trong cơ chế chính sách, công tác quản lý của Nhà nước để trục lợi, nhất là những lĩnh vực nhạy cảm như quản lý, sử dụng đất đai, quản lý thuế, mua sắm tài sản công, giáo dục, kế toán.

Trong lĩnh vực đấu tranh phòng, chống tham nhũng, theo quy định của pháp luật, VKSND có trách nhiệm thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp từ khi tiếp nhận nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án đối với các vụ án về tội phạm tham nhũng, chức vụ; và trực tiếp điều tra, truy tố tội phạm tham nhũng, chức vụ xảy ra trong hoạt động tư pháp mà người phạm tội là cán bộ, công chức thuộc cơ quan điều tra, VKSND, tòa án nhân dân cơ quan thi hành án, người có thẩm quyền tiến hành hoạt động tư pháp theo quy định của pháp luật.

Nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng của công tác phòng, chống tham nhũng, trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, Ban cán sự đảng, lãnh đạo VKSND thành phố Hải Phòng luôn xác định công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra các vụ án tham nhũng, chức vụ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, là trách nhiệm chính trị trước Đảng, Nhà nước và nhân dân. Đã triển khai, thực hiện nghiêm túc, kịp thời Ngh quyết Đại hi Đảng toàn quc ln th XII; Chỉ thị số 50-CT/TW ngày 07/12/2015 của Bộ Chính trị khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng; Chỉ thị số 26-CT/TW ngày 09/11/2018 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật trong công tác điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc; Chỉ thị số 27-CT/TW ngày 10/01/2019 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ người phát hiện, tố giác, người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; Chỉ thị số 04-CT/TW ngày 02/6/2021 của Ban Bí thư về Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; Chỉ thị số 02/CT-VKSTC ngày 22/3/2019 và Chỉ thị số 03/CT-VKSTC ngày 27/6/2023 của Viện trưởng VKSND tối cao về tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng trong ngành Kiểm sát nhân dân; Các kế hoạch, chương trình công tác của Ban chỉ đạo thành phố Hải Phòng về phòng, chống tham nhũng....

Đồng thời, Ban Cán sự Đảng và Đảng ủy cơ quan Viện kiểm sát nhân dân thành phố, các đơn vị của Viện kiểm sát nhân dân hai cấp đã xây dựng hệ thống Quy chế làm việc và triển khai thực hiện nghiêm các quy định, trong đó quy định về tăng cường sự lãnh đạo của đảng đối với công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử án hình sự. Các quy chế này được tiến hành sửa đổi, bổ sung nhiều lần để phù hợp với quy định của Hiến pháp, Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân và tình hình nhiệm vụ chính trị trong giai đoạn hiện nay. Bên cạnh đó, Ban Cán sự Đảng Viện kiểm sát nhân dân thành phố tham mưu cho Thành ủy Hải Phòng ban hành các Chỉ thị lãnh đạo đối với các cấp ủy Đảng, các cơ quan tư pháp, ban ngành thành phố trong công tác phòng, chống tội phạm như: Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng đã ban hành Chỉ thị số 31-CT/TU ngày 26/8/2014 về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố trên địa bàn thành phố Hải Phòng; năm 2017 VKS thành phố đã tham mưu cho Thành ủy Hải Phòng ban hành Chỉ thị về tăng cường công tác thi hành án hình sự trên địa bàn thành phố, góp phần nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản, khắc phục hậu quả do tội phạm tham nhũng, chức vụ gây ra. Bên cạnh đó, để nâng cao chất lượng giải quyết án tham nhũng, VKSND thành phố đã xây dựng chuyên đề và tổ chức nhiều hội nghị để đánh giá thực trạng giải quyết các vụ án tham nhũng tại Hải Phòng. Trên cơ sở đó tổng kết rút kinh nghiệm, đưa ra các giải pháp, kiến nghị nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả giải quyết án tham nhũng trên địa bàn thành phố và đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp.

Những kết quả đạt được trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng của các cơ quan tư pháp nói chung, ngành Kiểm sát Hải Phòng nói riêng đã được lãnh đạo Thành uỷ Hải Phòng, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao và được thể hiện thông qua các phương diện:

Thứ nhất, thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp ngay từ khi tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm đến việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án đối với các vụ án tham nhũng, chức vụ. Trong 11 năm, từ năm 2013 đến năm  2023, ngành Kiểm sát Hải Phòng đã thụ lý kiểm sát giải quyết 110 nguồn tin về tội phạm tham nhũng, trong đó có 02 nguồn tin thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo xảy ra tại Dự án đầu tư xây dựng Nhà máy sản xuất xơ sợi Polyeste Đình Vũ: Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng”; Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí”; đã thụ lý thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra 66 vụ/117 bị can về tội tham nhũng, trong đó có 13 vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo thành phố Hải Phòng về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo; phối hợp với tòa án có thẩm quyền đưa ra xét xử 55 vụ/110 bị cáo với mức án nghiêm minh, đúng quy định của pháp luật, nhưng cũng bảo đảm tính nhân văn, cân nhắc và có sự phân hóa giữa vai trò, trách nhiệm của đối tượng chỉ huy, cầm đầu, chủ mưu với đối tượng đồng phạm, giúp sức, người thực hành.

Đặc biệt, đã phối hợp chặt chẽ cùng cơ quan điều tra phát hiện, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử một số vụ án tham nhũng, chức vụ lớn với hậu quả thiệt hại nghiêm trọng như:

Trong lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai: Một số đối tượng là cán bộ, đảng viên đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong đền bù, giải phóng mặt bằng để tư lợi cá nhân; chuyển đổi mục đích sử dụng đất, thu tiền trái pháp luật gây hậu quả ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động quản lý đất đai của Nhà nước, làm giảm uy tín của chính quyền địa phương, làm cho người dân bức xúc, khiếu kiện, gây mất ổn định an ninh trật tự (vụ án Lạm quyền trong khi thi hành công vụ xảy ra tại xã Hưng Đạo, huyện Kiến Thụy nay là quận Dương Kinh).

Trong lĩnh vực thuế: Một số cán bộ thuế đã nhận tiền của đối tượng hoặc vì động cơ cá nhân, buông lỏng quản lý, để đối tượng thực hiện hành vi mua bán trái phép hóa đơn, buôn lậu.... (Vụ án Nguyễn Việt Anh phạm tội Nhận hối lộ; Vụ án Tô Hữu Tề phạm tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ).

Trong lĩnh vực tài chính, kế toán: Một số đối tượng là kế toán của các đơn vị có nguồn thu ngân sách Nhà nước, lợi dụng chức vụ, nhiệm vụ được giao đã làm giả chứng từ chiếm đoạt tiền của Nhà nước (Vụ án Vũ Thị Hoa phạm tội Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiến đoạt tài sản)

Trong lĩnh vực mua sắm tài sản công: lợi dụng được tự chủ về tài chính, đối tượng lập khống chứng từ mua thiết bị, gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước (Vụ án Nguyễn Diệp Dũng phạm tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ)

Trong lĩnh vực giáo dục: Lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao hiệu trưởng trường tiểu học lạm thu, chỉ đạo thu, chi ngân sách không đúng quy định (Vụ án Nguyễn Thị Phương Hoa, Nguyễn Thị Dung và vụ án Nguyễn Thị Thu Hương, Nguyễn Thị Huế phạm tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ)

Trong lĩnh vực trồng, quản lý, bảo vệ rừng: Một số cán bộ được giao nhiệm vụ quản lý rừng đã không tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng, tổ chức kí kết hợp đồng, liên doanh liên kết, để cho nhiều doanh nghiệp đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng đầu tư kinh doanh dịch vụ nhà hàng, phát triển du lịch đã dẫn đến nhiều vi phạm trong công tác quản lý tài sản nhà nước (Vụ án Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ xảy ra tại Vườn Quốc gia Cát Bà)

Trong lĩnh khai thác khoáng sản: Một số doanh nghiệp được cấp phép khai thác tài nguyên (đá vôi) nhưng đã thực hiện hành vi không thuê đất để khai thác, tổ chức khai thác vượt quá ranh giới cấp phép với số lượng lớn để thu lời bất chính đã gây thất thu cho ngân sách nhà nước. Các cơ quan quản lý nhà nước cũng có vi phạm trong việc buôn lỏng quản lý, không kiểm tra, phát hiện, xử lý để mặc cho doanh nghiệp vi phạm pháp luật… (Vụ án Khoa Năng Truyền phạm tội Vi phạm các quy định về khai thác tài nguyên và vụ án Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra trong quá trình một số doanh nghiệp khai thác đá vôi).

Trong lĩnh vực đăng kiểm: Một số cán bộ tại các trung tâm đăng kiểm đã nhận tiền, bỏ qua một số sai phạm của các cá nhân, tổ chức trong quá trình đăng kiểm cho các phương tiện (Vụ án Vũ Thái Phòng phạm tội nhận hối lộ; Vụ án Nhận hối lộ xảy ra tại Trung tâm Đăng kiểm phương tiện xe cơ giới 15-01V Hải Phòng).

Để nâng cao chất lượng giải quyết các vụ án kinh tế, tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị của Đảng và Nhà nước giao, lãnh đạo VKSND thành phố đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đồng bộ các biện pháp đấu tranh, xử lý vụ việc, vụ án liên quan đến tội phạm tham nhũng, chức vụ; phân công các Kiểm sát viên có năng lực, kinh nghiệm, bản lĩnh và dám đương đầu đấu tranh với cái sai, bảo vệ cái đúng tham gia giải quyết các vụ án. Các Kiểm sát viên đã tăng cường trách nhiệm công tố, tham gia sớm hơn và ngay từ khi Cơ quan điều tra tiến hành hoạt động điều tra, xác minh các vụ việc, nguồn tin có dấu hiệu tội phạm tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp; chủ động định hướng hoạt động điều tra, 100% số vụ án đều có yêu cầu điều tra, có vụ ban hành nhiều yêu cầu điều tra nhằm làm rõ hành vi phạm tội và tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt; trực tiếp tham gia các hoạt động tố tụng theo quy định trong giai đoạn điều tra; kịp thời yêu cầu Cơ quan điều tra áp dụng biện pháp ngăn chặn, bắt tạm giam những bị can có vai trò chính, chủ mưu hoặc cấm xuất cảnh các đối tượng liên quan ngay từ giai đoạn xác minh, giải quyết tin báo để ngăn chặn đối tượng bỏ trốn. Đồng thời, Lãnh đạo VKSND thành phố và các đơn vị nắm chắc tiến độ, kết quả điều tra, những vấn đề khó khăn, vướng mắc để cho ý kiến chỉ đạo kịp thời; chủ động báo cáo Ban chỉ đạo Trung ương, Ban Chỉ đạo thành phố Hải Phòng về phòng, chống tham nhũng, Ban Nội chính Thành uỷ, liên ngành tư pháp Hải Phòng tổ chức họp bàn, tháo gỡ khó khăn nhằm đẩy nhanh tiến độ giải quyết vụ việc, vụ án. Triển khai thực hiện hiệu quả việc “số hóa hồ sơ vụ án” và công bố tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh tại phiên tòa, bảo vệ thuyết phục quan điểm truy tố, khẳng định vai trò, vị trí của Kiểm sát viên, quan điểm xử lý của ngành Kiểm sát và nguyên tắc tranh tụng được đảm bảo theo tinh thần cải cách tư pháp. Vì vậy, chất lượng công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát giải quyết các vụ án tham nhũng những năm qua được nâng cao, đã thực hành quyền công tố, kiểm sát chặt chẽ 100% số vụ án tham nhũng ngay từ khi tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố cũng như trong suốt quá trình điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Các vụ án đều được điều tra, truy tố, xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không xảy ra oan sai, bỏ lọt tội phạm, người phạm tội; bảo đảm các yếu tố: chính trị, pháp luật, nghiệp vụ.

Thứ hai, cùng với việc phát hiện, xử lý nghiêm tội phạm về tham nhũng, ngành Kiểm sát Hải Phòng đã cùng với các cơ quan tiến hành tố tụng xác định việc thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án tham nhũng là mục tiêu, yêu cầu quan trọng. 100% số vụ án có dấu hiệu gây thất thoát, chiếm đoạt tài sản đều được Kiểm sát viên đề ra yêu cầu xác minh, thu hồi tài sản. Phối hợp với Cơ quan điều tra thực hiện các biện pháp ngăn chặn, thu giữ, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản của bị can, bị cáo và người liên quan nhằm không để tẩu tán, che dấu, hợp pháp hóa tài sản ngay từ giai đoạn khởi tố, điều tra. Trong giai đoạn truy tố, ngoài việc tiếp tục duy trì lệnh kê biên, phong tỏa tài sản, bảo đảm thu hồi tài sản của giai đoạn điều tra. Đồng thời, ngành Kiểm sát Hải Phòng tích cực phối hợp với CQĐT, TAND, cơ quan thi hành án giải thích, động viên người phạm tội tự nguyện giao nộp lại tài sản đã chiếm đoạt, tự nguyện khắc phục hậu quả thiệt hại đã gây ra, qua đó nâng cao tỷ lệ thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng; bảo đảm 03 nguyên tắc: Thu hồi triệt để tài sản cho Nhà nước; không để tài sản bị hư hỏng gây lãng phí; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân thực hiện giao dịch. Kết quả, nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế liên quan đến chức vụ có tỷ lệ thu hồi tài sản đạt tỷ lệ 100%, tỷ lệ thu hồi tài sản trong những năm gần đây tăng cao.

Thứ ba, qua thực hiện chức năng, nhiệm vụ, VKS hai cấp thành phố Hải Phòng chủ động tham mưu cho các cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan tiến hành tố tụng trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng; kiến nghị với cấp có thẩm quyền đề ra các biện pháp khắc phục thiếu sót trong quản lý kinh tế, xã hội, phòng ngừa tội phạm tham nhũng.

Quá trình giải quyết các vụ án tham nhũng, kinh tế liên quan đến chức vụ, Viện kiểm sát nhân dân hai cấp thành phố Hải Phòng tăng cường thực hiện chức năng kiểm sát, thường xuyên theo dõi, tổng hợp các vi phạm, cập nhật trong hệ thống sổ theo dõi vi phạm của các cơ quan tố tụng, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra và các cơ quan, tổ chức khác liên quan. Trong 10 năm, đã ban hành 07 kiến nghị với các cơ quan, tổ chức để phòng ngừa vi phạm, tội phạm như: kiến nghị yêu cầu Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hải Phòng khắc phục những sơ hở trong cơ chế, chính sách quản lý là nguyên nhân dẫn đến tội phạm, góp phần chấn chỉnh công tác quản lý kinh tế - xã hội ở đơn vị để xảy ra tội phạm tham nhũng; kiến nghị yêu cầu phòng ngừa sơ hở trong quản lý của Công ty cổ phần bảo đảm giao thông đường thủy Hải Phòng là nguyên nhân phát sinh tội phạm tham nhũng; kiến nghị yêu cầu Cục trưởng Cục Hải quan thành phố Hải Phòng tăng cường công tác quản lý, kiểm soát trong lĩnh vực tài chính, kế toán, kiểm soát thu chi ngân sách nhà nước; kiến nghị yêu cầu Cục trưởng Cục thuế thành phố Hải Phòng tích cực đôn đốc, kiểm tra việc triển khai, thực hiện các văn bản chỉ đạo về tổ chức thực hiện các biện pháp kỹ thuật nghiệp vụ quản lý rủi ro trong hoạt động quản lý thuế trên địa bàn thành phố; kiến nghị yêu cầu các Chi cục thuế khu vực Hồng Bàng - An Dương, Ngô Quyền - Hải An khắc phục vi phạm trong công tác quản lý thuế. Chất lượng kiến nghị đảm bảo, chỉ ra các vi phạm của các cơ quan, tổ chức, nêu rõ căn cứ pháp luật nên đều được các cơ quan, tổ chức tiếp thu, kịp thời khắc phục.

Thứ tư, Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hải Phòng luôn chú trọng và làm tốt công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ đơn vị.

Ngành Kiểm sát Hải Phòng quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm quy định của Đảng, Nhà nước và của Ngành kiểm sát nhân dân về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; tăng cường công tác quản lý, giáo dục công chức, viên chức, người lao động, nêu cao vai trò trách nhiệm nêu gương, tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, bản lĩnh chính trị, gương mẫu trong công việc và xử lý nghiêm các trường hợp cố ý vi phạm pháp luật, tham nhũng, tiêu cực trong thực thi công vụ để răn đe, giáo dục. Gắn công tác xây dựng Đảng với xây dựng Ngành, đơn vị và đánh giá cán bộ gắn với kiểm điểm trách nhiệm của người đảng viên trong thực hiện nhiệm vụ.

Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực như: Công khai, minh bạch về tổ chức và hoạt động của cơ quan, đơn vị; xây dựng và thực hiện chế độ, định mức, tiêu chuẩn phù hợp với quy định của pháp luật và của Ngành; xây dựng, thực hiện tốt quy tắc ứng xử, chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, thực hiện quy định về tặng quà, nộp lại quà tặng; thực hiện nghiêm quy định về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ; thực hiện việc chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức theo quy định và yêu cầu công tác, nhiệm vụ phân công; tổ chức thực hiện nghiêm các quy định về kê khai, kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, đơn vị; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong quản lý, chỉ đạo, điều hành, chuyên môn nghiệp vụ. Xây dựng văn hóa tiết kiệm, không tham nhũng, tiêu cực trong cán bộ, công chức, người lao động.

Tăng cường quản lý, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ; tăng cường công tác thanh tra, tự kiểm tra trong nội bộ đơn vị, nhất là các lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực, chủ động tự phát hiện và xử lý nghiêm người có hành vi tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, nhất là các trường hợp nhũng nhiễu, gây phiền hà với người dân, vụ lợi khi giải quyết công việc đối với bị can, bị cáo, đương sự, người khiếu nại, tố cáo và người có liên quan. Tạo điều kiện để công chức, người lao động và nhân dân tham gia phát hiện, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; bảo vệ người khiếu nại, tố cáo tham nhũng, tiêu cực và xử lý người có hành vi lợi dụng tố cáo tham nhũng, tiêu cực để gây mất đoàn kết nội bộ, vu khống, hãm hại người khác.

Trong những năm qua, ngành Kiểm sát Hải Phòng luôn gi vng truyn thng đơn v đoàn kết, trong sch, vng mnh. Qua hoạt động tự kiểm tra của nội bộ ngành Kiểm sát và qua công tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy, tổ chức Đảng và qua hoạt động thanh tra không có cán bộ, công chức nào bị tố cáo tham nhũng hoặc bị phát hiện, xử lý về hành vi tham nhũng, tiêu cực; việc sử dụng nguồn kinh phí, ngân sách được cấp của VKS hai cấp đúng quy định; không có trường hợp nào phải xác minh hoặc bị kết luận về việc kê khai tài sản không trung thực.

Bài học và kinh nghiệm rút ra

Từ thực tiễn thực hiện chức năng thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp đối với tội phạm tham nhũng, chức vụ, kinh tế liên quan đến chức vụ, nhiều bài học, kinh nghiệm đã được rút ra, là tiền đề cho những giải pháp để tăng cường hiệu quả công tác này trong thời gian tới:

Một là, trong công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc quyết tố giác, tin báo và kiến nghị khởi tố: khi tiếp nhận nguồn tin KSV phải cùng ĐTV nghiên cứu nội dung các kiến nghị khởi tố để xác định dạng vi phạm, lĩnh vực công tác vi phạm trong vụ việc. Tìm hiểu các văn bản pháp luật quy định về trình tự, thủ tục, chức năng, nhiệm vụ của đối tượng và lĩnh vực có vi phạm pháp luật để hiểu về chuyên môn và bản chất của vi phạm pháp luật. Phối hợp với ĐTV đánh giá sơ bộ các tài liệu, chứng cứ, định hướng điều tra. Trên cơ sở đó KSV ban hành các yêu cầu xác minh. Cùng ĐTV báo cáo kịp thời đến các đồng chí lãnh đạo những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động thu thập chứng cứ, định giá, giám định thiệt hại của vụ án và áp dụng các biện pháp thu hồi tài sản tham nhũng.

Hai là, kinh nghiệm ban hành bản yêu cầu kiểm tra, xác minh; yêu cầu điều tra: KSV phải nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ việc, nắm chắc các tài liệu, chứng cứ, diễn biến hành vi phạm tội của các đối tượng; nắm chắc quy trình làm việc chuyên ngành có vi phạm pháp luật của các đối tượng để tìm ra những thủ đoạn phạm tội. Trên cơ sở đó đề ra những yêu cầu xác minh, yêu cầu điều tra sát với nội dụng vụ án. KSV thường xuyên trao đổi với ĐTV nắm bắt diễn biến điều tra, thu thập chứng cứ, nắm chắc các tình huống phát sinh để ban hành yêu cầu điều tra bổ sung.

Ba là, kinh nghiệm trực tiếp thực hiện các hoạt động điều tra hoặc phối hợp tham gia các hoạt động điều tra: KSV trao đổi với ĐTV chủ động tham gia cùng ĐTV thực hiện một số hoạt động điều tra vừa thực hiện kiểm sát hoạt động thu thập chứng cứ, vừa nắm bắt tiến độ điều tra, nắm chắc diễn biến vụ việc. Đây cũng là hoạt động thể hiện quyền công tố của VKS trong quá trình điều tra.

Bốn là, kinh nghiệm xác định tài sản phạm tội, áp dụng các biện pháp tư pháp: dựa trên phương thức thủ đoạn thực hiện hành phạm tội của người phạm tội, KSV và ĐTV yêu cầu họ tính toán số tiền thu lời bất chính họ được hưởng. Từ đó, đối chiếu với kết quả của các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán nhà nước và Kết luận định giá tài sản, kết luận giám định thiệt hại trong vụ án để xác định chính xác thiệt hại trong vụ án. Việc áp dụng các biện pháp tư pháp trong các vụ án tham nhũng, chức vụ, kinh tế liên quan đến chức vụ cũng tương tự như các nhóm án thông thường khác, KSV cần quan tâm hơn đến việc áp dụng các biện pháp kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản nhằm thu hồi tối đa tài sản tham nhũng.

Năm là, kinh nghiệm hạn chế trả hồ sơ điều tra bổ sung giữa các cơ quan tiến tụng: bên cạnh việc nghiên cứu kỹ hồ sơ, thực hiện đúng các quy định của BLTTHS về thu thập chứng cứ, đối với những vụ án phức tạp, các cơ quan tiến hành tố tụng thành phố thường tổ chức họp liên ngành, đánh giá chứng cứ để thống nhất quan điểm xử lý.

Sáu là, kinh nghiệm xây dựng bản cáo trạng, đề cương xét hỏi, bản luận tội: KSV cần nắm chắc hồ sơ vụ án, tổng hợp chứng cứ, hệ thống chứng cứ theo nhóm chứng cứ buộc tội, gỡ tội, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự để KSV dễ dàng phân loại, đánh giá chứng cứ trong quá trình xây dựng dự thảo cáo trạng, đề cương hỏi và luận tội.

Bảy là, kinh nghiệm, kỹ năng xét hỏi, tranh tụng tại phiên tòa sơ thẩm: KSV tập trung hỏi làm rõ phương thức, thủ đoạn, cách thức thực hiện hành vi phạm tội, làm rõ hậu quả của vụ án. Tập trung tranh tụng với luật sư theo nhóm vấn đề: các yếu tố cấu thành tội phạm, các dấu hiệu đặc trưng của từng tội danh cụ thể, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Trên cơ sở đó, các KSV phải nghiên cứu kỹ hồ sơ, nắm chắc các tình tiết vụ án, hệ thống chứng cứ theo nhóm buộc tội, gỡ tội, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Xây dựng dự thảo luận tội, đề cương hỏi, dự kiến các tình huống phát sinh tại phiên tòa, chủ động xây dựng các tình huống tranh tụng với luật sư… báo cáo lãnh đạo Viện trước phiên tòa. Đặc trưng của nhóm tội phạm tham nhũng, chức vụ, kinh tế là những người có học thức cao, có vị trí xã hội, có trình độ chuyên môn, có nhiều mối quan hệ xã hội có tầm ảnh hưởng đến tính khách quan trong quá trình giải quyết vụ án đòi hỏi KSV phải có bản lĩnh vững vàng, có trình độ kiến thức chuyên môn, có kỹ năng xử lý các tình huống tại phiên tòa tốt. KSV phải chủ động sưu tập, tra cứu các văn bản pháp luật và hướng dẫn chuyên ngành, tìm hiểu kỹ năng nghiệp vụ của các lĩnh vực để trang bị thêm kiến thức chuyên ngành giúp KSV hiểu kỹ, sâu hơn về phương thức, thủ đoạn các đối tượng thực hiện hành vi phạm tội từ đó tranh tụng với bị cáo, luật sư được thuận lợi hơn.

Tám là, kinh nghiệm, kỹ năng tăng cường phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng; giữa các cơ quan tiến hành tố tụng với cấp ủy địa phương, với các cơ quan khác (Thanh tra, Hải quan, Kiểm lâm...) trong giải quyết các vụ án nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm; các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương, Ban Chỉ đạo thành phố Hải Phòng về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo: thường xuyên trao đổi đánh giá chứng cứ, kịp thời thỉnh thị cấp trên để đảm bảo đường lối xử lý đúng đắn. Những vụ việc thuộc diện Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng trung ương, thành phố theo dõi phải thường xuyên báo cáo tiến độ và xin ý kiến chỉ đạo về đường lối giải quyết.

Mặt trận đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí rất khó khăn, phức tạp, cam go, quyết liệt; phát huy những kinh nghiệm, kết quả tích cực đã đạt được, ngành Kiểm sát Hải Phòng tiếp tục chủ động, tích cực đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và phối hợp với các cơ quan chức năng, cơ quan tiến hành tố tụng xử lý kiên quyết, triệt để, nghiêm minh tội phạm tham nhũng, góp phần thành phố Hải Phòng hiện đại, văn minh, bền vững./.

Trần Thị Hồng Vân – Phòng 3 Viện kiểm sát nhân dân thành phố


Ứng dụng hỗ trợ nghiệp vụ
Tin tức
Thông tin cần biết
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1

Trang thông tin điện tử: VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG - Cơ quan chủ quản: VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO
Địa chỉ: Lô 18A, Lê Hồng Phong, Hải An, TP Hải Phòng - Điện thoại: 02253.838308 - Fax: 02253.839072 - Email: vp_haiphong@vks.gov.vn
Trưởng ban biên tập: Phó Viện trưởng Lưu Xuân Sang
Số giấy phép: 03/GP-STTTT do Sở Thông tin và Truyền thông TP Hải Phòng cấp ngày 17 tháng 10 năm 2017 (Giấy phép có giá trị 10 năm)
Bản quyền thuộc về VKSND TP Hải Phòng - Thiết kế bởi VNPT | Quản trị

Chung nhan Tin Nhiem Mang