Tham nhũng - Nguy cơ đe dọa tự tồn vong của chế độ
11/08/2023
Trong những năm qua, các hành vi tham nhũng diễn ra dưới nhiều hình thức, nhiều thủ đoạn tinh vi và khó phát hiện trong nhiều lĩnh vực như kinh tế, ngân hàng, đầu tư, tài chính, xây dựng cơ bản, quản lý đất đai, văn hoá, y tế, giáo dục... Đặc biệt từ năm 2012 đến nay đã có 12 đại án về tham nhũng được phát hiện và đưa ra xét xử gây bức xúc dư luận. Với nhận thức, tham nhũng là nguy cơ đe dọa sự tồn vong của chế độ, Đảng ta xác định tham nhũng chính là “giặc nội xâm”, việc đấu tranh phòng, chống “giặc nội xâm” này là việc làm cần thiết, tất yếu, hợp lòng dân và xu thế phát triển chung. Cùng với kết quả, kinh nghiệm từ những nhiệm kỳ trước, Đại hội XIII của Đảng đề ra phương châm: Kiên quyết, kiên trì đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực với quyết tâm chính trị cao hơn, hành động mạnh mẽ hơn và hiệu quả hơn.
Trước hết cần phải thấy rằng, tham nhũng luôn
gắn liền với với quyền lực của Nhà nước. Quyền lực của Nhà nước thể hiện thông
qua hệ thống các cơ quan Nhà nước, thông qua cán bộ, công chức được trao quyền
và được đảm bảo thực hiện bằng hệ thống pháp luật và các quy phạm khác. Tham
nhũng xuất hiện ở tất cả các quốc gia trên thế giới với mức độ và phương thức
khác nhau. Có thể nhận thấy rằng, đối với các quốc gia mà hệ thống pháp luật
chưa hoàn thiện, thiếu đồng bộ hoặc khả năng thực thi pháp luật yếu kém sẽ tạo
ra nhiều “kẽ hở” để những người có chức vụ, quyền hạn “lách luật” trục lợi, làm
giàu bất chính, làm cho tệ nạn tham nhũng có xu hướng gia tăng.
Trước đây, tham nhũng thường xảy ra trong hệ
thống các cơ quan Nhà nước (khu vực công) tuy nhiên, hiện nay tham nhũng đang
có xu hướng mở rộng sang cả khu vực tư (khu vực ngoài Nhà nước như các DN tư
nhân, các DN có vốn đầu tư nước ngoài…). Các tác động nguy hại từ việc tham
nhũng đã được Đảng ta chỉ rõ qua các kỳ Đại hội Đảng và tại Đại hội XIII của
Đảng tiếp tục xác định tham nhũng là 1 trong 4 nguy cơ đe dọa đến sự tồn vong
của chế độ XHCN. Đại hội VIII tiếp tục khẳng định 4 nguy cơ này vẫn còn tồn
tại. Đến Đại hội IX, Đảng nhấn mạnh: “Nạn tham nhũng diễn ra nghiêm trọng, kéo
dài gây bất bình trong nhân dân và là một nguy cơ đe dọa sự sống còn của chế độ
ta”[1]. Đại hội
X nhấn mạnh hơn nữa khi nói tham nhũng là nguy cơ lớn đe dọa sự sống còn của
chế độ ta: “Tích cực phòng ngừa và kiên quyết chống tham nhũng, lãng phí là đòi
hỏi bức xúc của xã hội, là quyết tâm chính trị của Đảng ta, nhằm xây dựng một
bộ máy lãnh đạo và quản lý trong sạch, vững mạnh, khắc phục một trong những
nguy cơ lớn đe dọa sự sống còn của chế độ ta”[2]. Qua đó,
có thể thấy, tham nhũng được xác định là quốc nạn gây cản trở những nỗ lực đổi
mới, tác động tiêu cực đến sự phát triển của đất nước, làm mất lòng tin của
Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước và là nguy cơ đe dọa
sự tồn vong của chế độ.
Tại Hội nghị giữa nhiệm kỳ khóa XIII, Tổng bí
thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu: “Chưa bao giờ công tác đấu tranh phòng,
chống tham nhũng, tiêu cực ở nước ta lại được chỉ đạo một cách mạnh mẽ, bài
bản, đồng bộ, quyết liệt và có hiệu quả rõ rệt như thời gian gần đây”. Cụ thể,
các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan chức năng đã tăng cường phối hợp phát hiện và
xử lý tham nhũng, tiêu cực. Qua công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm
toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; tập trung chỉ đạo tháo gỡ khó
khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý nhiều vụ án, vụ việc; xử lý
cả các hành vi tham nhũng và các hành vi tiêu cực, suy thoái về tư tưởng chính
trị, đạo đức, lối sống; xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra
tham nhũng, tiêu cực trong cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay, các cơ
quan tiến hành tố tụng trong cả nước đã khởi tố, điều tra hơn 7.800 vụ án/hơn
15.200 bị can về tội tham nhũng, chức vụ, kinh tế; xử lý kỷ luật 83 cán bộ diện
Trung ương quản lý (gấp hơn 7 lần nhiệm kỳ khóa XI và gần bằng cả nhiệm kỳ
XII); xử lý hình sự 27 lượt cán bộ diện Trung ương quản lý. Riêng vụ án xảy ra
tại Công ty Việt Á , Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an và 25 địa phương đã
khởi tố 30 vụ án, 109 bị can, thiệt hại ước tính trên 1.000 tỷ đồng; trong hoạt
động đăng kiểm đã khởi tố 80 vụ án, 613 bị can tại Cục Đăng kiểm Việt Nam, 98
trung tâm đăng kiểm; vụ án xảy ra tại Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) đã khởi tố 54
bị can; vụ án liên quan đến Ngân hàng SCB, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát thiệt hại
ước tính trên 9.000 tỷ đồng…[3]. Qua đó,
chúng ta có thể thấy rõ ràng “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể
người đó là ai” thực hiện nghiêm túc quan điểm chỉ đạo của Đảng và đồng chí
Tổng Bí thư: chống tham nhũng, tiêu cực là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, không
được chủ quan, thỏa mãn, mà phải kiên quyết, kiên trì, không nghỉ, không ngừng.
Đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là
bước đột phá trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, siết chặt kỷ luật, kỷ
cương trong bộ máy nhà nước và của toàn hệ thống chính trị, góp phần quan trọng
củng cố lòng tin của các tầng lớp nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng.
Tổ tuyên truyền Viện kiểm sát nhân dân huyện Thủy Nguyên
[1] ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX,
Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr.50, 52.
[2] ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb
Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr.46, 263-264
[3]
https://noichinh.vn/nghien-cuu-trao-doi/202307/quyet-tam-phong-chong-tham-nhung-tieu-cuc-312778/