“Một số vấn đề cần lưu ý khi giải quyết vụ án về tội Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy”

Thời gian gần đây, tội Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy là một trong những loại tội phạm đang có xu hướng gia tăng về số lượng và phức tạp, đa dạng về phương thức thủ đoạn phạm tội. Không giống như các loại tội phạm khác, người phạm tội thực hiện hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy khi bị phát hiện thường trong trạng thái “phê, ảo giác” vì tác dụng của ma túy hoặc có tâm lý chống đối, quanh co không khai nhận hành vi phạm tội của mình cũng như các đối tượng khác liên quan nên gây nhiều khó khăn trong công tác đấu tranh ban đầu để làm rõ sự thật của vụ án.

Qua theo dõi và trực tiếp giải quyết các vụ án về Tội Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy, người viết đã tổng hợp một số lưu ý trong quá trình giải quyết như sau:

1. Lưu ý khi kiểm sát về thủ tục tố tụng của Cơ quan điều tra:

- Thứ nhất: Về hoạt động lập biên bản bắt người phạm tội quả tang, ra Lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, áp dụng biện pháp tạm giữ, gia hạn tạm giữ:

Việc lập biên bản bắt người phạm tội quả tang là một tài liệu quan trọng phản ánh nội dung và lời khai ban đầu của các đối tượng trong vụ án nên phải được tiến hành đúng thời hạn và đảm bảo tính khách quan, trung thực. Nhưng đã có trường hợp, Công an phường khi tiến hành kiểm tra hành chính phát hiện được vụ việc đã lập biên bản kiểm tra hành chính sau đó lại lập Biên bản bắt người phạm tội quả tang sau khi phát hiện vụ việc 5-6 tiếng. Trong trường hợp này, nếu tại thời điểm phát hiện ra vụ việc hành vi của các đối tượng đã có dấu hiệu phạm tội thì cần lập Biên bản bắt người phạm tội quả tang, nếu chưa đủ căn cứ thì lập biên bản kiểm tra hành chính, sau đó tiến hành xác minh, kiểm tra đủ căn cứ thì tiến hành giữ và bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp.

Quá trình tạm giữ và gia hạn tạm giữ, phải đảm bảo việc thường xuyên tiến hành lấy lời khai của đối tượng để củng cố chứng cứ, tài liệu và làm rõ mâu thuẫn giữa các đối tượng có sự tham gia của Kiểm sát viên trước khi đề xuất lãnh đạo Viện phê chuẩn các Lệnh, quyết định. Nếu việc lập biên bản được tiến hành tại địa điểm là nơi xảy ra tội phạm thì thời hạn áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giữ phải được tính từ thời điểm Cơ quan điều tra áp giải đối tượng về trụ sở của mình theo quy định tại khoản 1 Điều 118 BLTTHS. vụ án, cơ quan điều tra lại tính thời hạn ngay khi lập biên bản bắt người phạm tội quả tang tại nơi ở, nơi xảy ra vụ án hoặc ngay khi thực hiện Lệnh giữ người bị bắt trong trường hợp khẩn cấp (tại nơi ở) hoặc sau thời điểm đưa đối tượng về trụ sở.

Nhiều trường hợp khi tiến hành tạm giữ, gia hạn tạm giữ đối với đối tượng, Cơ quan điều tra thông báo, giải thích quyền và nghĩa vụ cho người bị tạm giữ theo quy định tại khoản 3 Điều 117 BLHS nhưng hồ sơ vụ án không có tài liệu thể hiện đã giải thích cho đối tượng.

  • Thứ hai: Về tạm giữ đồ vật khi khám xét

Quá trình bắt các đối tượng khi thu giữ điện thoại hoặc tài liệu, đồ vật nhưng nhiều trường hợp không lập biên bản tạm giữ đồ vật; hoặc lập biên bản tạm giữ, biên bản niêm phong không đủ thành phần tham gia hoặclập biên bản tạm giữ nhưng khi bàn giao vụ án lại không thống kê vào danh sách vật chứng là vi phạm quy định tại khoản 2 Điều 198 BLHTTHS nhưng Kiểm sát viên không phát hiện để yêu cầu Điều tra viên thực hiện theo đúng quy định.

- Thứ ba: Về việc lập biên bản tố tụng

Trong quá trình điều tra lập hồ sơ vu án, trong cùng một thời gian nhưng nhiều hoạt động tố tụng đối với một đối tượng được tiến hành ở các địa điểm khác nhau: Biên bản khám xét khẩn cấp nơi ở và biên bản giữ người trong trường hợp khẩn cấp đối với một đối tượng được lập ở hai địa điểm khác nhau nhưng cùng thời gian và do cùng một Điều tra viên thực hiện; trong lúc thực hiện lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp tại nơi ở của người đó lại tiến hành ghi lời khai của họ tại trụ sở Công an quận...

Nhiều biên bản tố tụng không được lập theo đúng quy định tại Điều 67, Điều 133 BLTTHS như: người chứng kiến không tham gia nhưng ký xác nhận; có tên Điều tra viên tiến hành hoạt động tố tụng nhưng không có chữ ký xác nhận;

Nhiều biên bản ghi lời khai, hỏi cung bị can và các đối tượng liên quan không ghi ngày, giờ bắt đầu, giờ kết thúc biên bản, có sự tham gia của Kiểm sát viên nhưng không ký vào vào biên bản. Hoặc có tình trạng Điều tra viên bỏ sót nhiều tài liệu, chứng cứ ngoài hồ sơ nhưng Kiểm sát viên không phát hiện kịp thời để yêu cầu khắc phục.

2. Lưu ý trong hoạt động thu thập chứng cứ

- Thu giữ vật chứng là ma túy, bộ dụng cụ sử dụng ma túy:

Đối với các vụ án về tội Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy, khi tiến hành kiểm tra, khám xét việc tìm và thu giữ ma túy, vật mang dấu vết của ma túy và bộ dụng cụ sử dụng ma túy là bắt buộc. Trong quá trình thu giữ vật chứng, cần lưu ý chụp ảnh chi tiết đặc điểm, vị trí thu giữ để đối chiếu với các tài liệu, chứng cứ khác vụ án. Sau khi thu giữ, cần niêm phong và đảm bảo tính nguyên vẹn của vật chứng theo quy định của pháp luật (có trường hợp đối tượng dùng tờ tiền để cuộn thành ống hút sử dụng ma túy, khi Cơ quan điều tra thu giữ đã tháo ống ra để xác định mệnh giá tờ tiền này).

- Niêm phong địa điểm, thực nghiệm điều tra, khám nghiệm hiệm trường

Địa điểm để thực hiện hành vi phạm tội của loại tội phạm này thường được tiến hành ở phòng ở, nhà nghỉ, khách sạn, quán karaoke, bar, vũ trường ... có đông đối tượng tham gia, hiện trường xảy ra vụ án thường lộn xộn, hỗn tạp rất khó thu giữ được đầy đủ các vật chứng, đồ vật liên quan, các đối tượng không tỉnh táo để khai báo hoặc quanh co chối tội hoặc cất giấu ở nhiều vị trí mà Cơ quan điều tra chưa thể thu giữ được hết. Do đó, việc niêm phong địa điểm là cần thiết để phục vụ các hoạt động điều tra sau này như khám xét, thực nghiệm điều tra, khám nghiệm hiện trường để thu thập thêm tài liệu chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội của các bị can và đối tượng liên quan. Nhiều vụ án, cơ quan điều tra đã thu thâp được thêm ma túy cũng như đồ vật phục vụ việc sử dụng ma túy trong quá trình khám xét và khám nghiệm hiện trường.

- Thu giữ điện thoại của bị can và các đối tượng liên quan, camera, máy tính, sổ sách hóa đơn và các tài liệu liên quan

Trong nhiều trường hợp thông tin thể hiện trong điện thoại các đối tượng sử dụng, camera nơi ở, nơi diễn ra hành vi phạm tội, các hóa đơn, chứng từ thể hiện việc cho khách thuê phòng sử dụng ma túy là những chứng cứ quan trọng giúp cơ quan tố tụng xác định được ý thức chủ quan, việc bàn bạc, liên lạc cũng như hành vi và vai trò của các đối tượng trong vụ án. Việc thu thập, khai khác thông tin ở các phương tiện điện tử này là cần thiết. Nhưng nhiều vụ án, Cơ quan điều tra chỉ thu giữ điện thoại của các đối tượng bị tạm giữ mà không tạm giữ điện thoại của các đối tượng thụ hưởng; không thu giữ đầu thu camera và các tài liệu liên quan đến chủ quán (trong trường hợp bắt giữ ở quán karaoke, bar, vũ trường, nhà nghỉ...) gây khó khăn trong việc thu thập chứng cứ và xác định vai trò của các đối tượng liên quan trong vụ án.

Do vậy, Kiểm sát viên khi thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra phải yêu cầu Cơ quan điều tra thu thập và khai thác các tài liệu trên.

Khi thu giữ điện thoại, cần khai thác ngay mật khẩu của điện thoại và ghi nhận lại mật khẩu vào biên bản thu giữ vật chứng để tránh việc sau này đối tượng quên mật khẩu, gây khó khăn cho việc khai thác các dữ liệu điện tử và công tác giám định điện thoại.

- Khi thực hiện các hoạt động ghi lời khai, hỏi cung

Nhiều vụ án không có bản ghi lời khai, bản hỏi cung nào có ghi âm, ghi hình hoặc có bản hỏi cung Điều tra viên hỏi bị can có ý kiến gì về việc hỏi cung có ghi âm, ghi hình, bị can trả lời không cần tiến hành ghi âm, ghi hình nên Điều tra viên không tiến hành ghi âm ghi hình nữa. Điều 183 BLTTHS đã quy định việc ghi âm, ghi hình có âm thanh tại các buổi hỏi cung là yêu cầu bắt buộc, do đó Cơ quan điều tra phải tiến hành ghi âm, ghi hình có âm thanh các buổi hỏi cung, không phụ thuộc vào việc bị can có đồng ý hay không. Riêng đối với loại tội Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy việc tách các đối tượng và tiến hành ghi lời khai ngay khi phát hiện để khai thác thông tin là một trong những phương pháp điều tra đem lại kết quả cao để làm rõ nội dung vụ án.

Quá trình ghi lời khai, cần yêu cầu các đối tượng mô tả và vẽ sơ đồ vị trí của các đối tượng khi sử dụng ma túy, vị trí, đặc điểm của từng loại ma túy, quá trình sử dụng ma túy để đối chiếu, so sánh các lời khai nhằm xác định tính khách quan, trung thực của các lời khai đó.

- Thử phản ứng ma túy và giám định chất ma túy có trong cơ thể của đối tượng

Trong nhiều vụ án, việc test nhanh chất ma túy trong cơ thể của đối tượng cần được tiến hành ngay để làm căn cứ xác định tính khách quan của lời khai các đối tượng và tính liên quan đến ma túy thu giữ. Nhưng trong nhiều vụ án, Cơ quan điều tra không yêu cầu Cơ quan giám định hoặc cơ sở y tế test ngay hoặc sử dụng loại test không phù hợp dẫn đến ra kết quả không chính xác như: đối tượng sử dụng ma túy Ketamine nhưng dùng loại test xác định loại ma túy Methamphetamine, cần sa để thử. Hiện tại, cơ quan giám định và các cơ sở y tế ở địa phương được phép sử dụng 15 loại test để xác định loại ma túy có trong nước tiểu của đối tượng nên cần sử dụng loại phù hợp để cho kết quả chính xác.

Sau khi test nhanh phải tiến hành trưng cầu giám định chất ma túy có trong cơ thể đối tượng (phải được tiến hành ngay).

Do vụ án Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy thường có đông đối tượng tham gia và liên quan, vì vậy để giải quyết hiệu quả, toàn diện, triệt để vụ án thì việc ghi lời khai các đối tượng và nhân chứng, người liên quan, xem xét hiện trường, thu giữ ngay các tài liệu, chứng cứ liên quan đến vụ án phải được thực hiện càng sớm thì càng giúp Điều tra viên, Kiểm sát viên đánh giá được hành vi, vai trò của các đối tượng trong vụ án chính xác nhất. Việc sử dụng phương pháp “làm việc nhóm” cử một tổ Kiểm sát viên tham gia ngay từ khi tiến hành phân loại ban đầu là một trong những phương pháp đã giúp Phòng 1 giải quyết tốt các vụ án có dấu hiệu của tội Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy trên cơ sở các lưu ý cơ bản mà người viết vừa nêu trên.

Trên đây là một số kinh nghiệm và các lưu ý khi giải quyết vụ án về tội phạm ma túy nói chung và tội Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy nói riêng, người viết xin chia sẻ để các đồng chí tham khảo, rút kinh nghiệm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ./.

Chu Thị Thanh Vân - Phó trưởng Phòng 1


Ứng dụng hỗ trợ nghiệp vụ
Tin tức
Thông tin cần biết
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1

Trang thông tin điện tử: VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG - Cơ quan chủ quản: VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO
Địa chỉ: Lô 18A, Lê Hồng Phong, Hải An, TP Hải Phòng - Điện thoại: 02253.838308 - Fax: 02253.839072 - Email: vp_haiphong@vks.gov.vn
Trưởng ban biên tập: Phó Viện trưởng Lưu Xuân Sang
Số giấy phép: 03/GP-STTTT do Sở Thông tin và Truyền thông TP Hải Phòng cấp ngày 17 tháng 10 năm 2017 (Giấy phép có giá trị 10 năm)
Bản quyền thuộc về VKSND TP Hải Phòng - Thiết kế bởi VNPT | Quản trị

Chung nhan Tin Nhiem Mang