Bàn về việc thu giữ và bảo quản vật chứng là tiền trong các vụ án hình sự
Pháp luật quy định, vật chứng là công cụ, phương tiện phạm tội, vật cấm tàng trữ, lưu hành thì bị tịch thu, nộp ngân sách Nhà nước hoặc tiêu hủy. Tuy nhiên, hiện nay, việc bảo quản các vật chứng còn có nhiều điểm khó khăn do quy định của luật và do cách hiểu của các cơ quan tiến hành tố tụng.

Điểm b khoản 1 Điều 90 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã quy định rõ hơn so với quy định tại khoản 2 Điều 75 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 về việc bảo quản vật chứng là tiền (Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 không có sự phân biệt giữa vật chứng là tiền, vàng, bạc, kim khí quý, đá quý, đồ cổ có lưu hay không có lưu dấu vết của tội phạm; không quy định trực tiếp vật chứng là vi khuẩn nguy hại, bộ phận cơ thể người, mẫu mô, mẫu máu và các mẫu vật khác của cơ thể người, cũng như không có quy định cách thức bảo quản các loại vật chứng này; cơ quan bảo quản vật chứng là ngân hàng hoặc các cơ quan chuyên trách khác thì nay đã quy định cụ thể hơn). Cụ thể Điểm b khoản 1 Điều 90 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định:

“b) Vật chứng là tiền, vàng, bạc, kim khí quý, đá quý, đồ cổ, chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, vũ khí quân dụng phải được giám định ngay sau khi thu thập và phải chuyển ngay để bảo quản tại Kho bạc Nhà nước hoặc cơ quan chuyên trách khác. Nếu vật chứng là tiền, vàng, bạc, kim khí quý, đá quý, đồ cổ lưu dấu vết của tội phạm thì tiến hành niêm phong theo quy định tại điểm a khoản này; vật chứng là vi khuẩn nguy hại, bộ phận cơ thể người, mẫu mô, mẫu máu và các mẫu vật khác của cơ thể người được bảo quản tại cơ quan chuyên trách theo quy định của pháp luật”.

Tuy nhiên, trong thực tiễn hiện nay hầu hết các cơ quan tố tụng không tiến hành giám định tiền ngay sau khi thu thập. Mặc dù BLTTHS năm 2015 tại điểm b khoản 1 Điều 90 có quy định rất rõ là vật chứng là tiền phải được giám định ngay sau khi thu thập nhưng trong thực tế vẫn còn vụ án như: nhận hối lộ, đánh bạc … cơ quan tiến hành tố tụng không tiến hành giám định tiền để xác định tiền là thật hay giả mà chỉ lập biên thu giữ tang vật trong đó ghi nhận tổng số tiền đã tịch thu. Theo quan điểm của Kiểm sát viên, thiếu sót này có thể dẫn đến việc bỏ lọt tội phạm (tội vận chuyển, tàng trữ, lưu hành tiền giả).

Nghị định số 70/2013/NĐ-CP ngày 02/07/2013 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế quản lý kho vật chứng ban hành kèm theo Nghị định số 18/2002/NĐ-CP ngày 18/02/2002 của Chính phủ có quy định:

+ Tại khoản 6 Điều 1 quy định:

 “Vật chứng là tiền, giấy tờ có giá, vàng, bạc, kim khí quý, đá quý, đồ cổ, vũ khí, chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, động vật, thực vật và các vật chứng khác liên quan đến lĩnh vực y tế cần có điều kiện bảo quản đặc biệt được bảo quản như sau:

- Tiền, giấy tờ có giá, vàng, bạc, kim khí quý, đá quý, đồ cổ phải được niêm phong và gửi tại hệ thống kho bạc nhà nước cùng cấp nơi cơ quan thụ lý vụ án có trụ sở, tuyệt đối không được phép lưu thông.”

+ Tại khoản 8 Điều 1 quy định:

“Cơ quan đang thụ lý vụ án có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với cơ quan đang bảo quản vật chứng tổ chức vận chuyển, bảo quản, bảo vệ vật chứng, đồ vật, tài liệu khác thu thập được của vụ án từ kho vật chứng này đến kho vật chứng khác hoặc trong quá trình trực tiếp sử dụng để phục vụ điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án.”

Điều 5 Thông tư số: 135/2018/TT-BTC ngày 28/12/2018 của Bộ Tài chính quy định việc quản lý tiền mặt, giấy tờ có giá, tài sản quý tạm gửi, tạm giữ do Kho bạc Nhà nước nhận bảo quản có quy định hình thức nhận bảo quản:

“1.Kho bạc Nhà nước nhận bảo quản tài sản theo hòm/túi/gói đã được niêm phong của đơn vị gửi tài sản; trên niêm phong đóng dấu của đơn vị gửi, chữ ký của người niêm phong.

2. Trường hợp đơn vị gửi tài sản bảo quản là tiền mặt hoặc ngoại tệ tiền mặt vào tài khoản tạm giữ chờ xử lý của đơn vị thực hiện như sau:

a) Đối với tiền mặt nộp tại Kho bạc Nhà nước: Kho bạc Nhà nước kiểm đếm xác định giá trị tài sản và hạch toán vào tài khoản tạm giữ chờ xử lý của đơn vị tại Kho bạc Nhà nước theo quy định tại Thông tư số 77/2017/TT-BTC ngày 28/7/2017 của Bộ Tài chính.

b) Đối với tiền mặt và ngoại tệ tiền mặt (các loại ngoại tệ mà Kho bạc Nhà nước có tài khoản thanh toán bằng ngoại tệ tại Ngân hàng) nộp tại Ngân hàng: Đơn vị nộp trực tiếp tại Ngân hàng thương mại để chuyển vào tài khoản của Kho bạc Nhà nước. Đơn vị thực hiện nộp tiền theo hướng dẫn của Ngân hàng thương mại. Kho bạc Nhà nước hạch toán vào tài khoản tạm giữ chờ xử lý của đơn vị tại Kho bạc Nhà nước theo quy định.”

Theo quy định của pháp luật, sau khi thu giữ vật chứng là tiền có lưu dấu vết, Cơ quan điều tra tiến hành niêm phong và nộp vào tài khoản tạm giữ của Công an tại Kho bạc Nhà nước theo quy định. Sau khi kết thúc điều tra vụ án, Viện kiểm sát quyết định truy tố bị can trước Tòa án và Quyết định chuyển vật chứng từ kho vật chứng của Cơ quan Cảnh sát điều tra đến kho vật chứng của Chi cục Thi hành án dân sự.

Tuy nhiên, tại Thủy Nguyên, trong quá trình bắt quả tang, khám xét một số vụ án hình sự, đặc biệt đối với các vụ án về ma túy Cơ quan điều tra thu giữ vật chứng là tiền có lưu dấu vết của tội phạm (Ví dụ: tiền giấy gói ma túy có mệnh giá nhỏ hoặc tờ tiền polymer mệnh giá 10.000đ hoặc các mệnh giá nhỏ khác cuộn tròn lại thành ống, dùng để hít ma túy Ketamine,…), thì sau khi giám định xong Cơ quan điều tra không bảo quản riêng số tiền trên tại Kho bạc Nhà nước mà niêm phong, bảo quản tại kho vật chứng của Cơ quan điều tra.

Quan điểm của Viện kiểm sát nhân dân huyện Thủy Nguyên là việc bảo quản vật chứng là tiền có lưu dấu vết của tội phạm như trên của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Thủy Nguyên là không đúng quy định của pháp luật. Viện kiểm sát nhân dân huyện Thủy Nguyên đã ban hành công văn số 39/VKS ngày 02/3/2023 gửi các cơ quan có thẩm quyền trong việc bảo quản vật chứng: Kho bạc Nhà nước huyện, Chi cục Thi hành án dân sự huyện, Cơ quan Cảnh sát điều tra- Công an huyện để thống nhất về việc bảo quản vật chứng, tài sản thu giữ trong vụ án ma túy nói riêng, vụ án hình sự nói chung nhằm khắc phục vấn đề trên đảm bảo thực hiện đúng quy định của pháp luật.

Bùi Thị Thúy-Viện kiểm sát nhân dân huyện Thủy Nguyên


Ứng dụng hỗ trợ nghiệp vụ
Tin tức
Thông tin cần biết
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1

Trang thông tin điện tử: VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG - Cơ quan chủ quản: VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO
Địa chỉ: Lô 18A, Lê Hồng Phong, Hải An, TP Hải Phòng - Điện thoại: 02253.838308 - Fax: 02253.839072 - Email: vp_haiphong@vks.gov.vn
Trưởng ban biên tập: Phó Viện trưởng Lưu Xuân Sang
Số giấy phép: 03/GP-STTTT do Sở Thông tin và Truyền thông TP Hải Phòng cấp ngày 17 tháng 10 năm 2017 (Giấy phép có giá trị 10 năm)
Bản quyền thuộc về VKSND TP Hải Phòng - Thiết kế bởi VNPT | Quản trị

Chung nhan Tin Nhiem Mang