Giải pháp nâng cao chất lượng công tác kiến nghị, kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân thành phố Thủy Nguyên trong tình hình mới.

Thủy Nguyên là một thành phố trẻ, vị trí địa lý quan trọng, Trung tâm chính trị của thành phố Hải Phòng và nhiều dự án trọng điểm của nhà nước và thành phố Hải Phòng đã được triển khai thực hiện. Đó chính là sức mới, tiềm năng mới và cơ hội mới của Thủy Nguyên trong “kỷ nguyên vươn mình” của dân tộc. Đi đôi với phát triển về kinh tế - xã hội là sự gia tăng về tội phạm và các tranh chấp khiếu kiện. Nhiều tội phạm mới phát sinh, khởi kiện hành chính, tranh chấp hành chính, tranh chấp dân sự về đất đai tăng về số lượng, tính chất ngày càng phức tạp.

Trước tình hình đó, với vai trò là cơ quan thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp tại địa phương. Viện kiểm sát nhân dân thành phố Thủy Nguyên đã nỗ lực và triển khai, thực hiện có hiệu quả các định hướng, chủ trương của Đảng, Nhà nước và của Ngành Kiểm sát nhân dân về công tác đấu tranh phòng chống tội phạm và phòng ngừa vi phạm pháp luật. Sáu tháng đầu năm 2025, đơn vị đã ban hành nhiều bản kiến nghị vi phạm và kiến nghị phòng ngừa, trong đó tập trung kiến nghị đối với những vụ việc cụ thể xuất phát từ thực tiễn giải quyết các vụ việc, vụ án, khái quát hóa các lĩnh vực cụ thể của quản lý Nhà nước, các nhóm quan hệ xã hội có nguy cơ cao phát sinh vi phạm pháp luật và tội phạm, chỉ rõ vi phạm, và đưa ra những biện pháp phòng ngừa tội phạm và vi phạm trong những lĩnh vực cụ thể, đặc biệt trong lĩnh lực quản lý đất đai, đền bù, giải phóng mặt bằng.[1] Ngày 17/02/2025, Viện kiểm sát nhân dân thành phố Thủy Nguyên đã ký Quy chế phối hợp trong công tác giải quyết đơn và tiếp công dân tại trụ sở Ban tiếp công dân thành phố Thủy Nguyên tránh khiếu kiện kéo dài, vượt cấp. Những hoạt động này của Viện kiểm sát nhân dân thành phố Thủy Nguyên đã được Uỷ ban nhân dân thành phố Thủy Nguyên đánh giá cao, góp phần quan trọng vào công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, giữ gìn an ninh trật tự tại địa phương để phát triển kinh tế - xã hội đồng thời nâng cao cảnh giác của người dân không để các thế lực thù địch lợi dụng chống phá.

anh tin bai

Đồng chí Hoàng Quốc Thái- Viện trưởng VKSND thành phố Thủy Nguyên duyệt các kiến nghị để ban hành

1. Các giải pháp và kết quả thực hiện chuyên đề kiến nghị, kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân thành phố Thủy Nguyên

Để thực hiện tốt công tác ban hành kiến nghị, từ đầu năm đơn vị đã quán triệt, triển khai thực hiện Chỉ thị số 01/CT-VKSTC ngày 12/12/2024 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về công tác ngành Kiểm sát nhân dân năm 2025; Chỉ thị số 04/ CT-VKSTC ngày 13/11/2024 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về tăng cường công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật trong ngành Kiểm sát nhân dân; Kế hoạch số 02/KH-VKSTC ngày 12/12/2024 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao về Kế hoạch công tác kiểm tra của ngành Kiểm sát nhân dân năm 2025; Hướng dẫn số 06/HD-VKSTC ngày 10/02/2025  của Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Hướng dẫn số 168/HD-VKSHP ngày 28/2/2025 của Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hải Phòng về công tác kiến nghị trong giải quyết các vụ việc, vụ án hình sự. Từ ngày 01/12/2024 đến ngày 27/02/2024 đơn vị đã ban hành được 28 kiến nghị, trong đó ban hành 14 kiến nghị phòng ngừa và 14 kiến nghị vi phạm trên tất cả các khâu công tác. Trong lĩnh vực kiểm sát giải quyết án dân sự đơn vị đã ban hành 2 kháng nghị, báo cáo Viện kiểm sát cấp trên kháng nghị phúc thẩm 1 vụ. Các chỉ tiêu nghiệp vụ cả năm 2025 đã cơ bản hoàn thành.

Quá trình thực hiện nhiệm vụ đơn vị đã thực hiện nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng công tác ban hành kiến nghị như: tăng cường số lượng kiến nghị thông qua việc đề ra chỉ tiêu yêu cầu về số lượng cao hơn so với chỉ tiêu yêu cầu của Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hải Phòng và của Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Cùng với đó, để các bản kháng nghị, kiến nghị phát huy được hiệu lực, hiệu quả, đơn vị xác định các bản kháng nghị, kiến nghị phải đảm bảo chất lượng, nội dung các vi phạm phát hiện và kiến nghị phải là các dạng vi phạm mới. Bên cạnh kiến nghị đối với cơ quan tư pháp, Viện kiểm sát nhân dân thành phố Thủy Nguyên đã chú trọng ban hành các kiến nghị phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm, các kiến nghị của Viện kiểm sát chỉ rõ nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm, vi phạm và những thiếu sót, sơ hở trong quản lý kinh tế - xã hội để yêu cầu cơ quan quản lý Nhà nước, cơ quan hữu quan để có các biện pháp, giải pháp để khắc phục, phòng ngừa.

Thông qua công tác kiểm sát việc giải quyết nguồn tin về tội phạm; điều tra; xét xử; tạm giữ, tạm giam; Dân sự; Kinh doanh thương mại; Lao động; Hành chính; Thi hành án hình sự, dân sự: từ ngày 31/12/2024 đến ngày 27/02/2025 đơn vị đã ban hành tổng số 13 kiến nghị các vụ, việc, các kiến nghị của Viện kiểm sát đều được các cơ quan này chấp nhận.

Ngoài ra, về công tác kiến nghị áp dụng các biện pháp phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật: Viện kiểm sát nhân dân thành phố Thủy Nguyên nhận thấy “Kiến nghị cơ quan, tổ chức hữu quan áp dụng các biện pháp phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật” là một trong những nhiệm vụ, quyền hạn quan trọng của Viện kiểm sát nhân dân. Đây là một trong những nội dung nếu thực hiện tốt sẽ nâng cao vị thế của Ngành kiểm sát nhân dân trong công tác đấu tranh phòng chống vi phạm, tội phạm. Từ ngày 01/12/2024 đến ngày 27/02/2024 Viện kiểm sát nhân dân thành phố Thủy Nguyên đã ban hành 14 kiến nghị phòng ngừa, trong đó 11 kiến nghị đã có văn bản phúc đáp, tiếp thu, 02 kiến nghị đang trong thời hạn trả lời, 01 kiến nghị đã hết thời hạn phúc đáp Viện kiểm sát đã có công văn đôn đốc.

Các kiến nghị đã chỉ ra tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật cũng như tính chất, mức độ, hậu quả của tội phạm và vi phạm; những nguyên nhân làm phát sinh vi phạm, tội phạm; từ đó đề ra những biện pháp yêu cầu cơ quan hữu quan áp dụng, triển khai hoặc chỉ đạo các đơn vị cấp dưới để thực hiện các biện pháp phòng ngừa. Trong đó, điển hình là các kiến nghị về tội phạm công nghệ cao và tội phạm xâm hại tình dục trẻ em.[2] Các kiến nghị của Viện kiểm sát đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao “hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả” công tác quản lý nhà nước tại địa phương.

2. Các biện pháp nâng cao chất lượng công tác kiến nghị, kháng nghị trong sáu tháng cuối năm 2025

Để làm tốt hơn nữa công tác kiến nghị trong 6 tháng cuối năm 2025, đơn vị đề ra một số giải pháp tiếp tục thực hiện như sau:

 Lãnh đạo đơn vị tiếp tục quan tâm hơn nữa đến việc duy trì, tổ chức có hiệu quả quyền kiến nghị, kháng nghị và coi đây là nhiệm vụ thường xuyên. Xây dựng chương trình, biện pháp đặc thù của đơn vị và đề ra chỉ tiêu cụ thể, đồng thời đảm bảo việc kiểm tra, đôn đốc sâu sát và coi đây là một trong các tiêu chí quan trọng để đánh giá và xếp loại thi đua đối với cán bộ, công chức.

Thực hiện nghiêm các văn bản chỉ thị, hướng dẫn của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hải Phòng về việc thực hiện chuyên đề “tăng cường công tác kháng nghị, kiến nghị”. Thường xuyên theo dõi, cập nhật các vi phạm của các cơ quan chức năng để nắm chắc các vi phạm thường gặp.

Tiếp tục duy trì hình thức tự đào tạo để nâng cao hơn nữa nhận thức, trình độ, kỹ năng và trách nhiệm của Kiểm sát viên trong công tác kháng nghị, kiến nghị. Xây dựng một đội ngũ Kiểm sát viên đủ mạnh, có nhận thức đầy đủ và tinh thần, trách nhiệm cao về vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Ngành trong tình hình mới.

Các Kiểm sát viên phải tự mình học hỏi, nâng cao trình độ chuyên môn, nắm vững hệ thống các văn bản pháp luật có liên quan để xây dựng cho mình bản lĩnh nghề nghiệp vững vàng, thường xuyên rèn luyện phẩm chất, ý thức trách nhiệm với công việc. Thường xuyên trau dồi kỹ năng nghề nghiệp từ việc phát hiện các vi phạm của các cơ quan tố tụng, tư pháp, cơ quan quản lý nhà nước trong các giai đoạn đến việc tổng hợp đánh giá vi phạm. Từ đó có đủ tự tin và ý thức cao trong việc thực hiện nhiệm vụ và đề xuất kháng nghị, kiến nghị.

Nâng cao hơn nữa việc trao đổi, phối hợp với các cơ quan chức năng trên cơ sở các quy chế phối hợp đã ký kết, tránh trường hợp “quyền anh, quyền tôi”, trái quan điểm một cách không cần thiết, dẫn đến việc Viện kiểm sát kháng nghị hoặc kiến nghị nhưng không được chấp nhận.

Tăng cường phối hợp giữa các khâu công tác kiểm sát để nâng cao hiệu quả công tác kiến nghị cần có sự trao đổi thông tin, hỗ trợ lẫn nhau giữa các khâu công tác trong đơn vị, giữa cấp trên và cấp dưới. Đối với trường hợp có khó khăn vướng mắc, nhiều quan điểm trái chiều cần kịp thời họp để thảo luận, thống nhất đường lối hoặc báo cáo thỉnh thị trước khi quyết định việc kháng nghị, kiến nghị. Tiếp tục duy trì và kịp thời có hình thức khen thưởng đối với Cán bộ, Kiểm sát viên có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện chuyên đề để động viên, khuyến khích họ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Hoàng Quốc Thái –Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân thành phố Thủy Nguyên

 


[1] Kiến nghị số 24 ngày 23/01/2025 đối với UBND thành phố Thủy Nguyên về tình hình tranh chấp, tội phạm liên quan đến đất đai, tình trạng vỡ phường, hụi, họ.

[2] Kiến nghị số 22/KN-VKSTN ngày 20/01/2025 đối với Ban chỉ đạo 779 thành phố Thủy Nguyên về tình hình vi phạm pháp luật các tội về xâm hại trẻ em. Công văn trả lời của Ban chỉ đạo 799 về công tác Bảo vệ trẻ em, phòng chống tội phạm chiếm đoạt trẻ em trên địa bàn thành phố Thủy Nguyên đã tiếp thu, một số trường học đã có giải pháp làm “Thẻ đưa đón bé” cho phụ huynh (điển hình là Trường mầm non Sao Mai).


Ứng dụng hỗ trợ nghiệp vụ
Tin tức
Thông tin cần biết
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1

Trang thông tin điện tử: VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG - Cơ quan chủ quản: VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO
Địa chỉ: Lô 18A, Lê Hồng Phong, Hải An, TP Hải Phòng - Điện thoại: 02253.838308 - Fax: 02253.839072 - Email: vp_haiphong@vks.gov.vn
Trưởng ban biên tập: Phó Viện trưởng Lưu Xuân Sang
Số giấy phép: 03/GP-STTTT do Sở Thông tin và Truyền thông TP Hải Phòng cấp ngày 17 tháng 10 năm 2017 (Giấy phép có giá trị 10 năm)
Bản quyền thuộc về VKSND TP Hải Phòng - Thiết kế bởi VNPT | Quản trị

Chung nhan Tin Nhiem Mang