Khi nào áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giam đối với người dưới 18 tuổi phạm tội?
Biện pháp ngăn chặn Tạm giam là một trong những biện pháp ngăn chặn các cơ quan tiến hành tố tụng được áp dụng trong quá trình giải quyết vụ án có ý nghĩa quan trọng để ngăn chặn tội phạm, bảo đảm cho các hoạt động của các cơ quan được thuận lợi, góp phần quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả của công cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm.Tuy nhiên, nếu áp dụng không đúng sẽ xâm phạm nghiêm trọng đến quyền con người như quyền bất khả xâm phạm về thân thể, quyền tự do đi lại của bị can, bị cáo, nhất là đối với nhóm người phạm tội là người dưới 18 tuổi lại càng phải thận trọng hơn… Mặc dù Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành đã quy định cụ thể, rõ ràng các trường hợp được áp dụng biện pháp ngăn chặn Tạm giam như về đối tượng, thẩm quyền, căn cứ, thủ tục áp dụng có ý nghĩa nâng cao trách nhiệm, định hướng nhận thức của chủ thể tiến hành tố tụng nhưng với một số quy định còn có phần mang tính chất “lựa chọn” khi áp dụng phát sinh nhiều quan điểm trái chiều, khó khăn áp dụng trong thực tiễn.
Điều 419 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015
quy định: “1. Chỉ áp dụng biện pháp ngăn
chặn… đối với người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi trong trường hợp thật
cần thiết.
Chỉ
áp dụng biện pháp… tạm giam đối với người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi
khi có căn cứ cho rằng việc áp dụng biện pháp giám sát và các biện pháp ngăn
chặn khác không hiệu quả. Thời hạn tạm giam đối với người bị buộc tội là người
dưới 18 tuổi bằng hai phần ba thời hạn tạm giam đối với người đủ 18 tuổi trở
lên quy định tại Bộ luật này. Khi không còn căn cứ để… tạm giam thì cơ quan, người
có thẩm quyền phải kịp thời hủy bỏ, thay thế bằng biện pháp ngăn chặn khác.
2.
Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi có thể bị … tạm giam về tội phạm quy định
tại khoản 2 Điều 12 của Bộ luật hình sự nếu có
căn cứ quy định tại … các điểm a, b, c, d và đ khoản 2
Điều 119 của Bộ luật này.
3.
Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi có thể bị… tạm giam về tội nghiêm trọng do
cố ý, tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng nếu có căn cứ quy định
tại … các điểm a, b, c, d và đ khoản 2 Điều 119 của Bộ
luật này.
4.
Đối với bị can, bị cáo từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi bị khởi tố, điều tra,
truy tố, xét xử về tội nghiêm trọng do vô ý, tội ít nghiêm trọng mà Bộ luật hình sự quy
định hình phạt tù đến 02 năm thì có thể bị… tạm giam nếu họ tiếp tục phạm tội,
bỏ trốn và bị bắt theo quyết định truy nã…”.
Để hướng dẫn chi tiết hơn quy định nêu
trên, Thông tư liên tịch số 06/2018/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP-BLĐTBXH ngày
21/12/2018 đã có quy định hướng dẫn tại Điều 12 như sau:
“1.
Trước khi quyết định áp dụng biện pháp… tạm giam người dưới 18 tuổi, cơ quan có
thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải xem
xét, cân nhắc áp dụng biện pháp giám sát, cấm đi khỏi nơi cư trú hoặc tạm hoãn
xuất cảnh quy định tại Điều 123, Điều 124 Bộ luật Tố tụng
hình sự.
Trường
hợp sau khi quyết định tạm giam bị can, bị cáo là người dưới 18 tuổi mà có đủ
căn cứ áp dụng biện pháp bảo lĩnh hoặc đặt tiền để bảo đảm thì cơ quan có thẩm
quyền tiến hành tố tụng cần thay thế ngay biện pháp tạm giam bằng biện pháp bảo
lĩnh hoặc đặt tiền để bảo đảm.
2.
Chỉ áp dụng biện pháp… tạm giam theo quy định tại khoản 1
Điều 419 Bộ luật Tố tụng hình sự trong trường hợp người bị buộc tội là
người dưới 18 tuổi đã được áp dụng biện pháp giám sát, biện pháp ngăn chặn khác
quy định tại khoản 1 Điều này nhưng bỏ trốn và bị bắt theo quyết định truy nã,
có dấu hiệu bỏ trốn, tiếp tục phạm tội, có dấu hiệu tiếp tục phạm tội hoặc có các
hành vi khác quy định tại khoản 2 Điều 418 Bộ luật Tố tụng
hình sự.
3.
Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng
phải thường xuyên theo dõi, rà soát, kiểm tra việc tạm giữ, tạm giam đối với
người dưới 18 tuổi bị… tạm giam; nếu phát hiện không còn căn cứ hoặc không cần
thiết… tạm giam thì phải kịp thời ra quyết định hủy bỏ, thay thế bằng biện pháp
ngăn chặn khác”.
Như vậy, theo quy định của Điều 419 BLTTHS và Thông tư liên tịch
06/2018, thì biện pháp ngăn chặn, trong đó có Tạm giam đối với người dưới 18
tuổi chỉ được áp dụng trong trường hợp thật sự cần thiết, là biện pháp được áp
dụng cuối cùng khi có căn cứ cho rằng biện pháp giám sát và các biện pháp ngăn
chặn khác không đạt được hiệu quả. Thời hạn áp dụng biện pháp ngăn chặn Tạm
giam cũng phải ngắn hơn so với thời hạn áp dụng đối với người thành niên (bằng
2/3 thời hạn tạm giam người từ 18 tuổi trở lên). Trong quá trình giải quyết vụ
án, các cơ quan tiến hành tố tụng khi đã áp dụng biện pháp tạm giam luôn phải
xem xét sự cần thiết của việc tạm giam, có cần thiết tiếp tục áp dụng nữa hay
không để hủy bỏ hay thay thế bằng một biện pháp ít nghiêm khắc hơn hoặc không
cần thiết áp dụng thêm bất kỳ biện pháp ngăn chặn nào khác.
Việc tạm
giam đối với người dưới 18 tuổi phạm tội cũng được chia thành hai trường hợp
theo nhóm tuổi với người bị buộc tội từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi và từ đủ 16
tuổi đến dưới 18 tuổi. Cụ thể:
Thứ nhất,
người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi có thể bị tạm giam về tội phạm quy định
tại khoản 2 Điều 12 của Bộ luật Hình sự (tội giết người, tội cố ý gây thương
tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, tội hiếp dâm, tội hiếp dâm
người dưới 16 tuổi, tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi, tội
cướp tài sản, tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản; về tội phạm rất nghiêm
trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng với một số tội danh cụ thể) nếu có căn cứ
quy định tại các các điểm a, b, c, d và đ khoản 2 Điều 119 của BLTTHS năm 2015
(đã bị áp dụng biện pháp ngăn chặn khác nhưng vi phạm; không có nơi cư trú rõ
ràng hoặc không xác định được lý lịch; bỏ trốn và bị bắt theo quyết định truy
nã hoặc có dấu hiệu bỏ trốn; tiếp tục phạm tội hoặc có dấu hiệu tiếp tục phạm
tội; có hành vi mua chuộc, cưỡng ép, xúi giục người khác khai báo gian dối, …).
Thứ hai,
người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi có thể bị tạm giam về tội nghiêm trọng do
cố ý, tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng nếu có căn cứ quy định
tại các điểm a, b, c, d và đ khoản 2 Điều 119 của BLTTHS năm 2015.
– Đối với
bị can, bị cáo từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi bị khởi tố, điều tra, truy tố,
xét xử về tội nghiêm trọng do vô ý, tội ít nghiêm trọng mà Bộ luật hình sự quy
định hình phạt tù đến 02 năm thì có thể bị tạm giam nếu họ tiếp tục phạm tội,
bỏ trốn và bị bắt theo quyết định truy nã.
Tuy nhiên, trong thực tiễn, khi áp dụng các quy định
về tạm giam đối với người dưới 18 tuổi phạm tội như trên còn vướng mắc trong
việc có hay không áp dụng biện pháp tạm giam khi bị can đang được áp dụng biện
pháp ngăn chặn Cấm đi khỏi nơi cư trú lại có hành vi vi phạm nhưng không cấu
thành tội phạm?
Ví
dụ cụ thể:
Ngày 16/12/2022, Nguyễn Văn A, sinh ngày 11/10/2007 (phạm tội khi
15 tuổi 02 tháng 05 ngày, thuộc trường hợp từ 14 đến 16 tuổi) có hành vi mang
30 gam ma túy Ketamine và 2,30 gam MDMA đi bán cho khách thì bị cơ quan Công an
phát hiện, bắt quả tang. Ngày 24/12/2022, Cơ quan điều tra quyết định khởi tố
bị can đối với Nguyễn Văn A về tội Mua bán trái phép chất ma túy theo điểm p
khoản 2 Điều 251 BLHS (với tình tiết 02 chất ma túy trở lên mà tổng khối lượng
các chất đó tương đương với khối lượng chất ma túy quy định tại một trong các
điểm từ điểm h đến điểm o khoản này). Do A là người dưới 16 tuổi, nhân thân
chưa có tiền án, tiền sự, lý lịch rõ ràng, sau khi khởi tố, Cơ quan điều tra áp
dụng biện pháp ngăn chặn Cấm đi khỏi nơi cư trú đối với A để phục vụ điều tra
(trong giai đoạn tin báo đã quyết định giao cho đại diện của A giám sát để đảm
bảo sự có mặt khi có giấy triệu tập của CQĐT).
Tuy nhiên, quá trình điều tra, ngày 30/3/2023 Nguyễn Văn A (lúc này 15 tuổi 05 tháng 19
ngày) có hành vi cất giấu 1,05 gam MDMA nhằm mục đích sẽ giao hộ đối tượng B
cho khách (tại nhà A) để lấy tiền công thì bị bắt quả tang. Do hành vi giúp sức
việc bán ma túy cho B ngày 30/3/2023 của A không đủ yếu tố cấu thành tội Mua
bán trái phép chất ma túy theo khoản 1 Điều 251 BLHS (do A chưa đủ tuổi chịu
TNHS đối với tội nghiêm trọng theo Điều 12 khoản 2 BLHS) nên CQĐT không thể
khởi tố A trong vụ án này. Vậy A có bị thay đổi biện pháp ngăn chặn từ Cấm đi
khỏi nơi cư trú sang Tạm giam trong vụ án ngày 16/12/2022 hay không?
Hiện có 02 quan điểm khác nhau, cụ thể:
Quan điểm 1: Cần thay đổi biện pháp ngăn chặn đối với A, chuyển tạm giam A để
phục vụ điều tra vì, theo Điều 119 khoản 2 điểm d BLTTHS, xác định trường hợp
này A “có dấu hiệu tiếp tục phạm tội”, căn cứ Điều 419 khoản 2
BLTTHS, cần Tạm giam đối với A.
Quan điểm 2: Không có căn cứ thay đổi biện pháp ngăn chặn đối với A vì A không
vi phạm quy định về Cấm đi khỏi nơi cư trú. Để áp dụng tình tiết “có dấu hiệu
tiếp tục phạm tội” thì trong vụ việc ngày 30/3/2023 hành vi của A phải
thỏa mãn cấu thành tội phạm. Do hành vi sau của A không bị khởi tố nên không áp
dụng Tạm giam đối với A được.
Bản thân tôi thấy quan điểm thứ nhất là hợp lý, chỉ
cần A có hành vi vi phạm như trên đã thể hiện “dấu hiệu tiếp tục phạm tội”,
cần phải tạm giam A để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật. Nhưng với việc
cần thận trọng trong áp dụng biện pháp ngăn chặn đối với người dưới 18 tuổi
phạm tội, vừa đảm bảo tính nhân đạo, có lợi cho bị can, bị cáo, vừa để đảm
bảo tính thống nhất khi áp dụng pháp luật, xin ý kiến thảo luận, trao đổi của
các đồng nghiệp./.
Nguyễn
Hồng Ly –VKSND quận Ngô Quyền