Kinh nghiệm của Kiểm sát viên trong quá trình Thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra các vụ án hình sự Giết người, Cố ý gây thương tích, Gây rối trật tự công cộng có đồng phạm là người dưới 18 tuổi và kinh nghiệm định tội danh
Trong
thời gian 03 năm gần đây, trên địa bàn thành phố Hải Phòng nói riêng, cả nước
nói chung đã xuất hiện nhóm tội phạm được người dân đặt tên là “nhóm tội phạm đường phố” đang có chiều
hướng gia tăng về số lượng người tham gia, trong đó chiếm số đông lại là những người
dưới 18 tuổi cùng nhau thực hiện tội phạm. Các nhóm thanh thiếu niên khác nhau phần
lớn là nam giới, có độ tuổi từ 13 tuổi đến 18 tuổi tham gia tụ tập đông người,
có vụ hàng chục, thậm chí là hàng trăm người tham gia chở nhau trên phương tiện
là các xe mô tô, xe gắn máy chạy với tốc độ cao, lạng lách đánh võng trên nhiều
tuyến đường khác nhau, có nhóm còn đem theo nhiều loại hung khí nguy hiểm, như:
giáo chọc, đao, kiếm, vỏ chai thủy tinh “thị uy” trên đường phố, gây sự đánh
nhau hỗn loạn, có một số trường hợp trong lúc điều khiển phương tiện tham gia
rượt đuổi theo nhau do không làm chủ được tốc độ đã tự ngã xe, đâm xe vào cây
cột điện, đâm vào biển chỉ dẫn giao thông, biển quảng cáo, có trường hợp đâm xe
trực diện vào xe container; có trường hợp thì bị ngã văng ra nền đường và bị
phương tiện tham gia giao thông khác chèn qua chết tại chỗ; có một số trường
hợp đối tượng vừa truy đuổi vừa sử dụng hung khí tấn công đối phương giống như
trong các bộ phim hành động; có vụ việc đối tượng bị đuổi do hoảng sợ, không
làm chủ tốc độ, mất lái gây tai nạn giao thông có thiệt hại về người và tài
sản… Theo số liệu thống kê từ ngày 01/12/2020 đến ngày 31/5/2024, thì tổng số
bị can là người dưới 18 tuổi đồng phạm trong các vụ án Giết người, Cố ý gây
thương tích hoặc Gây rối trật tự công cộng bị khởi tố, điều tra là 781 người,
trong đó: Giết người: 43 bị can; Cố ý gây thương tích 36 bị can; Gây rối trật tự công cộng: 701 bị can.
Phân tích số liệu bị can theo từng năm cho thấy số lượng các bị can là người
chưa thành niên thuộc nhóm tội phạm này năm sau tăng hơn đáng kể so với năm
trước, với tính chất mức độ phạm tội của các đối tượng ngày càng trở nên nghiêm
trọng và manh động hơn.
Thực
tiễn giải quyết án đối với nhóm tội phạm này trong thời gian qua đã và đang
phát sinh nhiều xung đột về quan điểm định tội danh, phân loại diện khởi tố,
phân hóa vai trò đồng phạm trong các vụ án Giết người, Cố ý gây thương tích,
Gây rối trật tự công cộng có đồng phạm là người dưới 18 tuổi (sau đây gọi chung
là nhóm tội phạm đường phố).
Để
thực hiện tốt công tác kiểm sát đối với các vụ án do nhóm tội phạm đường phố thực hiện, trước hết cần phải nhận diện đúng các
đặc điểm chính của nhóm tội phạm này để làm cơ sở định hướng đầy đủ, toàn diện
các nội dung yêu cầu điều tra của vụ án, đảm bảo cho việc định tội danh khởi
tố, truy tố và xét xử.
I. Nhận diện đặc điểm chính của nhóm tội
phạm được phố
Thực
tiễn xét xử trong thời gian qua cho thấy nhóm tội phạm đường phố có những đặc
điểm cơ bản sau đây:
1. Có đông người tham gia tụ tập, có những
vụ việc đã lôi kéo, tụ tập được hàng chục, thậm chí là trên dưới 100 người tham gia. Nhiều thành viên trong nhóm không
quen biết nhau hoặc chỉ biết tên thường gọi, biệt danh hoặc tên gọi theo địa
chỉ Zalo, Facebook của nhau.
2. Các đối tượng rủ rê, lôi kéo nhau
tham gia tụ tập chủ yếu là gọi điện, nhắn tin thông qua ứng dụng Zalo,
Messenger, Telegram. Thông thường các đối tượng sẽ thành lập các nhóm kín trên
nền tảng mạng xã hội với tên gọi có tính chất ngông cuồng, thách thức, coi
thường pháp luật (ví dụ như: Biệt đội đánh Công an…). Các thành viên truy cập
vào nhóm rủ rê, lôi kéo tham gia đua xe, tham gia đánh nhau với nhóm khác, hẹn
địa điểm tập trung, thậm chí một đối tượng có thể tham gia nhiều nhóm khác nhau,
lại tiếp tục vào nhóm nhắn tin, gọi điện để rủ rê, lôi kéo thêm đông người tham
gia. Cũng có trường hợp các nhóm khác nhau vô tình gặp nhau trên đường, chỉ cần
một thành viên của nhóm này biết một thành viên của nhóm khác, thì các bên đều
có thể sáp nhập chung với nhau thành một đoàn người đông đảo.
3. Phương tiện giao thông mà nhóm đối
tượng sử dụng chủ yếu là các xe mô tô có dung tích trên 50cc. Phần lớn các
phương tiện sẽ được che hoặc tháo rời biển số; có phương tiện được lắp biển số
giả; có phương tiện còn thay đổi kết cấu của Pô xe để nhằm tạo ra âm thanh lớn
khi di chuyển (nẹt pô).
4. Các đồ vật, hung khí mà nhóm các đối
tượng ưa chuộng, thường hay đem theo, bao gồm: vỏ chai thủy tinh; tuýp sắt có
đầu nhọn hoặc gắn dao nhọn (giáo chọc) có độ dài trung bình khoảng 1,2 mét có
loại dài từ 2,5 mét đến 03 mét; dao, kiếm, gậy bóng chày; các đồ vật, hung khí
các đối tượng nhặt trên đường đi, như: gạch, tre dóc…
5. Trước
và trong quá trình tham gia gây án, phần lớn các đối tượng đều đeo khẩu trang
bịt mặt. Bọn chúng chở nhau trên phương tiện là các xe mô tô, có xe chở theo 03
người, rất ít xe đi 01 người. Phần lớn các đối tượng đều không đội mũ bảo hiểm,
đi tập trung thành một hoặc nhiều đoàn người, tuần tiễu qua một số tuyến đường
nội đô, khi ra đến các tuyến đường lớn thuộc nội, ngoại thành Hải Phòng hoặc
các tuyến đường có chốt kiểm tra của lực lượng chức năng, các đối tượng hò hét
gây huyên náo rồi tăng tốc độ đua xe, lạng lách, đánh võng, tạt đầu, nẹt pô,
trêu đùa, gây sự với nhóm người khác trên đường đi hoặc trêu ghẹo thách thức
các thành viên của tổ công tác đang làm nhiệm vụ tại các chốt kiểm tra …
6. Nguyên cớ dẫn đến việc tụ tập đông
người rồi cùng nhau thực hiện hành vi phạm tội thường là rất đa dạng và không
rõ ràng, các nhóm đối tượng hoặc là viện
cớ” hoặc là tạo cớ. Cụ thể: có vụ
việc ban đầu nhóm đối tượng chỉ đơn thuần là tụ tập cùng nhau đi chơi, sau đó vô
tình gặp nhóm người khác trên đường đi; có vụ việc thì do trêu đùa nhau; có vụ
việc thì chủ động gây sự do thấy không
vừa mắt; có vụ việc thì lầm tưởng
trong nhóm đối phương có người mâu thuẫn với mình trước đó; có vụ việc cả nhóm
cùng nhau đi tìm đối tượng nghi ngờ
đã từng gây sự với thành viên của nhóm mình từ nhiều ngày trước… dẫn đến việc
các bên luân phiên điều khiển xe mô tô rượt đuổi nhau trên nhiều tuyến đường
phố, gây tai nạn giao thông hoặc là tụ tập rủ rê lôi kéo thêm nhiều người khác,
chuẩn bị hung khí đi tìm nhóm vừa phát sinh mâu thuẫn với mình để đánh nhau…
7. Tùy theo mục đích ban đầu của cả
nhóm, như: tụ tập cùng nhau tìm kiếm một cá nhân hoặc một nhóm người khác nhằm
mục đích đánh nhau; tụ tập đua xe; tụ tập cùng nhau đi chơi, đi lượn đường…thì
sự chuẩn bị về số lượng người, sáp nhập với nhóm khác thành đoàn người, sự chuẩn
bị về phương tiện di chuyển, hung khí để tham gia gây án cũng khác nhau. Ví dụ
như: nhóm người ban đầu nếu chỉ có ý định đi chơi lượn đường hoặc tụ tập đua xe, thường sẽ không đem theo đồ vật hung
khí gì. Chỉ đến khi có phát sinh va chạm, mâu thuẫn với nhóm người khác trên
đường đi, thì nhóm này mới rủ nhau đi lấy hung khí hoặc nhặt các đồ vật trên
đường đi (gạch, đá, cành cây…) nhằm mục đích tìm đánh trả thù nhóm đối phương…
8. Hậu quả về người và tài sản thường là
cao hơn so với các vụ án Giết người, Cố ý gây thương tích; Gây rối trật tự công
cộng thông thường khác về số lượng người và tài sản bị thiệt hại (số lượng bị
chết, bị thương; số lượng phương tiện bị hư hỏng do va chạm gia thông).
Hiện
tại trên nền tảng mạng xã hội Facebook còn xuất hiện một Fan page có tên LEO RANK, đã và đang thu hút hàng chục nghìn người
theo dõi (cập nhật đến nay có khoảng 61.000 người). Đây là Fan page công khai, là
địa chỉ để cho các cá nhân, hội nhóm vào khoe khoang, đăng tin gửi hình ảnh,
video tự quay về thành tích của bản
thân hoặc của nhóm mình, bao gồm những hình ảnh thể hiện rõ nét hành vi càn
quấy, manh động, gây mất trật tự an toàn giao thông, trật tự an toàn xã hội, kích
động xu hướng bạo lực, như: các đoạn video đăng tải hình ảnh của một nhóm tập
trung đông người đua xe, đem theo, léo lê các thanh tuýp sắt chà sát trên nền
đường làm để bắn tra những tia lửa. Có nhiều loại hung khí được đăng lên để
khoe, có nhiều lời lẽ khích bác, chửi bới thách thức, hẹn địa điểm đánh nhau,
thậm chí có cả những cá nhân còn tự quảng cáo về bản thân qua bài đăng, có gửi
kèm hình ảnh của hung khí với dòng trạng thái “có ai thuê đánh nhau không”..v..v. Những người được Admin duyệt cho
đăng bài vào nhóm hầu hết đều được ẩn danh (ẩn tên facebook cá nhân hoặc tên
nhóm). Mặc dù nhóm này không đưa ra tiêu chí bình chọn thăng hạng cho cá nhân hay hội nhóm nào, nhưng phần lớn các thành
viên tham gia theo dõi Fan page đều tự mình mong muốn lấy số để tự thăng hạng
cho bản thân hoặc cho nhóm của mình để có thêm nhiều người biết đến, mục đích
là để thu hút, lôi kéo thêm nhiều thành viên khác gia nhập nhóm, theo đó cùng
nhau tiếp tục nghĩ ra nhiều chiêu trò khác để lấy số, càng ngày càng manh động hơn, để lại hậu quả rất nguy hiểm
cho xã hội. Hậu quả không chỉ dừng lại ở việc gây ra các vụ án hình sự Giết
người, Gây thương tích, Gây rối trật tự công cộng, mà hệ lụy của nó còn có thể
là mầm mống liên quan đến băng ổ nhóm tội phạm liều lĩnh... (như: đòi nợ thuê,
đâm thuê chém mướn…).
II. Kinh nghiệm của Kiểm sát viên trong quá trình thực hành
quyền công tố, kiểm sát điều tra
1. Mội số lưu ý khi kiểm sát việc thiết lập
hồ sơ.
Khi
nghiên cứu tài liệu xét phê chuẩn Lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn
cấp; Phê chuẩn Quyết định gia hạn tạm giữ lần 1, lần 2; Phê chuẩn khởi tố bị
can và Lệnh tạm giam, Kiểm sát viên cần chú ý:
-
Các biên bản tố tụng phải đảm bảo đầy đủ ngày giờ thiết lập, tránh để xảy ra
tình trạng 01 Điều tra viên hoặc Cán bộ điều tra cùng một thời gian tham gia ghi
nhiều biên bản khác nhau hoặc thực hiện một số hoạt động điều tra, xác minh
khác nhau ở các địa điểm khác nhau. Ngày giờ lập biên bản trước và sau khi ban
hành và triển khai Lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp, ra Quyết định tạm
giữ; ban hành và triển khai Lệnh hoặc bắt người bị giữ khẩn cấp phải đảm bảo
đúng thời gian theo quy định.
-
Kiểm sát viên và Điều tra viên phối hợp với nhau, thống nhất cách gọi tên của
đối tượng tham gia gây án, đặc biệt là các đối tượng có biệt danh, có tên họ
giống nhau hoặc các đồng phạm chỉ biết tên facebook, zalo của nhau; thống nhất
tên các địa danh, như: địa điểm tập trung phân phát hung khí; địa điểm, tuyến
đường cùng nhau tuần tiễu; địa điểm phát sinh sự việc mâu thuẫn rượt đuổi đánh
nhau trong biên bản; địa điểm sáp nhập, hẹn đón đồng bọn; địa điểm các đối
tượng thực hiện các hành vi khách quan cụ thể, như: chèn ép, đánh nhau, đáp
chai…).
-
Đảm bảo việc tham gia tố tụng của người đại diện hợp pháp, người bảo vệ quyền
lợi cho người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can.
-
Khi kiểm tra hệ thống chứng cứ, đảm bảo căn cứ xét phê chuẩn các Lệnh, Quyết
định của Cơ quan điều tra, Kiểm sát viên cần chú ý các đối tượng chỉ có duy
nhất lời khai nhận tội mà chưa có tài liệu chứng cứ nào khác bổ trợ. Gặp trường
hợp này, Kiểm sát viên cần phối hợp với Điều tra viên tham gia hỏi đối tượng, nên
sử dụng sơ đồ thể hiện những tuyến
đường mà các đối tượng này cùng nhau đi qua kể từ khi bắt đầu cho đến khi kết
thúc sự việc, để cho đối tượng khai chi tiết về hành vi của bản thân (lời nói, hành động), khai về hành vi của
các đối tượng trong nhóm (có quen hoặc
không quen, có đặc điểm nhận dạng đặc biệt nào; trang phục mang mặc, đặc điểm
phương tiện, đặc điểm hung khí…).; đồng thời phải thu thập tài liệu làm rõ
việc sử dụng thời gian của đối tượng (lời
khai của người thân; xác minh tại chính quyền địa phương về việc tạm trú, tạm vắng
của đối tượng). Tóm lại những gì mà đối tượng này biết được, quan sát được
thì yêu cầu khai cụ thể, chi tiết, cho viết tự khai nhiều lần và cần phải tiến
hành việc ghi âm ghi hình quá trình ghi lời khai hoặc hỏi cung.
-
Khi thực hiện kiểm sát việc khám nghiệm hiện trường hoặc nghiên cứu, kiểm tra
tài liệu về hiện trường, Kiểm sát viên cần lưu ý: Để làm tốt việc này đòi hỏi Điều tra viên và Kiểm
sát viên cần phải căn cứ đặc điểm xung quanh địa điểm, vị trí được xác định là
hiện trường chính của vụ án để phán đoán hướng di chuyển của các nhóm đối
tượng, đồng thời khai thác nóng thông tin từ người chứng kiến, người biết việc,
người liên quan (nếu có) để đánh giá, xem xét hướng di chuyển của các nhóm đối
tượng liền trước, trong và sau khi có các hành động tấn công nhóm đối phương,
có để lại hậu quả về người, về tài sản... từ đó yêu cầu khám mở rộng để thu
thập dấu vết, đồ vật liên quan (chú ý là
chỉ khi có thông tin hoặc có căn cứ nhận định, đánh giá các nhóm đối tượng đã
có hành vi khách quan cụ thể nào đó và có thể sẽ để lại dấu vết, đồ vật liên
quan...). Trường hợp hiện trường ở các địa giới hành chính khác nhau và có
phát sinh tranh chấp về thẩm quyền, cần báo cáo Cơ quan điều tra và Viện kiểm
sát cấp trên để phối hợp chỉ đạo chung. Đặc trưng khách quan của nhóm tội phạm
đường phố là được thực hiện bởi một chuỗi
hành vi khách quan, ban đầu tuần tiễu, thị uy trên các tuyến đường, rồi hò
hét, tăng ga rượt đuổi, ném chai, ném bom xăng, đánh chém nhau hỗn loạn.... Ở
một số địa điểm trên đường rượt đuổi có thể chưa gây ra hậu quả gì lớn về người
và tài sản, nhưng tội phạm vẫn chưa kết thúc cho đến khi chấm dứt hành vi phạm
tội ở địa điểm sau cùng, do được phát hiện, ngăn chặn kịp thời hoặc do đã gây
ra hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng về người
và tài sản.
2. Một số lưu ý về Yêu cầu điều tra
-
Một trong số nội dung cần phải ra yêu cầu điều tra, đó là việc phải thu thập
các tài liệu liên quan đến điều kiện, hoàn cảnh, môi trường sống, học tập của
người phạm tội. Việc phải thu thập các tài liệu này vừa có ý nghĩa to lớn trong
việc đấu tranh làm rõ hành vi phạm tội của các đối tượng trong quá trình điều
tra vụ án (càng biết rõ về đối tượng càng dễ tìm ra cách thức tiếp cận để xét
hỏi, làm rõ nội dung vụ án, mức độ nhận thức của đối tượng để làm căn cứ định
tội và có đường lối xử lý phù hợp theo nguyên tắc xử lý đối với người chưa
thành niên…), vừa có ý nghĩa đối với công tác dự báo, phòng ngừa tội phạm vị
thành niên nói chung.
Theo
số liệu thống kê về số lượng người bị truy cứu trách nhiệm hình sự trong các vụ
án Giết người, Cố ý gây thương tích, Gây rối trật tự công cộng trong khoảng thời gian từ ngày
01/12/2020 đến ngày 31/5/2024, cho thấy: số lượng bị can còn đang đi học là 346
người, chiếm 44,3%; số bị can bỏ học là 434 người, chiếm 55,7% bị can. Kết quả
nghiên cứu, thống kê về điều kiện, hoàn cảnh sống của các bị can này, cho thấy:
chiếm số đông là các bị can có bố mẹ ly hôn 38,9%; bố hoặc mẹ chết, nghiện
rượu, nghiện ma túy là 9,6%; số bị can không được bố mẹ chăm sóc, nuôi dưỡng,
sống nương nhờ người thân chiếm 4,1%. Các cháu này trưởng thành trong điều kiện
không có sự chăm sóc tốt của gia đình cả về tinh thần và điều kiện kinh tế, dẫn
đến bỏ học, lêu lổng tụ tập có biểu hiện phạm tội (Trộm cắp, Cướp, Cướp giật
tài sản…). Một số cháu bị các đối tượng đã thành niên lôi kéo, rủ rê, thu gom
dưới danh nghĩa chăm sóc, bao ăn, ở sau đó sử dụng các cháu vào mục đích riêng
của mình, như: đòi nợ thuê, sẵn sàng nghe theo sự sai bảo, tham gia đánh nhau
để bảo vệ quyền lợi của người đã bao ăn, ở cho mình. Thực tiễn giải quyết, khi
nghiên cứu về mối quan hệ xã hội của các các bị can thuộc nhóm tội phạm đường
phố, cho thấy: phần lớn các cháu là những người bị rủ rê, lôi kéo. Tuy nhiên
cũng có một số cháu là do ham chơi, a dua theo đám đông, không nhận thức được
việc làm của mình là phạm tội; Một số khác là do tôn sùng, lệ thuộc đối tượng
cầm đầu, đại ca mà sẵn sàng trả ơn,
làm theo sai bảo. Một số là do có bản chất nổi
loạn, thích lấy số (thường là các
đối tượng sống trong hoàn cảnh gia đình khiếm khuyết, có xu hướng bạo lực…);
Một số là những thành phần bất hảo, côn đồ hung hãn, đã từng can án hoặc từng
nhiều lần thực hiện các hành vi vi phạm bị xử phạt hành chính, nhiều lần bị xử
phạt từ khi còn chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự, thuộc diện sưu tra…
Những đối tượng thuộc dạng này thường là sẽ trở thành nhân vật trung tâm, có
tầm ảnh hưởng nhất định đối với nhóm bạn cùng trang lứa, thậm chí các cháu này
còn có thể sai bảo, chỉ huy được cả những đối tượng đã thành niên. Khi thực
hiện tội phạm, các đối tượng này luôn thể hiện đẳng cấp vượt trội của mình, theo đó cực kỳ manh động, coi thường
pháp luật, coi việc đánh chém người khác là việc làm bình thường. Một số ít
người khác thuộc dạng người có cùng sở thích, như: thích đàn đúm, tụ tập bỏ nhà
đi lang thang, thuê phòng nghỉ sống bày đàn, cùng nhau uống rượu, hút thuốc,
hít bóng cười…
-
Quá trình nghiên cứu, tổng hợp chứng cứ để kịp thời đề ra yêu cầu điều tra bổ
sung hoặc khắc phục mâu thuẫn (nếu có), Kiểm sát viên nên kẻ Bảng tổng hợp
chứng cứ, theo đó mỗi một bị can, mỗi một đối tượng liên quan sẽ được trích yếu
những nội dung chính theo lời khai nhận của họ (tham gia ở mức độ nào, thể hiện qua hành vi khách quan cụ thể gì, ví dụ
như: là người điều khiển phương tiện hay ngồi sau; có cầm theo hung khí gì
không; có lời lẽ hành động cụ thể gì trong quá trình tham gia gây án…); trích
yếu các thông tin mà họ khai về đồng phạm và ngược lại các đồng phạm khai về
hành vi cụ thể của họ để đối chiếu, kịp thời bổ dung hoặc khắc phục mâu thuẫn;
một số nội dung khác cần phải trích yếu vào Bảng tổng hợp này, đó là độ tuổi của
các đối tượng tính đến ngày phạm tội; quá trình nhân thân; tài sản đồ vật bị
thu giữ ban đầu, nếu thu giữ trong quá trình điều tra thì trích cứu bổ sung,
đảm bảo việc ra yêu cầu xử lý đối với tài sản, đồ vật.
2. Một số lưu ý về các nội dung cần tham
gia xét hỏi.
Khi tham gia hỏi nhóm
bị can tội phạm đường phố, Kiểm sát
viên cần chú ý chuẩn bị trước các nội dung cần xét hỏi, phối hợp với Điều tra
viên tham gia hỏi các đối tượng càng sớm càng tốt, theo đó cần phải đặt câu hỏi
để làm rõ bị can có tham gia vào vụ việc xô xát, truy tìm, rượt đuổi
nhau vào khung thời gian xảy ra sự việc hay không, đã thực hiện những hành vi
khách quan cụ thể gì. Các nội dung cần hỏi có thể triển khai dưới các dạng câu
hỏi như: có được ai rủ rê hoặc có rủ ai cùng tham gia không; có biết gì về mâu
thuẫn cụ thể của các bên tham gia đánh nhau không (đây chính là lý do tham gia, sử dụng làm căn cứ đánh giá về động cơ,
mục đích phạm tội); Số lượng người trong nhóm mình và nhóm đối phương; Đặc
điểm, nguồn gốc, loại phương tiện sử dụng; Đồ vật, hung khí đem theo; Đặc điểm,
số lượng; nguồn gốc của số đồ vật, hung khí đó; Có trực tiếp chuẩn bị đồ vật gì
không; Có đóng góp tiền để mua không, đóng bao nhiêu tiền; ai là người mua hung
khí (hoặc các nguyên liệu để tự chế hung khí); Mua ở đâu, từ khi nào; Sau khi
mua (hoặc hoàn thành sản phẩm tự chế) thì cất giấu tại đâu; Bản thân có quen
biết hoặc có mâu thuẫn với ai bên nhóm đối phương không; Lý do biết được mâu
thuẫn của người trong nhóm mình với nhóm đối phương; Địa điểm các bên hẹn gặp
nhau (hoặc tập trung) ở đâu; Địa điểm các bên bắt đầu gặp nhau và xô xát; Các
tuyến đường, địa điểm mà các bên rượt đuổi, đánh nhau; Hành động cụ thể của bản
thân và của những người khác trong nhóm mà bị can biết được, nghe được; Lý do
kết thúc việc xô xát (tự ý dừng lại hay
được can ngăn hoặc vì lý do khách quan nào khác); Số đồ vật, hung khí đã
được cất giấu, vứt bỏ hay để lại hiện trường, lý do; Tình trạng thương tích của
nạn nhân, tình trạng của tải sản liên quan trước khi cùng nhau rời khỏi hiện
trường; Có hay không việc liên hệ giữa các đồng phạm sau khi kết thúc sự việc (xúi giục, thống nhất nội dung khai hoặc
không khai với cơ quan điều tra; xúi giục bỏ trốn; được người khác động viên,
cho tiền, địa chỉ để trốn...).
3. Về việc định tội danh
Lưu
ý chung khi định tội danh đối với nhóm tội phạm đường phố, cần phân biệt thành nhóm đuổi và nhóm bị đuổi
(có thể sẽ bị thay đổi tùy thuộc vào diễn
biến vụ án, ban đầu là nhóm bị đuổi, nhưng sau đó lại trở thành nhóm đuổi).
Theo đó, thành viên bên nhóm đuổi có
thể tự gây ra hậu quả cho chính thành viên trong nhóm mình (do không làm chủ
tốc độ mà ngã xe, đâm va vào nhau…) hoặc thành viên nhóm đuổi gây tai nạn giao thông cho người và phương tiện khác, có
hậu quả về người và tài sản, đủ điều kiện truy cứu trách nhiệm hình sự, thì
định hướng tội danh Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ đối với người điều khiển phương tiện. Nhóm đuổi chỉ phải chịu trách nhiệm về
tội danh Giết người, Cố ý gây thương tích; Gây rối trật tự công cộng đối với hậu
quả từ hành vi trực tiếp bám đuổi gây ra cho thành viên bên nhóm bị đuổi. Cụ thể là:
- Nhóm bị đuổi do hoảng sợ, không làm
chủ được tốc độ mà tự ngã xe, đâm xe vào cây cột điện, đâm vào biển chỉ dẫn
giao thông, biển quảng cáo, đâm xe trực diện vào phương tiện tham gia giao
thông khác; bị ngã văng ra nền đường và bị phương tiện khác chèn qua, dẫn đến
hậu quả chết người…, thì định hướng tội danh Giết người; nếu dẫn đến hậu quả có
người bị thương, mà tỉ lệ thương tích từ 31% trở lên, tức là thuộc trường hợp
khoản 3, khoản 4 của Điều 134 Bộ luật hình sự, thuộc loại tội rất nghiêm trọng,
thì định hướng tội danh Cố ý gây thương tích đối với các đối tượng trực tiếp
điều khiển phương tiện và đối tượng ngồi trên cùng phương tiện đó bên nhóm đuổi,
các đối tượng còn lại, tùy theo độ tuổi, tính chất mức độ tham gia để định tội
danh Gây rối trật tự công cộng. Kiểm sát viên cần lưu ý về chế định đồng phạm và độ tuổi
của đối tượng ngay từ khi tham gia phân loại tạm giữ hình sự, đảm bảo chứng cứ buộc
tội đối với các đối tượng ngồi sau không trực tiếp cầm lái, vì nhóm đối tượng
này rất dễ thay đổi lời khai, theo đó sẽ biện hộ cho bản thân rơi vào trạng
thái bất khả kháng do phụ thuộc vào người điều khiển phương tiện. Gặp trường
hợp này, Kiểm sát viên cần phối hợp với Điều tra viên tham gia hỏi càng sớm
càng tốt, theo đó làm rõ ý thức chủ quan của người phạm tội thông qua hành vi
khách quan của họ, như: Tham gia ngay từ đầu, có mục đích rõ ràng hoặc biết rõ
mục đích của đồng phạm; Có cầm theo hung khí; Không có bất kỳ lời nói, hành
động ngăn cản nào đối với người điều khiển phương tiện… Cùng với đó, cần phải
củng cố các vấn đề này khi tham gia xét hỏi đồng phạm là những người đi trên
cùng phương tiện và các đồng phạm khác trong vụ án…Ngoài ra, cần chú ý về chế
định đồng phạm đối với các đối tượng bên nhóm
đuổi có khoảng cách nhất định trong quá trình cùng đồng bọn bám đuổi phía
sau (khoảng cách so với xe của đối tượng bám đuổi phía trước, sát nhóm bị đuổi).
Hành vi của những đối tượng này cũng tương đối khó đánh giá đồng phạm, thực tế
đã có vụ việc nếu không thu giữ được dữ liệu hình ảnh (có tại Camera giao
thông) thể hiện khoảng cách bám đuổi, mật độ giao thông, điều kiện, khả năng
quan sát…để làm căn cứ đánh giá tính khách quan của các đồng phạm trong vụ án về
khoảng cách bám đuổi đủ để quan sát được đầy đủ diễn biến đuổi theo của đồng
bọn phía trước cho đến khi xe của người bị đuổi gặp nạn và bị chết, thì rất khó
để quyết định việc đưa vào tạm giữ hình sự đối với đối tượng từ đủ 14 đến dưới
16 tuổi.
-
Đối với hậu quả gây ra cho nhóm bị đuổi
có người bị ngã xe, đâm xe, bị đánh bằng tay chân hoặc hung khí trên đường rượt
đuổi theo nhau hoặc đã đuổi kịp và khống chế đối phương…làm người đó bị thương,
có tỷ lệ tổn thương cơ thể dưới 11% (tức là hậu quả về người thuộc trường hợp
khoản 1 hoặc khoản 2 Điều 134 BLHS, thuộc loại tội ít nghiêm trọng và nghiêm
trọng). Thông thường sẽ được định sang tội danh Gây rối trật tự công cộng, quy
định tại điểm b khoản 2 Điều 318 BLHS. Đầu tiên phải thống nhất nhận thức, hành
vi tụ tập thành đoàn người đi trên xe mô tô tuần tiễu, gây sự, rượt đuổi đánh
nhau đã và đang là hiện tượng xã hội được lặp đi lặp lại, gây bức xúc trong dư
luận, gây ảnh hưởng rất xấu đến tình hình trật tự an toàn xã hội. Theo đó có hai
khách thể đồng thời bị tội phạm xâm hại, đó là quyền được bảo vệ tính mạng, sức
khỏe và xâm phạm trật tự an toàn công cộng. Giữa hai tội danh được thiết lập: một là tội Cố ý gây thương tích, quy
định tại khoản 1 hoặc khoản 1 Điều 134 Bộ luật hình sự; hai là tội Gây rối trật tự công cộng, quy định tại điểm b khoản 2
Điều 318 Bộ luật hình sự, có khung hình phạt cao hơn so với tội Cố ý gây thương
tích (theo khoản 1, khoản 2 Điều 134). Cùng với đó, tội danh Gây rối trật tự
công cộng lại có diện xem xét khởi tố bị can rộng hơn, công bằng hơn khi xử lý vụ
án có đồng phạm cùng xuất phát từ một hành vi (điều khiển xe mô tô cầm theo
hung khí rượt đuổi đánh nhau, bất chấp hậu). Việc định tội danh này hoàn toàn
phù hợp với hướng dẫn tại Mục 2 Công văn số 233/TANDTC-PC ngày 01/10/2019 của
Tòa án nhân dân tối cao: “ Trường hợp người thực hiện 01 hành vi nhưng thoả mãn
dấu hiệu cấu thành của nhiều tội thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội
nặng hơn”.
-
Trường hợp nhóm bị đuổi do không làm
chủ được tốc độ trong khi điều khiển phương tiện bỏ chạy nhằm thoát thân, với
trạng thái tinh thần hoảng loạn vì sợ bị đánh, gây ra hậu quả làm cho người thứ
ba bị chết, cần cân nhắc khi định tội danh với nhóm bị đuổi, theo đó cần làm rõ
có hành vi gây rối trật tự công cộng trước đó không; Xác định có rơi vào sự
kiện bất ngờ khi xem xét đến tội danh Vi phạm quy định về an toàn giao thông
hay không. Riêng đối với nhóm đuổi trong
trường hợp này cần xem xét hướng định tội danh Gây rối trật tự công cộng.
Sau
đây là một số tình huống cụ thể đã xảy ra trong thực tiễn xét xử, có xung đột
quan điểm:
Tình huống 1: Quá trình truy đuổi, nhóm
đuổi chia làm các hướng khác nhau, một nhóm dự báo đường chạy của đối phương
nên chủ động chuyển hướng nhằm mục đích chặn đường, nhóm còn lại tiếp tục đuổi
áp sát phía sau xe mô tô của các nạn nhân và gây ra hậu quả làm nhóm bị đuổi gây
tai nạn, những người trên cùng xe mô tô bị đuổi đều bị chết hoặc đều bị thương.
Nhóm chặn đường do dự báo sai, không biết, không chứng kiến về vụ tai nạn.
Có hai quan điểm định tội
danh cho nhóm đuổi. Quan điểm thứ nhất,
nhóm đuổi và nhóm người chặn đường đồng phạm tội Giết người (nếu các nạn nhân
cùng chết) hoặc Cố ý gây thương tích (nếu các nạn nhân cùng bị thương trên 31%),
với nhận định các đối tượng đều có cùng chung mục đích đuổi đánh đối phương,
các đối tượng chặn đường chạy là những người có ý chí quyết tâm thực hiện tội
phạm cao, việc dự đoán sai hướng chạy của đối phương không ảnh hưởng đến việc xác
định đồng phạm. Hậu quả của vụ án đến đâu, các đồng phạm phải chịu chung đến
đó. Quan điểm thứ hai nhận định: do
là lỗi cố ý gián tiếp nên cần thiết phải cá thể hóa trách nhiệm hình sự của các
đối tượng bên nhóm đuổi. Theo đó, nhóm chặn đường không biết và cũng không buộc
phải biết đồng bọn của mình có hay không đuổi kịp nhóm bị đuổi để đánh nhau. Thực
tế thì các đối tượng này không biết, không chứng kiến diễn biến của sự việc
nhóm bị đuổi gặp nạn trên đường, do đó nhóm này chỉ phạm tội Gây rối trật tự
công công, quy định tại Điều 318 Bộ luật Hình sự. Tài liệu điều tra chứng minh
đến đâu, xử lý đến đó. Tác giả đồng tình với quan điểm thứ hai.
Tình huống 2: Nhóm đuổi ban đầu đi
thành một đoàn xe mô tô, quá trình đuổi theo do phải tránh các phương tiện tham
gia giao thông khác nên đã tạo ra khoảng cách nhất định so với một hoặc một số
xe mô tô phía trước đuổi áp sát xe mô tô của nạn nhân, gây hậu quả làm cho nhóm
bị đuổi có một hoặc nhiều nạn nhân cùng bị chết hoặc cùng bị thương. Một số xe mô
tô bên nhóm đuổi (tốp hai hoặc tốp ba) đều chứng kiến sự việc xe của nạn nhân gặp
nạn; số còn lại đi ở phía sau khá xa nên không biết và không được chứng kiến diễn
biến vụ tai nạn.
Về việc tội danh áp dụng đối
với nhóm đuổi có khoảng cách gần nhau và gần với xe mô tô của nhóm bị đuổi cơ bản
thống nhất (định tội danh theo hậu quả của vụ án). Tuy nhiên, còn có một số ít
có quan điểm khác trong việc xác định đồng phạm đối với nhóm đuổi có khoảng
cách khá xa so với các xe mô tô của đồng bọn đuổi phía trước. Có ý kiến cho rằng
cần xác định nhóm này là đồng phạm với vai trò đồng thực hành, việc nhóm này
không bám sát theo đồng bọn là do nguyên nhân khách quan trong quá trình tham
gia giao thông (tránh người và phương tiện khác hoặc đi nhầm đường…); Ý kiến
còn lại cho rằng không đủ căn cứ xác định đồng phạm, nhóm người này chỉ phạm tội
Gây rối trật tự công cộng, quy định tại Điều 318 Bộ luật Hình sự. Tác giả đồng
tình quan điểm định tội danh Gây rối trật tự công cộng.
Tình
huống 3: Nhóm bị đuổi có 03 người trên cùng một xe mô tô khi gặp nạn, dẫn
đến hậu quả 01 người chết, 01 người bị thương nặng, với tỷ lệ tổn thương cơ thể
từ 31%, trở lên, người còn lại chỉ bị xây sát, không có tỷ lệ thương tích.
Khi
đinh tội danh trong trường hợp này, có hai quan điểm. Theo đó quan điểm thứ nhất cho rằng cần phải
truy cứu tuy cứu trách nhiệm hình sự về hai tội Giết người (đối với 01 nạn nhân
chết) và Cố ý gây thương tích (đối với 01 nạn nhân bị thương), quy định tại các
Điều 123 và 134 Bộ luật Hình sự. Quan
điểm hai cho rằng chỉ truy cứu trách nhiệm hình sự về một tội Giết người,
với tình tiết định khung quy định tại điểm a “giết hai người trở lên” khoản 1
Điều 123 Bộ luật Hình sự. Cụ thể trong trường hợp này mặc dù có 02/03 người bên
nhóm bị đuổi cùng bị thiệt hại do tội phạm gây ra (có hậu quả thực tế). Thực
tiễn xét xử tại Hải Phòng đã có 02 vụ án hình sự có tình huống tương tự, Tòa án
đã xét xử và đã tuyên bố các bị cáo phạm tội Giết người, tuy nhiên đến nay vẫn
còn có quan điểm khác nhau giữa những người tiến hành tố tụng về việc xác định
tội danh của nhóm đuổi đối với hậu quả của vụ án vừa có người bị chết, vừa có
người bị thương.
Tình
huống thứ 4: Nhóm bị đuổi gây tai nạn, đâm vào xe mô tô khác chở 02 người
đang tham gia giao thông (dừng chờ tín hiệu đèn đỏ), hậu quả 02 nạn nhân trên
xe mô tô bị nạn có 01 người chết, 01 người bị thương.
Hiện
tại, các Cơ quan tiến hành tố tụng hai cấp tại Hải Phòng đều cơ bản thống nhất cần
phải truy cứu trách nhiệm hình sự đối với nhóm đuổi về tội Gây rối trật tự công cộng,
quy định tại Điều 318 Bộ luật Hình sự, với vai trò đồng thực hành, tuy nhiên
cũng còn có một số ít ý kiến cho rằng nhóm đuổi có dấu hiệu phạm tội Vi phạm quy
định về tham gia giao thông đường bộ, quy định tại Điều 260 Bộ luật hình sự. Thực
tiễn khi định tội danh đối với nhóm bị đuổi cũng phát sinh nhiều quan điểm khác
nhau, có ý kiến cho rằng cần xem xét xử lý nhóm bị đuổi về tội Gây rối trật tự
công cộng, trường hợp chứng minh được nhóm này liền trước đó đã có hành vi có
lỗi, tạo ra nguyên cớ, dẫn đến việc nhóm đuổi thực hiện tội phạm, như: gây sự,
thách thức hoặc trêu đùa tạt đầu xe nẹt pô…, góp phần dẫn đến hậu quả của vụ án.
Trường hợp nhóm bị đuổi không có lỗi tạo ra nguyên cớ, thì tùy theo mức độ vi
phạm trước đó, như tụ tập đông người, điều khiển xe mô tô không đội mũ bảo
hiểm, chở quá số người theo quy định… thì xem xét xử lý vi phạm hành chính. Một
số ít ý kiến cho rằng không xử lý hình sự đối nhóm bị đuổi (nhóm bị hại), chỉ
cần xem xét xử lý vi phạm hành chính.
Tình
huống 5: Nhóm đuổi trong quá
trình đuổi đánh nhóm bị đuổi đã gây
tai nạn giao thông với phương tiện tham gia giao thông khác, gây thiệt hại về
tài sản từ 100.000.000 đồng trở lên.
Khi
định tội danh, có ý kiến cho rằng những người điều khiển phương tiện bên nhóm
đuổi ngoài việc phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Gây rối trật tự
công cộng, quy định tại Điều 318 Bộ luậthình sự, còn phải bị truy cứu trách
nhiệm hình sự về tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ, quy định
tại Điều 260 Bộ luật Hình sự. Ý kiến còn lại, nhận định hành vi của nhóm đuổi
không thuộc trường hợp tham gia giao thông bình thường, do cả nhóm đã cố ý lấy
việc sử dụng phương tiện tham gia giao thông là điều kiện để đạt được mục đích
trái pháp luật khác (đánh nhau). Quá trình rượt đuổi theo nhau, nhóm đuổi đã vi
phạm một số lỗi giao thông (vượt quá tốc độ, không đảm bảo khoảng cách an
toàn…) mà gây ra vụ tai nạn giao thông. Do đó, hành vi của nhóm đuổi chỉ phải
bị truy cứu truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Gây rối trật tự công cộng, quy
định tại Điều 318 Bộ luật Hình sự. Đối với thiệt hại về tài sản là hậu quả của
hành vi gây rối trật tự công cộng. Người điều khiển phương tiện gây ra vụ tai
nạn giao thông là người chịu trách nhiệm bồi thường dân sự nếu có yêu cầu.
Lương Thị Thúy Dung - Phó Trưởng phòng 2
Viện
kiểm sát nhân dân thành phố Hải Phòng