Kỹ năng kiểm sát việc thẩm định tài sản bảm đảm là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất và mục đính sử dụng vốn vay của Ngân hàng trong vụ án Kinh doanh thương mại – tranh chấp về hợp đồng tín dụng
Quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất là tài sản có giá trị lớn thường được người dân sử dụng làm tài sản bảo đảm cho các khoản vay tại Ngân hàng và các tổ chức tín dụng. Công tác kiểm sát việc giải quyết vụ án kinh doanh thương mại của Viện kiểm sát là khâu công tác quan trọng, để đảm bảo việc thu thập tài liệu, chứng cứ của Tòa án được khách quan, toàn diện và đầy đủ đúng quy định pháp luật, đồng thời đảm bảo những phán quyết của Tòa án đúng quy định, công bằng trên cơ sở tôn trọng quyền, lợi ích hợp pháp của các đương sự. Trong thời gian qua, trên địa bàn huyện Thủy Nguyên, số lượng án Kinh doanh thương mại liên quan đến tín dụng Ngân hàng chiếm tỷ lệ cao. Qua tổng hợp số liệu thực tiễn, chúng tôi thấy công tác thẩm định tài sản là đất, tài sản gắn liền với đất và việc kiểm soát mục đích sử dụng vốn vay của một số tổ chức tín dụng có nhiều vi phạm, dẫn đến việc giải quyết vụ án và thi hành án dân sự gặp nhiều khó khăn.

ảnh minh họa

Trong khuôn khổ bài viết này, tác giả trình bày một số kỹ năng để nâng cao chất lượng công tác kiểm sát giải quyết các vụ án kinh doanh thương mại liên quan đến tranh chấp tín dụng nhằm phát hiện vi phạm của Ngân hàng trong quá trình thẩm định tài sản trước khi tiến hành cho vay cũng như quá trình kiểm tra, giám sát mục đích sử dụng vốn vay để yêu cầu Tòa án thu thập bổ sung tài liệu, chứng cứ và thực hiện chức năng kiến nghị của Viện kiểm sát để các bên liên quan khắc phục ngay những vi phạm còn tồn tại, từ đó nâng cao chất lượng công tác kiểm sát của Viện kiểm sát nhân dân.

1. Kỹ năng kiểm sát tài liệu về thẩm định tài sản bảo đảm và kiểm soát mục đích sử dụng vốn vay của ngân hàng trong quá trình giải quyết vụ án

1.1. Kiểm sát tài liệu về thẩm định tài sản bảo đảm của Ngân hàng:

- Công tác thẩm định tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất là hoạt động có ý nghĩa rất quan trọng để quyết định việc cho vay, số tiền vay và góp phần quản lý rủi ro trong các hoạt động của ngân hàng, hạn chế việc phát sinh nợ xấu. Nếu công tác thẩm định tài sản càng chuyên nghiệp thì không những góp phần ổn định cho sự vận hành phát triển của ngân hàng, mà còn hạn chế tối đa khả năng phát sinh nợ xấu, đóng vai trò chủ đạo trong việc quản lý rủi ro tín dụng. Khi tiến hành kiểm sát tài liệu liên quan đến thẩm định tài sản đảm bảo là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất của Ngân hàng cần nắm được quy định nội bộ của các tổ chức tín dụng về vấn đề này như thế nào. Nhìn chung thì công tác này đều được các tổ chức tín dụng quy định rất cụ thể trong quy chế thẩm định và cho vay, Ngân hàng phân công bộ phận nghiệp vụ chuyên trách tiến hành khảo sát thực tế để xác định vị trí tọa lạc của đất, kích thước thửa đất, công trình xây dựng trên đất, những người đang sinh sống trên đất...

Bên cạnh đó cần kiểm sát các căn cứ pháp lý để xác định quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất là đối tượng được đem ra thế chấp để bảo đảm cho khoản tiền vay trong vụ án, cụ thể như sau:

+ Cần lưu ý về các điều kiện làm phát sinh hiệu lực của hợp đồng như: thẩm quyền ký hợp đồng, hình thức, nội dung, trình tự, thủ tục và chủ thể được nêu trong Hợp đồng tín dụng và Hợp đồng thế chấp tài sản phải tuân thủ đúng quy định tại Điều 463, 500, 501, 502 Bộ luật Dân sự; việc thế chấp tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất phải được đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

+ Quyền sử dụng đất và các tài sản gắn liền với đất được nêu trong hợp đồng thế chấp có đúng với thực trạng trên thực tế hay không. Khi kiểm sát những tài liệu này cần lưu ý xác định các công trình xây dựng trên đất có từ thời điểm nào? Các công trình trên đất được xây dựng đều nằm trong phần diện tích đất thế chấp hay có một phần nằm sang phần diện tích đất khác?

+ Ngoài những tài liệu như hợp đồng tín dụng, hợp đồng thế chấp tài sản bảo đảm thì cần đề nghị Tòa án yêu cầu Ngân hàng cung cấp hồ sơ thẩm định tài sản bảo đảm trước khi cho vay để so sánh với biên bản xem xét thẩm định tại chỗ do Tòa án tiến hành thu thập trong quá trình chuẩn bị xét xử.

Kiểm sát tốt những căn cứ nêu trên không những đảm bảo cho việc giải quyết vụ án đúng quy định pháp luật mà còn đảm bảo tính khả thi cho việc xử lý tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất theo yêu cầu của Ngân hàng để thu hồi nợ. Tránh gây ra những thiệt hại cho đương sự và giảm tỉ lệ án tồn đọng kéo dài trong khâu thi hành án dân sự.

1.2. Kiểm sát tài liệu liên quan đến việc kiểm soát mục đích sử dụng vốn vay của Ngân hàng:

- Việc kiểm soát mục đích sử dụng vốn vay được đặt ra nhằm xác định ý chí của bên vay ngay từ trước khi đề nghị vay vốn sẽ dự định sử dụng tiền vay vào kế hoạch, mục tiêu cụ thể như thế nào được hai bên ấn định trước trong Hợp đồng tín dụng. Khi Ngân hàng kiểm soát tốt vấn đề này thì bên vay buộc phải có ý thức tiết kiệm, sử dụng vốn hợp lý và có kế hoạch cụ thể để trả khoản nợ sau này. Dựa trên những cam kết của khách hàng về mục đích sử dụng vốn, tổ chức tín dụng dễ dàng định giá khoản vay, kiểm soát được năng lực tài chính của khách hàng, tránh phát sinh nợ xấu.

Sau khi Ngân hàng đã tiến hành giải ngân cho khách hàng thì việc kiểm tra mục đích sử dụng vốn vay theo những cam kết ban đầu của bên vay nhằm bảo đảm họ tuân thủ đúng, đạt những mục tiêu, hiệu quả như mong muốn của các bên. Điều này có ý nghĩa quan trọng để đảm bảo tính lành mạnh trong hoạt động tín dụng, hạn chế rủi ro về nợ xấu, thúc đẩy kinh tế phát triển chung.

2. Thực trạng công tác thẩm định tài sản là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất; việc kiểm tra, kiểm soát mục đích sử dụng vốn vay của ngân hàng và hoạt động kiến nghị của Viện kiểm sát nhân dân huyện Thủy Nguyên

2.1. Thực trạng:

Trong những năm qua, việc bùng nổ về phát triển kinh tế trên địa bàn huyện Thủy Nguyên kéo theo sự biến động rất lớn về giá cả của quyền sử dụng đất, từ đó làm phát sinh nhiều tranh chấp dân sự, hành chính nhưng đặc biệt và đáng lưu ý hơn cả là những tranh chấp kinh doanh thương mại về hợp đồng tín dụng với Ngân hàng có tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất.

Trong năm 2022, Tòa án nhân dân huyện Thủy Nguyên đã thụ lý mới là 19 vụ án kinh doanh thương mại liên quan đến vấn đề này và đều có Viện kiểm sát tham gia kiểm sát việc giải quyết. Trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, Viện kiểm sát nhân dân huyện Thủy Nguyên đã phát hiện ra nhiều thiếu sót của Ngân hàng trong quá trình thẩm định tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất và tài sản trên đất trước khi cho vay cũng như có những lỗ hổng rất lớn trong việc kiểm soát mục đích sử dụng vốn vay.

Trong vụ án cụ thể giữa Ngân hàng thương mại cổ phần Quốc tế Việt Nam và Công ty cổ phần đầu tư thương mại kim khí Anh Việt (Công ty kim khí Anh Việt) giao kết Hợp đồng tín dụng số 044/HDDTD-VIB32/13 ngày 23/01/2013, theo đó Công ty kim khí Anh Việt vay của Ngân hàng số tiền vay 3.000.000.000 đồng (ba tỷ đồng) để bổ sung vốn lưu động phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh sắt thép đã có những vi phạm rõ ràng về việc thẩm định tài sản đảm bảo và kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay, đó là:

- Trong Hợp đồng thế chấp tài sản bảo đảm số 044.02/2013/017/BĐ ngày 25/01/2013 tại thửa đất của ông Ngô Văn Lợi và Vũ Thị Hanh có các tài sản trên đất gồm 01 nhà hai tầng, xây dựng năm 1996, cửa gỗ, phía ngoài cửa xếp sắt; 02 giếng nước, 01 bể nước; phía sau nhà chính là khu chuồng chăn nuôi, xây tường ba banh lợp tôn proximang, 01 nhà cấp 4 xây gạch chỉ đỏ không ai sinh sống, 01 nhà kho đã xuống cấp bỏ không. Ngoài ra, hợp đồng thế chấp không thể hiện có có 17 ngôi mộ nằm rải rác trên phần diện tích đất này. Trong quá trình giải quyết, Tòa án đã yêu cầu Ngân hàng cung cấp hồ sơ thẩm định tài sản trước khi cho vay liên quan đến thửa đất, tuy nhiên Ngân hàng không cung cấp những tài liệu này. Tòa án đã tiến hành xem xét, thẩm định tại chỗ thửa đất cấp cho ông Ngô Văn Lợi và Vũ Thị Hanh xác định trên đất ngoài các tài sản đã ghi nhận trong Hợp đồng thế chấp tài sản, còn có 17 ngôi mộ nhưng không được ghi nhận trong Hợp đồng mặc dù đều được xây dựng trước thời điểm thế chấp. Việc bộ phận thẩm định tài sản bảo đảm của Ngân hàng thương mại cổ phần Quốc tế Việt Nam không ghi nhận thực trạng có 17 ngôi mộ tồn tại trên phần diện tích đất thế chấp là vi phạm nghiêm trọng quy trình thẩm định tài sản bảo đảm và thực hiện chưa đúng quy định nội bộ của Ngân hàng (việc tiến hành thẩm định giá tài sản bảo đảm là bất động sản thì Bộ phận nghiệp vụ về thẩm định của Ngân hàng phải tiến hành khảo sát thực tế đối với bất động sản để xác định kích thước thửa đất, công trình xây dựng trên đất, vị trí tọa lạc của đất...). Vi phạm quá trình xét duyệt cấp tín dụng và việc thẩm định tài sản bảo đảm để quyết định cho vay quy định tại khoản 2 Điều 94 Luật các tổ chức tín dụng năm 2010 và khoản 1 Điều 15 Quy chế cho vay của Tổ chức tín dụng đối với khách hàng, ban hành kèm theo Quyết định số 1627/2001/QĐ-NHNN ngày 31/12/2001 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (nay được thay thế bằng Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng).

Khoản 2 Điều 94 Luật các tổ chức tín dụng năm 2010 quy định 2. Tổ chức tín dụng phải tổ chức xét duyệt cấp tín dụng theo nguyên tắc phân định trách nhiệm giữa khâu thẩm định và quyết định cấp tín dụng”.

Khoản 1 Điều 15 Quy chế  cho vay của Tổ chức tín dụng đối với khách hàng, ban hành kèm theo Quyết định số 1627/2001/QĐ-NHNN ngày 31/12/2001 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định: “1. Tổ chức tín dụng xây dựng quy trình xét duyệt cho vay theo nguyên tắc bảo đảm tính độc lập và phân định rõ ràng trách nhiệm cá nhân, trách nhiệm giữa khâu thẩm định và quyết định cho vay”.

- Ngoài ra, trong quá trình cấp tín dụng, phía Ngân hàng đã không kiểm tra mục đích sử dụng tiền vay của đối tượng vay. Trong quá trình giải quyết vụ án, qua xác minh thực tế, Tòa án xác định được số tiền 3.000.000 đồng (ba tỷ đồng)Công ty kim khí Anh Việt có địa chỉ: Đội 3, thôn Phù Liễn, xã Thủy Sơn, Thủy Nguyên, Hải Phòng do ông Vũ Minh Phú - Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc đứng ra ký kết Hợp đồng tín dụng với Ngân hàng không phải để sử dụng vào mục đích bổ sung vốn lưu động phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh sắt thép của Công ty như trong nội dung của Hợp đồng. Trên thực tế là đứng ra vay hộ cho nhiều người khác gồm chị Nguyễn Thị Mai Trang và anh Ngô Văn Đại (là cá nhân không liên quan đến hoạt động kinh doanh của Công ty kim khí Anh Việt). Hàng tháng tiền lãi đều do chị Trang và anh Đại đến nộp cho Ngân hàng. Trong quá trình giải quyết vụ án, qua xác minh của Tòa án thể hiện Ông Vũ Minh Phú không có mặt tại địa phương, trụ sở công ty không còn hoạt động từ lâu. Việc Ngân hàng thương mại cổ phần Quốc Tế Việt Nam - Chi nhánh Hải Phòng không tiến hành kiểm tra mục đích việc sử dụng tiền vay đã vi phạm quy định tại khoản 1, 3, 4 Điều 94 Luật các tổ chức tín dụng năm 2010.

Khoản 1, 3, 4 Điều 94 Luật các tổ chức tín dụng năm 2010 quy định:

“1. Tổ chức tín dụng phải yêu cầu khách hàng cung cấp tài liệu chứng minh phương án sử dụng vốn khả thi, khả năng tài chính của mình, mục đích sử dụng vốn hợp pháp, biện pháp bảo đảm tiền vay trước khi quyết định cấp tín dụng.

3. Tổ chức tín dụng có quyền, nghĩa vụ kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay và trả nợ của khách hàng.

4. Tổ chức tín dụng có quyền yêu cầu khách hàng vay báo cáo việc sử dụng vốn vay và chứng minh vốn vay được sử dụng đúng mục đích vay vốn”.

2.2. Nguyên nhân:

Việc thẩm định tài sản là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất trong thời gian qua có nhiều vi phạm thường xuất phát từ những nguyên nhân chủ yếu sau:

+ Việc đào tạo về trình độ chuyên môn, phẩm chất đạo đức của nguồn nhân lực phục vụ công tác thẩm định tài sản chưa được các tổ chức tín dụng quan tâm đúng mức.

+ Từ chính sách níu kéo khách hàng - khi thị trường tín dụng ngày càng cạnh tranh cao, việc chạy đua giữ khách hàng lớn, tiềm năng bằng mọi giá, vì thế, đôi khi ngân hàng chấp nhận “bóp méo” giá trị tài sản thế chấp để cho vay, còn quản lý rủi ro bằng các nghiệp vụ khác, nói tóm lại là “làm lơ” đầu vào và chấp nhận rủi ro. Vô hình chung, tạo ra tâm lý cho đội ngũ thẩm định tài sản “phớt lờ” trong việc tuân thủ các nguyên tắc cơ bản trong nghiệp vụ.

+ Thách thức từ việc vi phạm đạo đức nghề nghiệp - cám dỗ từ các khoản “lót tay” hậu hĩnh của khách hàng nhằm nâng cao giá trị tài sản thế chấp, nhân viên thẩm có thể trực tiếp trở thành tác nhân của việc gia tăng nợ xấu.

- Mục đích sử dụng vốn vay là một vấn đề mang tính ràng buộc pháp lý giữa các bên ngay từ đầu khi đặt bút ký hợp đồng tín dụng. Tuy nhiên, trên thực tế việc kiểm soát mục đích sử dụng vốn vay không được các tổ chức tín dụng chú trọng thường xuất phát từ những lý do sau:

+ Mục đích sử dụng vốn vay được các bên thỏa thuận trong Hợp đồng tín dụng chỉ mang tính hình thức để xét duyệt cho vay;

+ Không có cơ chế cụ thể về kiểm soát mục đích sử dụng vốn sau khi đã giải ngân xong (đặc biệt là đối với số tiền cho vay được giải ngân một lần);

+ Không có chế tài xử lý trong trường hợp khách hàng sử dụng sai mục đích vay vốn, ngân hàng cố tình làm lơ vấn đề này miễn khách hàng trả nợ vay theo quy định;

+ Vấn đề sử dụng sai mục đích vay vốn chỉ được phát hiện khi khách hàng vi phạm nghĩa vụ trả nợ.

+ Chế tài xử lý đối với việc cố tình làm sai các quy định về sử dụng vốn vay đối với nhân viên của tổ chức tín dụng có nhiệm vụ phải kiểm soát và đối với cá nhân, pháp nhân vay vốn chưa thực sự rõ ràng và chưa có tính pháp lý cao trên thực tế.

2.3. Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác:

Để nâng cao chất lượng công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án kinh doanh thương mại liên quan đến tranh chấp tín dụng, cần chú trọng việc kiểm sát tài liệu do ngân hàng cung cấp đối với quá trình thẩm định tài sản bảo đảm và cơ chế của ngân hàng về kiểm soát mục đích sử dụng vốn vay. Những tài liệu này thương Tòa án thu thập không đầy đủ nên Kiểm sát viên cần ban hành yêu cầu thu thập tài liệu, chứng cứ bổ sung trong quá trình nghiên cứu hồ sơ vụ án.

 Bên cạnh đó, Kiểm sát viên cần kiểm tra, đối chiếu nội dung giữa tài liệu mà ngân hàng cung cấp với biên bản xác minh và thẩm định tại chỗ mà Tòa án đã tiến hành thu thập (nếu Tòa án không tiến hành xem xét thẩm định tài chỗ tài sản bảo đảm cần yêu cầu Tòa án bổ sung). Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của mình, Kiểm sát viên cũng cần phối hợp tốt với Thẩm phán trong việc đánh giá tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ để xác định chính xác, đầy đủ hiện trạng thực tế của tài sản bảo đảm từ đó có đường lối xử lý đúng đắn, phù hợp với thực tế, đúng quy định pháp luật.

2.4. Thực hiện chức năng kiến nghị của Viện kiểm sát:

Để phòng ngừa vi phạm pháp luật trong hoạt động cho vay tín dụng và hoạt động khởi kiện vụ án kinh doanh thương mại tranh chấp về hợp đồng tín dụng của Ngân hàng không xảy ra những vi phạm tương tự trong thời gian tới, Viện kiểm sát nhân dân huyện Thủy Nguyên đã kiến nghị Ngân hàng thương mại cổ phần Quốc tế Việt Nam khắc phục những vi phạm nêu trên.

 

Bùi Mạnh Hùng - Kiểm sát viên Viện KSND huyện Thuỷ Nguyên


Ứng dụng hỗ trợ nghiệp vụ
Tin tức
Thông tin cần biết
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 0
  • Hôm nay: 411
  • Trong tuần: 5 268
  • Tổng lượt truy cập: 1842554
  • Tất cả: 827
Trang thông tin điện tử: VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG - Cơ quan chủ quản: VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO
Địa chỉ: Lô 18A, Lê Hồng Phong, Hải An, TP Hải Phòng - Điện thoại: 02253.838308 - Fax: 02253.839072 - Email: vp_haiphong@vks.gov.vn
Trưởng ban biên tập: Phó Viện trưởng Lưu Xuân Sang
Số giấy phép: 03/GP-STTTT do Sở Thông tin và Truyền thông TP Hải Phòng cấp ngày 17 tháng 10 năm 2017 (Giấy phép có giá trị 10 năm)
Bản quyền thuộc về VKSND TP Hải Phòng - Thiết kế bởi VNPT | Quản trị