Một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình giải quyết Án chiếm đoạt tài sản có sử dụng mạng viễn thông, mạng Internet, phương tiện điện tử - Giải pháp khắc phục
Cùng với sự phát triển của khoa học, công nghệ thông tin đang dần thay
đổi phương thức giao dịch, trao đổi các loại hình dịch vụ từ trực tiếp sang
gián tiếp thông qua hệ thống các phương tiện điện tử, mạng internet, mạng viễn
thông. Việc chào bán các mặt hàng, sản phẩm, các loại hình dịch vụ trên các sàn
giao dịch điện tử đã thay thế mô hình chợ truyền thống, người dân đã quen dần
với việc thực hiện các giao dịch online. Bên cạnh đó, mặt trái của việc chuyển
đổi số là việc bảo mật thông tin cá nhân chưa tốt đã dẫn đến tình trạng các dữ
liệu thông tin cá nhân được thu thập trái phép, chào bán cho bên thứ 3. Đây
cũng chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng tội phạm sử dụng mạng viễn thông, mạng internet, phương
tiện điện tử để chiếm đoạt tài sản của
người khác. Có được thông tin cá nhân của người dân, các đối tượng tội phạm đã dùng mọi thủ
đoạn để tiếp cận, đưa các thông tin giả, đe dọa, tấn công, uy hiếp tinh thần
người dân để chiếm đoạt tài sản của họ
với số tiền rất lớn đang gây lo lắng, bức xúc trong nhân dân.
Trong
thời gian vừa qua có nhiều vụ việc người dân bị tội phạm tấn công trên mạng
internet đã chiếm đoạt số tiền rất lớn, hàng tỉ đồng gây ảnh hưởng nghiêm trọng
đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội và đời sống của người dân. Bộ Thông tin và
truyền thông đã thống kê cho thấy, có 3 nhóm lừa đảo chính (giả mạo thương
hiệu, chiếm đoạt tài khoản và các hình thức kết hợp khác) với 24 hình thức lừa
đảo đang diễn ra trên không gian mạng Việt Nam, nhắm vào các nhóm đối tượng:
Người cao tuổi với 15 hình thức lừa đảo thường xuyên; trẻ em có 3 hình thức dẫn
dụ trên mạng; sinh viên/thanh niên có 13 hình thức; các đối tượng công
nhân/người lao động, nhân viên văn phòng bị dẫn dụ với 19 hình thức lừa đảo...[1]
Bên cạnh
đó, còn có một số đối tượng người nước ngoài dùng thủ đoạn mới để chiếm đoạt
tài sản thông qua các phương tiện điện tử (máy POS, máy cà thẻ thanh toán của
ngân hàng). Các đối tượng này sử dụng thẻ ngân hàng “0 đồng” chưa được kết nối
vào hệ thống thanh toán quốc tế đến các cửa hàng mua hàng hóa và sử dụng dịch
vụ thanh toán điện tử bằng cách cà thẻ vào các máy quẹt thẻ của ngân hàng cấp
cho các cửa hàng, doanh nghiệp. Thực hiện giao dịch xong, các đối tượng nhanh
chóng tẩu tán tài sản mua bán. Theo quy định của ngân hàng, trong khoảng thời
gian từ 02-05 ngày, ngân hàng, doanh nghiệp và các bên liên quan sẽ đối chiếu
chứng từ để giải ngân các khoản thanh toán từ máy POS để chuyển tiền đến tài
khoản của doanh nghiệp. Khi ngân hàng cùng doanh nghiệp đối soát chứng từ để
giải ngân các khoản thanh toán điện tử thì mới phát hiện những thẻ này không
được chấp nhận thanh toán tại Việt Nam. Các đối tượng đã chiếm đoạt tiền – trị
giá hàng hóa của chủ cửa hàng.
Trên địa bàn thành phố Hải Phòng
diễn ra một số thủ đoạn phạm tội như:
(1) Có tiền, quà có giá trị rất lớn từ nước
ngoài gửi tặng; nhắn tin trúng thưởng: yêu cầu người bị hại nộp tiền thuế
nhập khẩu và các chi phí vận chuyển hàng để chiếm đoạt tài sản.
(2) Giả danh cán bộ Công an, Viện kiểm sát, Tòa án,
cơ quan nhà nước: các đối tượng giả danh Công an, Viện kiểm sát, Tòa án
để gọi điện thoại đưa ra các thông tin giả về việc người bị hại có liên quan
đến tội phạm xuyên quốc gia, có khoản tiền lớn gửi tại ngân hàng đang bị phong
tỏa, yêu cầu người bị hại khai báo toàn bộ tài sản hiện có, lập tài khoản,
chuyển toàn bộ tiền tiết kiệm hoặc tài sản khác vào tài khoản chỉ định để chiếm
đoạt tiền của nạn nhân.
(3) Đánh
cắp tài khoản mạng xã hội, nhắn tin lừa đảo: chiếm quyền đăng nhập vào tài
khoản Facebook, Zalo nhắn tin cho bạn bè, người thân của chủ tài khoản hỏi vay
tiền để chiếm đoạt tài sản.
(4) Dịch
vụ lấy lại tài khoản Facebook: tạo trang Web quảng cáo dịch vụ lấy lại tài
khoản Facebook yêu cầu người dùng cung cấp tiền cọc, thông tin cá nhân
(5) Giả mạo nhân viên ngân hàng, Công ty tài chính, nhân
viên chăm sóc khách hàng chiếm đoạt tài sản: cung cấp khoản tiền vay với lãi
suất thấp, thủ tục đơn giản, yêu cầu nạn nhân đóng phí làm thủ tục rồi chiếm
đoạt; chào bán chương trình Combo du lịch trọn gói giá rẻ.
(6) Giả mạo biên lai chuyển tiền thành công: các đối tượng lừa
nạn nhân mua hàng số lượng lớn trên mạng xã hội, làm giả biên lai chuyển tiền
thành công bằng phần mềm;
(7) Chuyển
tiền nhầm vào tài khoản ngân hàng, dịch vụ lấy lại tiền đã bị lừa: lừa đảo
chuyển tiền nhầm vào tài khoản ngân hàng và giả danh người thu hồi nợ để yêu
cầu trả lại số tiền. Giả danh các nhân vật có uy tín, sức ảnh hưởng liên hệ
cung cấp dịch vụ lấy lại tiền đã mất cho nạn nhân, yêu cầu nạn nhân thanh toán
trước hoặc cung cấp thông tin cá nhân
(8) Kết
bạn trên các hội nhóm, tham gia game show ảo kết nối tình cảm: các đối
tượng thông qua các mạng xã hội và ứng dụng hẹn hò tiếp cận người dùng, lợi
dụng tình cảm của nạn nhân lừa chuyển tiền, kêu gọi đầu tư tài chính để chiếm
đoạt tài sản.
(9) Kinh doanh đa cấp qua các sàn giao dịch
chứng khoán, tiền ảo, tiền kỹ thuật số:
gửi
link thanh toán trực tuyến tham gia sàn giao dịch ảo, yêu cầu nạn nhân gửi tiền
đặt cọc rồi chiếm đoạt tài sản.
(10) Lừa đảo làm cộng tác viên làm việc online
tại nhà, lương cao: giả mạo các trang sàn thương mại điện tử
Tiki, Shopee, Lazada và các thương hiệu lớn để chiếm đoạt tài sản.
Thông qua
một số vụ án chiếm
đoạt tài sản có sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử
trên địa bàn thành phố trong thời gian vừa qua chúng tôi thấy đa số các đối
tượng phạm tội tấn công vào lòng tham, sự nhẹ dạ cả tin của người dân… để đưa
các thông tin giả, chiếm đoạt tài sản có giá trị rất lớn. Các đối tượng đều sử
dụng các tài khoản ngân hàng không chính chủ, chuyển tiền đến nhiều tài khoản
khác nhau, chuyển đến một số app tiền ảo, quy đổi ra tiền VND để xóa dấu vết
dòng tiền; máy chủ thực hiện hành vi phạm tội đa số đặt ở nước ngoài
(Campuchia, Indonexia, Singapore, Trung Quốc…). Khi hành vi phạm tội bị người
bị hại phát hiện hoặc các cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam tiến hành
điều tra thì chúng chặn liên lạc, xóa tài khoản, xóa các dấu vết, dữ liệu điện
tử… Từ thực tiễn nêu trên cho thấy, việc
thu thập dữ liệu điện tử, tài liệu, thông tin làm căn cứ xử lý loại tội phạm
này rất khó khăn, còn nhiều vướng mắc cụ thể thư sau:
Thứ
nhất, khó khăn trong việc truy vết, đánh giá chứng cứ, xác định đối tượng phạm
tội
Công tác kiểm tra, xác minh, truy
tìm chứng cứ gặp nhiều khó khăn do các đối tượng sử dụng các thông tin, hình
ảnh giả để giao tiếp và nạn nhân không có quá trình tiếp xúc, gặp gỡ trực tiếp
với các đối tượng phạm tội, chủ yếu trao đổi thông tin qua mạng Internet. Ngay sau
khi thực hiện hành vi phạm tội, các đối tượng đã xóa dấu vết tội phạm bằng cách
chặn tài khoản người bị hại trên mạng xã hội…
Tình trạng sử dụng sim rác, tài
khoản ngân hàng và tài khoản mạng xã hội không chính chủ, mua bán tài khoản
ngân hàng còn diễn ra phức tạp. Việc sử dụng các hình thức trung gian thanh
toán, các loại ví điện tử phát triển nhanh; các loại tiền “ảo” vẫn mua, bán
trao đổi, giao dịch và có thể quy đổi thành tiền mặt thông qua các sàn giao
dịch ảo và việc thanh toán trung gian nên khó khăn cho việc truy nguyên dòng
tiền, dấu vết tội phạm.
Bị hại tố giác muộn do tâm lý ngại,
xấu hổ hoặc sợ hãi bị trả thù không tố giác sớm, đến khi không chịu được sự đe
dọa hoặc mất quá nhiều tiền mới tố giác tội phạm dẫn đến khó khăn cho công tác
thu thập chứng cứ ngay từ đầu.
Hầu hết các đối tượng liên quan đều
vắng mặt tại địa phương hoặc địa chỉ ghi trong số tài khoản là không đúng nên
khó khăn trong hoạt động thu thập chứng cứ lời khai của đối tượng.
Thứ
hai, khó khăn trong việc thu thập, bảo quản chứng cứ
Việc điều tra, xác minh đối với
loại tội phạm này thường là án truy xét nên khó khăn trong việc thu thập chứng
cứ là dữ liệu điện tử, do bị hại tố giác muộn sau khi các đối tượng phạm tội đã
xóa dấu vết. Các đối tượng phạm tội dùng tài khoản ảo, sim rác, tài khoản ngân
hàng không chính chủ nên khó tiếp cận để thu thập, sao lưu các dữ liệu ngay từ
khi tiếp nhận nguồn tin.
Do dữ liệu điện tử là chứng cứ bản
sao, dễ bị sửa chữa, xóa, thêm, bớt hoặc chèn thêm thông tin, khó xác định tài
liệu gốc, ảnh hưởng đến tính khách quan và giá trị chứng minh của chứng cứ.
Hành vi phạm tội chiếm đoạt tài sản
có sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử có thủ đoạn tinh
vi, đều được thực hiện trên không gian mạng và liên quan đến nước ngoài nên khó
phát hiện. Do tội phạm được thực hiện trên môi trường mạng, không xác định được
ranh giới cụ thể, nên việc xác định thẩm quyền điều tra, truy tố, xét xử khó
khăn.
Đa số các vụ việc đều có máy chủ
đặt ở nước ngoài nên việc ủy thác điều tra, ủy thác tư pháp, tương trợ tư pháp
còn gặp nhiều khó khăn, hầu như không có kết quả hoặc thời gian có kết quả lâu
trong khi thời hạn điều tra, truy tố có thời hạn, nên ảnh hưởng đến tiến độ
giải quyết vụ việc, vụ án phải tạm đình chỉ.
Thứ
ba. khó khăn về mặt áp dụng pháp luật
Việc nhận thức giữa các cơ quan
tiến hành tố tụng về thủ đoạn phạm tội cũng như cách thức vận dụng pháp luật để
giải quyết vụ án còn chưa thống nhất, dẫn đến việc đánh giá chứng cứ để chứng
minh hành vi phạm tội còn gặp nhiều khó khăn trong việc xác định tội danh Lừa
đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 174 BLHS hay tội Sử dụng mạng máy tính, mạng
viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản theo Điều
290 BLHS.
Văn bản hướng dẫn giải quyết về một
số tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin và viễn thông đều vận dụng Thông
tư liên tịch số 10/2012 ngày 10/09/2012 hết hiệu lực do hướng dẫn BLHS 1999,
không phù hợp với các quy định của BLHS năm 2015. Đồng thời cũng chưa có văn
bản hướng dẫn “các trường hợp không thuộc
quy định tại Điều 173, 174 BLHS” tại Điều 290 BLHS nên còn nhiều vướng mắc
trong nhận thức, xác định tội danh giữa các cơ quan tố tụng người tiến hành tố
tụng.
Chưa có văn bản quy phạm pháp luật
cụ thể về trình tự thủ tục, biện pháp thu thập, bảo quản, lưu giữ, vận chuyển
chứng cứ điện tử. Các dữ liệu điện tử được coi là nguồn của chứng cứ và phải
chuyển hóa chứng cứ sang các dạng tài liệu có thể đọc được, nhìn được, nghe
được, phải lập biên bản về nội dung dữ liệu điện tử đã phục hồi, phân tích… mới
có giá trị chứng minh. Do đó, cần có hướng dẫn, quy định riêng về việc bảo
quản, phục hồi, phân tích, đánh giá, sử dụng loại chứng cứ là dữ liệu điện tử.
Ngoài
ra, trong quá trình thực hiện còn có các khó khăn khác:
Điều kiện cơ sở, vật chất phục vụ
công tác điều tra và công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra các vụ
án liên quan đến tội phạm công nghệ cao còn rất hạn chế. Hiện nay, chỉ có Phòng
Kỹ thuật hình sự Công an thành phố Hải Phòng thực hiện công tác khôi phục dữ
liệu điện tử, số vụ việc ngày một gia tăng, dẫn đến bị quá tải. Trong khi đó, máy
móc trang thiết bị của phòng không đủ đáp ứng yêu cầu của các cơ quan tố tụng,
phần mềm đã lỗi thời khiến việc khôi phục và trích xuất dữ liệu không đầy đủ,
từ đó gây khó khăn trong công tác điều tra, thu thập tài liệu, chứng cứ.
Trang thiết bị, máy móc phục vụ cho
thu thập dữ liệu điện tử, bảo quản dữ liệu của các cơ quan tiến hành tố tụng
chưa đáp ứng yêu cầu.
Trình độ của cán bộ, Kiểm sát viên,
Điều tra viên am hiểu về lĩnh vực công nghệ thông tin, am hiểu về mạng máy
tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử chưa cao. Kinh nghiệm, kỹ năng của
một số Điều tra viên, Kiểm sát viên trong việc giải quyết các vụ việc chiếm
đoạt tài sản có sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử còn
nhiều hạn chế...
Một
số giải pháp khắc phục khó khăn, vướng mắc
Một
là, Liên ngành tư pháp trung ương cần sớm
ban hành văn bản hướng dẫn các trường hợp loại trừ “không thuộc quy định tại Điều 173, 174 Bộ luật Hình sự tại Điều 290
BLHS” theo hướng thống nhất nhận thức: cùng là hành vi chiếm đoạt tài sản nhưng
khách thể trong các tội chiếm đoạt tài sản thuộc Chương xâm phạm sở hữu (Chương
XVI) là khách thể chung còn khách thể trong tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn
thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản là khách thể
loại. Do đó, khi xem xét các yếu tố cấu thành tội phạm cần phải đối chiếu với
các hành vi khách quan đã được liệt kê trong Điều 290 BLHS để tự động loại trừ
các hành vi khác mà Điều 173, 174 BLHS không quy định.
Hai
là,
Cần sớm ban hành văn bản hướng dẫn về trình tự thủ tục, biện pháp thu thập, bảo
quản, lưu giữ, vận chuyển chứng cứ là dữ liệu điện tử để đảm bảo thống nhất
nhận thức giữa các cơ quan tố tụng.
Bà
là,
Tăng cường các biện pháp tự đào tạo, thường xuyên tập huấn nâng cao trình độ
công nghệ thông tin, năng lực, kỹ năng tác nghiệp của Điều tra viên, Kiểm sát
viên trong hoạt động điều tra, xử lý tội phạm chiếm đoạt tài sản có sử dụng mạng
máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử.
Bốn
là,
Xây dựng mối quan hệ phối hợp với các cơ quan hữu quan (cơ quan viễn thông,
ngân hàng, các nhà mạng...) để tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan tiến
hanh tố tụng trong việc điều tra, thu thập chứng cứ là dữ liệu điện tử và làm
rõ dòng tiền do hành vi phạm tội luân chuyển, chiếm đoạt để có thể kịp thời áp
dụng biện pháp ngăn chặn, thu hồi tài sản trả lại cho người bị hại.
Năm là, Đầu tư, đổi mới
trang thiết bị điện tử, phương tiện làm việc để tạo điều kiện thuận lợi cho các
cơ quan tố tụng thực hiện nhiệm vụ./.
* Tài
liệu tham khảo:
STT
|
TÀI LIỆU THAM KHẢO
|
1
|
Bộ
luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, NXB Chính trị Quốc gia sự
thật, 2017;
|
2
|
Chỉ thị số 21/CT-TTg ngày 25/5/2020 của Thủ tướng
Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, xử lý lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
|
3
|
Công văn 1985/C01-P5 ngày 10/4/2020 của Bộ Công an
hướng dẫn thẩm quyền điều tra trong cá vụ việc, vụ án liên quan tội phạm sử
dụng công nghệ cao;
|
4
|
Công văn số 500/VKS-P3 ngày 08/9/2023 của Viện
kiểm sát nhân dân thành phố Hải Phòng hướng dẫn về thẩm quyền xử lý đối với
vụ án hình sự có yếu tố nước ngoài;
|
5
|
Giải đáp trực tuyến của Tòa án nhân dân tối cao
ngày 11-12/04/2023;
|
6
|
Hướng dẫn số 14/HDLN-3CA-VKSNDTC ngày 20/7/2022
của Viện kiểm sát nhân dân tối cao về công tác phối hợp tiếp nhận, giải quyết
tố giác, tin báo về tội phạm mạng sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông,
phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản, lừa đảo chiếm đoạt
tài sản;
|
7
|
Nhận
diện 24 hình thức lừa đảo trên không gian mạng Việt Nam https://tuoitre.vn/nhan-dien-24-hinh-thuc-lua-dao-tren-khong-gian-mang-viet-nam-20230623181025625.htm,
truy cập 10:00 ngày 10/8/2023.
|
8
|
Nghị quyết số 08/2021/NQ-UBTVQH15 ngày 26/11/2021
của Ủy ban thường vụ Quốc hội giải thích khoản 1 Điều 289 BLHS: “hành vi cố ý vượt qua cảnh báo, mã truy
cập, tường lửa, sử dụng quyền quản trị của người khác hoặc bằng phương thức
khác xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng việc thông hoặc phương tiện
điện tử của người khác lấy cắp dữ liệu”.
|
9
|
Tài liệu tập huấn: “Kỹ năng thực hành quyền công
tố và kiểm sát việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm vụ án về các
tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông”, Viện kiểm sát
nhân dân tối cao, 2022.
|
10
|
Thông tư liên tịch số 10/2012/TTLT-BCA-
BQP-BTP-BTTTT-VKSNDTC-TANDTC ngày 10/8/2021 hướng dẫn áp dụng quy định của Bộ
luật Hình sự về một số tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin và viễn
thông.
|
11
|
Thông tư 24/2015/TT-BTTTT ngày 18/8/2015 của Bộ
Thông tin Truyền thông quy định về quản lý và sử dụng tài nguyên internet;
Thông tư 06/2019/TT-BTTTT ngày 19/7/2019 sửa đổi, bổ sung Thông tư 24/2015.
|
12
|
Quyết định 1255/QĐ-TTg ngày 21/8/2017 của Thủ tướng
Chính phủ về phê duyệt đề án hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý đối
với các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo.
|
13
|
Quy chế thực hành quyền công tố kiểm sát điều tra
các vụ án hình sự ban hành kèm theo Quyết định
111/2020 ngày 17/4/2020 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
|
14
|
Quy định về công tác hướng dẫn, giải đáp vướng mắc
về pháp luật, nghiệp vụ; báo cáo thỉnh thị, trả lời thỉnh thị trong ngành
kiểm sát nhân dân ban hành kèm theo Quyết định
559/2029 ngày 06/12/2019 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
|
TS.
Nguyễn Thị Tuyết Nhung
Phó Trưởng
Phòng 3, VKSND Hải Phòng
[1]
https://tuoitre.vn/nhan-dien-24-hinh-thuc-lua-dao-tren-khong-gian-mang-viet-nam-20230623181025625.htm