Một số vướng mắc về việc định tội Tàng trữ trái phép chất ma túy theo Điều 249 Bộ luật hình sự và đánh giá tình tiết Tái phạm, Tái phạm nguy hiểm trong quá trình giải quyết vụ án hình sự
Thời
gian qua, các cơ quan liên tư pháp trung ương, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm
kiểm sát nhân dân thành phố Hải Phòng đã tăng cường ban hành các văn bản chỉ đạo,
hướng dẫn việc định tội danh đối với tội phạm về ma túy nói riêng và thống nhất
cách đánh giá tình tiết Tái phạm, Tái phạm nguy hiểm đối với các bị can, bị cáo
trong quá trình giải quyết vụ án hình sự nói chung, như: Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP
ngày 24 tháng 12 năm 2007 được sửa đổi bởi Thông tư liên tịch 08/2015/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP
có hiệu lực từ ngày 30/12/2015; Công văn số 154B/TANDTC-PC ngày 11/8/2023 của
Chánh án TAND tối cao trả lời kiến nghị của cử tri gửi tới Quốc hội trước kỳ họp
thứ 5, Quốc hội khóa XV; Thông báo rút kinh nghiệm công tác thực hành quyền
công tố, kiểm sát giải quyết các vụ án hình sự số 02/VKS-P7 ngày 27/3/2024 của
Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hải Phòng…Tuy nhiên, trong quá trình thực tiễn
giải quyết vụ án hình sự tội phạm về ma túy nói riêng và quá trình thực hành
quyền công tố, kiểm sát giải quyết các vụ án hình sự nói chung, thực tế vẫn còn
những điểm vướng mắc cần được cấp trên hướng dẫn, thống nhất cách giải quyết. Một
vài tình huống cụ thể còn có vướng mắc:
* Tình huống thứ 1.
Quá
trình thực hiện nhiệm vụ tuần tra, lực lượng Cảnh sát giao thông phát hiện Nguyễn
Văn A có biểu hiện nghi vấn nên tiến hành kiểm tra và phát hiện A đang có hành
vi tàng trữ 01 gói chất bột màu trắng nghi là ma túy trong túi quần. A khai là
ma túy Heroine giả đang mang đi gặp đối tượng bán để đổi (do sau khi mua về sử
dụng A phát hiện đã mua phải ma túy giả). Kết quả giám định chất bột thu giữ của
A có trọng lượng 0,15 gam, không tìm thấy thành phần ma túy trong chất bột thu
giữ.
Vướng mắc: Trường
hợp này có đủ căn cứ xác định A phạm tội Tàng trữ trái phép chất ma túy không?
Quan
điểm thứ nhất, A không phạm tội Tàng trữ trái phép chất ma túy, vì:
Tại
điểm 1.4 phần I Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP ngày
24 tháng 12 năm 2007 được sửa đổi bởi khoản 2 Điều 1 Thông tư liên tịch 08/2015/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP
có hiệu lực từ ngày 30/12/2015 quy định: “1.4.
Trong mọi trường hợp, khi thu giữ được các chất nghi là chất ma túy hoặc tiền
chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy thì đều phải trưng cầu giám định
để xác định loại và trọng lượng chất ma túy, tiền chất thu giữ được ….Nếu chất được giám định không phải là chất
ma túy … nhưng người thực hiện hành vi phạm tội ý thức rằng chất đó là chất ma
túy … thì tùy hành vi phạm tội cụ thể mà truy cứu trách nhiệm hình sự người
đó theo tội danh quy định tại khoản 1 của điều luật tương ứng đối với các tội
phạm về ma túy….”. Trong tình huống này, khi bị lực lượng
CSGT phát hiện bắt giữ thì A đã ý thức được rằng chất bột đang cất giấu không
phải là ma túy. Do vậy, A không phạm tội Tàng trữ trái phép chất ma
túy.
Quan
điểm thứ hai, A phạm tội Tàng trữ trái phép chất ma túy, vì:
Căn
điểm 3.1 phần II Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP ngày
24 tháng 12 năm 2007 quy định: “Tàng
trữ trái phép chất ma túy” là cất giữ, cất giấu bất hợp pháp chất ma túy ở bất
cứ nơi nào (như trong nhà, ngoài vườn, chôn dưới đất, để trong vali, cho vào
thùng xăng xe, cất dấu trong quần áo, tư trang mặc trên người hoặc theo người…)
mà không nhằm mục đích mua bán, vận chuyển hay sản xuất trái phép chất ma túy. Thời gian tàng trữ dài hay ngắn không ảnh
hưởng đến việc xác định tội này”.
Như vậy, khi A đi mua ma túy Heroine về mục đích
để sử dụng, lúc này A chưa biết chất bột đã mua là ma túy giả, chỉ đến khi sử dụng
A mới phát hiện là ma túy giả, trong khi mục 3.1 Thông tư liên tịch 17 như trên
đã quy định “Thời gian tàng trữ dài hay ngắn không ảnh hưởng đến việc xác định tội
này” nên A đã có hành vi tàng
trữ trái phép chất ma túy từ khi mua đến khi sử dụng. Do đó, A phải chịu trách
nhiệm hình sự về tội Tàng trữ trái phép chất ma túy.
* Tình huống thứ 2.
Ngày
20/4/2024, Phạm Văn B có hành vi cất giấu trái phép chất ma túy, mục đích sử dụng
bị Cơ quan Cảnh sát điều tra bắt giữ khởi tố vụ án và bị can về tội Tàng trữ
trái phép chất ma túy. Về nhân thân Phạm Văn B có 04 tiền án, cụ thể:
-
Năm 2000, Tòa án nhân dân huyện C xử phạt 15 tháng tù về tội Trộm cắp tài sản
(khi phạm tội B đã thành niên và trị giá tài sản phạm tội trên 2 triệu đồng)
-
Năm 2002, Tòa án nhân dân huyện C xử phạt 18 tháng tù về tội Trộm cắp tài sản (trị
giá tài sản phạm tội trên 2 triệu đồng). Bản án có nhận định và áp dụng tình tiết
tăng nặng “tái phạm” đối với B do
chưa hết thời gian xóa án tích của bản án năm 2000 mà B lại phạm tội mới. Bản
án quyết định B phải nộp 50.000 đồng án phí hình sự sơ thẩm.
-
Năm 2009, Tòa án nhân dân quận H xử phạt 18 tháng tù về tội Trộm cắp tài sản (trị
giá tài sản phạm tội trên 2 triệu đồng)
-
Năm 2022 Tòa án nhân dân quận K xử phạt Phạm Văn B 18 tháng tù về tội Tàng trữ
trái phép chất ma túy. Bản án này Tòa án nhân dân quận K nhận định các tiền án
của bị cáo đã được xóa án tích mặc dù kết quả xác minh phần thi hành án dân sự
thể hiện: “kết quả tra cứu không tìm thấy
thông tin dữ liệu thi hành án đối với bản án năm 2002”.
Vướng mắc: Lần phạm tội năm
2024 hiện nay bị can B có phải chịu tình tiết định khung hình phạt là Tái
phạm nguy hiểm không hay chỉ chịu tình tiết tăng nặng Tái
phạm?
Quan
điểm thứ nhất: bị can B phải chịu tình tiết định khung hình phạt là Tái
phạm nguy hiểm, vì:
Căn
cứ Công văn hướng dẫn số 64 ngày 03/4/2019 của Tòa án nhân dân tối cao trả lời
kiến nghị của cử tri số 154B ngày 11/8/2023 của Tòa án nhân dân tối cao và Công
văn số 01/BCĐNCKH ngày 29/02/2024 của Ban chỉ đạo nghiên cứu khoa học Viện kiểm
sát nhân dân thành phố Hải Phòng giải đáp những khó khăn, vướng mắc tại hội nghị
BCS Đảng mở rộng năm 2024 hướng dẫn, giải đáp: “Người bị kết án nếu hết thời hiệu thi hành
án dân sự mà chưa thực hiện xong nghĩa vụ thì cũng được coi là chưa chấp hành
xong hình phạt bổ sung, các quyết định khác của bản án” và “tòa án không gửi bản án cho Cơ quan thi hành
án dân sự dẫn đến việc không ra quyết định thi hành án đối với phần án phí nên
người bị kết án chưa nộp tiền án phí” thì trong 02 trường hợp này, người bị
kết án không đương nhiên được xóa án tích theo quy định Điều 70 BLHS.
Như
vậy, trường hợp này bị can B không đương nhiên được xóa án tích đối với bản án
năm 2002 do không có tài liệu thể hiện bị can đã nộp án phí hình sự sơ thẩm (bị can khai thời gian đã lâu không nhớ đã nộp
án phí chưa). Do đó, lần phạm tội này bị can B phải chịu tình tiết định
khung hình phạt là Tái phạm nguy hiểm theo quy định tại điểm o khoản 2 Điều 249
BLHS.
Quan điểm thứ hai: Bị can B chỉ phạm tội Tàng
trữ trái phép chất ma túy theo khoản 1 Điều 249 BLHS và chịu tình tiết tăng nặng
Tái
phạm theo quy định tại điểm h khoản 1 Điều 52 BLHS do được xem xét đánh
giá theo hướng có lợi vì lỗi của cơ quan Nhà nước không xác định được bị can đã
nộp án phí hình sự sơ thẩm của bản án năm 2002 hay chưa? Mặt khác,
bản án năm 2022 Tòa án nhân dân quận K cũng đã nhận định có lợi đối với bị can
về việc các tiền án đã được xóa án tích (bao gồm cả bản án 2002).
* Tình huống thứ 3.
Ngày
15/5/2024, Trần Ngọc T có hành vi cất giấu trái phép chất ma túy, mục đích sử dụng
(0,15 gam ma túy Heroine) bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Lê Chân bắt
giữ khởi tố vụ án và bị can về tội Tàng trữ trái phép chất ma túy. Về nhân thân
bị can Trần Ngọc T có 04 tiền án, cụ thể:
+
Án số 08/HSST ngày 03/02/1999, Toà án nhân dân thị xã PT, tỉnh PT xử phạt 30
tháng tù cho hưởng án treo, 05 năm thử thách về tội Cướp tài sản của công dân,
thi hành xong 50.000 đồng án phí HSST tháng 4/1999.
+
Án số 08/ST ngày 01/8/2000, Toà án nhân dân Thị xã PT, tỉnh PT xử phạt 12 tháng
tù về tội Trộm cắp tài sản. Tổng hợp hình phạt 30 tháng tù của bản án số 08
ngày 03/02/999 của Toà án nhân dân thị xã PT, buộc bị cáo phải chấp hành hình
phạt chung là 42 tháng tù. (Bị can chấp hành xong hình phạt tù ngày 02/9/2002.
Thi hành xong 100.000 đồng án phí HSST và án phí DSST và nộp 165.000 đồng tiền
thu lời bất chính tháng 01/2001. Đối với 25.000 đồng liên đới bồi thường cho bị
hại do người được thi hành án không có đơn yêu cầu nên Chi cục THADS Thị xã PT
không thụ lý giải quyết). Lời khai của bị can và mẹ bị can thể hiện trong hồ sơ
vụ án đã bồi thường 25.000 đồng cho bị hại nhưng không có giấy tờ biên nhận.
Xác minh tại địa phương hiện nay người bị hại đã chuyển nhà đi khỏi địa phương
không rõ đi đâu làm gì.
+
Án số 22/HSST ngày 11/4/2003, Toà án nhân dân thị xã PT, tỉnh PT xử phạt 24
tháng tù về tội Trộm cắp tài sản. Phạt quản chế 02 năm tại nơi cư trú sau khi
mãn hạn tù. Chấp hành xong hình phạt tù ngày 21/02/2005. Thi hành xong 50.000 đồng
án phí HSST và 183.000 đồng tiền thu lời bất chính tháng 5/2004.
+
Án số 43/2010/HSST ngày 30/8/2010, Toà án nhân dân thị xã PT, tỉnh PT xử phạt
27 tháng tù về tội Tàng trữ trái phép chất ma túy. Chấp hành xong hình phạt tù
ngày 12/5/2012. Thi hành xong 200.000 đồng án phí HSST tháng 10/2010.
Vướng mắc: Lần phạm tội năm
2024 hiện nay bị can T có phải chịu tình tiết định khung hình phạt là Tái
phạm nguy hiểm không?
Quan
điểm thứ nhất: lần phạm tội này bị can T phải chịu tình tiết định khung hình phạt
là Tái
phạm nguy hiểm theo quy định tại điểm o khoản 2 Điều 249 BLHS, vì:
Theo
công văn hướng dẫn số 64 ngày 03/4/2019 của Tòa án nhân dân tối cao trả lời kiến
nghị của cử tri số 154B ngày 11/8/2023 của Tòa án nhân dân tối cao và Công văn
số 01/BCĐNCKH ngày 29/02/2024 của Ban chỉ đạo nghiên cứu khoa học Viện kiểm sát
nhân dân thành phố Hải Phòng giải đáp những khó khăn, vướng mắc tại hội nghị
BCS Đảng mở rộng năm 2024 hướng dẫn, giải đáp: “Người bị kết án nếu hết thời hiệu thi hành
án dân sự mà chưa thực hiện xong nghĩa vụ thì cũng được coi là chưa chấp hành
xong hình phạt bổ sung, các quyết định khác của bản án” thì trong trường hợp
này, người bị kết án không đương nhiên được xóa án tích theo quy định Điều 70
BLHS.
Như
vậy, bản án số 08/ST ngày 01/8/2000, Toà án nhân dân Thị xã PT, tỉnh PT áp dụng
tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự là “Tái
phạm” và tổng hợp hình phạt 30 tháng tù của bản án số 08 ngày 03/02/1999 của
Toà án nhân dân thị xã PT, buộc bị cáo phải chấp hành hình phạt chung là 42
tháng tù. Đến nay, bị cáo chưa bồi thường số tiền 25.000 đồng cho bị hại nên lần
phạm tội năm 2024 bị cáo phải chịu tình tiết định khung hình phạt là Tái phạm nguy hiểm quy định tại điểm o
khoản 2 Điều 249 BLHS.
Quan
điểm thứ hai: lần phạm tội này của bị cáo không phải chịu tình tiết tăng nặng Tái
phạm nguy hiểm, vì:
Bị
cáo khai đã bồi thường số tiền 25.000 đồng cho người bị hại, mặc dù không có
tài liệu chứng minh nhưng phù hợp lời khai của mẹ bị cáo. Đến khi phạm tội năm
2024 cũng đã hết thời hiệu thi hành án dân sự đối với khoản bồi thường 25.000 đồng
do người được yêu cầu thi hành án không có đơn yêu cầu gửi Cơ quan Thi hành án
dân sự. Số tiền phải bồi thường là không lớn, mặt khác, Cơ quan điều tra không
thể tìm được người bị hại để làm rõ nội dung bị cáo đã bồi thường dân sự? Nếu
cơ quan tố tụng áp dụng điểm o khoản 2 Điều 249 BLHS để xét xử bị cáo về tội
Tàng trữ trái phép chất ma túy nhưng sau đó gia đình bị cáo hoặc bị hại gửi tài
liệu chứng minh bị cáo đã bồi thường số tiền 25.000 đồng nêu trên thì sẽ gây
khó khăn cho việc giải quyết vụ án.
Vì
vậy, trong trường hợp này có thể xử lý bị cáo về tội Tàng trữ trái phép chất ma
túy theo khoản 1 Điều 249 BLHS.
Từ
những vướng mắc thông qua các tình huống cụ thể nêu trên, Viện kiểm sát nhân
dân quận Lê Chân xin tổng hợp, chia sẻ để nhận được ý kiến thảo luận của các bạn
đọc, đồng nghiệp và ý kiến hướng dẫn, chỉ đạo của cấp trên./.
Nguyễn
Thế Văn – Phó Viện trưởng VKSND quận Lê Chân