Những điểm mới về hình phạt, quyết định hình phạt, xóa án tích trong Luật Tư pháp người chưa thành niên và việc áp dụng hiệu lực thi hành
Luật
tư pháp người chưa thành niên được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt
Nam khóa XV, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 30 tháng 11 năm 2024. Luật gồm 10 chương
và 179 điều, Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2026. Việc Quốc
hội xem xét, thông qua Luật Tư pháp người chưa thành niên thể hiện tính nhân đạo,
nhân văn sâu sắc của Đảng và Nhà nước ta, đó là việc xử lý người chưa thành
niên phạm tội phải bảo đảm lợi ích tốt nhất của người vị thành niên, chủ yếu nhằm
mục đích giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh, trở thành
người có ích cho gia đình và xã hội.
Ảnh minh họa
Luật
Tư pháp người chưa thành niên đã bãi bỏ chương XII (những quy định đối với người
dưới 18 tuổi phạm tội) của Bộ luật hình sự năm 2015, đặc biệt Luật đã quy định rất
rõ về hình phạt, có lợi rất nhiều đối với người chưa thành niên phạm tội. Luật
quy định: Người chưa thành niên phạm tội chỉ bị áp dụng một trong các hình phạt
sau đây đối với mỗi tội phạm:1 Cảnh cáo; 2 Phạt tiền; 3 Cải tạo không giam giữ;
4 Tù có thời hạn.
Đối với hình phạt Cảnh cáo, Luật quy định: Cảnh cáo được áp dụng đối
với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội nghiêm trọng do vô ý, phạm tội
ít nghiêm trọng và có tình tiết giảm nhẹ, nhưng chưa đến mức
miễn hình phạt.
Về Phạt tiền,
Luật quy định: Phạt tiền được áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội, nếu
người đó có thu nhập hoặc có tài sản riêng. Luật đã quy định điểm mới, đó là: Mức
tiền phạt đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội không quá một
phần ba mức tiền phạt mà điều luật của Bộ luật
Hình sự quy
định.
Đặc biệt về hình phạt tù có thời hạn, Luật quy định nhiều điểm mới có lợi cho
người phạm tội vị thành niên, cụ thể:
Đối
với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi khi phạm tội, nếu điều luật của Bộ luật
Hình sự được
áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình thì mức hình phạt cao nhất
được áp dụng không quá 15 năm tù, giảm 3 năm tù so với Bộ luật hình sự (Bộ luật hình
sự năm 2015 quy định là 18 năm), nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất
được áp dụng không quá ba phần năm (Bộ luật hình sự năm 2015 quy định ba
phần tư) mức phạt tù mà điều luật của Bộ luật
Hình sự quy
định, trừ trường hợp người đó phạm các tội: giết người, hiếp dâm, tội hiếp dâm
người dưới 16 tuổi, tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi, tội sản
xuất trái phép chất ma túy.
Đối
với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi khi phạm tội, nếu điều luật của Bộ luật
Hình sự được
áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình thì mức hình phạt cao nhất
được áp dụng không quá 09 năm tù, giảm 3 năm tù so với quy định của Bộ luật
hình sự, nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng
không quá hai phần năm (Bộ luật hình sự năm 2015 quy định không quá một
phần hai) mức phạt tù mà điều luật của Bộ luật
Hình sự quy
định, trừ trường hợp người vị thành niên phạm các tội: giết người, hiếp dâm, tội
hiếp dâm người dưới 16 tuổi, tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi,
tội sản xuất trái phép chất ma túy.
Việc
quyết định hình phạt trong trường hợp phạm tội chưa đạt,
Luật quy định theo hướng giảm nhẹ cho người vị thành niên phạm tội chưa đạt, cụ
thể: Tòa án quyết định hình phạt đối với người chưa thành niên trong trường hợp
chuẩn bị phạm tội hoặc phạm tội chưa đạt theo các điều của Bộ luật Hình sự về các tội phạm tương ứng tùy theo tính chất,
mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi, mức độ thực hiện ý định phạm tội và những
tình tiết khác khiến cho tội phạm không thực hiện được đến cùng.
Mức hình phạt cao nhất áp
dụng đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội chưa đạt không quá một
phần ba mức hình phạt quy định tại các điều 117, 118 và
119 của Luật này.
Mức hình phạt cao nhất áp
dụng đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội chưa đạt không quá một
phần hai mức hình phạt quy định tại các điều 117, 118 và
119 của Luật này.
Đối
với án treo, đây là quy định mới trong Luật Tư pháp
người chưa thành niên phạm tội, Bộ Luật hình sự năm 2015 không cụ thể hóa, quy
định chế định án treo đối với người chưa thành niên phạm tội. Theo đó Luật quy
định: Khi xử phạt tù không quá 03 năm, căn cứ vào nhân thân của người chưa
thành niên phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, nếu xét thấy không cần phải bắt
chấp hành hình phạt tù thì Tòa án cho hưởng án treo và ấn định thời gian thử
thách từ 01 năm đến 03 năm (giảm 2 năm so với Bộ luật hình sự năm 2015) và
thực hiện các nghĩa vụ trong thời gian thử thách theo quy định của Luật Thi hành án hình sự.
Về
hoãn chấp hành hình phạt tù: Người chưa thành niên bị
xử phạt tù có thể được hoãn chấp hành hình phạt tù trong các trường hợp sau
đây:
Các trường hợp có thể được
hoãn chấp hành hình phạt tù theo quy định của Bộ luật Hình sự;
Trường hợp người chưa thành niên bị xử phạt tù đã đăng ký và đủ điều kiện
tham gia hoặc đang tham gia kỳ thi tốt nghiệp trung học cơ sở, trung học phổ
thông, thi tốt nghiệp trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, được cơ sở giáo dục,
cơ sở giáo dục nghề nghiệp nơi người đó học tập xác nhận thì có thể được hoãn
cho đến khi thực hiện xong kỳ thi.
Về
xóa án tích: Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi bị
kết án về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng
đương nhiên được xóa án tích nếu từ khi chấp hành xong hình phạt hoặc hết thời
gian thử thách án treo hoặc từ khi hết thời hiệu thi hành bản án, người đó
không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn sau đây: 03 tháng trong trường
hợp bị phạt cảnh cáo, phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù nhưng
được hưởng án treo; 06 tháng trong trường hợp bị phạt tù đến 05 năm; 01 năm
trong trường hợp bị phạt tù từ trên 05 năm đến 15 năm; 02 năm trong trường hợp
bị phạt tù trên 15 năm (giảm rất nhiều so với quy định trong Bộ luật hình sự
năm 2015)
Về hiệu lực thi hành, Luật
có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2026. Tuy nhiên tại khoản 2 Điều
179 Luật quy định: “Các điều khoản của Luật này quy định về hình phạt cảnh
cáo, phạt tiền, tù có thời hạn, quyết định hình phạt trong trường hợp chuẩn bị
phạm tội, phạm tội chưa đạt, giảm mức hình phạt đã tuyên, án treo, hoãn chấp
hành hình phạt tù, tha tù trước thời hạn có điều kiện, xóa án tích và các quy định
khác có lợi cho người phạm tội quy định tại chương VI của Luật này được áp dụng
kể từ ngày Luật này được công bố.”. Đây là thời hiệu thi hành trở về trước,
có lợi khi áp dụng cho người chưa thành niên phạm tội. Luật Tư pháp người chưa
thành niên được công bố ngày 02/12/2024, như vậy những điểm mới,
có lợi cho người chưa thành niên phạm tội như hình phạt, quyết định hình phạt,
tổng hợp hình phạt, xóa án tích, hoãn chất hành án phạt tù …. sẽ có hiệu lực
thi hành từ ngày 02/12/2024. Mới đây Chánh án Tòa án nhân dân tối cao cũng đã
ban hành Chỉ thị số 01/CT-TA/2025 ngày 17/2/2025 về triển khai thi hành Luật Tư
pháp người chưa thành niên, theo đó đã yêu cầu Tòa án các cấp từ ngày
02/12/2024 thực hiện đúng các quy định về hình phạt, tổng hợp hình phạt, quyết
định hình phạt, thi hành án, xóa án tích và các quy định khác có lợi cho người
chưa thành niên phạm tội.
Đối với ngành kiểm sát,
các kiểm sát viên phải nghiên cứu kỹ, toàn diện và thực sự sâu sắc đối với những
điểm mới, có lợi đối với người chưa thành niên phạm tội trong Luật Tư pháp người
chưa thành niên. Đặc biệt, các cấp kiểm sát phải vận dụng, áp dụng thời hiệu
thi hành trở về trước để áp dụng ngay từ ngày 02/12/2024 những
quy định mới, có lợi cho người chưa thành niên phạm tội như về hình phạt, quyết
định hình phạt, tổng hợp hình phạt, án treo, thi hành án, xóa án tích…. Trong
công tác Thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử, kiểm sát
thi hành án hình sự để đảm bảo thi hành đúng Luật, nhằm bảo đảm quyền lợi cũng
như ý nghĩa giáo dục đối với người chưa thành niên phạm tội./.
Thạc sĩ Đặng Khắc Thắng - Văn phòng tổng hợp
Viện kiểm sát nhân dân thành phố