Thủy Nguyên: Nâng cao hiệu quả công tác quản lý, giải quyết các vụ án, vụ việc tạm đình chỉ
Để nâng cao chất lượng trong việc quản lý, giải quyết các vụ án tạm đình chỉ, Viện kiểm sát nhân dân huyện Thuỷ Nguyên đã áp dụng nhiều giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả công tác kiểm sát các vụ án tạm đình chỉ và việc giải quyết các vụ án khi đủ điều kiện. So với Bộ luật Tố tụng Hình sự 2003 (BLTTHS) thì việc tạm đình chỉ điều tra vụ án theo quy định của BLTTHS 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2021) đã bổ sung thêm hai trường hợp tạm đình chỉ điều tra vụ án là: 1) Khi trưng cầu giám định, yêu cầu định giá tài sản, yêu cầu nước ngoài tương trợ tư pháp chưa có kết quả nhưng đã hết thời hạn điều tra; 2) Khi không thể kết thúc điều tra vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh nhưng đã hết thời hạn điều tra. Điều này phù hợp với thực tiễn có những phát sinh, nằm ngoài dự tính của các nhà lập pháp như do sự kiện bất khả kháng, do thiên tai, dịch bệnh nhưng lại không có căn cứ để tạm đình chỉ việc giải quyết vụ án vì luật không có quy định, trong khi đó thời gian qua do vấn đề dịch bệnh Covid-19 trên toàn cầu cả nước phải chung tay phòng chống dịch bệnh, nhiều biện pháp được đưa ra, trong đó có việc thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị của Thủ tướng chính phủ, đã nảy sinh nhiều vấn đề liên quan đến thời hạn giải quyết vụ án.

 

Trước khi Thông tư liên tịch số 01/2020/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BQP-BNN&PTNT-BTC-BTP quy định phối hợp thực hiện một số điều của bộ luật tố tụng hình sự về quản lý, giải quyết các vụ án, vụ việc tạm đình chỉ (sau đây viết tắt là Thông tư số 01) được ban hành, việc giải quyết các vụ án tạm đình chỉ được áp dụng không thống nhất giữa các địa phương, đặc biệt là những vụ án, vụ việc không xác định được bị can, nên số lượng vụ án, vụ việc phải quản lý là tương đối lớn. Qua 03 năm thực hiện TTLT số 01/2020, việc giải quyết các vụ án, vụ việc tạm đình chỉ được đảm bảo kịp thời, thống nhất, đúng quy định; số lượng vụ án, vụ việc còn phải theo dõi, quản lý đã giảm tương đối nhiều. Để đạt được kết quả trên, VKSND huyện Thủy Nguyên đã áp dụng các giải pháp như sau:

1. Công tác chỉ đạo, điều hành

Để thực hiện tốt, có hiệu quả việc quản lý đối với các vụ, việc tạm đình chỉ, ngay sau khi thông tư được ban hành, lãnh đạo đơn vị đã quán triệt, triển khai đến toàn thể cán bộ, công chức trong đơn vị; đồng thời, phân công tổ nghiệp vụ thực hiện chuyên đề kiểm sát án tạm đình chỉ điều tra gồm có 01 đồng chí Phó Viện trưởng và 02 đồng chí Kiểm sát viên. Tổ nghiệp vụ có trách nhiệm quản lý, cập nhật thông tin kết quả giải quyết, thống kê toàn bộ số lượng án tạm đình chỉ, quản lý và lưu trữ hồ sơ, sổ sách, báo cáo kết quả thực hiện chuyên đề định kỳ hoặc theo yêu cầu đột xuất của VKSND thành phố.

Kiểm sát viên thụ lý, kiểm sát việc giải quyết vụ án, vụ việc có trách nhiệm thông báo và nộp lưu hồ sơ cho bộ phận nghiệp vụ để vào sổ theo dõi, quản lý vụ án, vụ việc, lý do tạm đình chỉ. Khi lý do tạm đình chỉ không còn thì Kiểm sát viên thụ lý thông báo cho tổ nghiệp vụ, nhận lại hồ sơ để tiếp tục thực hiện các hoạt động tố tụng tiếp theo. Lãnh đạo Viện thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các hoạt động này, đảm bảo các hồ sơ tạm đình chỉ đều có căn cứ, đúng quy định pháp luật, việc quản lý, lưu trữ hồ sơ đúng quy trình mà đơn vị đã đề ra, kịp thời báo cáo Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hải Phòng đúng thời hạn quy định.

2. Công tác phối hợp với Cơ quan điều tra để nâng cao chất lượng công tác giải quyết các vụ án tạm đình chỉ

Đơn vị đã chủ động phối hợp với Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Thủy Nguyên rà soát số vụ việc tạm đình chỉ đang quản lý, trong đó đơn vị đã ban hành nhiều công văn trao đổi phối hợp với Cơ quan điều tra trong việc tiến hành rà soát, thống kê các vụ án, vụ việc tạm đình chỉ. Cơ quan điều tra đã chủ động rà soát lại hệ thống sổ sách ghi chép, lập danh sách hồ sơ án tạm đình chỉ, đối chiếu với danh sách án tạm đình chỉ của Viện kiểm sát. Kết quả đối chiếu số liệu, cả hai cơ quan đều trùng khớp về danh sách các vụ án tạm đình chỉ. Trên cơ sở danh sách các vụ án, vụ việc tạm đình chỉ đã được rà soát, đối chiếu, Cơ quan điều tra đã chủ động tìm rút hồ sơ lưu trữ nghiên cứu, họp thống nhất với Viện kiểm sát ra Quyết định đình chỉ đối với các vụ án hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng chưa chứng minh được bị can theo đúng hướng dẫn của thông tư liên tịch (trong đó  đã đình chỉ: 49 vụ/00 bị can, lý do: hết thời hiệu truy cứu TNHS), qua đó góp phần giảm bớt số vụ án tạm đình chỉ đang quản lý theo dõi nhưng đảm bảo có căn cứ pháp luật. Bên cạnh đó, đối với số hồ sơ bị thất lạc, Viện kiểm sát đã có công văn đôn đốc đề nghị Cơ quan cảnh sát điều tra phối hợp với phòng hồ sơ tiếp tục truy tìm các hồ sơ bị thất lạc, kết quả đến nay đã tìm được 56 trên tổng số 92 hồ sơ thất lạc đủ điều kiện để đình chỉ điều tra theo luật định, đạt tỷ lệ 60,9%.

3. Kỹ năng kiểm sát hồ sơ tạm đình chỉ nhưng đã hết thời hiệu của Kiểm sát viên

Để làm tố công tác kiểm sát các vụ án tạm đình chỉ nhưng đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, thì khi nhận được hồ sơ tạm đình chỉ cùng quyết định đình chỉ điều tra do hết thời hiệu của Cơ quan điều tra chuyển sang. Tổ nghiệp vụ được phân công theo dõi, báo cáo án tạm đình chỉ có trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ, lập danh sách báo cáo đề xuất lãnh đạo phân công cho các kiểm sát viên, trên cơ sở những vụ án nào trước đây do kiểm sát viên trực tiếp thụ lý thì tiếp tục nghiên cứu, trường hợp các kiểm sát viên đã nghỉ hưu hoặc chuyển công tác thì phân công cho các kiểm sát viên khác nghiên cứu, việc làm này làm giảm tải bớt số lượng vụ án phải nghiên cứu cho tổ nghiệp vụ, đồng thời đáp ứng yêu cầu về thời hạn nghiên cứu hồ sơ.

Các kiểm sát viên được phân công sẽ nghiên cứu toàn diện hồ sơ vụ án, trong đó chú trọng đến thời hiệu để áp dụng giải quyết đảm bảo nguyên tắc có lợi về thời hiệu theo hướng dẫn của TTLT 01/2020 đó là việc xác định thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự căn cứ vào quy định tại Điều 27, Điều 28 Bộ luật Hình sự và phân loại tội theo khoản, điều của Bộ luật Hình sự ghi trong quyết định khởi tố vụ án. Trường hợp quyết định khởi tố vụ án chỉ ghi điều luật, không ghi khoản và quá trình điều tra chưa chứng minh làm rõ được hành vi phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản nào của điều luật đó thì việc xác định thời hiệu căn cứ vào khung hình phạt trong cấu thành cơ bản của điều luật đó. Bên cạnh đó, Kiểm sát viên cần chú trọng rà soát các vật chứng, đồ vật, tài sản đã tạm giữ trong vụ án, đã xử lý chưa? hay còn tồn đọng tại Cơ quan điều tra. Sau khi nghiên cứu toàn diện, triệt để sẽ báo cáo đề xuất lãnh đạo xét duyệt và chuyển lại tổ nghiệp vụ để thống kê, chuyển các hồ sơ tạm đình chỉ sang đình chỉ để quản lý phục vụ công tác lưu trữ, kiểm tra.

4. Khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện TTLT 01/2020

Việc thực hiện TTLT số 01/2020 đã giải quyết được phần nào những khó khăn, vướng mắc cho các cơ quan tiến hành tố tụng của địa phương, nhưng thực tiễn cho thấy còn những vướng mắc thực tế đến nay vẫn chưa có phương án giải quyết, do luật chưa quy định hoặc chưa có hướng dẫn cụ thể, điển hình như:

4.1. Đối với trường hợp hồ sơ tạm đình chỉ bị thất lạc

Quá trình tạm đình chỉ và quản lý hồ sơ thường xảy ra trong thời gian dài, có những vụ án, vụ việc khi giải quyết nguồn tin hoặc đã khởi tố vụ án nhưng việc xác minh, điều tra chưa có kết quả, thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự có thể lên đến 15 năm, thậm chí 20 năm. Quá trình bảo quản hồ sơ không tốt, cán bộ được phân công thụ lý thì thường xuyên có sự điều động, luân chuyển để thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, công tác bàn giao không được thực hiện chặt chẽ hoặc quá trình chuyển đổi, xây dựng trụ sở, cơ quan đơn vị phải di dời hồ sơ, tài liệu đã dẫn tới việc bị thất lạc, mất hồ sơ. Trong khi đó, căn cứ vào thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự thì thời hạn điều tra đã hết, nhưng việc không có hồ sơ để làm căn cứ ra quyết định đình chỉ nên các các cơ quan tiến hành tố tụng chưa có cơ sở để kết thúc điều tra mặc dù thời hạn luật định thì cho phép. Trước khó khăn, vướng mắc trên, tại khoản 10 mục II Công văn số 2010/HDLN ngày 18/5/2021 của Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an – Vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án ma túy Viện kiểm sát nhân dân tối cao giải đáp vướng mắc trong quá trình giải quyết các vụ án, vụ việc tạm đình chỉ, vụ việc tạm dừng giải quyết hướng dẫn: “Đối với các trường hợp vụ án, vụ việc tạm đình chỉ điều tra bị thất lạc hồ sơ, Cơ quan điều tra cần phối hợp với các đơn vị chức năng (Cơ quan hồ sơ nghiệp vụ, Viện kiểm sát, Tòa án cùng cấp…), liên hệ các đồng chí được phân công thụ lý, giải quyết vụ việc, vụ án trước đây…để tổ chức truy tìm hồ sơ bị thất lạc. Mặt khác, cần làm rõ trách nhiệm của lãnh đạo, Điều tra viên, cán bộ điều tra trong quá trình điều tra, giải quyết vụ việc, vụ án để xử lý theo quy định của ngành.”

Thực tế,  qua rà soát các vụ án tạm đình chỉ tại đơn vị đã gặp những khó khăn trên, qua trao đổi nghiệp vụ, Cơ quan điều tra có ý kiến cho rằng đối với những hồ sơ bị thất lạc sẽ báo cáo xin ý kiến thực hiện việc phục dựng để tiếp tục giải quyết. Chúng tôi nhận thấy rằng trong một khoảng thời gian dài việc nộp lưu hồ sơ của các đồng chí Điều tra viên nghỉ hưu, chuyển công tác...không được ghi chép đầy đủ, chi tiết; việc nộp lưu không được lập biên bản, đăng ký hồ sơ nộp lưu nên khi tìm rút hồ sơ gặp nhiều khó khăn, thậm chí có những hồ sơ không thể truy tìm được, có những vụ án xảy ra từ rất lâu nên việc phục dựng nếu không dựa trên cở sở khách quan, toàn diện và đầy đủ thì sẽ không có giá trị pháp lý để làm căn cứ ra quyết định đình chỉ điều tra do hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự. Bởi lẽ còn liên quan đến các văn bản, quyết định tố tụng có bút tích của những người tiến hành tố tụng đối với vụ án trước đây, hiện họ đã nghỉ hưu hoặc chuyển đơn vị công tác, cũng như các tài liệu, chứng cứ gốc có trong hồ sơ vụ án không còn. Đối với những tài liệu này thì việc phục dựng không thể thực hiện được.

4.2. Đối với các trường hợp tạm đình chỉ do vướng mắc đến giám định

Một trong những lý do các vụ án tạm đình chỉ trước đây liên quan đến vấn đề giám định hàm lượng chất ma tuý khi mà trong một thời gian dài có nhiều thay đổi do ảnh hưởng của chính sách pháp luật Hình sự, Tố tụng Hình sự nên nhiều trường hợp phải tạm đình chỉ chờ văn bản có hiệu thi hành. Trong thời gian chỉnh sửa lại có nhiều văn bản hướng dẫn tạm thời thay đổi liên tục nên dẫn đến tình trạng giải quyết vụ án không dứt khoát, ví dụ: một số vụ án Tàng trữ trái phép chất ma túy tạm đình chỉ vụ án, bị can, do giám định hàm lượng ma túy không đủ, mà trước đây khi các cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng Công văn số 234/TANDTC-HS ngày 17/9/2014 của Toà án nhân dân tối cao với nhận định trong công văn như sau: “Tòa án nhân dân tối cao thấy còn nhiều trường hợp Hội đồng xét xử chỉ căn cứ vào kết quả giám định về trọng lượng của các chất nghi là chất ma túy để kết tội các bị cáo, mà không yêu cầu xác định hàm lượng chất ma túy trong các chất thu được đó, như vậy là áp dụng không đúng quy định của Bộ luật hình sự và hướng dẫn của liên ngành dẫn đến hậu quả có thể xát xử oan, sai”.

Tuy nhiên, Thông tư liên tịch số 08/2015/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP sửa đổi một số điều của Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP ngày 24/12/2007 (TTLT số 08) của Bộ công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao và Bộ tư pháp hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XVIII “Các tội phạm về ma túy” của Bộ luật hình sự năm 1999. Tại khoản 2 Điều 1 TTLT số 08/2015 quy định chỉ bắt buộc giám định hàm lượng trong những trường hợp sau: 1) Chất ma túy, tiền chất dùng vào việc sản xuất chất ma túy ở thể rắn được hòa thành dung dịch; 2) Chất ma túy, tiền chất dùng vào việc sản xuất chất ma túy ở thể lỏng đã được pha loãng; 3) Xái thuốc phiện; 4) Thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần. Bên cạnh đó, Nghị quyết số 41/2017/QH14 ngày 20/6/2017 của Quốc hội cũng quy định:“ Kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2018, Bộ luật Hình sự năm 2015 được áp dụng như sau: Trường hợp chất thu giữ được nghi là chất ma túy ở thể rắn đã được hòa thành dung dịch, chất ma túy ở thể lỏng đã được pha loãng, xái thuốc phiện hoặc thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần quy định tại các Điều 248, 249, 250, 251 và 252 của Bộ luật Hình sự năm 2015 thì phải xác định hàm lượng chất ma túy làm cơ sở để xác định khối lượng hoặc thể tích chất ma túy thu giữ được. Đối với các trường hợp khác thì thực hiện theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự số 101/2015/QH13″. Như vậy, việc xác định hàm lượng chất ma tuý chỉ trong các trường hợp bắt buộc trên nhằm làm cơ sở xác định trách nhiệm hình sự, tuy nhiên đối với các vụ án tạm đình chỉ trước đây liên quan đến việc giám định hàm lượng ma tuý, đến nay vẫn chưa có quy định hoặc hướng dẫn thống nhất của liên ngành tố tụng cấp trung ương, dẫn đến địa phương không có cơ sở pháp lý để phục hồi giải quyết hoặc đình chỉ giải quyết vụ án.

          5. Một số kiến nghị, giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả giải quyết vụ án tạm đình chỉ

Từ những kết quả đạt được và khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện TTLT 01/2020, để thực hiện có hiệu quả công tác kiểm sát án tạm đình chỉ cần hoàn thiện những quy định như:

Thứ nhất, Liên ngành Trung ương cần sớm có văn bản hướng dẫn thống giải quyết đối với các vụ án tạm đình chỉ do giám định hàm lượng ma túy không đủ để khởi tố bị can trong thời gian trước đây, nhằm giải quyết dứt điểm, tránh việc tồn đọng số vụ, việc tạm đình chỉ phải theo dõi giải quyết theo hướng đối với các vụ án tàng trữ trái phép chất ma tuý, trong đó cần hướng dẫn theo hướng nếu không thuộc trường hợp phải bắt buộc giám định hàm lượng chất ma tuý thì cơ quan tiến hành tố tụng có thể phục hồi giải quyết nếu như khối lượng ma tuý đủ để chịu trách nhiệm hình sự theo quy định Bộ luật hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) và hướng dẫn tại  TT số 08/2015 quy định về khối lượng ma tuý tàng trữ nhưng không nhằm mục đích mua bán hay sản xuất trái phép chất ma túy, nhưng phải áp dụng nguyên tắc có lợi so với việc áp dụng Bộ luật hình sự năm 2015 quy định về tội danh tương ứng.

Thứ hai,  Liên ngành tư pháp trung ương cần có hướng dẫn cụ thể đối với các trường hợp vụ án, vụ việc tạm đình chỉ chưa xác định được bị can nhưng thất lạc hồ sơ, hồ sơ không đầy đủ tài liệu làm căn cứ đánh giá để ra quyết định tạm đình chỉ, nếu thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đã hết thì cần phối hợp với phòng hồ sơ nghiệp vụ tiếp tục truy tìm, khi truy tìm được hồ sơ thì có công văn kèm theo hồ sơ gửi cho Viện kiểm sát để phối hợp đánh giá tài liệu, chứng cứ để giải quyết. Trường hợp không truy tìm được thì phòng hồ sơ phải có công văn trả lời và nêu rõ lý do và khi đã áp dụng mọi biện pháp truy tìm nhưng không có kết quả thì các cơ quan tiến hành tố tụng có thể đánh giá dựa trên việc đối chiếu số liệu đang quản lý, hồ sơ kiểm sát, và tiến họp liên ngành để thống nhất việc giải quyết khi vụ việc đã hết thời hiệu truy cứu nhiệm hình sự.

Kết luận: Viện kiểm sát nhân dân huyện Thuỷ Nguyên đã áp dụng nhiều giải pháp tăng cường công tác kiểm sát án tạm đình chỉ tại đơn vị, từ đó thực hiện có hiệu qua TTLT 01/2020, nhiều vụ án tạm đình chỉ kéo dài nhưng đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được giải quyết dứt điểm, giảm tỷ lệ tồn đọng phải theo dõi, quản lý. Đối với những khó khăn, vướng mắc trên chúng tôi cũng đưa ra các giải pháp để thực hiện phú hợp với thực tiễn, nhằm hoàn thiện để đảm bảo pháp luật được thực thi nghiêm chỉnh và thồng nhất.

                                                                                                                                                                                                                                                           Phạm Văn Tuân - Viện kiểm sát nhân dân huyện Thuỷ Nguyên


Ứng dụng hỗ trợ nghiệp vụ
Tin tức
Thông tin cần biết
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1

Trang thông tin điện tử: VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG - Cơ quan chủ quản: VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO
Địa chỉ: Lô 18A, Lê Hồng Phong, Hải An, TP Hải Phòng - Điện thoại: 02253.838308 - Fax: 02253.839072 - Email: vp_haiphong@vks.gov.vn
Trưởng ban biên tập: Phó Viện trưởng Lưu Xuân Sang
Số giấy phép: 03/GP-STTTT do Sở Thông tin và Truyền thông TP Hải Phòng cấp ngày 17 tháng 10 năm 2017 (Giấy phép có giá trị 10 năm)
Bản quyền thuộc về VKSND TP Hải Phòng - Thiết kế bởi VNPT | Quản trị

Chung nhan Tin Nhiem Mang