Tính án phí dân sự trong các vụ án Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự
Từ lâu nay, việc cho vay tiền, tài sản dưới các hình thức cầm cố tài sản, hụi, họ v.v… giữa cá nhân với nhau là một hoạt động quen thuộc, phổ biến với người dân khi có nhu cầu về tài chính, đặc biệt là những người không đủ điều kiện vay vốn của các tổ chức tín dụng chính thống. Xuất phát từ nhu cầu chính đáng đó của người dân, một số đối tượng đã lợi dụng việc cho vay tiền thông qua giao dịch dân sự với mức lãi suất cao, tùy thuộc vào đối tượng vay, số tiền vay, khả năng tài chính, mối quan hệ giữa đối tượng cho vay và người vay v.v…vượt quá 5 lần so với mức lãi suất cao nhất của Bộ luật Dân sự và bị xử lý về tội Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự theo quy định tại Điều 201 Bộ luật Hình sự.
Việc xử lý tội danh này về cơ
bản không có nhiều vướng mắc trong việc định tội danh và xác định
hình phạt. Tuy nhiên, qua nghiên cứu các bản án của các địa phương đã
xét xử được công bố trên trang công bố bản án của Tòa án nhân dân
tối cao cũng như qua thực tiễn xét xử tại đơn vị, chúng tôi nhận
thấy, vấn đề về án phí dân sự trong các vụ án này còn có nhiều
quan điểm khác nhau và cần có sự hướng dẫn thống nhất.
Vấn đề nêu
trên nảy sinh từ thực tiễn đó là, trong một vụ án cho vay lãi nặng,
ngoài trách nhiệm hình sự, đa phần bị cáo còn phải chịu trách
nhiệm về dân sự và/hoặc các biện pháp tư pháp khác, liên quan đến
số tiền sử dụng hoặc có được từ hành vi phạm tội. Tại Điều 5 Nghị quyết 01/2021/NQ-HĐTP
ngày 20/12/2021 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao quy định:
Điều 5. Xử lý vật, tiền liên quan trực tiếp đến tội
phạm
1. Tịch thu sung quỹ
nhà nước đối với:
a) Khoản tiền, tài
sản khác người phạm tội dùng để cho vay;
b) Tiền lãi tương
ứng mức lãi suất cao nhất theo quy định của Bộ luật Dân sự mà người phạm tội đã
thu của người vay.
c) Tiền, tài sản
khác mà người phạm tội có thêm được từ việc sử dụng tiền lãi và các khoản thu
bất hợp pháp khác.
2. Trả lại cho người
vay tiền thu lợi bất chính mà người phạm tội thực tế đã thu, trừ trường hợp
người vay sử dụng tiền vay vào mục đích bất hợp pháp (như đánh bạc, mua bán
trái phép chất ma túy, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, ...) thì khoản tiền thu lợi
bất chính bị tịch thu sung quỹ nhà nước.
Với
hướng dẫn như trên, có thể xác định, ngoài số tiền bị tịch thu sung
quỹ nhà nước, bị cáo còn phải trả lại cho người vay số tiền thu
lợi bất chính
- tức là số tiền lãi vượt quá 20% so với quy định của Bộ luật Dân sự đã thu
thực tế. Như vậy, đối tượng phải nộp tiền, số tiền nộp, đối tượng
hưởng tiền đã được chỉ ra, nhưng án phí dân sự đối với số tiền bị
cáo phải trả cho người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan (tức người
vay tiền) được tính toán như thế
nào thì hiện nay, có 02 quan điểm đang được áp dụng:
Quan
điểm thứ nhất: bị
cáo phải chịu án phí dân sự đối với số tiền bị cáo phải trả lại
cho người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan (tức người vay tiền). Có
thể hiểu quan điểm này xuất phát từ nguyên lý quan hệ giữa bị cáo
và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan (người vay tiền) là quan hệ
dân sự, người vay phải trả cho bị cáo một số tiền lãi nhất định. Tuy
nhiên, do nhận thức, ý thức của bị cáo và người vay thỏa thuận lãi
suất vượt quá quy định pháp luật thì số tiền vượt quá 20% mà người
vay đã trả cho bị cáo phải được hoàn lại cho người vay, do đây là
tiền phát sinh từ thỏa thuận trái pháp luật, là “quyền và lợi ích
hợp pháp” người vay được “bồi hoàn”, tương ứng với nghĩa vụ của bị
cáo khi giải quyết hậu quả của hành vi trái pháp luật của bị cáo. Do
đó, khi Tòa án giải quyết vấn đề này tại phiên tòa và có quyết
định trong bản án thì bị cáo phải chịu án phí dân sự. Tuy nhiên,
ngay đối với các cơ quan tiến
hành tố tụng có quan điểm này thì việc tính toán án
phí cũng có 02 phương án nảy sinh do thực tế nhiều vụ án, bị cáo
không chỉ cho một mà nhiều người vay tiền. Như vậy, bị cáo sẽ phát
sinh nghĩa vụ trả tiền cho không chỉ một mà là nhiều đương sự, mỗi
đương sự được nhận số tiền khác nhau. Khi đó, có Tòa án sẽ cộng tổng
số tiền bị cáo phải trả lại cho tất cả những người vay, sau đó áp
dụng mức thu án phí theo % được quy định tại Nghị quyết
326/2016/NQ-UBTVQH14 để
tuyên bị cáo phải chịu
một khoản án phí dân sự
tương ứng với tổng số tiền bị cáo phải hoàn trả cho những người vay. Tuy nhiên, có Tòa án
lại tuyên
án phí dân sự bị
cáo phải chịu tương ứng theo số
tiền bị cáo phải trả cho mỗi đương sự. Mỗi cách tính này sẽ
cho ra các kết quả khác nhau, dẫn đến số tiền án phí dân sự bị cáo
phải nộp là khác nhau mặc dù số tiền phải trả cho đương sự là như
nhau.
Quan
điểm thứ hai: bị
cáo không phải chịu án phí dân sự đối với số tiền bị cáo phải trả
cho người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan (người vay). Quan điểm này xuất phát từ
lý do, có một số vụ án, do người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan
vắng mặt tại phiên tòa, quá trình điều tra, truy tố và xét xử không
có ý kiến về phần lãi vượt quá 20% đã nộp cho bị cáo nên Tòa án
không xem xét giải quyết và không áp dụng án phí. Ngoài ra, cũng có
Tòa án cho rằng, việc bị cáo phải trả lại phần tiền lãi vượt quá
cho người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan là biện pháp tư pháp mà bị
cáo phải chịu theo Điều 46 BLHS. Do đó, cũng không coi đây là vấn đề dân
sự trong vụ án hình sự, nên không áp dụng án phí dân sự trong trường
hợp này.
Mỗi
quan điểm nêu trên đều có phần hợp lý, có căn cứ. Tuy nhiên, xét tổng
thể, việc tồn tại nhiều quan điểm, cách tính toán như vậy thể hiện
sự mâu thuẫn trong nhận thức và áp dụng pháp luật, có trường hợp gây bất lợi
cho bị cáo, có trường
hợp lại gây thất thoát cho ngân sách. Do đó, tác giả có đôi dòng về
vấn đề nêu trên, rất mong nhận được sự trao đổi của các quý đồng
nghiệp cũng như sự hướng dẫn của các cơ quan cấp trên để việc nhận thức và áp dụng
pháp luật được thống nhất.
Tổ
nghiên cứu, Viện kiểm sát nhân dân quận Ngô Quyền