Trao đổi về bài viết “Cách tính thời hạn chấp hành án phạt tù đối với người được hưởng án treo phạm tội mới trong thời gian thử thách”
Ngày 22/3/2024, trang tin điện tử của Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hải Phòng đăng bài viết “Trao đổi cách tính thời hạn chấp hành án phạt tù đối với người được hưởng án treo phạm tội mới trong thời gian thử thách” của Tổ thông tin tuyên truyền Viện kiểm sát nhân dân quận Đồ Sơn. Bài viết đưa ra vướng mắc trong trường hợp tuyên hình phạt đối với người phạm tội trước đó đã bị xử án treo, trong thời gian thử thách phạm tội mới mà Điều luật chỉ quy định phạt tiền là hình phạt chính (cả hai lần phạm tội đều bị tạm giữ, tạm giam một khoảng thời gian nhất định). Theo đó, có 02 quan điểm xử lý như sau:

Quan điểm thứ nhất: căn cứ khoản 1 Điều 38, khoản 5 Điều 65 Bộ luật Hình sự: bị cáo phải chấp hành hình phạt 15 tháng tù nhưng cho hưởng án treo của bản án năm 2022, trừ cho bị cáo 53 ngày bị tạm giam của lần phạm tội trước và 06 ngày bị tạm giữ của lần phạm tội mới (tổng 59 ngày). Thời hạn thi hành án tính từ ngày bị cáo được đưa đi thi hành án.

Quan điểm thứ hai: Trừ cho bị cáo 53 ngày bị tạm giam của lần phạm tội trước nhưng không trừ cho bị cáo 06 ngày tạm giữ của lần phạm tội mới, do lần này bị cáo được Tòa án tuyên phạt hình phạt tiền, không phải hình phạt tù nên không được áp dụng quy định tại khoản 1 Điều 38 Bộ luật Hình sự.

Theo ý kiến của tôi, trường hợp này cần áp dụng quan điểm thứ nhất trong việc tuyên hình phạt đối với bị cáo. Bởi lẽ, Khoản 5 Điều 65 Bộ luật Hình sự và Khoản 1 Điều 7 Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15/5/2018 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng Điều 65 của Bộ luật hình sự về án treo đều thể hiện: “Trường hợp người được hưởng án treo phạm tội mới trong thời gian thử thách thì Tòa án quyết định hình phạt đối với tội phạm mới và tổng hợp với hình phạt tù của bản án trước theo quy định tại Điều 55 và Điều 56 của Bộ luật Hình sự, nếu họ đã bị tạm giam, tạm giữ thì thời gian bị tạm giam, tạm giữ được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt tù.”. Việc trừ thời hạn tạm giữ, tạm giam vào thời hạn chấp hành hình phạt tù được quy định cụ thể tại khoản 1 Điều 38 Bộ luật Hình sự: “Thời gian tạm giữ, tạm giam được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt tù, cứ 01 ngày tạm giữ, tạm giam bằng 01 ngày tù”.

Tuy lần phạm tội này, tội Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự thuộc trường hợp tại khoản 1 Điều 201 Bộ luật Hình sự về không quy định về hình phạt tù nhưng thực tế, bị can đã bị tạm giữ 06 ngày. Đây là trường hợp có xung đột pháp luật hoặc pháp luật chưa quy định cụ thể, thì cần áp dụng nguyên tắc có lợi cho bị can, bị cáo, thời gian đã bị tạm giữ phải được trừ vào thời gian thi hành án phạt tù. Như vậy mới đảm bảo tính thống nhất và nhân đạo của Pháp luật.

Cũng từ vướng mắc này, cần kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền hoàn thiện hệ thống pháp luật, hướng dẫn cụ thể trường hợp tổng hợp hình phạt đối với bản án xử phạt tù và bản án tuyên hình phạt khác nhưng thực tế đã bị tạm giữ, tạm giam để đảm bảo việc áp dụng thống nhất trên thực tiễn./.

Đồng Thị Lan Anh – Phòng 7 VKSND thành phố Hải Phòng


Ứng dụng hỗ trợ nghiệp vụ
Tin tức
Thông tin cần biết
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1

Trang thông tin điện tử: VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG - Cơ quan chủ quản: VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO
Địa chỉ: Lô 18A, Lê Hồng Phong, Hải An, TP Hải Phòng - Điện thoại: 02253.838308 - Fax: 02253.839072 - Email: vp_haiphong@vks.gov.vn
Trưởng ban biên tập: Phó Viện trưởng Lưu Xuân Sang
Số giấy phép: 03/GP-STTTT do Sở Thông tin và Truyền thông TP Hải Phòng cấp ngày 17 tháng 10 năm 2017 (Giấy phép có giá trị 10 năm)
Bản quyền thuộc về VKSND TP Hải Phòng - Thiết kế bởi VNPT | Quản trị

Chung nhan Tin Nhiem Mang