Có hay không hủy bỏ thông báo bào chữa khi bị can, bị cáo khỏi bệnh
Quyền bào chữa là một trong những quyền quan trọng của người bị buộc tội,
bị can, bị cáo được pháp luật ghi nhận để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của
họ. Thông thường, sự tham gia của người bào chữa phụ thuộc vào ý chí của bị
can, bị cáo, người bị bắt, tạm giữ.
Tuy nhiên trong một số trường hợp
đặc biệt luật quy định bắt buộc có sự tham gia của người bào chữa trong vụ án.
Đó là những trường hợp đặc thù, do tính chất, hậu quả của tội phạm hoặc do hạn
chế về năng lực nhận thức, năng lực hành vi, dù bị can, bị cáo không mời người
bào chữa thì các cơ quan tiến hành tố tụng vẫn phải chỉ định người bào chữa để
đảm bảo quyền lợi cho họ. Điều này được quy định cụ thể tại Điều 76 Bộ luật Tố
tụng hình sự năm 2015, gồm:
Trường hợp thứ nhất: Bị can, bị
cáo về tội mà Bộ luật Hình sự quy định mức cao nhất của khung hình phạt là 20
năm tù, tù chung thân, tử hình;
Trường hợp thứ hai, người bị buộc
tội có nhược điểm về thể chất mà không thể tự bào chữa, người có nhược điểm về
tâm thần hoặc là người dưới 18 tuổi.
Như vậy, khi xác định người bị buộc
tội, bị can, bị cáo thuộc một trong các trường hợp trên, thì cơ quan có thẩm
quyền tiến hành tố tụng phải yêu cầu hoặc đề nghị các tổ chức sau đây cử người
bào chữa cho họ:
+ Đoàn Luật sư phân công tổ chức
hành nghề luật sư cử người bào chữa;
+ Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà
nước cử Trợ giúp viên pháp lý, luật sư bào chữa cho người thuộc diện được trợ
giúp pháp lý;
+ Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt
Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận cử bào chữa viên nhân dân bào chữa
cho người bị buộc tội là thành viên của tổ chức mình.
Thời điểm người bào chữa tham gia
tố tụng từ khi khởi tố bị can. Trường hợp nếu bị bắt, tạm giữ thì người bào chữa
tham gia tố tụng từ khi người bị bắt có mặt tại trụ sở của Cơ quan điều tra, cơ
quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra hoặc từ khi có quyết
định tạm giữ. Trường hợp cần giữ bí mật điều tra đối với các tội phạm xâm phạm
an ninh quốc gia thì tham gia từ khi kết thúc điều tra.
Có
thể thấy sự tham gia bắt buộc của người bào chữa trong TTHS là một chế định
đầy tính nhân văn của BLTTHS. Quy định của luật về sự tham gia của người bào chữa
vào trong vụ án không phụ thuộc vào ý chí của bị can, bị cáo như là sự nhân đôi
bảo đảm quyền bào chữa cho người bị buộc tội.
Tuy nhiên, trong thực tiễn, khi áp dụng các quy định về chỉ định người
bào chữa như trên còn vướng mắc trong việc có hay không hủy bỏ việc thông báo
bào chữa chỉ định trong trường hợp bị can, bị cáo đã khỏi bệnh tâm thần, đủ khả
năng nhận thức hành vi?
Ví dụ cụ thể:
Nguyễn Văn A có hành vi dùng gậy gỗ đập phá làm hư hỏng 04
cánh cửa kính lên xuống tại 04 cánh hai bên sườn xe ô tô của anh Trần Văn B,
gây thiệt hại giá trị tài sản là 6 triệu đồng. Qúa trình xác minh xác định A có
bệnh án điều trị tại bệnh viện tâm thần. Cơ quan điều tra đã trưng cầu giám định
pháp y tâm thần kết luận: Trước, trong khi phạm tội đối tượng bị bệnh rối loạn
loại phân liệt. Đối tượng hạn chế khả năng nhận thức và điều khiển hành vi. Tại
thời điểm giám định đối tượng bị bệnh rối loạn loại phân liệt. Đối tượng mất khả
năng nhận thức và điều khiển hành vi.
Do khi phạm tội, đối
tượng chỉ bị hạn chế khả năng nhận thức và điều khiển hành vi, do vậy, vẫn phải
chịu trách nhiệm hình sự đối với hành vi của mình. Cơ quan điều tra đã khởi tố
vụ án, khởi tố bị can đối với A về tội Cố ý làm hư hỏng tài sản đồng thời làm
thủ tục chỉ định luật sư bào chữa để đảm bảo quyền lợi cho A. Mặt khác căn cứ
vào kết luận giám định pháp y về tâm thần của Viện pháp y tâm thần trung ương
xác định hiện A bị mất khả năng nhận thức và điều khiển hành vi, Viện kiểm sát
đã quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh đối với A.
Sau một thời gian
bắt buộc chữa bệnh, A khỏi bệnh. Tiến hành giám định tình trạng tâm thần của A
xác định A đã khỏi bệnh, đủ khả năng nhận thức và điều khiển hành vi.
Viện kiểm sát đã
quyết định đình chỉ thi hành biện pháp bắt buộc chữa bệnh, Cơ quan điều tra đã
quyết định phục hồi điều tra vụ án, phục hồi điều tra bị can để xử lý theo quy
định pháp luật.
Tuy nhiên, hiện có
nhiều quan điểm trái chiều trong việc có hay không hủy bỏ việc đăng ký bào chữa
đối với bị can?
Quan điểm thứ nhất:
Bị can đã khỏi bệnh, đủ khả năng nhận thức và điều khiển hành vi, không là người
có nhược điểm về tâm thần theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 76 BLHTTHS, nên
không thuộc trường hợp phải chỉ định người bào chữa. Do vậy, cần hủy bỏ việc
đăng ký bào chữa đối với bị can. Trường hợp này tương tự như việc áp dụng pháp
luật trong trường hợp người bị buộc tội dưới 18 tuổi nhưng tới thời điểm khởi tố,
truy tố, xét xử, người này đã đủ 18 tuổi thì trên tinh thần của Mục II. 2b Nghị
quyết 03/2004/NQ-HĐTP, sẽ không được coi là trường hợp bắt buộc phải có người
bào chữa.
Quan điểm thứ hai:
Mặc dù bị can đã khỏi bệnh, theo kết luận giám định pháp y về tâm thần xác định
bị can đủ khả năng nhận thức và điều khiển hành vi, nhưng cần thiết tiếp tục chỉ
định người bào chữa cho bị can, bởi:
Thứ nhất, tiếp tục
duy trì việc chỉ định bào chữa đối với bị can trong trường hợp này đảm bảo
nguyên tắc có lợi đối với bị can, là hoàn toàn phù hợp với nguyên tắc của BLHS
và TTHS.
Thứ hai, bị can là
người có tiền sử bệnh tâm thần, khi phạm tội bị can mắc bệnh tâm thần phân liệt,
làm hạn chế khả năng nhận thức và điều khiển hành vi, đủ căn cứ xác định bị can
là người có nhược điểm về tâm thần. Mặc dù hiện tại bị can đã khỏi bệnh, nhưng khi
phạm tội A là người có nhược điểm về tâm thần nên theo điểm b khoản 1 Điều 76
BLTTHS, A vẫn thuộc trường hợp được chỉ định bào chữa. Đồng thời, pháp luật
không quy định cụ thể người có nhược điểm về tâm thần đã khỏi bệnh thì phải hủy
bỏ việc đăng ký bào chữa.
Hơn nữa, theo quy
định tại Điều 78 khoản 7 BLTTHS, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng chỉ hủy
bỏ việc đăng ký bào chữa và thông báo cho người bào chữa, cơ sở giam giữ khi
thuộc một trong các trường hợp, đó là:
- Khi phát hiện
người bào chữa thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 72 của
BLTTHS (người bào chữa thuộc một trong các trường hợp không được bào chữa).
- Vi phạm pháp luật
khi tiến hành bào chữa.
Như vậy, không có
căn cứ ra thông báo hủy bỏ việc đăng ký bào chữa đối với A trong trường hợp
này.
Bản thân tôi thấy quan điểm
thứ hai là hợp tình, hợp lý. Nhưng với những phân tích trên, đề nghị Liên ngành
trung ương cần có hướng dẫn cụ thể về thủ tục tố tụng đối với người có nhược điểm
về tâm thần đã khỏi bệnh, đủ khả năng nhận thức và điều khiển hành vi, để vừa
đảm bảo tính nhân đạo, có lợi cho bị can, bị cáo, đồng thời đảm bảo tính thống
nhất khi áp dụng pháp luật./.
Nguyễn Hồng Ly – Kiểm sát viên VKSND quận Ngô Quyền