Một số kiến giải hoàn thiện pháp luật để đánh giá chứng cứ, xác định tội danh Giết người, Cố ý gây thương tích, Gây rối trật tự công cộng

Tóm tắt: Việc đánh giá chứng cứ, xác định chính xác tội danh trong nhóm tội xâm phạm tính mạng sức khỏe (Giết người, Cố ý gây thương tích) và một số tội danh liên quan (Gây rối trật tự công cộng) do hành vi vượt quá của các đồng phạm gây ra trong quá trình giải quyết các vụ án hình sự. Bài viết nêu lên một số trường hợp dễ nhầm lẫn trong quá trình định tội danh từ đó chỉ ra những khó khăn, vướng mắc, bất cập về quy định pháp luật; đồng thời đề xuất một số định hướng pháp luật giúp cho các cơ quan tiến hành tố tụng định tội danh chính xác, tránh tình trạng oan, sai, bỏ lọt tội phạm.

 

Từ khóa: Giết người, Cố ý gây thương tích, Gây rối trật tự công cộng, vượt quá của đồng phạm, kiến giải hoàn thiện pháp luật, Bộ luật Hình sự.

Hành vi của các nhóm đối tượng tụ tập đông người, sử dụng dao, kiếm, vũ khí hoặc các hung khí nguy hiểm khác tấn công lẫn nhau, gây huyên náo làm mất an ninh trật tự, làm tổn hại tính mạng, sức khỏe của người khác… đã xâm phạm đến những khách thể chung của nhóm tội phạm xâm phạm tính mạng, sức khỏe được Bộ luật Hình sự (BLHS) bảo vệ thông qua các quy định tại các Điều 123: tội Giết người (GN), Điều 134: tội Cố ý gây thương tích (CYGTT) và một số tội danh khác có liên quan thuộc nhóm tội xâm phạm trật tự công cộng được quy định tại Điều 318: tội Gây rối trật tự công cộng (GRTTCC). Một trong những đặc điểm chung của các tội danh trên là các đối tượng trong cùng vụ án, là đồng phạm, có những hành vi tương tự nhau, có hoặc không bàn bạc trước về hậu quả xẩy ra hoặc bỏ mặc hậu quả xảy ra... Để cá thể hóa hành vi phạm tội, cá thể hóa tội danh, hình phạt đối với từng trường hợp đồng phạm trong vụ án, đòi hỏi các cơ quan tố tụng và những người tiến hành tố tụng phải thu thập chứng cứ, đánh giá chính xác tội danh để không bị sai sót trong quá trình giải quyết vụ án hình sự.

Sau đây, chúng tôi nêu lên một số căn cứ phân biệt các dấu hiệu cơ bản giữa các tội danh GN, CYGTT, GRTTCC và một số chú ý trong trường hợp vượt quá của đồng phạm, dễ nhầm lẫn khi đánh giá chứng cứ xác định tội danh và đề xuất một số kiến giải hoàn thiện pháp luật, cụ thể:

1. Một số căn cứ cơ bản phân biệt các tội danh Giết người, Cố ý gây thương tích, Gây rối trật tự công cộng có đồng phạm.

Khi phân biệt những tội danh trên cần chú ý đến các dấu hiệu thuộc yếu tố cấu thành cơ bản:

Căn cứ

Tội Giết người

(Điều 123)

Tội CYGTT

(Điều 134)

Tội GRTTCC

(Điều 318)

Loại tội

Đặc biệt nghiêm trọng

Nghiêm trọng

Ít nghiêm trọng

Khách thể

Tính mạng, sức khỏe của con người

Tính mạng, sức khỏe của con người

Tính mạng, sức khỏe của con người. Sự hoạt động bình thường cơ quan, tổ chức, xã hội...

Hành vi khách quan

Hành vi hành động quyết liệt. Sử dụng vũ lực để tước đoạt tính mạng của người khác.

Hành vi hành động. Sử dụng vũ lực để gây tổn hại đến sức khỏe, tính mạng của người khác.

Có thể là hành vi hành động và không hành động. Có thể trực tiếp hoặc không trực tiếp gây thương tích cho người khác. Sử dụng vũ lực để tấn công gây huyên náo, làm mất an ninh trật tự, xâm hại đến tính mạng, sức khỏe của con người

Vị trí gây thương tích

Vùng trọng yếu của cơ thể quyết định sự tồn tại, tử vong của con người  như: đầu, cổ, gáy, ngực, bụng...

Có thể là vùng trọng yếu của cơ thể. Chủ yếu là các vùng không phải trọng yếu của cơ thể như: tổn thương ngoài phần thân không làm tổn thương hoặc tổn thương nhẹ các cơ quan nội tạng.

Không gây thương tích hoặc gây thương tích rất nhẹ ở những vị trí không nguy hiểm.

Tính chất hành vi phạm tội

Mức độ nguy hiểm do hành vi phạm tội gây ra cao nhất. Cường độ tấn công liên tục, nhanh, quyết liệt trong việc tước đoạt tính mạng của người khác.

Mức độ nguy hiểm do hành vi phạm tội gây ra cao. Cường độ tấn công có thể liên tục, nhanh nhưng không quyết liệt  như hành vi GN. Không mong tước đoạt tính mạng của người khác. Mong muốn làm tổn thương sức khỏe của người khác.

Mức độ nguy hiểm do hành vi phạm tội gây ra thấp nhất trong 3 tội danh. Việc tấn công gây tổn hại cho sức khỏe, tính mạng của người khác có thể có hoặc không có. Thông thường là những đồng phạm cùng tham gia đánh nhau nhưng thực hiện hành vi không hành động hoặc không gây tổn thương đến sức khỏe của người khác.

Hậu quả

- Chết người

- Gây tổn hại sức khỏe của người khác

- Gây tổn hại sức khỏe của người khác

- Chết người

- Gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự

- Gây tổn hại sức khỏe của người khác

- Chết người

Chủ thể

Cá nhân từ đủ 14 tuổi trở lên.

Cá nhân từ đủ 14 tuổi trở lên.

Cá nhân từ đủ 16 tuổi trở lên.

Lỗi

Cố ý trực tiếp

Cố ý trực tiếp, Cố ý gián tiếp

Cố ý trực tiếp, cố ý gián tiếp

2. Thực trạng đánh giá chứng cứ, xác định tội danh Giết người, Cố ý gây thương tích, Gây rối trật tự công cộng

2.1 Các trường hợp dễ nhầm lẫn tội danh

a) Nhầm lẫn giữa tội GN và tội CYGTT dẫn đến hậu quả chết người: Việc định tội danh trong trường hợp này thường khó, rất có thể nhầm lẫn cần chú ý việc chứng minh ý thức chủ quan, động cơ, mục đích của người thực hiện hành vi phạm tội. Hậu quả chết người là một trong những điều kiện quyết định việc xác định tội danh. Nhưng có phải trường hợp nào có hậu quả chết người đều là hành vi GN không? Việc xác định tội danh GN hay CGYTT chủ yếu phải dựa vào ý thức chủ quan của người thực hiện hành vi phạm tội (mong muốn tước đoạt tính mạng của người khác hay mong muốn làm tổn thương sức khỏe của người khác). Hậu quả chết người có thể là mong muốn hoặc không mong muốn của người thực hiện hành vi phạm tội. Có thể nói khái quát là hậu quả chết người là một trong những căn cứ quan trọng mang tính quyết định để xác định tội danh: khi sử dụng làm yếu tố định tội thì là tội GN, khi sử dụng làm tình tiết định khung tăng nặng thì là tội CYGTT.

Việc chứng minh ý thức chủ quan của người thực hiện hành vi phạm tội cũng gặp nhiều khó khăn, đặc biệt trong trường hợp người thực hiện hành vi phạm tội không thừa nhận có mục đích, động cơ GN. Đòi hỏi các cơ quan tố tụng phải chứng minh “ý thức chủ quan thông qua hành vi khách quan”. Dựa vào kết quả chứng minh này, cơ quan tố tụng sẽ quyết định hành vi của người phạm tội là GN hay CYGTT. Bên cạnh đó, khi định tội danh cũng cần chú ý một số yếu tố quan trọng khác góp phần quyết định việc xác định chính xác tội danh GN hay CGYTT là tư thế, vị trí, chiều hướng tác động, cường độ tấn công của hung khí lên cơ thể con người để gây ra hậu quả thương tích hoặc chết người[1].

Thực tiễn giải quyết các vụ án GN, CGYTT trong thời gian vừa qua cũng có nhiều ý kiến khác nhau về việc xác định “vùng nguy hiểm”, “vùng trọng yếu của cơ thể”[2]. Hiện nay, chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể về những khái niệm này nên còn có nhiều cách hiểu khác nhau. Tổng kết thực tiễn xét xử của Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC)[3] và Viện kiểm sát nhân dân tối cao (VKSNDTC)[4] có thể hiểu vùng trọng yếu của cơ thể là những vùng quan trọng, chủ yếu của cơ thể con người nếu bị tổn thương có thể quyết định việc tồn tại hoặc tử vong của con người. Những vùng này bao gồm các vị trí đầu, cổ, gáy (các thương tích làm tổn thương sọ, não, động mạch cảnh, đốt sống cổ...); ngực, lưng, bụng (các thương tích làm tổn thương tim, phổi hoặc cơ quan nội tạng khác); vùng hông, đùi trên (các thương tích làm tổn thương động mạch chủ...).

Nghiên cứu các Thông báo rút kinh nghiệm số 05/TB-VC1-HS ngày 13/02/2019 và số 06/TB-VC1-HS ngày 25/3/2019 của VKSNDTC thấy việc xác định tội danh CGYTT hay GN cần phải căn cứ vào các yếu tố: hung khí sử dụng, vị trí tấn công, tư thế, chiều hướng, cường độ tấn công, thái độ của người thực hiện tội phạm đối với hậu quả gây ra (tưởng chết bỏ đi hoặc tấn công cho đến khi không còn chống cự, bỏ mặc hậu quả). Vụ án Tạ Duy Hiển[5] cho thấy cách chứng minh ý thức chủ quan thông qua hành vi khách quan của người thực hiện hành vi phạm tội: bị cáo đứng trực diện, tấn công làm bị hại ngã, mất khả năng chống cự rồi lại tấn công vào vùng đầu, cổ bị hại với cường độ liên tiếp cho đến khi thấy bị hại nằm im (tưởng đã chết hoặc bỏ mặc không đưa bị hại đi cấp cứu) thì bị cáo mới dừng việc tấn công lại. Điều này cho thấy diễn biến hành vi khách quan mà bị cáo Hiển thực hiện đã thể hiện ý thức muốn tước đoạt tính mạng của người bị hại (không phụ thuộc vào hậu quả chết người). Cả hai Thông báo rút kinh nghiệm trên đều nêu về trường hợp phạm tội GN mà không căn cứ vào hậu quả chết người, chỉ cần người phạm tội sử dụng hung khí nguy hiểm, tấn công vào vùng trọng yếu có khả năng dẫn đến chết người là có dấu hiệu của tội GN (thuộc trường hợp phạm tội chưa đạt). Do đó, quá trình định tội danh cần lưu ý: khi có hậu quả chết người xảy ra thì việc xác định tội danh GN thường chính xác. Còn đối với các trường hợp hậu quả chết người chưa xảy ra, chỉ có hậu quả thương tích có thể nhẹ (khoản 2) hoặc rất nhẹ (khoản 1) của tội CYGTT thì việc chứng minh ý thức chủ quan thông qua hành vi khách quan là rất quan trọng. Chúng ta phải làm rõ diễn biến khách quan của hành vi phạm tội, xem xét lời khai của người phạm tội, người bị hại, người làm chứng một cách chi tiết, rồi đối chiếu với đặc điểm thương tích, xác định cơ chế hình thành thương tích của người bị hại để chứng minh ý thức chủ quan của người phạm tội.

Việc hiểu không chính xác tinh thần hướng dẫn của VKSNDTC đã dẫn đến một số sai sót trong nhận thức đánh giá chứng cứ: hành vi “sử dụng hung khí khí nguy hiểm tấn công vào vùng nguy hiểm là hành vi giết người” mà không cần quan tâm đến các yếu tố ý thức chủ quan của người phạm tội. Do đó, khi đánh giá chứng cứ xác định tội danh cần chú ý tránh những sai sót thường mắc phải:

Một là, xác định mục đích tấn công vào vùng trọng yếu không chính xác: trường hợp người phạm tội không mong muốn tước đoạt tính mạng của bị hại nhưng do quá trình ẩu đả hai bên cùng tấn công nhau, tư thế vị trí của các bên liên tục thay đổi do việc giằng co, vật lộn thì việc dùng hung khí nguy hiểm tấn công vào vùng trọng yếu (không nhằm vào vị trí này tấn công) dẫn đến hậu quả chết người hoặc thương tích nặng thì theo chúng tôi cần xác định đây là trường hợp phạm tội CYGTT (hậu quả chết người sẽ sử dụng là tình tiết tăng nặng định khung). Trường hợp này cần thận trọng xem xét chi tiết diễn biến hành vi tấn công, tư thế, vị trí của người phạm tội và bị hại để định tội danh chính xác.

Hai là, việc xác định tội danh chỉ dựa vào hung khí nguy hiểm, vùng trọng yếu nhưng không dựa vào yếu tố khác: trường hợp người phạm tội dùng que tre (dài khoảng 02m-03m, nhỏ dần về ngọn, dạng mềm) để tấn công bị hại trong tư thế, khoảng cách đứng xa 03m-04m gây thương tích vào cùng đầu mặt (vùng trọng yếu) của bị hại gây thương tích không lớn. Trường hợp này không nên hiểu một cách máy móc về cách xác định hung khí nguy hiểm[6] mà cần nghiên cứu kỹ diễn biến hành vi phạm tội, đối chiếu với khả năng gây nguy hiểm xảy ra trên thực tế với các văn bản pháp luật hướng dẫn để đánh giá chính xác tính chất, mức độ nguy hiểm do hành vi phạm tội gây ra.

b) Nhầm lẫn giữa hành vi CYGTT với hành vi GRTTCC

Tội CYGTT (Điều 134) và GRTTCC (Điều 318) là hai tội danh thuộc hai nhóm khác nhau. Tội CYGTT thuộc nhóm tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe còn tội GRTTCC thuộc nhóm tội xâm phạm trật tự công cộng. Hai tội danh này có hai nhóm khách thể bảo vệ khác nhau nhưng lại liên quan trực tiếp đến nhau. Thông thường các nhóm thực hiện hành vi phạm tội thuộc hai tội danh trên đều thuộc các vụ án có đông người tham gia. Tùy tính chất, mức độ hành vi phạm tội, vai trò của các đối tượng trong vụ án để phân hóa, cá thể từng hành vi của các đối tượng có thuộc trường hợp vượt quá của đồng phạm hay không hoặc giữa các nhóm đối tượng với nhau (nhóm của bị can, bị cáo và nhóm của bị hại) để xác định tội danh cụ thể. Khi định tội danh đối với nhóm hành vi này thường nhầm lẫn tội danh trong trường hợp sau:

Một là, xác định tội danh không chính xác trong trường hợp vượt quá của đồng phạm: Đây là trường hợp gây rối trật tự công cộng có hậu quả gây thương tích. Việc xác định tội danh trong trường hợp này đòi hỏi phải làm rõ sự  bàn bạc, thỏa thuận của các đối tượng cùng nhau thực hiện hành vi gây huyên náo, mất an ninh trật tự là mục đích chính hay việc thỏa thuận cùng nhau gây thương cho người khác. Nếu có thỏa thuận việc gây thương tích cho người khác thì hành vi của các đối tượng là đồng phạm tội CYGTT. Việc các đối tượng thống nhất đi đánh nhau, có thỏa thuận chỉ gây thương tích (đánh cảnh cáo) thì trong nhóm có đối tượng gây thương tích dẫn đến hậu quả chết người tùy từng trường hợp định tội danh GN hoặc CGYTT trong trường hợp vượt quá của đồng phạm (vượt quá hậu quả). Các đối tượng thỏa thuận đi đánh nhau nhưng không thực hiện được hành vi phạm tội do gặp phải sự cản trở của người khác nhưng những đối tượng còn lại không bị cản trở, vẫn gây thương tích cho người bị hại thì phải chịu trách nhiệm hình sự về tội CYGTT. Ngoài những đối tượn trực tiếp chuẩn bị hung khí, tham gia gây thương tích cho người bị hại còn những đối tượng khác cùng tham gia gây huyên náo trật tự công cộng, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự thì cần phải xử lý về tội GRTTCC.

Hai là, phân hóa vai trò người đồng phạm giúp sức với người thực hành trong trường hợp phạm tội chưa đạt: Cũng cần chú ý phân biệt giữa vai trò của các đồng phạm trong trường hợp chuẩn bị hung khí cho các đối tượng khác đi đánh nhau (khoản 6 Điều 134)[7] với trường hợp đồng phạm với vai trò là người thực hành chưa gây thương tích cho người khác (chịu chung hậu quả với người thực hành). Đây là trường hợp đồng phạm với vai trò giúp sức nhưng hành vi chưa gây hậu quả thương tích còn trường hợp các đồng phạm khác đã gây hậu quả thương tích rồi thì không xử lý theo khoản 6 Điều 134 mà xử lý theo khung, khoản mà các đồng phạm khác cùng thực hiện. Ví dụ: A cung cấp hung khí cho cả nhóm của mình đi đánh nhau nhưng trên đường đi bị cơ quan Công an phát hiện, ngăn chặn việc thực hiện hành vi phạm tội thì A bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 6 Điều 134 BLHS. Còn trường hợp đồng bọn của A đi đánh B gây thương tích cho B thì tùy theo tỷ lệ tổn thương của B thì A và đồng bọn sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội CYGTT.

Ba là, cá thể hóa hành vi phạm tội theo các nhóm đối tượng (nhóm bị hại, nhóm người phạm tội): Khi các đối tượng thuộc các nhóm đối tượng gây thương tích cho nhau thì tùy từng trường hợp các cơ quan tố tụng sẽ phân hóa vai trò, cá thể hóa hành vi của từng đối tượng để buộc các đối tượng phải chịu trách nhiệm về hậu quả do hành vi phạm tội gây ra. Thông thường nhóm đối tượng gây thương tích sẽ cùng chịu trách nhiệm hình sự về tội CYGTT với đồng phạm của mình trực tiếp hoặc tham gia gây thương tích cho người khác. Còn các đối tượng trong nhóm của người hại hoặc trong nhóm của đối tượng gây thương tích nhưng không phải là người giúp sức và trực tiếp hoặc tham gia gây thương tích cho người khác thì phải chịu trách nhiệm hình sự về tội GRTTCC. Trường hợp này sẽ xảy ra vấn đề bất hợp lý trong việc phân hóa vai trò giữa các đối tượng CYGTT (khoản 1 Điều 134) với các đối tượng (khoản 2 Điều 318 BLHS). So sánh quy định giữa hai điều luật Điều 134, Điều 318 BLHS thì tội CYGTT nặng hơn tội GRTTCC. Nhưng khi các đối tượng cùng một nhóm tham gia đánh nhau với nhóm khác, đối tượng sử dụng hung khí gây thương tích (khoản 1) lại chịu trách hiệm hình sự nhẹ hơn đối tượng sử dụng hung khí gây rối trật tự (khoản 2). Nếu người bị hại rút đơn thì người phạm tội được đình chỉ điều tra (khoản 1 Điều 134), còn khoản 2 Điều 318 chỉ được xem xét là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Như vậy, xét về khía cạnh tội phạm học và nguyên tắc có lợi cho người cho phạm tội thì khởi tố tội GRTTCC nhẹ hơn tội CYGTT, nhưng như trên đã phân tích cùng hành vi thì tội GRTTCC lại nặng hơn CYGTT. Thực tiễn còn có nhiều ý kiến trái chiều nhau trong trường hợp người phạm tội CYGTT (khoản 1 Điều 134) khi người bị hại rút đơn được đình chỉ điều tra thì có phải chịu trách nhiệm hình sự về tội GRTTCC (khoản 2 Điều 318) nữa hay không? Chúng tôi cho rằng: theo nguyên tắc một hành vi vi phạm chỉ bị xử lý một lần thì khi các đối tượng thực hiện một chuỗi hành vi phạm tội, đã thu hút các hành vi để xử lý theo tội danh CYGTT (nặng hơn) thì không xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự về tội GRTTCC (nhẹ hơn). Trường hợp người bị hại rút đơn yêu cầu khởi tố là tình tiết miễn truy cứu trách nhiệm hình sự (vẫn thuộc trường hợp có tội nhưng pháp luật trao quyền xử lý cho người bị hại, khi họ không yêu cầu khởi tố thì người phạm tội được hưởng quyền miễn trừ trách nhiệm hình sự) thì không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội GRTTCC.

c) Nhầm lẫn giữa hành vi can ngăn của người làm chứng với hành vi đồng phạm tham gia đánh nhau

Đây là trường hợp căn cứ vào ý thức chủ quan, hành vi khách quan của người liên quan trong vụ án để xác định tư cách tham gia tố tụng. Việc xác định ý thức chủ quan của những người đi cùng trong nhóm đối tượng đánh nhau gây thương tích rất quan trọng đặc biệt là trường hợp khi họ có thực hiện một số hành động chống trả cần thiết để can ngăn các đối tượng đánh nhau. Việc xác định chính xác hành vi nào là can ngăn, là tấn công gây thương tích đòi hỏi KSV phải nghiên cứu hồ sơ chi tiết, tỉ mỉ, hệ thống hóa chứng cứ rõ ràng để tránh bị sai sót trong quá trình giải quyết vụ án.

2.2 Các trường hợp loại trừ hoặc giảm nhẹ trách nhiệm hình sự

Trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng (Điều 136 BLHS): để các định chính xác người thực hiện hành vi tấn công gây thương tích cho người khác trong trường hợp này có cấu thành tội phạm hay không thì KSV cần chú ý xác định: ai là người tấn công trước; mức độ tấn công, hành vi chống trả có tương xứng với hành vi tấn công hay không để từ đó xác định có thuộc trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hay không. Để đảm bảo việc phân loại, đánh giá chứng cứ đối với những trường hợp này KSV cần tham gia hỏi, ghi lời khai của đối tượng, người bị hại, người làm chứng ngay từ đầu để nắm bắt chính xác diễn biến hành vi, triệt tiêu các mâu thuẫn một cách kịp thời. Đồng thời phải tiến hành trưng cầu giám định thương tích sớm để xác định hậu quả thương tích có phải chịu trách nhiệm hình sự hay không. Cần lưu ý, trường hợp thương tích nặng (từ 31% trở lên) thì dù hành vi thuộc trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng vẫn cấu thành tội phạm.

Trường hợp phạm tội trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh (Điều 135 BLHS): trường hợp này KSV cần chú ý các tài liệu chứng minh mối quan hệ nhân quả giữa hành vi phạm tội với nguyên nhân dẫn đến hành vi phạm tội. Có nhiều trường hợp người phạm tội bị tấn công trước, bị dồn nén, áp chế về tinh thần nên đã tấn công lại người bị hại. Khi người phạm tội bị kích động mạnh về tinh thần, gây thương tích cho người khác với hậu quả thương tích dưới 31% thì không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Còn với hậu quả thương tích trên 31% thì tương tự như trường hợp phạm tội do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng thì người phạm tội vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự.  

Việc đánh giá thế nào là “trạng thái tinh thần bị kích động mạnh”, sau khi BLHS năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 có hiệu lực thi hành đến nay chưa có hướng dẫn cụ thể, vẫn đang áp dụng tinh thần hướng dẫn của văn bản cũ.[8] Tùy từng trường hợp, người tiến hành tố tụng sẽ đánh giá trạng thái tinh thần của người phạm tội để xem xét là yếu tố định tội hay là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.

3. Những khó khăn, vướng mắc và kiến giải hoàn thiện pháp luật phục vụ cho việc đánh giá chứng cứ, xác định chính xác tội danh đối với nhóm tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe.

Quá trình giải quyết các vụ án CYGTT ở địa phương chúng tôi thấy có một số khó khăn, vướng mắc liên quan đến hoạt động giám định tư pháp, cụ thể:

Một là, Theo quy định của Luật giám định tư pháp thì việc giám định thương tích phải có bệnh nhân, không tiến hành giám định trên hồ sơ nên một số trường hợp tiến hành giám định chậm, người bị hại từ chối giám định vì nhiều lý do khác nhau thì không thể xử lý được đối với hành vi gây thương tích cho người khác đặc biệt là những trường hợp gây thương tích nặng. Việc người bị hại từ chối giám định thương tích hoặc vì lý do khách quan mà họ vắng mặt tại địa phương nơi cư trú, chưa thể tiến hành hoạt động giám định thương tích nên không thể xác định hậu quả thương tích của người bị hại đã dẫn đến tình trạng tạm đình chỉ giải quyết tin báo hoặc không thể khởi tố vụ án hình sự trong những trường hợp thương tích nặng. Đối với những trường hợp đã được điều trị tại cơ sở y tế, có hồ sơ bệnh án nhưng người bị hại cố tình vắng mặt, gây khó khăn cho việc điều tra, xử lý tội phạm thì cần sửa đổi bổ sung Luật giám định tư pháp theo hướng cho phép tiến hành giám định trên hồ sơ bệnh án trong một số trường hợp cần thiết (có thể liệt kê cụ thể từng trường hợp) để tránh việc bỏ lọt tội phạm.

Hai là, Theo hướng dẫn tại Thông tư 47/2013/TT-BYT ngày 31/12/2013 của Bộ Y tế về quy trình giám định tư pháp (Thông tư 47/2013) thì bên cạnh quyết định trưng cầu giám định các cơ quan tố tụng cần phải gửi các tài liệu kèm theo gồm Bản sao hợp pháp tất cả hồ sơ bệnh án liên quan đến thương tích cần giám định; Các hồ sơ về y tế có liên quan giám định pháp y; Biên bản lời khai của bị hại, nghi can, nhân chứng và trong trường hợp cần thiết, muốn giám định thương tích cho người bị hại sớm thì cơ quan điều tra phải gửi văn bản yêu cầu đề nghị cơ quan giám định. Hiện tại, bệnh viện và các cơ sở y tế điều trị chuyên khoa chỉ cung cấp hồ sơ bệnh án khi người bệnh đã xuất viện (hồ sơ do phòng hành chính tổng hợp cung cấp). Do đó, để tiến hành giám định được thương tích của người bị hại thì phải đợi họ điều trị khỏi thương tích, xuất viện mới có thể giám định được. Như vậy, một số trường hợp thương tích nặng, phải điều trị lâu dài (không tiên lượng được thời gian xuất viện) hoặc trường hợp thương tích không nặng, nhưng không thuộc trường hợp khởi tố theo yêu cầu của người bị hại (khoản 2, khoản 3) nhưng thời gian điều trị thương tích lâu (quá thời gian giải quyết tin báo tố giác tội phạm, vụ án) thì sẽ dẫn đến tình trạng tồn đọng tin báo; gây khó khăn, cản trở, kéo dài thời gian xử lý đối tượng phạm tội. Đồng thời nếu người bị hại từ chối giám định thương tích sẽ dẫn đến tình trạng bỏ lọt tội phạm.

Bên cạnh đó, việc cung cấp “biên bản ghi lời khai của bị hại, nghi can, nhân chứng” trong một số trường hợp là hợp lý. Cơ quan giám định là cơ quan chuyên môn tiến hành giám định độc lập trên cơ sở chuyên môn y tế mới đảm bảo tính khách quan khi thực hiện nhiệm vụ. Việc tham khảo tài liệu điều tra có các nội dung liên quan đến diễn biến hành vi phạm tội của các đối tượng chỉ trong trường hợp gặp khó khăn khi xác định cơ chế hình thành thương tích. Hiện tại tất cả các quy trình giám định ban hành kèm theo Thông tư 47/2013 đều quy định phải có những tài liệu gửi kèm như trên là bất cập, không cần thiết, làm ảnh hưởng đến bí mật điều tra vụ án - đây là những tài liệu tuyệt mật nếu lỡ bị rò rỉ thông tin sẽ gây khó khăn cho hoạt động điều tra. Do đó, cần phải sửa đổi các quy định này cho phù hợp với thực tiễn.

Việc cơ quan giám định yêu cầu cơ quan điều tra phải có Công văn yêu cầu giám định sớm trong một số trường hợp khi bệnh nhân chưa xuất viện là máy móc, đôi khi cản trở hoạt động điều tra. Việc điều trị bệnh nhân phải có bệnh án ghi lại quá trình điều trị hàng ngày, việc bệnh viện quy định chỉ cung cấp hồ sơ bệnh án khi bệnh nhân xuất viện là thủ tục hành chính thông thường nhưng với các cơ quan tố tụng, khi cần các cơ quan chức năng phối hợp cung cấp tài liệu để kịp thời xử lý đối tượng phạm tội mà cơ sở y tế vẫn không cung cấp tài liệu, chờ đến khi bệnh nhân xuất viện thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động xử lý hành vi vi phạm pháp luật. Cần xây dựng cơ chế phối hợp để đảm bảo việc cung cấp tài liệu phục vụ hoạt động giám định là nguồn chứng cứ quan trọng để cơ quan điều tra giải quyết vụ án hình sự.

Do đó, cần sửa đổi quy định tại Thông tư 47/2013 theo hướng: Hồ sơ giám định gồm... “biên bản ghi lời khai của bị hại, nghi can, nhân chứng khi cần thiết.” Bên cạnh đó, các cơ quan tố tụng cũng cần xây dựng Quy chế phối hợp với Trung tâm pháp y thuộc Sở y tế Hải Phòng để tiến hành giám định tư pháp kịp thời đối với những trường hợp cơ quan điều tra trưng cầu giám định để đảm bảo tiến độ điều tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật mà không phải đòi hỏi văn bản yêu cầu giám định sớm.

Ba là, Theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì Nghị quyết số 02/2003 hướng dẫn BLHS năm 1999 không còn hiệu lực pháp luật nhưng chưa có văn bản thay thế hướng dẫn cách xác định trường hợp “hậu quả nghiêm trọng” trong tội GRTTCC. BLHS hiện hành không quy định yếu tố gây “hậu quả nghiêm trọng” trong tội GRTTCC nữa mà quy định yếu tố gây “ảnh hưởng xấu” cho xã hội. Việc xác định thế nào là “ảnh hưởng xấu” tùy thuộc vào người tiến hành tố tụng. Có nhiều quan điểm về việc xác định yếu tố gây “ảnh hưởng xấu”. Quan điểm thứ nhất cho rằng: các quy định của BLHS hiện hành so với các quy định BLHS năm 1999, không chỉnh sửa lớn về cấu thành tội phạm đối với tội danh này, chỉ là sửa về câu từ nên vẫn có thể vận dụng các quy định tại Nghị quyết 02/2003 để xác định hậu quả của vụ án. Quan điểm thứ hai cho rằng: BLHS hiện hành quy định yếu tố gây “ảnh hưởng xấu” là nhẹ hơn các quy định tại Nghị quyết 02/2003 nên khi xử lý các đối tượng có hành vi gây rối chỉ cần xác định chính quyền địa phương làm rõ hậu quả phi vật chất này, xác định bằng văn bản ghi rõ “gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh, trật tự ở địa phương” là đủ căn cứ đẻ xác định yếu tố gây “ảnh hưởng xấu”. Liên ngành Trung ương cũng cần sớm có hướng dẫn chính thức về vấn đề này để tạo điều kiện cho các cơ quan tố tụng khi thực hiện nhiệm vụ.

Bốn là, Cần có hướng dẫn, giải thích về nguyên tắc đánh giá chứng cứ trong một só trường hợp cụ thể đối với hậu quả chung của vụ án đã được dùng để xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự với tội danh độc lập (vượt quá của đồng phạm) thì có dùng để làm căn cứ để xem xét truy cứu trách nhiệm sự về tội danh khác nữa hay không hoặc xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự của đồng phạm khác hay không? Ví dụ: hậu quả thương tích đã được dùng để xử lý hành vi CYGTT thì có được dùng hậu quả này để xác định làm hậu quả chung khi xử lý hành vi GRTTCC đối với chính người bị hại có hành vi gây rối không? Hoặc tương tự trong những trường hợp đối tượng đồng phạm trong cùng nhóm bị can có dấu hiệu vượt quá.

Việc phân loại, phân hóa vai trò đồng phạm trong vụ án GYGTT, GN, GRTTCC là rất khó. Tùy từng vụ án mà người tiến hành tố tụng đánh giá chứng cứ, xác định ý thức chủ quan của người phạm tội, để đánh giá sự vượt quá của đồng phạm. Đòi hỏi những người tiến hành tố tụng đặc biệt là những ĐTV, KSV cần phải có kỹ năng nghiệp vụ tốt, có trình độ chuyên môn tương đối đồng đều để xác định chính xác tội danh, phân hóa chính xác vai trò của các đồng phạm trong vụ án là cơ sở để đảm bảo tính đúng đắn của vụ án, tránh oan, sai, bỏ lọt tội phạm.

 

*Tài liệu tham khảo

1

Án lệ số 17/2018/AL về tình tiết “Có tính chất côn đồ” trong tội “Giết người” có đồng phạm có nêu: trường hợp thương tích bị tổn thương ở vùng đầu, cổ, ngực... được xác định là vùng trọng yếu của cơ thể

2

Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015 sửa đổi  bổ sung năm 2017;

3

Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015;

4

Nghị quyết số 04/HĐTP/NQ ngày 29/11/1986 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn BLHS năm 1985

5

Nghị quyết số 02/2003/NQ-HĐTP ngày 17/4/2003 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của BLHS

6

Thông tư 47/2013/TT-BYT ngày 31/12/2013 của Bộ Y tế hướng dẫn về quy trình giám định tư pháp

7

Thông báo rút kinh nghiệm số 05/TB-VC1-HS ngày 13/02/2019 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao

8

Thông báo rút kinh nghiệm số 06/TB-VC1-HS ngày 25/3/2019 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao

 

 

 

Ts. Nguyễn Thị Tuyết Nhung, Phó Viện trưởng

Viện kiểm sát nhân dân huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng



[1] Thông báo rút kinh nghiệm số 06/TB-VC1-HS ngày 25/3/2019 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao đối với vụ án Tạ Duy Hiển phạm tội CYGTT (thương tích làm giảm 23%) có nêu ... “Hiển hai tay cầm dao tiến thẳng và chém về phía bị hại, dùng chân đạp bị hại ngã nằm nghiêng trên sàn nhà... bị hại không còn khả năng chống đỡ, Hiển hai tay cầm dao chém liên tiếp 3 nhát với cường độ tấn công liên tục vào vùng đầu, cổ bị hại... thấy bị hại nằm im thì Hiển bỏ đi... đây là những vị trí trọng yếu trên cơ thể có khả năng dẫn đến chết người... Hậu quả bị hại bị 3 vết thương ở đầu, cổ trong đó có 1 vết thương thấu xương sọ...Mặc dù bị hại không chết nhưng với một chuỗi hành vi liên tiếp của Hiển thể hiện sự hung hãn, côn đồ, quyết liệt đã trực tiếp đe dọa tước đoạt tính mạng của bị hại... Hành vi của Hiển cấu thành tội GN”.

[2] Thông báo rút kinh nghiệm số 05/TB-VC1-HS ngày 13/02/2019 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao đối với vụ án Lê Bá Đang phạm tội CYGTT (thương tích làm giảm 77%) có nêu:“...dùng dao rựa là hung khí nguy hiểm chém nhiều nhát vào vùng đầu, mặt ... đây là vùng trọng yếu của cơ thể, trực tiếp xâm phạm đến tính mạng của người bị hại” thì hành vi này đã cấu thành tội GN;

[3] Án lệ số 17/2018/AL về tình tiết “Có tính chất côn đồ” trong tội “Giết người” có đồng phạm có nêu: trường hợp thương tích bị tổn thương ở vùng đầu, cổ, ngực... được xác định là vùng trọng yếu của cơ thể;

[4] Thông báo rút kinh nghiệm số 05/TB-VC1-HS ngày 13/02/2019 và Thông báo rút kinh nghiệm số 06/TB-VC1-HS ngày 25/3/2019 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao;

[5] Thông báo rút kinh nghiệm số 06/TB-VC1-HS ngày 25/3/2019 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao đối với vụ án Tạ Duy Hiển phạm tội CYGTT;

[6] Nghị quyết số 02/2003/NQ-HĐTP ngày 17/4/2003 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của BLHS - tiểu mục 2.1 và 2.2 mục 2 Phần I;

[7] Khoản 6 Điều 134 BLHS năm 2015: “Người nào chuẩn bị vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm, a-xít nguy hiểm, hóa chất  nguy hiểm hoặc thành lập hoặc tham gia nhóm tội phạm nhằm gây thương tích hoặc tổn hại sức khỏe cho người khác…”

[8] Nghị quyết số 04/HĐTP/NQ ngày 29/11/1986 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn BLHS năm 1985: “Tình trạng tinh thần bị kích động là tình trạng người phạm tội không hoàn toàn tự chủ, tự kiềm chế được hành vi phạm tội của mình. Nói chung, sự kích động mạnh đó phải là tức thời do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân gây nên sự phản ứng dẫn tới hành vi giết người. Nhưng cá biệt có trường hợp do hành vi trái pháp luật của nạn nhân có tính chất đè nén, áp bức tương đối nặng nề, lặp đi lặp lại, sự kích động  đó đã âm ỷ, kéo dài, đến thời điểm nào đó hành vi trái pháp luật của nạn nhân lại tiếp diễn làm cho người bị kích động không tự kiềm chế được; nếu tách riêng sự kích động mới này thì không coi là kích động mạnh, nhưng nếu xét cả quá trình phát triển của sự việc, thì lại được coi là mạnh hoặc rất mạnh (điểm b, mục 1 Chương 2);


Ứng dụng hỗ trợ nghiệp vụ
Tin tức
Thông tin cần biết
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1

Trang thông tin điện tử: VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG - Cơ quan chủ quản: VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO
Địa chỉ: Lô 18A, Lê Hồng Phong, Hải An, TP Hải Phòng - Điện thoại: 02253.838308 - Fax: 02253.839072 - Email: vp_haiphong@vks.gov.vn
Trưởng ban biên tập: Phó Viện trưởng Lưu Xuân Sang
Số giấy phép: 03/GP-STTTT do Sở Thông tin và Truyền thông TP Hải Phòng cấp ngày 17 tháng 10 năm 2017 (Giấy phép có giá trị 10 năm)
Bản quyền thuộc về VKSND TP Hải Phòng - Thiết kế bởi VNPT | Quản trị

Chung nhan Tin Nhiem Mang