Nhận thức áp dụng quy định của pháp luật về lãi, lãi suất khi kiểm sát giải quyết vụ án dân sự
Ngày
11/1/2019, Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao ban hành Nghị quyết số
01/2019/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật về lãi,
lãi suất, phạt vi phạm trong hợp đồng vay tài sản; lãi suất trung bình trên thị
trường; quyết định lãi, lãi suất trong bản án, quyết định của Tòa án. Nghị quyết có hiệu lực thi hành kể từ ngày
15/3/2019.
Nghị quyết này quy định cụ
thể các nội dung như: Áp dụng pháp luật về lãi, lãi suất trong hợp đồng vay tài
sản không phải là hợp đồng tín dụng; xác định lãi, lãi suất trong hợp đồng vay
tài sản không phải là hợp đồng tín dụng thuộc trường hợp áp dụng Bộ luật Dân sự
các năm 1995, 2005, 2015; xác định thời điểm xét xử sơ thẩm và thời gian chậm
trả; áp dụng pháp luật về lãi, lãi suất trong hợp đồng tín dụng; xác định lãi,
lãi suất trong hợp đồng tín dụng tại thời điểm xét xử sơ thẩm; xử lý thỏa thuận
về lãi, lãi suất cao hơn mức lãi, lãi suất được pháp luật quy định; điều chỉnh
lãi, lãi suất; xác định lãi suất trung bình quy định tại Điều 306 Luật Thương
mại năm 2005; xử lý việc không trả nợ đúng hạn trong hợp đồng vay tài sản;
quyết định lãi, lãi suất trong bản án, quyết định của Tòa án.
Kể từ thời
điểm Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP
ngày 11/01/2019 có hiệu lực và được đưa vào áp dụng, có những quy
định mới của Nghị quyết đã tạo nên cách hiểu, cách áp dụng khác nhau so với các
quy định về lãi suất tại thời điểm Bộ luật dân sự năm 1995, 2005 có hiệu lực
pháp luật. Thực tiễn, quá trình giải quyết án tại Phòng 9 Viện kiểm sát nhân
dân thành phố Hải Phòng đã gặp phải vụ án tranh chấp kiện đòi tài sản (kiện đòi
tiền vay) mà thời điểm hợp đồng vay tài sản có hiệu lực được kéo dài từ năm
2001 đến năm 2020. Vì thế, khi vận dụng quy định của pháp luật để giải quyết vụ
án, cụ thể là BLDS năm 2015 và Nghị quyết 01/2019/NĐ-CP ngày 11/01/2019, đã có
những quan điểm giải quyết khác nhau được đưa ra.
Quy định về lãi suất chậm trả theo Bộ Luật Dân sự năm
2015 và
hướng dẫn tại Nghị quyết 01/2019/NQ-HĐTP
Từ một vụ án cụ thể như sau:
* Theo đơn khởi kiện và
các bản tự khai của nguyên đơn trình bày trong quá trình giải quyết vụ án: Ngày 2/2/2001, bà Dương
Thị N có cho ông Nguyễn Khắc C vay số tiền 50.000.000 đồng; lãi suất cho vay
được hai bên thỏa thuận là 2,5%/tháng, hai bên không thỏa thuận về thời gian
trả nợ, chỉ thỏa thuận khi nào bà N có việc cần dùng tiền thì sẽ báo trước cho
ông C 02 tháng để ông thu xếp tiền trả cho bà N. Tính từ thời điểm bà N cho ông
C vay tiền (2/2/2001), ông C chưa lần nào trả tiền gốc và lãi cho bà N theo như
thỏa thuận. Do là quan hệ họ hàng, ruột thịt nên bà N cũng chưa lần nào đòi
tiền ông C. Đến năm 2003, do bà N thấy ông C có tiền nhưng không thực hiện việc
trả nợ nên bà đã yêu cầu ông C trả nợ như cam kết nhưng C bảo chưa có. Do các
bên có tranh chấp về việc đòi nợ và trả nợ nên đã đến UBND xã HT để giải quyết
dưới sự hòa giải của ông S là Phó trưởng công an xã. Tại buổi hòa giải, ông C
có thừa nhận việc vay nợ và trả trước cho bà N số tiền 5.000.000 đồng, số tiền
còn lại ông xin trả dần nhưng sau đó ông C không trả. Do vậy, bà N đã khởi kiện
yêu cầu Tòa án phải thanh toán cho bà số tiền nợ gốc và nợ lãi tính từ ngày
2/2/2001 cho đến thời điểm bà N khởi kiện tại Tòa án (tháng 6/2020). Số tiền 5.000.000đ
ông C đã trả, bà N yêu cầu được tính vào số tiền lãi của số tiền nợ gốc.
* Bị đơn là ông Nguyễn
Khắc C trình bày: Ông thừa nhận việc có vay nợ và viết giấy vay nợ với bà N
số tiền 50.000.000 đồng như trình bày của bà N tại nội dung đơn khởi kiện. Tuy
nhiên, sau quá trình vay từ năm 2001, ông C đã trả cho bà N số tiền 5.000.000 đồng
tại UBND xã HT, sau đó lần lượt là các số tiền 20.000.000 đồng, 25.000.000 đồng
vào những lần khác nhau khi bà N tới yêu cầu ông trả nợ. Tuy nhiên, ngoài lời
khai, ông C không cung cấp được tài liệu, chứng cứ nào cho Tòa án để chứng
minh.
Nay bà N có yêu cầu khởi kiện, buộc ông phải thanh toán số tiền nợ gốc,
nợ lãi, quan điểm của ông là không chấp nhận yêu cầu khởi kiện này. Ông đề nghị
Tòa án xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật và áp dụng thời hiệu đối với yêu cầu trả nợ
lãi của nguyên đơn.
* Bản án dân sự sơ thẩm
của Tòa án nhân dân huyện A đã tuyên xử: Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của bà N, buộc
ông C phải thanh toán cho bà N số tiền nợ gốc là 45.000.000 đồng (số tiền 5.000.000
đồng ông C đã trả trước đó được trừ vào số tiền nợ gốc). Đồng thời áp dụng quy
định tại Điều 427 BLDS năm 2005 và điểm b khoản 3 Điều 23 Nghị quyết 03/2012/NQ-HĐTP
ngày 3/12/2021 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, đình chỉ giải quyết
đối với yêu cầu trả số tiền nợ lãi phát sinh từ khoản nợ gốc do đã hết thời
hiệu khởi kiện.
Vụ
án sau khi được xét xử sơ thẩm, nguyên đơn trong vụ án đã có đơn kháng cáo. Tại
giai đoạn phúc thẩm của vụ án đã có nhiều quan điểm khác nhau về việc tính lãi
suất được đưa ra, cụ thể:
Quan điểm thứ 1: Cần áp dụng quy định tại Điều 427 BLDS năm 2005 và Điều 23 Nghị quyết
03/2012/NQ-HĐTP ngày 03/12/2012 để đình chỉ giải quyết lãi suất của khoản vay.
Điều
427 BLDS năm 2005 quy định: “Thời hiệu khởi kiện để yêu cầu Toà án giải quyết tranh
chấp hợp đồng dân sự là hai năm, kể từ ngày quyền và lợi ích hợp pháp của cá
nhân, pháp nhân, các chủ thể khác bị xâm phạm”.
Điểm b khoản 3 Điều 23 Nghị quyết số 03/2021/NQ-HĐTP ngày
03/12/2012 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao quy định: “ Đối với
tranh chấp dân sự phát sinh từ giao dịch dân sự (hợp đồng vay tài sản, ...), thì
giải quyết như sau:...b)
Đối với tranh chấp về quyền sở hữu tài sản, về đòi lại tài sản, đòi
lại quyền sử dụng đất do người khác quản lý, chiếm hữu thông qua giao
dịch dân sự thì không áp dụng thời hiệu khởi kiện. Ví dụ 1: Ngày 01-01-2008,
A cho B vay 500 triệu đồng, thời hạn vay là 1 năm. Đến ngày 01-01-2009, B không
trả tiền gốc và tiền lãi. Đến ngày 03-4-2011, A khởi kiện yêu cầu buộc B trả
lại khoản tiền gốc và tiền lãi. Đối với yêu cầu thanh toán khoản tiền lãi thì
Tòa án không giải quyết vì đã hết thời hiệu khởi kiện. Đối với yêu cầu thanh
toán khoản tiền gốc thì không áp dụng thời hiệu khởi kiện, Tòa án thụ lý giải
quyết theo thủ tục chung.”
Đồng thời áp dụng theo quy định tại Điều 157 BLDS về các
trường hợp được bắt đầu lại thời hiệu thì thời hiệu khởi kiện đối với vụ án
tranh chấp nêu trên được tính lại từ năm 2003 (thời điểm các bên thống nhất,
thỏa thuận lại khoản nợ vay tại UBND xã HT). Tính từ thời điểm năm 2003 đến năm
2020 (gần 20 năm sau, nguyên đơn là bà N mới có đơn khởi kiện) thì yêu cầu
thanh toán về khoản tiền lãi của bà N phải được xác định là đã hết thời hiệu
khởi kiện. Tòa án sẽ không xem xét và chấp nhận bất cứ một khoản tiền nợ lãi
nào phát sinh từ khoản vay, bà N sẽ chỉ được chấp nhận đối với khoản tiền nợ
gốc.
Quan điểm thứ 2: Cần phải áp dụng quy định tại Điều 469
BLDS năm 2015 và Hướng dẫn tại Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP ngày 11/1/2019 để
chấp nhận một phần lãi chậm trả cho nguyên đơn. Bởi hợp đồng vay tài sản giữa
nguyên đơn và bị đơn được xác định là không kỳ hạn, và thực tế cũng chưa kết
thúc cho đến thời điểm nguyên đơn có yêu cầu khởi kiện.
Điều 469 BLDS năm 2015 quy định: “1. Đối với hợp đồng vay không kỳ hạn và không có lãi
thì bên cho vay có quyền đòi lại tài sản và bên vay cũng có quyền trả nợ vào
bất cứ lúc nào, nhưng phải báo cho nhau biết trước một thời gian hợp lý, trừ
trường hợp có thỏa thuận khác. 2.
Đối với hợp đồng vay không kỳ hạn và có lãi thì bên cho vay có quyền đòi lại
tài sản bất cứ lúc nào, nhưng phải báo trước cho bên vay một thời gian hợp lý
và được trả lãi đến thời điểm nhận lại tài sản, còn bên vay cũng có quyền trả
lại tài sản bất cứ lúc nào và chỉ phải trả lãi cho đến thời điểm trả nợ, nhưng
cũng phải báo trước cho bên cho vay một thời gian hợp lý.”
Bản án sơ thẩm đã xác định thời hiệu khởi kiện đối với
khoản tiền lãi vay theo hợp đồng giữa hai bên đã hết và đình chỉ (không xem xét
giải quyết) đối với yêu cầu đòi số tiền nợ lãi được tính từ ngày 2/2/2001 cho
đến ngày nguyên đơn có yêu cầu khởi kiện là đúng quy định của pháp luật. Tuy
nhiên, hợp đồng vay tài sản giữa nguyên đơn và bị đơn được xác định là không có
kỳ hạn, và thời điểm nguyên đơn có yêu cầu khởi kiện, hợp đồng vay này vẫn được
xác định là chưa kết thúc. Vì vậy, ngoài việc bên cho có quyền đòi lại tài sản,
thì bên cho vay còn phải được trả một khoản tiền lãi cho đến thời điểm nhận tại
tài sản (theo đúng quy định tại khoản 2 Điều 469 BLDS).
Theo hướng dẫn tại điểm a khoản 3 Điều 6 Nghị quyết số
01/2019/NQ-HĐTP ngày 11/1/2019 thì: “...“Thời
gian chậm trả” ... được
xác định như sau: a)
Đối với hợp đồng vay không kỳ hạn thì thời gian chậm trả nợ gốc bắt đầu kể từ
ngày tiếp theo liền kề của ngày hết “thời gian hợp lý” đến thời điểm xét xử sơ
thẩm. “Thời gian hợp lý” quy định tại Điều 474 của Bộ luật
Dân sự năm 1995, Điều 477 của Bộ luật Dân sự năm 2005, Điều 469 của Bộ luật Dân sự năm 2015 do Tòa án căn cứ vào
từng trường hợp cụ thể để xem xét, quyết định nhưng không quá 03 tháng kể từ
ngày thông báo”.
Với việc
xác định hợp đồng vay tài sản được xác lập kể từ thời điểm năm 2001 cho đến năm
2020 (vẫn chưa kết thúc) và áp dụng quy định tại Điều 469 BLDS năm 2015, điểm a
khoản 3 Điều 6 Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP thì Tòa án vẫn cần phải xem xét và
chấp nhận cho nguyên đơn được hưởng một khoản
tiền lãi chậm trả tính từ ngày tiếp theo liền kề của ngày hết “thời gian hợp
lý” cho đến thời điểm xét xử sơ thẩm theo mức lãi suất quy định tại Điều 468
BLDS năm 2015. Khoảng “thời gian hợp lý” được xác định để tính lãi suất chậm
trả trong vụ án
trên là sau 02 tháng kể từ ngày
bị đơn nhận được thông báo thụ lý vụ án của Tòa án.
Như vậy, đối với khoản tiền nợ lãi của khoản vay nợ
trong vụ án trên, nếu chỉ áp dụng quy định tại BLDS năm 1995, 2005 và Nghị
quyết 03/2012/NQ-HĐTP ngày 3/12/2012 để giải quyết thì sẽ không được xem xét chấp
nhận trong trường hợp đã hết thời hiệu khởi kiện. Nhưng nếu áp dụng theo cả quy
định của BLDS năm 2015 và Hướng dẫn của Nghị quyết 01/2019/NQ-HĐTP ngày
01/11/2019 thì khoản tiền nợ lãi phát sinh từ khoản nợ gốc có thể xem xét được
chấp nhận một phần.
Theo quan điểm
của cá nhân tác giả bài viết, đối với vụ án tranh chấp ở trên, do được thụ lý
tại thời điểm năm 2020 nên cần áp dụng quan điểm thứ hai để giải quyết là hoàn
toàn hợp pháp và hợp lý. Tuy nhiên, cũng có không ít quan điểm vẫn bảo lưu và
áp dụng theo quy định tại Điều 162, Điều 427 BLDS năm 2005, Nghị quyết 03/2012/NQ-HĐTP
ngày 03/12/2012 để không chấp nhận khoản tiền nợ lãi khi thời hiệu khởi kiện đã
hết. Qua bài viết trao đổi, rất mong nhận được sự quan tâm, góp ý của các đồng
nghiệp để có thể đưa ra nhận thức, đánh giá, áp dụng các quy định pháp luật dân
sự một cách đúng đắn và hoàn thiện hơn.
Bùi Thị Yến Ngọc - Phòng 9 VKSND thành phố