Về tình tiết “xúi giục người chưa thành niên phạm tội” theo quy định tại điểm o Khoản 1 Điều 52 của Bộ luật hình sự
Điểm o khoản 1 Điều 52 của Bộ luật hình sự năm 2015 (BLHS năm 2015) quy định “Xúi giục người dưới 18 tuổi phạm tội” là một tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự. Đây là quy định được kế thừa từ BLHS năm 1999, tuy nhiên, đến nay, vẫn chưa có hướng dẫn áp dụng cụ thể, dẫn đến còn nhiều quan điểm khác nhau về cách hiểu và áp dụng trên thực tiễn. Trong khuôn khổ của bài viết này, tôi muốn đưa ra một nội dung còn thiếu thống nhất để cùng các đồng chí thảo luận.

Theo khoản 2 Điều 12 của BLHS năm 2015, người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng quy định tại 28 tội danh cụ thể của bộ luật này (Điều 123, 134, 141, 142, 143, 144, 150, 151, 168, 169, 170, 171, 173, 178, 248, 249, 250, 251, 252, 265, 266, 286, 287, 289, 290, 299, 303 và 304). Như vậy, người chưa đủ 16 tuổi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội mà BLHS quy định là tội phạm, nhưng nếu không thuộc phạm vi 28 tội danh nêu trên thì hành vi của họ cũng không cấu thành tội phạm. Trong trường hợp này, vấn đề đặt ra là đối tượng xúi giục, dụ dỗ, rủ rê, lôi kéo người chưa đủ 16 tuổi cùng thực hiện hành vi ngoài 28 tội danh này, có phải chịu tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “Xúi giục người dưới 18 tuổi phạm tội” theo quy định tại điểm o khoản 1 Điều 52 của BLHS năm 2015 hay không?

Ví dụ: A, B (đều đã trên 18 tuổi) cùng bàn bạc, thống nhất đi tìm xem nhà nào sơ hở để trộm cắp tài sản. A biết rõ C chưa đủ 16 tuổi nhưng thấy C có dáng người bé nhỏ, phù hợp với việc chui qua khoảng nhỏ, dễ đột nhập vào nhà người khác để trộm cắp tài sản nên A chủ động rủ rê, lôi kéo C tham gia và không nói cho B biết. Quá trình theo dõi nhà D, biết gia đình đi vắng, A rủ cả nhóm đến trộm cắp tài sản. A gọi điện bảo B đi đến từ phía cổng trước và đứng cảnh giới tại đây. Còn A cùng C chui qua hàng rào phía sau, đột nhập vào nhà, lén lút chiếm đoạt của D 01 máy tính xách tay, qua định giá có giá trị là 10.000.000 đồng. Sau khi hoàn thành việc trộm cắp, A gọi điện hẹn B rút về tập trung tại nhà A, lúc này B mới biết có C cùng tham gia. Do C dưới 16 tuổi nên không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Trộm cắp tài sản. Còn A, B đã bị khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử về tội Trộm cắp tài sản theo quy định tại khoản 1 Điều 173 BLHS. Về đường lối xử lý đối với A, hiện có 2 quan điểm khác nhau trong việc áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “Xúi giục người dưới 18 tuổi phạm tội” theo quy định tại điểm o khoản 1 Điều 52 của BLHS năm 2015.

Quan điểm thứ nhất cho rằng: Do hành vi của C không cấu thành tội phạm, nên A không phải chịu tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “Xúi giục người dưới 18 tuổi phạm tội” theo quy định tại điểm o khoản 1 Điều 52 của BLHS năm 2015. Bởi lẽ, như chính cách viết từ ngữ của điều luật này, hành vi của C phải đủ yếu tố cấu thành tội phạm cụ thể thì A mới phải chịu trách nhiệm về việc xúi giục C phạm tội và bị áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự này. Hơn nữa, theo nguyên tắc có lợi cho bị can, bị cáo, nếu còn cách hiểu khác nhau về điều luật, mà pháp luật chưa có quy định hoặc hướng dẫn cụ thể, thì không áp dụng tình tiết tăng nặng “Xúi giục người dưới 18 tuổi phạm tội” để không gây bất lợi hơn cho A.

 Quan điểm thứ hai cho rằng: BLHS quy định về các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự để tăng tính răn đe, có chính sách xử lý nghiêm khắc hơn đối với những trường hợp vi phạm nghiêm trọng hơn đáng kể. Có thể thấy, việc xúi giục, dụ dỗ, rủ rê, lôi kéo người dưới 16 tuổi thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật nói chung và các hành vi phạm tội nói riêng là nguy hiểm hơn hẳn trường hợp bình thường. Bởi lẽ, người ở độ tuổi này chưa phát triển đầy đủ về nhận thức, tâm, sinh lý…, dễ bị lôi kéo, kích động, khi nhận thức chưa thấu đáo, hành động có thể còn nông nổi, nguy hiểm hơn người đã trưởng thành. Vì vậy, đối tượng xúi giục dưới 16 tuổi thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, không chỉ tăng tính nguy hiểm cho khách thể bị xâm hại mà về lâu dài, còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển đúng đắn về nhận thức, tâm, sinh lý của các em, lôi kéo vào lối sống sai trái, khó giáo dục, sửa chữa… Thực tế, do sự xúi giục của đối tượng này, người dưới 16 tuổi đã thực hiện hành vi nguy hiểm đáng kể cho xã hội, khách thể do BLHS bảo vệ đã bị xâm hại, chỉ vì yếu tố nhân thân (độ tuổi), theo quy định nhân đạo của Pháp luật, hành vi đó mới không đủ yếu tố cấu thành tội phạm. Vì vậy, như trong ví dụ trên, cần đánh giá hành vi của A nguy hiểm hơn, đáng bị trừng trị nặng hơn so với B - là người không xúi giục C cùng thực hiện hành vi vi phạm. Để tăng cường tính răn đe và phòng ngừa chung, cần áp dụng tình tiết tăng nặng quy định tại điểm o khoản 1 Điều 52 của BLHS năm 2015 để nghiêm trị đối với A - người xúi giục C - người chưa thành niên thực hiện hành vi vi phạm này.

Ngoài ra, về mặt căn cứ, Toà án nhân dân tối cao đã hướng dẫn trong một trường hợp tương tự tại Công văn số 64/TANDTC-PC ngày 03/4/2019 như sau:

8. Trường hợp người thực hiện hành vi phạm tội trước không bị truy cứu trách nhiệm hình sự do chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự thì “người tiêu thụ tài sản biết rõ là do người khác phạm tội mà có” có bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có hay không?

Theo quy định tại Điều 323 của Bộ luật Hình sự về tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có thì: “1. Người nào không hứa hẹn trước mà chứa chấp, tiêu thụ tài sản biết rõ là do người khác phạm tội mà có, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm”. Theo hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 09/2011/TTLT-BCA-BQP-BTP-NHNNVN-VKSNDTC-TANDTC ngày 30-11-2011 của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng quy định của Bộ luật hình sự năm 1999 về tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có thì: “1.“Tài sản do người khác phạm tội mà có” là tài sản do người phạm tội có được trực tiếp từ việc thực hiện hành vi phạm tội (ví dụ: tài sản chiếm đoạt được, tham ô, nhận hối lộ...) hoặc do người phạm tội có được từ việc mua bán, đổi chác bằng tài sản có được trực tiếp từ việc họ thực hiện hành vi phạm tội (ví dụ: xe máy có được từ việc dùng tiền tham ô để mua); 2.“Biết rõ tài sản là do người khác phạm tội mà có” là có căn cứ chứng minh biết được tài sản có được trực tiếp từ người thực hiện hành vi phạm tội hoặc có được từ việc mua bán, đổi chác bằng tài sản có được trực tiếp từ người thực hiện hành vi phạm tội”.

Như vậy, theo quy định tại Điều 323 của Bộ luật Hình sự và hướng dẫn nêu trên thì mặt chủ quan của tội phạm này chỉ bắt buộc người có hành vi chứa chấp, tiêu thụ tài sản biết tài sản đó do người khác thực hiện hành vi phạm tội mà có, mà không buộc người tiêu thụ, chứa chấp phải biết rõ ai là người đã trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội để có được tài sản đó và họ đã bị xử lý hình sự hay chưa. Do vậy, trường hợp người thực hiện hành vi phạm tội trước không bị truy cứu trách nhiệm hình sự do chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự nhưng có đủ chứng cứ chứng minh được ý thức chủ quan của người có hành vi chứa chấp, tiêu thụ biết rõ các tài sản mà họ chứa chấp, tiêu thụ là do người khác phạm tội mà có thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có.”

Theo tinh thần của hướng dẫn trên, hoàn toàn có thể áp dụng tương tự để áp dụng tình tiết tăng nặng “Xúi giục người dưới 18 tuổi phạm tội” quy định tại điểm o khoản 1 Điều 52 của BLHS năm 2015 để nghiêm trị đối với A.

 Cá nhân người viết ủng hộ quan điểm xử lý thứ hai để đảm bảo đúng tinh thần của pháp luật là nghiêm trị với những kẻ xúi giục, dụ dỗ, rủ rê, lôi kéo người khác phạm tội, đặc biệt khi biết rõ người đó còn là trẻ em (chưa đủ 16 tuổi). Hơn nữa, việc xử lý như vậy cũng đảm bảo tính công bằng so với những trường hợp phạm tội khác tương tự nhưng không xúi giục, dụ dỗ, rủ rê, lôi kéo người chưa đủ 16 tuổi phạm tội.  

Trên đây là quan điểm cá nhân của người viết về vấn đề này, rất mong nhận được phản hồi của các đồng nghiệp để cùng trao đổi, nâng cao thêm nhận thức.

Đồng Thị Lan Anh – Phòng 7 VKSND thành phố Hải Phòng.


Ứng dụng hỗ trợ nghiệp vụ
Tin tức
Thông tin cần biết
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1

Trang thông tin điện tử: VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG - Cơ quan chủ quản: VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO
Địa chỉ: Lô 18A, Lê Hồng Phong, Hải An, TP Hải Phòng - Điện thoại: 02253.838308 - Fax: 02253.839072 - Email: vp_haiphong@vks.gov.vn
Trưởng ban biên tập: Phó Viện trưởng Lưu Xuân Sang
Số giấy phép: 03/GP-STTTT do Sở Thông tin và Truyền thông TP Hải Phòng cấp ngày 17 tháng 10 năm 2017 (Giấy phép có giá trị 10 năm)
Bản quyền thuộc về VKSND TP Hải Phòng - Thiết kế bởi VNPT | Quản trị

Chung nhan Tin Nhiem Mang