Xử lý hành chính đối với tài sản do phạm tội mà có trong vụ án khai thác tài nguyên trái phép
Tài sản do phạm tội mà có là những đồ vật, tiền có nguồn gốc được hình
thành từ việc trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội mà có hoặc có được do đổi
chác, mua bán những tài sản phạm tội, hoặc khoản tiền thu lời bất chính từ việc
phạm tội... Trong vụ án Vi phạm các quy định về khai thác tài nguyên việc xác định
tài sản do phạm tội mà có chính là khối lượng khoáng sản đã khai thác trái phép
(hậu quả của vụ án) và số tiền thu lời bất chính mà cá nhân, tổ chức, doanh
nghiệp thu được. Đây cũng là một trong những nguồn vật chứng quan trọng của vụ
án. Do đó, khi giải quyết vụ án hình sự, song song với việc xem xét truy cứu
trách nhiệm hình sự đối với cá nhân, pháp nhân có liên quan thì các cơ quan tố
tụng phải điều tra làm rõ khối lượng khoáng sản đã bị khai thác trái phép, trị
giá số khoáng sản này và lợi nhuận mà cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp có được từ
hoạt động khai thác tài nguyên trái phép để tịch thu hoặc bị truy thu để sung
quỹ nhà nước theo quy định tại Điều 48 Bộ luật Hình sự và Điều 107 Bộ luật Tố tụng
hình sự.
Ảnh minh họa: Công trường khai thác đá vôi tại huyệnThủy Nguyên, thành phố Hải Phòng
Theo Luật khoáng sản quy định: “chỉ được
tiến hành hoạt động khoáng sản khi được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền
cho phép” (Điều 4), “Tiến hành khai
thác khoáng sản theo Giấy phép khai thác khoáng sản; Thuê đất theo quy định của
pháp luật về đất đai phù hợp với dự án đầu tư khai thác khoáng sản, thiết kế mỏ
đã được phê duyệt” (Điều 55). Vì vậy, khi thực hiện hoạt động khai
thác tài nguyên, khoáng sản các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp phải đảm bảo đủ
các điều kiện: phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền - Ủy ban nhân dân
(UBND) cấp tỉnh cấp Giấy phép khai thác tài nguyên, khoáng sản (điều kiện cần);
phải được UBND cấp tỉnh cho thuê đất, kí hợp đồng thuê đất để khai thác tài
nguyên (điều kiện đủ) thì việc khai thác mới được coi là hợp pháp.
Quá trình giải quyết các vụ án Vi phạm các quy định về khai thác tài
nguyên chúng tôi thấy xuất hiện dạng vi phạm điển hình là các cá nhân, tổ chức,
doanh nghiệp chỉ thực hiện xin cấp giấy phép khai thác tài nguyên, khoáng sản của
UBND cấp tỉnh mà không hoặc chậm thực việc thuê đất của UBND cấp tỉnh để khai
thác tài nguyên; khai thác vượt quá giới hạn được cấp phép (quá trữ lượng, quá
mốc giới, không đúng phương thức theo hồ sơ thiết kế khai thác được phê duyệt …).
Trách nhiệm của các cơ quan tố tụng phải điều tra làm rõ các yếu tố cấu thành tội
phạm, việc xác định mối quan hệ nhân quả giữa hành vi phạm tội và hậu quả của vụ
án là rất quan trọng. Xác định chính xác hậu quả của vụ án (khối lượng khoáng sản
khai thác trái phép) vừa đảm bảo việc truy tố, xét xử đúng, có căn cứ, vừa đảm
bảo việc truy thu tài sản của nhà nước bị thất thoát.
Nghiên cứu kết quả giải quyết một số vụ án phạm tội Vi phạm các quy định
về khai thác tài nguyên (quy định tại Điều 227 Bộ luật Hình sự) trên địa bàn
thành phố Hải Phòng trong thời gian vừa qua, chúng tôi thấy có nhiều ý kiến
khác nhau giữa các cơ quan tố tụng khi đánh giá, xử lý đối với khối lượng
khoáng sản khai thác trái phép (hậu quả của vụ án) nên dẫn đến việc áp dụng
pháp luật không thống nhất, cụ thể:
Quan điểm thứ nhất cho rằng: đối với khối lượng khoáng sản khai thác trái
phép (khai thác quá trữ lượng cho phép, vượt quá ranh giới được cấp phép; hoặc
không thuê đất nhưng vẫn khai thác khoáng sản…) cần phải xác định khối lượng,
trị giá khoáng sản, số tiền thu lời bất chính để tịch thu sung quỹ nhà nước. Những
người theo quan điểm này cho rằng khối lượng khoáng sản khai thác trái phép là
hậu quả của vụ án, có mối quan hệ nhân quả trực tiếp với hành vi khai thác tài
nguyên trái phép thì phải áp dụng pháp luật hình sự và tố tụng hình sự để giải
quyết. Cần phải tịch thu hoặc truy thu trị giá tài sản này để sung quỹ nhà nước.
Trường hợp cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức
đã thực hiện một phần nghĩa vụ tài chính với nhà nước (đã nộp các khoản thuế,
phí trong quá trình khai thác) sẽ được đối trừ với số tiền thu lời bất chính để
xác định chính xác khoản tiền bị truy thu sung quỹ nhà nước. Còn các chi phí
khác (chi phí hợp lý) mà cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức đã bỏ ra để khai thác
tài nguyên trái phép không được đối trừ khi xác định số tiền thu lời bất chính.
Vì đây là cách thức thực hiện hành vi phạm tội nên các chi phí này đều bị coi
là trái pháp luật, không được khấu trừ trong khoản thu lợi bất chính từ việc
khai thác tài nguyên trái phép[1]. Chúng tôi đồng ý với quan
điểm này.
Quan điểm thứ hai cho rằng: khối lượng khoáng sản khai thác trái phép (trị
giá khoáng sản khai thác trái phép) phải được tịch thu, hoặc truy thu để sung
quỹ nhà nước giống như quan điểm thứ nhất. Tuy nhiên, khi xác định số tiền thu
lợi bất chính lại áp dụng cách tính khác so với quan điểm thứ nhất. Những người
theo quan điểm này cho rằng cần phải tính các chi phí hợp lý (chi phí thực tế)
mà cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức đã bỏ ra, đầu tư để khai thác khoáng sản trái
phép. Cần đối trừ những chi phí này khi xác định số tiền thu lời bất chính phải
truy thu. Đối với khối lượng khoáng sản khai thác trái phép (hậu quả của vụ án)
được xem xét để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với cá nhân là người quản lý,
chỉ đạo điều hành doanh nghiệp thực hiện hành vi phạm tội, áp dụng pháp luật
hình sự và tố tụng hình sự để truy thu khoản tiền thu lời bất chính. Cùng hậu
quả này, pháp nhân thương mại được loại trừ trách nhiệm hình sự (do hành vi phạm
tội của pháp nhân thương mại thực hiện trước thời điểm Bộ luật Hình sự năm 2015
có hiệu lực thi hành) đồng thời áp dụng pháp luật hành chính để xử lý và giao
trách nhiệm cho các cơ quan quản lý nhà nước (UBND hoặc Cơ quan Thuế) tính
toán, truy thu tiền thất thu của nhà nước trong vụ án hình sự[2]. Việc áp dụng pháp luật
hành chính để xử lý hậu quả của vụ án hình sự là không chính xác, gây khó khăn
cho hoạt động truy thu tài sản nhà nước bị thất thoát do tội phạm gây ra.
Thông qua việc giải quyết một số vụ án hình sự về tội Vi phạm quy định về
khai thác tài nguyên trên địa bàn thành phố Hải Phòng trong thời gian vừa qua
chúng tôi rút ra một số kinh nghiệm:
Một là, làm rõ tính hợp pháp trong việc khai thác tài nguyên, khoáng sản của
doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức: phải đối chiếu kết quả giám định, kết quả khám
nghiệm hiện trường với diện tích khai thác đã được cấp phép theo thiết kế đã được
phê duyệt trong Giấy phép khai thác tài nguyên, khoáng sản để xác định khối lượng
khoáng sản nào là hợp pháp, khối lượng khoáng sản nào là bất hợp pháp. Trên cơ
sở đó, đối chiếu với các tài liệu khác để xem xét các hành vi khách quan của tội
phạm cụ thể (Tội Trốn thuế hoặc tội Vi phạm các quy định về khai thác tài
nguyên) để có định hướng điều tra chính xác.
Hai là, cần phải xác định chính xác
mối quan hệ nhân quả giữa hành vi phạm tội với hậu quả của vụ án: xác định
chính xác khối lượng buộc tội để làm căn cứ xác định khung hình phạt, mức tiền
phải truy thu sung quỹ nhà nước. Xác định chính xác khối lượng tài nguyên
khoáng sản khai thác hợp pháp hoặc khai thác bất hợp pháp (hậu quả của vụ án)
giúp cho các cơ quan tố tụng lựa chọn hệ thống pháp luật, phương pháp, cách thức
xử lý đúng đắn. Trách nhiệm xử lý hành vi phạm tội thuộc về các cơ quan tư
pháp. Trách nhiệm xử lý các vi phạm hành chính thuộc về các cơ quan quản lý
hành chính nhà nước.
Ba là, áp dụng pháp luật chính xác:
Nếu hành vi khách quan đã đủ yếu tố cấu thành tội phạm hình sự thì áp dụng pháp
luật hình sự để giải quyết và ngược lại chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì
phải áp dụng pháp luật hành chính để xử lý các vi phạm.
Đối với những phần diện tích bất hợp pháp (vượt quá ranh giới được cấp
phép), không thực hiện đầy đủ các điều kiện khai thác (không xin cấp phép khai
thác hoặc không thuê đất để khai thác). Hành vi này khi thỏa mãn các dấu hiệu cấu
thành tội phạm hình sự (thu lời bất chính từ 100.000.000 đồng trở lên; trị giá
khoáng sản từ 500.000.000 đồng trở lên; gây tổn hại cho sức khỏe của người khác
từ 61% tổn thương cơ thể; đã bị xử phạt hành chính hoặc bị kết án chưa được xóa
mà còn vi phạm) thì khối lượng khoáng sản khai thác trái phép được xác định là
vật phạm pháp (hậu quả của vụ án trực tiếp do hành vi phạm tội gây ra). Hành vi
phạm tội và hậu quả của tội phạm phải bị xử lý theo các quy định của Bộ luật
Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự.
Đối với những doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đã thực hiện đủ các điều kiện
cần và điều kiện đủ nêu trên thì các cơ quan tố tụng phải xác định được phần diện
tích khai thác hợp pháp (đúng mốc giới khai thác đã được cấp phép) nhưng trữ lượng
khai thác lớn hơn so với trữ lượng khai thác đã báo cáo với cơ quan nhà nước có
thẩm quyền. Cần phải kiểm tra, đối chiếu phần khoáng sản khai thác hợp pháp, số
lượng khoáng sản thực tế khai thác với tài liệu do cơ quan Thuế cung cấp để xác
định việc thực hiện nghĩa vụ tài chính của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp
đã đúng, đầy đủ chưa. Nếu chưa đầy đủ thì cần phối hợp với cơ quan Thuế để tính
toán, truy thu đủ các khoản phí, thuế chưa thực hiện đúng. Trường hợp này áp dụng
pháp luật hành chính để giải quyết theo quy định pháp luật.
Thực tiễn giải quyết các vụ án hình sự về tội Vi phạm các quy định về
khai thác tài nguyên còn có nhận thức khác nhau giữa các cơ quan tố tụng về những
vấn đề nêu trên. Để thống nhất cách đánh giá chứng cứ, chống thất thu ngân sách
nhà nước chúng tôi đề xuất liên ngành trung ương cần có hướng dẫn cụ thể để
tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nêu trên./.
TS. Nguyễn Thị Tuyết
Nhung, Phó Trưởng Phòng 3
Viện kiểm
sát nhân dân thành phố Hải Phòng
[1] Quyết định kháng nghị phúc
thẩm hình sự số 29/QĐ-VC1-HS ngày 10/10/2022 của Viện kiểm sát nhân dân cấp cao
tại Hà Nội;
[2] Bản án phúc thẩm số
47/2023/HS-PT ngày 17/01/2023 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội;