Với nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, tình hình kinh tế - xã hội đã đạt được nhiều kết quả tích cực
Ngày 22/10/2015, Quốc hội khóa XIII tiếp tục chương trình kỳ họp thứ Mười. Các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016; kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2015; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2016.
Đại biểu Quốc hội Lương Văn Thành cùng các thành viên đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng
thảo luận ở tổ
Nhiều đại biểu bày tỏ sự nhất trí với Báo cáo về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ; cho rằng, với nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, tình hình kinh tế - xã hội đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tăng trưởng kinh tế được duy trì ở mức hợp lý và phục hồi khá cao. GDP năm 2015 ước đạt hơn 6,5%, cao nhất trong 5 năm qua, vượt kế hoạch đề ra (6,2%). Thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa tiếp tục được hoàn thiện và được xác định cụ thể hơn, từng bước thực thi có hiệu quả và tạo được sự đồng thuận trong xã hội.
Đánh giá tình hình từ nhiều địa phương, nhiều đại biểu đồng tình chủ trương để tập trung nguồn lực giải quyết những vấn đề bức xúc nhất của xã hội, tạo điều kiện cho địa phương, cơ sở chủ động trong lồng ghép các nguồn lực đầu tư trên địa bàn, nâng cao hiệu quả đầu tư, Chính phủ kiến nghị tổ chức lại việc đầu tư các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 - 2020 theo hướng gom thành hai Chương trình gồm Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.
Đối với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tập trung vào phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu trên địa bàn thôn, xã; phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân; vệ sinh, môi trường nông thôn; xây dựng đời sống văn hóa nông thôn; giữ vững an ninh, quốc phòng, trật tự xã hội nông thôn; nâng cao hiệu quả truyền thông, đào tạo đội ngũ cán bộ và tăng cường năng lực đánh giá, giám sát thực hiện chương trình... Một số đại biểu cho rằng, quy trình phân bổ và sử dụng ngân sách nhà nước thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia phải được kiểm soát chặt chẽ. Bên cạnh tăng cường phân cấp, phân quyền cho địa phương trong việc lựa chọn mục tiêu ưu tiên để thực hiện và phân bổ nguồn lực thực hiện chương trình, cần bảo đảm nguyên tắc kế hoạch thực hiện các mục tiêu của chương trình, kế hoạch phân bổ và sử dụng nguồn vốn phải được xây dựng và được cấp có thẩm quyền phê duyệt, xem xét quy hoạch các vùng sản xuất quy củ, hiện đại, tạo mạng lưới liên kết từ sản xuất, thu hoạch, tiêu thụ sản phẩm, nhất là đầu tư các sản phẩm đạt chất lượng, hiệu quả cao, có khả năng xuất khẩu mang lại hiệu quả kinh tế lớn.
Tại nhiều địa phương, một số đại biểu phản ánh, kết quả của một số chương trình còn chưa vững chắc, tính bền vững của chương trình chưa cao, cấp địa phương gặp khó khăn trong việc duy trì kết quả thực hiện của chương trình do thiếu kinh phí hoạt động khi chuyển sang hoạt động thường xuyên của ngành. Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững cần tiếp tục được quan tâm, tập trung hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng các huyện nghèo và xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo; đầu tư cơ sở hạ tầng các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc và miền núi, xã biên giới...
Nhiều đại biểu cho rằng, Báo cáo đánh giá chưa sâu về phát triển kinh tế. Kinh tế vĩ mô ổn định chưa thật sự vững chắc, kéo theo đó là nợ công tăng cao, áp lực trả nợ lớn, nợ xấu còn lớn và xử lý nợ xấu còn nhiều vướng mắc, cân đối ngân sách khó khăn... Bên cạnh đó, tỷ lệ đóng góp vào đầu tư toàn xã hội của các nguồn vốn ODA và FDI là rất lớn, yếu tố đó xác định việc phát triển kinh tế không bền vững... Mặc dù tỷ lệ nợ công vẫn trong giới hạn an toàn nhưng bội chi đang có xu hướng tăng, dẫn đến áp lực tăng nợ công. Có đại biểu kiến nghị cần phát hành sớm trái phiếu Chính phủ ra thị trường quốc tế với khối lượng 03 tỷ USD trong bối cảnh lãi suất còn thấp, nếu chần chừ lãi suất sẽ tăng cao hơn và ảnh hưởng đến khả năng trả nợ...
Bên cạnh yếu tố xây dựng môi trường văn hóa, khi nhìn nhận yếu tố con người, đội ngũ cán bộ mang tính quyết định trong quá trình phát triển bền vững, nhiều đại biểu nêu tình trạng chất lượng cán bộ không đạt yêu cầu như hiện nay, đặc biệt là công tác quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm cán bộ, tuyển dụng cán bộ... hiện nay chưa thật sự đáp ứng đòi hỏi của quá trình phát triển. Điều đó có thể thấy qua năng suất lao động, tính cạnh tranh của kinh tế nước ta thua kém rất nhiều so với nước láng giềng. Thời gian qua, chúng ta đã tiến hành công tác quy hoạch cán bộ, khắc phục tình trạng hình thức, từng bước đi vào nề nếp. Tuy nhiên, các đại biểu cho rằng, năng lực của cán bộ, trong đó có năng lực hoạch định chính sách và tổ chức thực hiện chính sách trong mọi lĩnh vực vẫn còn nhiều hạn chế.
Các đại biểu đề nghị báo cáo cần đánh giá một cách khách quan, toàn diện hơn về năng lực, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ công chức không chỉ trong bộ máy nhà nước mà cả hệ thống chính trị. Đánh giá về tình hình kinh tế - xã hội cần chỉ ra nguyên nhân, tập trung đánh giá sâu những yếu kém, có cái nhìn sâu sắc về thực trạng năng lực phẩm chất, chế độ trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, có như vậy đổi mới bộ máy mới là “bà đỡ” thúc đẩy sự phát triển của kinh tế - xã hội. Một số đại biểu đề nghị các bộ, ngành, địa phương kiên quyết xử lý các vấn đề bất hợp lý, nâng cao hiệu quả, hiệu lực bộ máy, thực hiện chính sách khoán toàn bộ chi tiêu cho từng cơ quan đơn vị...
HN (http://dbndhaiphong.gov.vn)