BÀI VIẾT TUYÊN TRUYỀN: PHÁT HUY VAI TRÒ CỦA VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TRONG THÚC ĐẨY PHÁT TRIỂN KINH TẾ TƯ NHÂN THEO TINH THẦN NGHỊ QUYẾT 66-NQ/TW NGÀY 30 THÁNG 4 NĂM 2025, NGHỊ QUYẾT 68-NQ/TW NGÀY 04 THÁNG 5 NĂM 2025 CỦA BỘ CHÍNH TRỊ
Lê Thị Thu Dung - Phó Viện trưởng VKSND thành phố Thủy Nguyên
MỞ ĐẦU
Trong
bối cảnh đất nước bước vào giai đoạn phát triển mới với yêu cầu cao về hoàn thiện
thể chế, cải cách tư pháp và nâng cao chất lượng thi hành pháp luật, Bộ Chính
trị đã ban hành Nghị quyết số 66-NQ/TW ngày 30/4/2025 về đổi mới công tác xây dựng
và thi hành pháp luật, và Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 04/5/2025 về phát triển
kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế. Hai Nghị quyết
mang tầm chiến lược này không chỉ xác lập định hướng lớn về thể chế và động lực
tăng trưởng, mà còn đặt ra yêu cầu đối với toàn bộ hệ thống chính trị, trong đó
có ngành Kiểm sát nhân dân trong việc đổi mới tư duy, phương thức hoạt động để
đồng hành cùng sự phát triển của đất nước. Trên tinh thần đó, việc phát huy vai
trò của Viện kiểm sát nhân dân trong thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân không
chỉ là trách nhiệm pháp lý, mà còn là yêu cầu chính trị nhằm bảo đảm môi trường
pháp lý ổn định, công bằng, góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển nhanh và
bền vững trong kỷ nguyên mới.
1.Kiểm sát chặt
chẽ, phòng ngừa và xử lý nghiêm minh tội phạm kinh tế
Trong quá
trình thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân, việc bảo đảm một môi trường kinh
doanh minh bạch, công bằng, không dung dưỡng các hành vi tiêu cực là yêu cầu then
chốt. Cùng với nhiệm vụ đồng hành và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các chủ
thể kinh tế, Viện kiểm sát nhân dân còn giữ vai trò nòng cốt trong đấu tranh,
phòng ngừa và xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực
kinh tế. Trên tinh thần đó, công tác kiểm sát chặt chẽ hoạt động khởi tố, điều
tra, truy tố tội phạm kinh tế tiếp tục được ngành Kiểm sát xác định là một
trong những nhiệm vụ trọng tâm, góp phần giữ vững kỷ cương pháp luật, tạo nền tảng
pháp lý vững chắc cho sự phát triển bền vững của khu vực kinh tế tư nhân.
Để bảo vệ môi trường kinh doanh
trong sạch, an toàn, năm 2024, VKSND các cấp đã thực hiện kiểm sát chặt chẽ
việc khởi tố và truy tố các tội phạm xâm
phạm trật tự quản lý kinh tế, sở hữu và môi trường cụ thể: đã khởi tố 38.217 vụ
án/41.467 bị can, tăng 817 vụ (2,1% so năm 2023), phát sinh nhiều tội phạm với
phương thức, thủ đoạn, hoạt động tinh vi, phạm tội có tổ chức, có sự cấu kết giữa
các đối tượng trong và ngoài nhà nước, liên quan đến các lĩnh vực tài chính,
ngân hàng, đấu thầu, đầu tư công, đất đai, tội phạm sử dụng công nghệ cao ngày
càng phức tạp và nghiêm trọng hơn. Tội phạm về tham nhũng, chức vụ: đã khởi tố
mới 1.038 vụ/2.811 bị can, tăng 91 vụ (9,6% so năm 2023). Các cơ quan chức năng
tiếp tục phát hiện, khởi tố, điều tra nhiều vụ án lớn, tính chất tội phạm đặc
biệt nghiêm trọng, phức tạp, nhiều vụ liên quan đến các bộ, ngành, địa phương,
có sự cấu kết chặt chẽ, tinh vi giữa cán bộ Nhà nước với các doanh nghiệp trong
các lĩnh vực quản lý đất đai, khai thác tài nguyên, khoáng sản, đầu tư xây dựng
cơ bản, kinh doanh điện, xăng dầu. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tố tụng kịp
thời áp dụng triệt để các biện pháp bảo đảm thu để thu hồi tài sản phục vụ thi
hành án[1].
Kết quả tích cực này đã góp phần thu hồi thu hồi hơn 117 nghìn tỷ
đồng (đạt tỷ lệ 51,46%), trong đó có nhiều vụ án thu hồi được 100% tài sản bị
chiếm đoạt, thiệt hại cho ngân sách nhà nước. Đây là minh chứng rõ nét cho quyết
tâm của Ngành trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, gian lận thương mại
và trốn thuế. Song song với đó, Ngành Kiểm sát đã đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi
số trong giám sát tư pháp, tận dụng sức mạnh
của trí tuệ nhân tạo nhằm nhận diện kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật.
Việc phối hợp chặt chẽ giữa VKSND, Bộ Công an và Tổng cục Thuế cũng được tăng
cường nhằm nâng cao hiệu quả phòng chống tội phạm kinh tế, đặc biệt là các hành
vi xuyên quốc gia. Cùng với đó, việc sắp xếp, sáp nhập các đơn vị cấp huyện về
cấp tỉnh đã góp phần xây dựng bộ máy kiểm sát tinh gọn, hoạt động hiệu lực và
hiệu quả hơn.
2.Tránh hình sự hóa
quan hệ kinh tế – Bảo vệ quyền tự do kinh doanh
Nhận thức
rõ tầm quan trọng của việc tạo dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, an toàn và
bình đẳng, Viện kiểm sát nhân dân các cấp đã chủ động phân loại, xử lý thận
trọng, linh hoạt các vụ việc dân sự và kinh tế, đặc biệt là những tranh chấp
phát sinh trong hoạt động sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp tư nhân. Việc
này nhằm tránh tình trạng hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự thuần túy,
bảo vệ quyền tự do kinh doanh chính đáng của tổ chức, cá nhân theo đúng tinh
thần Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị. Qua đó, ngành Kiểm sát không chỉ
góp phần củng cố niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp vào pháp luật, mà còn trực
tiếp bảo vệ sự phát triển lành mạnh của khu vực kinh tế tư nhân – một trong
những động lực quan trọng của nền kinh tế. Để tiếp tục phát huy vai trò trong
bảo vệ pháp chế và thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân, ngành Kiểm sát nhân dân
xác định rõ các nhiệm vụ trọng tâm cần tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả
trong thời gian tới.
Viện kiểm sát nhân dân các cấp đã thể hiện rõ vai trò
trong phòng ngừa hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự thuần túy và bảo vệ quyền
tự do kinh doanh chính đáng theo tinh thần Nghị quyết 68-NQ/TW. Thông qua việc
xử lý thận trọng các tranh chấp phát sinh trong hoạt động sản xuất – kinh
doanh, kiểm sát chặt chẽ việc thụ lý, giải quyết nguồn tin về tội phạm, ngành Kiểm sát đã ban hành 117.707 văn bản yêu cầu kiểm tra, xác minh, giải quyết; trực tiếp giải
quyết 01 nguồn tin về tội phạm; trực tiếp kiểm sát việc thụ lý, giải quyết 2.017 lượt tại Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một
số hoạt động điều tra, tăng 7,9%. Thông qua kiểm sát, đã yêu cầu khởi tố 900 vụ án[2], tăng 26 vụ (3%); trực tiếp khởi tố
và yêu cầu điều tra 17 vụ; yêu cầu huỷ 15 quyết định khởi tố vụ án; hủy bỏ 80 quyết định không khởi tố vụ án, 37 quyết định khởi tố vụ án và 57 quyết định tạm đình chỉ không có căn cứ,
trái pháp luật; đồng thời, phát hiện nhiều vi phạm, đã ban hành 1.966 kiến nghị yêu cầu Cơ quan điều tra, cơ quan được giao
nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra khắc phục vi phạm pháp luật trong
thụ lý, giải quyết nguồn tin về tội phạm, tăng
4,3%; đã ban hành 658 kiến nghị yêu cầu cơ
quan, tổ chức áp dụng biện pháp phòng ngừa tội phạm, tăng 4,1%; các kiến nghị đã được chấp nhận, thực hiện, đạt
tỷ lệ 98,7%. Để phòng ngừa thiếu sót, vi phạm trong công tác này,
đã tổng hợp và ban hành 270 thông báo rút kinh nghiệm[3].
Viện kiểm sát nhân dân đã thể hiện rõ vai trò chủ động
trong bảo vệ pháp chế, đồng thời tạo môi trường pháp lý ổn định, an toàn cho
hoạt động đầu tư, kinh doanh. Bằng việc xử lý thận trọng các tranh chấp kinh
tế, dân sự và tăng cường kiểm sát chặt chẽ hoạt động tư pháp, ngành Kiểm sát
góp phần ngăn ngừa hình sự hóa quan hệ dân sự, bảo vệ quyền tự do kinh doanh
chính đáng và thúc đẩy sự phát triển lành mạnh của khu vực kinh tế tư nhân.
3.Kiến nghị hoàn thiện chính sách – Tháo gỡ rào cản pháp lý cho kinh tế tư nhân
Quán triệt sâu sắc tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị
tại Nghị quyết số 66-NQ/TW ngày 30 tháng 4 năm 2025 về đổi mới công tác xây
dựng và thi hành pháp luật, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên
mới, ngành Kiểm sát nhân dân đã chủ động phát huy vai trò trong tham gia xây
dựng, hoàn thiện thể chế, nhất là trong lĩnh vực quản lý kinh tế. Trên cơ sở
thực tiễn kiểm sát và chức năng kiến nghị, Viện kiểm sát đã kịp thời phát hiện
những sơ hở, bất cập trong chính sách, pháp luật, từ đó đề xuất các giải pháp
tháo gỡ rào cản pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của khu vực
kinh tế tư nhân – một động lực quan trọng của nền kinh tế theo định hướng của
Đảng. Đồng thời, ngành Kiểm sát tăng cường phối hợp với các cơ quan quản lý nhà
nước, chú trọng kiểm soát quyền lực, bổ sung cơ chế ngăn chặn hành vi lạm
quyền, nhũng nhiễu doanh nghiệp từ một bộ phận cán bộ công quyền. Nhiều kiến
nghị, đề xuất có giá trị thực tiễn cao của Viện kiểm sát đã được Quốc hội tiếp
thu trong quá trình sửa đổi các đạo luật kinh tế, góp phần hoàn thiện hệ thống
pháp luật, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, bảo đảm kỷ cương, pháp chế
và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
4.Chuyển đổi số – Nâng cao hiệu quả kiểm sát
Để bắt nhịp với xu thế
phát triển khoa học – công nghệ và nâng cao hiệu quả hoạt động, ngành Kiểm sát
nhân dân đã tích cực triển khai chuyển đổi số theo tinh thần Nghị quyết số
57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ,
đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Trọng tâm là việc số hóa 100% hồ sơ
án kinh tế, giúp rút ngắn từ 10–20% thời gian xử lý vụ việc, đồng thời tăng
cường độ chính xác trong công tác quản lý và kiểm sát. Song hành với đó, Ngành
đã xây dựng cổng thông tin trực tuyến nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người dân dễ
dàng tra cứu quy định pháp luật và thực hiện quyền tố giác tội phạm, góp phần
nâng cao tính công khai, minh bạch và khả năng tiếp cận pháp luật của người
dân, doanh nghiệp trong kỷ nguyên số.
Cùng với chuyển đổi số,
Ngành cũng đẩy mạnh kiện toàn tổ chức theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.
Việc sáp nhập các đơn vị cấp huyện, giảm đầu mối cấp Vụ, phòng ban đã tạo điều
kiện hình thành bộ máy gọn nhẹ, có năng lực thích ứng cao, phù hợp với yêu cầu
đổi mới và hội nhập quốc tế.
Những bước đi nêu trên
là sự cụ thể hóa quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về xây dựng và hoàn thiện
Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Việc ứng dụng công nghệ số trong hoạt
động kiểm sát không chỉ nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật, bảo đảm quyền con
người, quyền công dân mà còn góp phần xây dựng môi trường pháp lý minh bạch,
thuận lợi hơn cho doanh nghiệp và người dân. Qua đó, khẳng định vai trò tiên
phong của ngành Kiểm sát trong công cuộc cải cách, hiện đại hóa nền tư pháp,
góp phần xây dựng xã hội dân chủ, công bằng, văn minh trong bối cảnh chuyển đổi
số toàn diện.
KẾT LUẬN:
Từ bốn trụ
cột chiến lược: Kiểm sát – Bảo vệ – Kiến
nghị – Chuyển đổi, Viện kiểm sát nhân dân tiếp tục khẳng định vai trò là
chỗ dựa pháp lý tin cậy, đồng hành cùng sự phát triển của khu vực kinh tế tư
nhân. Qua đó, ngành Kiểm sát không chỉ góp phần thực hiện thắng lợi các Nghị
quyết quan trọng của Đảng mà còn đồng hành cùng sự phát triển bền vững của nền
kinh tế của đất nước. Trong giai đoạn tiếp theo, Viện kiểm sát nhân dân cần chủ
động phối hợp với các hiệp hội doanh nghiệp để kịp thời nắm bắt, tháo gỡ các
vướng mắc pháp lý, nhất là trong quá trình giải quyết tranh chấp dân sự, kinh
tế phát sinh; nâng cao năng lực đội ngũ kiểm sát viên trong kiểm sát hoạt động
tư pháp liên quan đến pháp luật kinh tế, dân sự, thương mại quốc tế; đồng thời
đẩy mạnh công khai, minh bạch hoạt động kiểm sát nhằm phát huy vai trò giám sát
của Nhân dân, doanh nghiệp và toàn xã hội.
Tài liệu tham khảo
Bộ Chính trị (2024), Nghị quyết số
57-NQ/TW ngày 22 tháng 12 năm 2024 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ,
đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Bộ Chính trị (2025), Nghị quyết số
66-NQ/TW ngày 30 tháng 4 năm 2025 về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp
luật, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới.
Bộ Chính trị (2025), Nghị quyết số
68-NQ/TW ngày 04 tháng 5 năm 2025 về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một
động lực quan trọng của nền kinh tế.
Viện kiểm sát nhân dân tối cao (2024), Báo
cáo tổng kết công tác năm 2024 của ngành Kiểm sát nhân dân.
Tổng cục Thống kê (2024), Báo cáo kinh tế –
xã hội năm 2024.
[1] Viện kiểm sát nhân dân tối cao (2024), Báo cáo tổng kết công tác năm
2024 của ngành Kiểm sát nhân dân.
[2] Cơ
quan điều tra đã khởi tố 880 vụ, đạt tỷ lệ 97,8%.
[3] Viện kiểm sát nhân dân tối cao (2024), Báo cáo tổng kết công tác năm
2024 của ngành Kiểm sát nhân dân.