Kỹ năng kiểm sát việc xử lý tài sản là “dự án” trong thi hành án dân sự
Trong
thi hành án dân sự (THADS), tài sản là “dự án đầu tư” thường mang tính chất
pháp lý đặc thù, bao gồm nhiều yếu tố cấu thành như quyền sử dụng đất, tài sản
gắn liền với đất, quyền khai thác, vận hành dự án trong tương lai, các quyền
phát sinh từ hợp đồng… Do đặc điểm tổng hợp, tài sản dạng “dự án đầu tư” đặt ra
thách thức lớn trong quá trình xác minh, xử lý, định giá và tổ chức thi hành
án. Việc nhận diện dự án có phải là tài sản theo nghĩa của Bộ luật Dân sự, có
thể kê biên, xử lý hay không, đòi hỏi cán bộ kiểm sát cần có tư duy pháp lý tổng
hợp, kỹ năng kiểm tra, đối chiếu hồ sơ phức tạp và phối hợp chặt chẽ với các cơ
quan quản lý. Bài viết này tập trung phân tích kỹ năng kiểm sát cần thiết của
Kiểm sát viên trong quá trình xử lý tài sản là dự án đầu tư trong THADS, từ góc
độ pháp lý và thực tiễn áp dụng.
Về
mặt pháp lý, khoản 4 Điều 3 Luật Đầu tư năm 2020 quy định: “Dự án đầu tư là tập hợp đề xuất bỏ vốn trung hạn hoặc dài hạn để tiến
hành các hoạt động đầu tư kinh doanh trên địa bàn cụ thể, trong khoảng thời
gian xác định.”
Theo
định nghĩa này, “dự án đầu tư” được hiểu là một thực thể pháp lý có tính chất tổng
hợp và đa yếu tố, không đơn thuần là một tài sản hữu hình cụ thể. Một dự án có
thể bao gồm quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, giấy phép đầu tư, quyền
tài sản phát sinh từ hợp đồng kinh doanh và các yếu tố pháp lý khác. Do đó,
trong lĩnh vực thi hành án dân sự, việc xác định một dự án có phải là “tài sản” theo nghĩa có thể kê biên hay
không cần được xem xét kỹ lưỡng dựa trên từng thành phần pháp lý cấu thành và quyền
tài sản cụ thể có thể định giá và xử lý.
Cần khẳng định
rằng, dự án đầu tư không đương nhiên là
tài sản. Theo Điều 105 Bộ luật Dân sự năm 2015, tài sản bao gồm: vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản.
Trong khi đó, theo quy định tại Luật Đầu tư năm 2020, dự án đầu tư chỉ là tập hợp các đề xuất bỏ vốn để tiến
hành hoạt động kinh doanh – mang tính kế hoạch, chiến lược, chưa phải là
tài sản hiện hữu hay quyền tài sản đã được xác lập theo nghĩa pháp lý dân sự.
Do vậy, việc kê biên hoặc xử lý thi hành án đối với dự án đầu tư phải căn cứ
vào tình trạng pháp lý của dự án, mức độ xác định, khả năng chuyển nhượng, cũng
như hiện trạng của các tài sản thực tế đã hình thành từ dự án đó.
Về giá trị pháp lý của Giấy chứng nhận đăng ký đầu
tư trong thi hành án dân sự
Theo khoản 11
Điều 3 và Điều 37 Luật Đầu tư năm 2020, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư
(GCNĐKĐT) là văn bản hành chính do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp
để ghi nhận các thông tin về dự án đầu tư, mang tính chất thủ tục hành chính,
không phải là văn bản xác lập quyền sở hữu hay quyền tài sản của nhà đầu tư đối
với dự án. GCNĐKĐT thể hiện ý chí chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền
trong việc cho phép nhà đầu tư thực hiện một dự án nhất định, nhưng không tự
thân làm phát sinh quyền sở hữu hoặc quyền định đoạt đối với tài sản là dự án
đầu tư.
Dưới góc độ pháp
luật dân sự, theo Điều 105 Bộ luật Dân sự năm 2015, tài sản bao gồm vật,
tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản. Để một đối tượng được xác định
là tài sản trong thi hành án dân sự, thì đối tượng đó phải có giá trị
kinh tế thực tế, khả năng chuyển nhượng, định đoạt, và bị cưỡng chế thi hành
theo quy định pháp luật. GCNĐKĐT, do chỉ là văn bản hành chính, không
thuộc bất kỳ loại hình tài sản nào nêu trên, và không thể bị kê biên hay xử lý
thi hành án một cách độc lập.
Một vấn đề
thường gây nhầm lẫn trong thực tiễn là việc coi GCNĐKĐT như một loại
“giấy tờ tài sản”, trong khi thực chất, tài sản liên quan đến dự án
đầu tư – nếu có – phải được xác định thông qua quyền sử dụng đất, công
trình, máy móc thiết bị, hoặc quyền tài sản phát sinh từ các hợp đồng liên quan
đến việc triển khai dự án.
Trong đó, quyền
sử dụng đất được cấp để thực hiện dự án là một thành phần quan trọng
cần xem xét trong thi hành án dân sự. Tuy nhiên, giá trị và tính chất pháp lý
của quyền sử dụng đất này lại phụ thuộc vào phương thức giao đất hoặc
cho thuê đất của Nhà nước, cụ thể:
Trường
hợp thuê đất trả tiền một lần cho cả thời gian thuê: Nhà đầu tư được cấp Giấy chứng nhận quyền sử
dụng đất, có quyền chuyển nhượng, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất theo
quy định tại khoản 2 Điều 120 và điểm c khoản 1 Điều 33 Luật Đất đai năm 2024.
Trong trường hợp này, quyền sử dụng đất là tài sản thuộc sở
hữu của nhà đầu tư trong thời hạn thuê, có thể bị kê biên và xử lý để thi hành
án dân sự.
Trường
hợp thuê đất trả tiền hàng năm: Nhà đầu tư chỉ có quyền theo Điều 34 Luật đất đai năm 2024 về tài sản
gắn liền với đất và không có quyền chuyển nhượng, thế chấp, góp vốn
bằng quyền sử dụng đất, trong trường hợp này, quyền sử dụng đất không
được xem là tài sản có thể kê biên hoặc xử lý trong thi hành án dân
sự.
Vì vậy, khi kiểm
sát việc xác minh và xử lý tài sản là dự án đầu tư trong thi hành án dân sự,
cần đặc biệt lưu ý đến căn cứ pháp lý xác lập quyền sử dụng đất trong
từng trường hợp cụ thể, tránh việc đánh đồng toàn bộ quyền sử dụng đất
trong dự án đầu tư là tài sản có thể cưỡng chế. Đồng thời, phải tách bạch rõ
ràng giữa GCNĐKĐT với tài sản hình thành từ việc triển khai dự án,
để bảo đảm việc xác minh, kê biên, xử lý đúng đối tượng, đúng pháp luật.
Theo quy định tại Điều 115 Bộ luật Dân sự năm
2015 “Quyền tài sản là quyền trị giá được
bằng tiền, bao gồm quyền tài sản đối với đối tượng quyền sở hữu trí tuệ, quyền
sử dụng đất và các quyền tài sản khác”, như vậy quyền tài sản là các quyền
có thể được định giá bằng tiền và không gắn liền với nhân thân của chủ thể.
Phạm
vi của quyền tài sản rất rộng, bao gồm: quyền sử dụng đất, quyền khai thác tài
sản, quyền chuyển nhượng tài sản và quyền khai thác công trình hình thành từ dự
án đầu tư. Trên thực tiễn, nhiều dự án đầu tư đã hội tụ các đặc điểm này và có
thể trở thành tài sản có giá trị, là đối tượng thi hành án dân sự. Tuy nhiên, để
một dự án đầu tư được coi là quyền tài sản hợp pháp, đủ điều kiện để kê biên, xử
lý trong thi hành án, thì không chỉ dựa vào khả năng định giá bằng tiền, mà còn
phải đáp ứng các điều kiện pháp lý nhất định. Các điều kiện này được xác lập rõ
tại Điều 46 Luật Đầu tư năm 2020 – quy định về việc chuyển nhượng toàn bộ hoặc
một phần dự án đầu tư. Việc áp dụng các điều kiện này có ý nghĩa quan trọng
trong việc đánh giá tính hợp pháp và khả năng xử lý của dự án đầu tư trong thi
hành án dân sự. Cụ thể, các điều kiện được quy định tại khoản 1 Điều 46 Luật Đầu
tư 2020 có thể phân tích như sau:
Thứ nhất, dự án không
bị chấm dứt hoạt động theo quy định tại Điều 48 của Luật Đầu tư 2020. Điều này
cho thấy dự án vẫn đang tồn tại hợp pháp và còn khả năng khai thác, sinh lợi.
Đây là yếu tố cốt lõi để dự án có thể được xác định là quyền tài sản có giá trị
thực tế.
Thứ hai, nhà đầu tư
phải có quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất một cách hợp pháp. Việc sở
hữu hoặc sử dụng hợp pháp đối với đất đai và tài sản gắn liền với đất là cơ sở
để xác lập quyền tài sản theo pháp luật dân sự, đồng thời là điều kiện để xử lý
tài sản trong thi hành án mà không phát sinh tranh chấp quyền sở hữu.
Thứ ba, dự án không
được vi phạm các quy định của pháp luật chuyên ngành. Việc tuân thủ pháp luật
chuyên ngành (ví dụ như pháp luật về đất đai, xây dựng, môi trường, nhà ở…)
giúp bảo đảm tính hợp pháp và hiệu lực của dự án, hạn chế rủi ro bị tuyên vô hiệu
hoặc bị cơ quan có thẩm quyền thu hồi.
Thứ tư, dự án phải
có quyền chuyển nhượng hợp pháp theo quy định của pháp luật, đồng thời đủ điều
kiện quy định tại văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký
đầu tư hoặc theo quy định khác của pháp luật có liên quan (nếu có).
Đây
là những yếu tố mang tính quyết định, thể hiện dự án có đầy đủ tính pháp lý để
thực hiện giao dịch, định giá, chuyển nhượng và từ đó có thể trở thành đối tượng
kê biên, xử lý trong quá trình thi hành án dân sự. Từ những phân tích trên có
thể khẳng định: chỉ khi dự án đầu tư đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo khoản 1
Điều 46 Luật Đầu tư 2020, thì khi đó, dự án mới được coi là quyền tài sản hợp
pháp. Khi đã có căn cứ pháp lý xác lập tính hợp pháp và khả năng định giá, dự
án đầu tư có thể trở thành đối tượng kê biên, xử lý nhằm bảo đảm quyền lợi cho
người được thi hành án.
Về phân loại dự
án đầu tư dưới góc độ tài sản theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015
Việc
xác định đúng bản chất pháp lý của dự án đầu tư có ý nghĩa quan trọng trong
công tác thi hành án dân sự, đặc biệt là trong việc đánh giá tính hợp pháp, khả
năng xử lý và định giá của dự án. Để làm rõ vấn đề này, cần đối chiếu dự án đầu
tư với các loại tài sản được quy định tại Chương VII Bộ luật Dân sự năm 2015.
Việc phân loại đúng sẽ giúp xác định cơ sở pháp lý trong việc kê biên, xử lý hoặc
bảo vệ quyền lợi của các chủ thể liên quan trong quá trình thi hành án.
Thứ nhất, trong nhiều
trường hợp, dự án đầu tư có thể được xem là tài sản hình thành trong tương lai
theo quy định tại Điều 108 Bộ luật Dân sự. Cụ thể, điều này áp dụng đối với các
dự án mới được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, nhưng chưa được giao đất hoặc
chưa hình thành công trình trên đất. Do chưa xác lập được quyền sở hữu cụ thể đối
với bất kỳ loại tài sản hữu hình nào, nên dự án ở giai đoạn này chưa đủ điều kiện
để kê biên xử lý trong thi hành án dân sự. Việc kê biên loại tài sản này tiềm ẩn
nhiều rủi ro pháp lý, nhất là khi quyền tài sản chưa được hình thành một cách đầy
đủ và rõ ràng.
Thứ hai, trong trường
hợp dự án đã được giao đất, có công trình xây dựng và đã đăng ký quyền sử dụng
đất, thì dự án có thể được phân loại là bất động sản theo Điều 107 Bộ luật Dân
sự. Khi quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất đã được xác lập hợp pháp
và thuộc quyền sở hữu hoặc quản lý của người phải thi hành án, dự án hoàn toàn
có thể bị kê biên để đảm bảo thi hành nghĩa vụ dân sự. Điều này thể hiện tính ổn
định và giá trị hiện hữu của tài sản trong thi hành án.
Thứ ba, dưới góc độ
tài sản vô hình, một dự án đầu tư còn có thể được xác định là quyền tài sản
theo Điều 115 Bộ luật Dân sự. Cụ thể, đó là các quyền khai thác
công trình, quyền chuyển nhượng, hoặc các quyền thu lợi nhuận từ hoạt động của
dự án. Đây là các quyền có thể định giá được bằng tiền và có thể trở thành đối
tượng xử lý trong thi hành án nếu đủ điều kiện xác lập, chuyển nhượng, và không
bị hạn chế theo quy định pháp luật. Tuy nhiên, việc xử lý các quyền tài sản đòi
hỏi phải có sự đánh giá kỹ lưỡng về tính pháp lý, thời hạn khai thác và khả
năng chuyển nhượng thực tế.
Thứ tư, trong một số
trường hợp đặc biệt, dự án đầu tư còn có thể được xem là một vật đồng bộ theo
Điều 114 Bộ luật Dân sự. Điều này xảy ra khi dự án tích hợp nhiều thành phần
tài sản khác nhau như đất đai, nhà xưởng, máy móc, hệ thống kỹ thuật… có liên kết
chặt chẽ và cùng phục vụ một mục đích khai thác nhất định. Việc phân loại dự án
theo hướng này có ý nghĩa trong thi hành án ở chỗ: khi xử lý tài sản cần tiến
hành đồng bộ để bảo đảm giữ nguyên giá trị và công năng của dự án, tránh tình
trạng phân mảnh tài sản làm giảm giá trị khai thác hoặc gây khó khăn trong quá
trình thi hành.
Tóm
lại, việc phân loại dự án đầu tư theo các loại tài sản được quy định trong Bộ
luật Dân sự năm 2015 không chỉ là yêu cầu về mặt học thuật, mà còn là căn cứ
pháp lý thực tiễn quan trọng trong thi hành án dân sự. Tùy thuộc vào mức độ
hình thành, quyền sở hữu và khả năng khai thác của dự án, mà nó có thể được xác
định là tài sản hiện hữu, tài sản hình thành trong tương lai, quyền tài sản hoặc
vật đồng bộ – mỗi loại lại kéo theo những hệ quả pháp lý khác nhau trong xử lý,
kê biên và bảo đảm thi hành án.
Dự
án đầu tư, trong một số điều kiện nhất định, có thể được xác định là tài sản
trong thi hành án dân sự với tính chất pháp lý đặc thù và phức tạp, chịu sự điều
chỉnh của nhiều hệ thống pháp luật khác nhau. Do đó, để kiểm sát hiệu quả việc
xác minh và xử lý loại tài sản này, kiểm sát viên cần trang bị các kỹ năng
chuyên môn cần thiết, bao gồm khả năng đánh giá pháp lý, phân tích quan hệ tài
sản và nhận diện vi phạm trong quá trình thi hành án. Phần
này, sẽ tập trung phân tích và làm rõ các kỹ năng kiểm sát thiết yếu mà Kiểm
sát viên cần có để thực hiện tốt công tác xác minh và xử lý tài sản là dự án đầu
tư trong thi hành án dân sự.
Về kỹ năng đánh
giá tính chất pháp lý của dự án đầu tư
Đánh giá tình
trạng pháp lý của dự án: Kiểm sát
viên cẩn kiểm tra dự án có đủ điều kiện chuyển nhượng theo Điều 46 Luật Đầu tư
2020 hay không: có GCNĐKĐT hợp lệ, quyền sử dụng đất rõ ràng, nghĩa vụ tài
chính đã thực hiện, không vi phạm pháp luật chuyên ngành.
Phân tích mức
độ hình thành của tài sản: Dự án đã
hình thành tài sản gắn liền với đất hay chưa? Nếu chưa, có phải là tài sản hình
thành trong tương lai? Nếu đã hình thành, có đủ điều kiện xác lập quyền sở hữu
để xử lý không?
Về kỹ năng kiểm
sát hoạt động xác minh điều kiện thi hành án
Đối chiếu hồ
sơ pháp lý: Kiểm sát viên cần kiểm tra hồ sơ xác minh của Chấp hành viên với
các tài liệu như: Giấy chứng nhận đầu tư, quyền sử dụng đất, báo cáo tài chính,
biên bản làm việc với cơ quan chức năng…
Xác minh
thông tin qua cơ quan chuyên ngành: Chủ động yêu
cầu Cơ quan Thi hành án dân sự cung cấp thông tin từ: Sở Tài chính (sau khi sát
nhập Sở KH&ĐT và Sở Tài chính) về tình trạng pháp lý của dự án; Sở Nông
nghiệp và Môi trường (sau khi sát nhập Sở Nông nghiệp và Sở TN&MT) thông
tin đất đai, tài sản gắn liền với đất; Cơ quan thuế về nghĩa vụ tài chính, nợ
thuế; Cơ quan đăng ký kinh doanh (tư cách người thi hành án trong doanh nghiệp)…
Đánh giá khả năng
tổ chức thi hành: Trường hợp dự án đang triển khai
hoặc chưa hình thành tài sản, cần xem xét khả năng thi hành thực tế, tránh kê
biên hình thức gây bế tắc hoặc thiệt hại.
Kỹ năng phát hiện vi phạm, kiến nghị khắc phục
Trong
thực tiễn kiểm sát thi hành án dân sự, đối với các vụ việc liên quan đến tài sản
là dự án đầu tư, kiểm sát viên cần chủ động phát hiện và làm rõ các vi phạm thường
gặp, từ đó kịp thời đưa ra các kiến nghị khắc phục phù hợp. Một số dạng vi phạm
phổ biến có thể kể đến như: thực hiện thi hành án đối với dự án chưa đủ điều kiện
pháp lý; kê biên Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư như một loại tài sản hiện hữu;
thực hiện xác minh tài sản nhưng thiếu sự phối hợp liên ngành (giữa cơ quan thi
hành án, cơ quan đăng ký đầu tư, tài nguyên – môi trường...); tổ chức bán đấu
giá tài sản khi chưa hoàn thiện đầy đủ hồ sơ pháp lý của dự án hoặc chưa làm rõ
tình trạng quyền tài sản gắn liền với dự án.
Trước
các vi phạm đó, Kiểm sát viên cần vận dụng linh hoạt các hình thức kiến nghị kiểm
sát phù hợp như: yêu cầu tạm dừng thi hành án đối với tài sản chưa đủ điều kiện
xác lập quyền sở hữu hoặc quyền tài sản; kháng nghị hủy bỏ quyết định kê biên đối
với đối tượng không thuộc phạm vi thi hành án; đề nghị cơ quan thi hành án tiến
hành xác minh bổ sung về tình trạng pháp lý, tài chính của dự án; trong trường
hợp có vướng mắc phức tạp về pháp lý liên quan đến thẩm quyền hoặc cơ chế phối
hợp, cần chủ động kiến nghị Viện kiểm sát cấp trên hướng dẫn nghiệp vụ để xử lý
thống nhất.
Bên
cạnh đó, trong các vụ án lớn, giá trị thi hành cao, có nhiều bên liên quan hoặc
có dấu hiệu vi phạm pháp luật nghiêm trọng, cần đề xuất trực tiếp kiểm sát toàn
diện để đánh giá khách quan tình trạng pháp lý và hiện trạng tài sản của dự án,
làm cơ sở cho việc kiến nghị xử lý hoặc khởi tố khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật
hình sự.
Dự
án đầu tư không đương nhiên là tài sản có thể bị xử lý trong thi hành án dân sự.
Việc xác định dự án có thuộc diện kê biên, xử lý hay không phải dựa trên hệ thống
căn cứ pháp lý chặt chẽ, bao gồm: Luật Đầu tư năm 2020 (đặc biệt là các điều
khoản liên quan đến quyền, nghĩa vụ của nhà đầu tư và chuyển nhượng dự án – Điều
43, Điều 46); Bộ luật Dân sự năm 2015 (về tài sản, quyền tài sản, tài sản hình
thành trong tương lai); cùng với thực trạng pháp lý, tài chính và mức độ xác lập
quyền của từng dự án cụ thể.
Kiểm
sát viên trong quá trình kiểm sát thi hành án cần vận dụng đồng bộ kỹ năng
chuyên môn pháp lý, phối hợp hiệu quả với các cơ quan liên quan, đánh giá toàn
diện hồ sơ thi hành án và hiện trạng pháp lý của dự án để phát hiện, xử lý kịp
thời các vi phạm. Việc thi hành án chỉ được thực hiện khi người phải thi hành
án có quyền tài sản hợp pháp, rõ ràng, có khả năng chuyển nhượng và không thuộc
diện pháp luật cấm giao dịch. Chỉ khi đó, dự án đầu tư mới có thể được coi là
tài sản đủ điều kiện để kê biên, xử lý theo đúng quy định pháp luật thi hành án
dân sự.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Bộ luật Dân sự năm 2015 (số 91/2015/QH13), được Quốc hội thông qua ngày 24 tháng 11 năm 2015, có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2017.
- Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Luật Đầu tư năm 2020 (số 61/2020/QH14), được Quốc hội thông qua ngày 17 tháng 6 năm 2020, có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2021.
- Chính phủ. Nghị định số 31/2021/NĐ-CP ngày 26 tháng 3 năm 2021 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư.
- Chính phủ. Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18 tháng 7 năm 2015 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự, được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 33/2020/NĐ-CP ngày 17 tháng 3 năm 2020.
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Hướng dẫn số 16/HD-VKSTC ngày 11/7/2024 về kiểm sát việc xác minh điều kiện thi hành án dân sự.
- Tạp chí Nghề luật. Bài viết: "Bình luận những điểm mới của Luật đầu tư năm 2020", số 04/2021.
Lê Thị Thu Dung - Phó Viện trưởng VKSND thành phố Thủy Nguyên