Dân vận khéo trong công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn huyện Kiến Thụy

 

Thực hiện theo Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 03/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”; Chỉ thị số 30-CT/TW, ngày 05/02/2024 của Ban Bí thư về công tác tuyên truyền miệng trong tình hình mới; Nghị quyết số 09-NQ/HU, ngày 11/12/2023 của Huyện ủy về “Phương hướng, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện năm 2024”; Quy định số 14-QĐ/HU, ngày 10/3/2023 của Ban Thường vụ Huyện ủy về “Trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân”; Hướng dẫn số 10-HD/BDVHU ngày 22/01/2024 về thực hiện phong trào thi đua dân vận khéo năm 2024 của Ban Dân vận Huyện ủy Kiến Thụy. Ngày 30/9/2024 Chi bộ Viện kiểm sát nhân dân huyện Kiến Thụy đã tổ chức sinh hoạt chuyên đề quý III/2024, với nội dung: “Dân vận khéo trong công tác thực hành quyền Công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn huyện”. Dự và chỉ đạo buổi sinh hoạt chuyên đề có đồng chí Nguyễn Công Hoàng, Bí thư Chi bộ, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân huyện.

Tại buổi sinh hoạt, đồng chí Bí thư Chi bộ nêu rõ công tác Dân vận là một nhiệm vụ chính trị quan trọng của Đảng, là một đặc trưng chủ yếu trong hoạt động lãnh đạo của Đảng. Công tác dân vận không chỉ là vận động nhân dân thực hiện các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, mà còn là phương thức thu hút nhân dân vào việc hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách đó. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến công tác vận động quần chúng. Theo Người “Trong bầu trời, không gì quý bằng nhân dân”, dân là quý nhất, quan trọng nhất vì dân là gốc của nước, sức mạnh của quần chúng nhân dân sẽ được tăng lên gấp nhiều lần khi được tập hợp và cùng hướng tới một mục tiêu nhất định. Muốn vậy, Đảng cần phải làm thật tốt công tác dân vận, vì “Lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”. Công tác dân vận phải thông qua các hình thức cụ thể và thiết thực để vận động, thuyết phục, tổ chức Nhân dân, làm sao cho họ hiểu, đi theo cách mạng, tích cực và sẵn sàng xả thân vì nhiệm vụ cách mạng. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng để công tác dân vận đạt hiệu quả cao phải có các hình thức tiến hành vừa phong phú, vừa thiết thực để tập hợp được tất cả lực lượng của toàn thể Nhân dân. Trong đó, Đảng vừa phải tiến hành tốt các hình thức tuyên truyền, giáo dục, giác ngộ Nhân dân nhưng cũng phải tổ chức có hiệu quả các công tác trong thực tế để hướng dẫn, kiểm tra, giúp đỡ nhân dân, thông qua các tổ chức và phong trào cách mạng để tập hợp, đoàn kết và phát huy sức mạnh của toàn dân vào thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ cách mạng. Do đó công tác dân vận khéo là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược trong sự nghiệp cách mạng của Đảng, góp phần củng cố mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân.

anh tin bai

Đồng chí Phạm Thị Huyền – Kiểm sát viên trình bày nội dung Chuyên đề

Để làm rõ nội dung chuyên đề các đảng viên trong Chi bộ đã phân tích việc vận dụng “Công tác dân vận khéo” đối với từng lĩnh vực chuyên môn, nghiệp được Lãnh đạo phân công. Cụ thể 9 tháng đầu năm 2024, Viện kiểm sát nhân dân huyện Kiến Thụy tiếp 10 lượt công dân, trong đó người đứng đầu cấp ủy tiếp 02 Lượt công dân; nhận 21 đơn, gồm: 03 đơn khiếu nại, 13 đơn tố giác tội phạm, 03 đơn kiến nghị phản ánh, 02 đơn đề nghị. Đã phân loại xử lý 21 đơn (đạt 100%): Chuyển cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo quy định 18 đơn; Viện kiểm sát Kiến Thụy giải quyết 01 đơn khiếu nại, trả lời 01 đơn kiến nghị, lưu 01 đơn khiếu nại do đã chuyển đến Cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Các trường hợp giải quyết đều kịp thời, đúng quy định, không có đơn thư kéo dài. Chi bộ đã lãnh đạo đơn vị thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử 66 vụ án hình sự; kiểm sát giải quyết 169 vụ việc dân sự, 07 vụ kinh doanh thương mại và 19 việc xử lý hành chính tại Tòa án. Các vụ, việc, vụ án hình sự, dân sự, hành chính đều được thụ lý giải quyết kịp thời, đảm bảo đúng quy định của pháp luật, không có vụ, việc nào oan, sai hoặc Tòa án tuyên không phạm tội, không có vụ việc nào có dấu hiệu tiêu cực, chậm giải quyết hoặc kéo dài gây ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, của cơ quan tổ chức. Thông qua công tác kiểm sát, đã tạo điều kiện cho bị can, bị cáo và những người tham gia tố tụng thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của mình trong hoạt động tư pháp.

Chi bộ đã cử cán bộ tham mưu với UBND huyện Kiến Thụy và các cơ quan hữu quan thực hiện tốt việc tuyên truyền, đối thoại, cưỡng chế đối với các hộ dân xây dựng trái phép trên địa bàn huyện; phối hợp với UBMTTQ Việt Nam và Ban pháp chế HĐND huyện thực hiện kiểm sát trực tiếp việc tạm giữ, tạm giam, THA hình sự tại Nhà Tạm giữ - Công an huyện định kỳ theo quý; trực tiếp kiểm sát việc quản lý, giám sát, giáo dục người chấp hành án treo, thi hành hình phạt cải tạo không giam giữ tại cộng đồng đối với UBND xã, thị trấn trong huyện và Trực tiếp kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp tại Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an huyện Kiến Thụy. Trong quá trình tổ chức thi hành án dân sự, Kiểm sát viên phối hợp với Chấp hành viên áp dụng biện pháp vận động, thuyết phục cho các bên đương sự tự nguyện chấp hành thi hành án để đạt hiệu quả cao. 

Chi bộ Viện kiểm sát nhân dân huyện Kiến Thụy đã đẩy mạnh thực hiện phong trào “Dân vận khéo”, gắn với thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và phong trào xây dựng đội ngũ cán bộ kiểm sát “vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, công tâm và bản lĩnh, kỷ cương và trách nhiệm”. Nhờ vậy, mỗi cán bộ, kiểm sát viên đều ý thức được đây là một nhiệm vụ chính trị, từ đó có những hành động, việc làm thiết thực góp phần vào xây dựng mô hình “Dân vận khéo” tại đơn vị một cách hiệu quả. Căn cứ vào tình hình thực tiễn, cũng như nội dung từng vụ án, các Kiểm sát viên lựa chọn lồng ghép nội dung pháp luật, biện pháp đấu tranh, chống vi phạm, tội phạm và giải pháp phòng ngừa tội phạm; đặc biệt là giải pháp phòng ngừa các loại tội phạm phổ biến như: trộm cắp, cướp giật, lừa đảo chiếm đoạt tài sản; ma tuý, xâm phạm danh dự, nhân phẩm, tính mạng, sức khoẻ của con người ... vào quá trình thực hành quyền công tố, kiểm sát giải quyết các vụ án hình sự. Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật phòng chống, đấu tranh tội phạm tới quần chúng nhân dân thông qua việc: hòa giải vấn đề dân sự trong quá trình giải quyết các tin báo tố giác tội phạm; vận động gia đình bị hại, người dân phối hợp với cơ quan chức năng khi khám nghiệm tử thi…Đặc biệt, với những vụ án hình sự xác định là án điểm được đưa ra điều tra, truy tố, xét xử nhanh nhằm mục đích phục vụ nhiệm vụ công tác đấu tranh, phòng, chống vi phạm, tội phạm. Khi chuẩn bị bản cáo trạng và bản luận tội, Kiểm sát viên đều phân tích rõ nguyên nhân, điều kiện phát sinh vi phạm, tội phạm như “một lời cảnh tỉnh” cho tất cả mọi người về nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật, cách ứng xử của mỗi công dân trước pháp luật và trách nhiệm của xã hội, của cơ quan, tổ chức, gia đình, nhà trường... trong công tác quản lý, giáo dục con, em mình, góp phần tăng cường hiểu biết pháp luật, ứng xử theo pháp luật trong đời sống, sinh hoạt và đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Ngoài ra khi làm việc với người dân, các đương sự, các cán bộ, Kiểm sát viên Viện kiểm sát huyện luôn thể hiện tác phong và ứng xử văn hóa, hướng dẫn, giải thích cặn kẽ về đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, từ đó đã tạo lòng tin của người dân, các đương sự, cũng như nâng cao được vị trí, vai trò của cán bộ ngành Kiểm sát.

Phát biểu kết luận, đồng chí Nguyễn Công Hoàng - Bí thư Chi bộ đánh giá cao việc chuẩn bị và chất lượng của chuyên đề, đồng thời yêu cầu các đảng viên trong Chi bộ tiếp tục phát huy, vận dụng tốt hơn nữa công tác “Dân vận khéo” trong từng khâu công tác, đặc biệt trong công tác tiếp công dân.

                 Phạm Thị Huyền - VKSND huyện Kiến Thụy

 

 

    

 

 

 

 

 


Ứng dụng hỗ trợ nghiệp vụ
Tin tức
Thông tin cần biết
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1

Trang thông tin điện tử: VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG - Cơ quan chủ quản: VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO
Địa chỉ: Lô 18A, Lê Hồng Phong, Hải An, TP Hải Phòng - Điện thoại: 02253.838308 - Fax: 02253.839072 - Email: vp_haiphong@vks.gov.vn
Trưởng ban biên tập: Phó Viện trưởng Lưu Xuân Sang
Số giấy phép: 03/GP-STTTT do Sở Thông tin và Truyền thông TP Hải Phòng cấp ngày 17 tháng 10 năm 2017 (Giấy phép có giá trị 10 năm)
Bản quyền thuộc về VKSND TP Hải Phòng - Thiết kế bởi VNPT | Quản trị

Chung nhan Tin Nhiem Mang