Giải pháp nâng cao chất lượng công tác kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết tin báo, tố giác tội phạm
Thực hiện các quy định của Bộ luật Tố tụng hình
sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2021, Thông tư liên tịch số 01/2017/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC
ngày 29/12/2017 và Thông tư liên tịch số 01/2021/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC
ngày 29/11/2021 của Bộ Công an - Bộ Quốc phòng - Bộ tài chính - Bộ Nông nghiệp
và phát triển nông thôn - Viện kiểm sát nhân dân tối cao về việc phối hợp giữa
các cơ quan có thẩm quyền trong thực hiện một số quy định của Bộ luật Tố tụng
hình sự về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi
tố. Trong thời gian qua, Viện kiểm sát nhân dân huyện Kiến Thụy đã chủ động,
tăng cường công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc tiếp nhận, giải
quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố của Cơ quan Cảnh sát
điều tra Công an huyện Kiến Thụy. Phối hợp chặt chẽ, kịp thời với Cơ quan Cảnh
sát điều tra Công an huyện, Đồn Biên phòng Đoàn Xá và các cơ quan, ban, ngành
có liên quan trên địa bàn huyện trong việc nắm bắt tình hình tội phạm, tiến
hành phân loại, giải quyết ngay từ ban đầu các tố giác, tin báo về tội phạm và
kiến nghị khởi tố; đặc biệt là việc phối hợp với Cơ quan điều tra hướng dẫn,
kiểm tra việc thực hiện hoạt động kiểm tra, xác minh sơ bộ tố giác, tin báo về
tội phạm của Công an xã. Từ đó, công tác
phòng, chống tội phạm trên địa bàn huyện đã có nhiều chuyển biến tích cực, không
để xảy ra các trường hợp oan, sai, bỏ lọt tội phạm, không có các trường hợp
khiếu nại, tố cáo kéo dài. Các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp đã
quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện hiệu quả, huy động được sức mạnh
của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia. Lực lượng chuyên trách đấu
tranh phòng, chống tội phạm, đặc biệt là lực lượng Công an cấp xã tiếp tục được
củng cố, kiện toàn, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; đầu tư trang bị, phương
tiện kỹ thuật từng bước đáp ứng yêu cầu công tác đấu tranh phòng, chống tội
phạm.
Tuy nhiên, công tác tiếp nhận, giải quyết tố
giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu về
cải cách tư pháp và công tác đấu tranh phòng chống tội phạm trong tình hình mới.
Một số cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, cơ quan, đơn vị chưa thực sự quan
tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát đến công tác đấu tranh phòng chống tội phạm và vi
phạm pháp luật; công tác phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng và các cơ
quan, đơn vị có liên quan trong một số vụ việc, một số thời điểm chưa tốt; việc
chấp hành các quy định về thủ tục tiếp nhận, phân loại, giải quyết tố giác, tin
báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố còn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra. Đặc
biệt, trong thời điểm hiện nay và trong thời gian tiếp theo, tình hình tội phạm
sẽ còn diễn biến phức tạp, một số tội phạm có xu hướng tăng, thủ đoạn phạm tội
mới, nguy hiểm hơn đặc biệt là tội phạm tham nhũng, tiêu cực, tín dụng đen, tội
phạm công nghệ cao; thành phần tội phạm đa dạng, xu hướng trẻ hóa.
Nhằm thực hiện tốt hơn nữa các quy định của pháp
luật, Chỉ thị số 01/CT-VKSTC ngày 18/12/2023 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao
và Nghị quyết số 111-NQ/BCSĐ ngày 28/12/2023 của Ban cán sự Đảng Viện kiểm sát
nhân dân tối cao; năm 2024 Cấp ủy Chi bộ, Viện kiểm sát nhân dân huyện Kiến
Thụy tích cực đổi mới, nâng cao chất lượng công tác thực hành quyền công tố,
kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố trên
địa bàn huyện. Trong đó, tập trung vào 03 nhiệm vụ trọng tâm như sau:
Thứ nhất: Cấp ủy Chi bộ, Viện kiểm
sát nhân dân huyện Kiến Thụy chủ động tham mưu với Thường trực Huyện ủy Kiến
Thụy xây dựng, ban hành Thông tri số 08-TT/HU ngày 14/10/2024 thay thế Thông
tri số 13-TTr/HU ngày 13/10/2014 về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng
đối với việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị
khởi tố trên địa bàn huyện Kiến Thụy. Trong đó nhấn mạnh các cấp ủy đảng, chính
quyền địa phương phải tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các Chỉ thị,
Nghị quyết của Đảng, các quy định của pháp luật đối với công tác phòng, chống
vi phạm pháp luật và tội phạm; tích cực tấn công, trấn áp tội phạm; tăng cường
sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền; phát huy sức mạnh của cả
hệ thống chính trị và toàn dân trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, trong đó
xác định công tác tiếp nhận, phân loại, giải quyết tố giác, tin báo về tội
phạm, kiến nghị khởi tố là nhiệm vụ quan trọng. Xác định rõ trách nhiệm của
người đứng đầu các cấp ủy đảng, chính quyền, cơ quan chuyên trách trong công
tác phòng, chống tội phạm. Phát huy vai trò giám sát của các cơ quan dân cử, Ủy
ban mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị xã hội đối với công tác
tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố; các cấp
ủy đảng, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp tăng cường chỉ đạo, kiểm
tra, giám sát công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến
nghị khởi tố. Các cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an xã, thị trấn và các cơ
quan, đơn vị có liên quan định kỳ báo cáo việc tiếp nhận, giải quyết tố giác,
tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố cho Viện kiểm sát nhân dân huyện; đồng
thời Viện kiểm sát nhân dân huyện có trách nhiệm báo cáo định kỳ tình hình tiếp
nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố về Thường trực
Huyện ủy.
Thứ hai: Viện kiểm sát nhân dân
huyện chủ động, tăng cường phối hợp với Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện,
Đồn Biên phòng Đoàn Xá, Cảnh sát biển, Thanh tra huyện, Công an cấp xã, Tòa án
nhân dân huyện và các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, các cơ quan, ban
ngành có liên quan kịp thời nắm bắt, phân loại, giải quyết tố giác, tin báo về
tội phạm và kiến nghị khởi tố. Chủ động xây dựng, ký kết các Quy chế phối hợp
liên ngành: Quy chế phối hợp số 01 ngày 05/02/2024 giữa Viện kiểm sát nhân dân -
Cơ quan Cảnh sát điều tra - Tòa án nhân dân huyện Kiến Thụy trong giải quyết
các vụ án hình sự; Quy chế phối hợp số 04 ngày 06/9/2024 giữa Viện kiểm sát
nhân dân và Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện trong công tác tiếp nhận,
phân loại, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố, công
tác kiểm tra, hướng dẫn việc thực hiện các hoạt động kiểm tra, xác minh tố
giác, tin báo về tội phạm của Công an cấp xã trên địa bàn huyện Kiến Thụy; Quy
chế phối hợp số 493 ngày 09/10/2024 giữa Viện kiểm sát nhân dân và Thanh tra
huyện Kiến Thụy trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp
luật; tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh và phòng
chống tham nhũng. Trong đó, đã cụ thể hóa các quy định của Bộ luật Tố tụng hình
sự, Thông tư liên tịch số 01/2017 ngày 29/12/2017 và Thông tư liên tịch số 01/2021
ngày 29/11/2021 về công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm,
kiến nghị khởi tố. Trong đó nhấn mạnh và nêu rõ: Đối với tố giác, tin báo về
tội phạm, kiến nghị khởi tố có tính chất phức tạp mà chưa rõ có dấu hiệu tội
phạm, dân sự, hành chính mà chưa thể phân loại ngay thì Cơ quan điều tra phải
trao đổi, thống nhất quan điểm giải quyết bằng văn bản với Viện kiểm sát nhân
dân huyện. Đối với các trường hợp bắt, giữ người thì Cơ quan điều tra, Cơ quan
được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra và Viện kiểm sát phải
tiến hành phân loại ngay để thống nhất đường lối xử lý. Đối với các tố giác,
tin báo về tội phạm không phải là hành vi phạm tội quả tang hoặc về hành vi có
tính chất ít nghiêm trọng thì theo đề nghị của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát
phối hợp với Cơ quan điều tra, Công an xã phân loại, giải quyết ban đầu. Liên
ngành Cơ quan Cảnh sát điều tra, Viện kiểm sát kiểm tra định kỳ và đột xuất đối
với Công an cấp xã. Đối với Cơ quan Thanh tra huyện, trong quá trình thực hiện
nhiệm vụ nếu phát hiện vụ việc có dấu hiệu tội phạm thì có trách nhiệm phối
hợp, trao đổi với Viện kiểm sát nhân dân huyện để thống nhất ban hành kiến nghị
khởi tố.
Thứ ba: Tăng cường chỉ đạo cán bộ,
Kiểm sát viên trong công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội
phạm, kiến nghị khởi tố; phân công đầu mối theo dõi việc tiếp nhận, giải quyết
và việc xây dựng báo cáo tình hình tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về
tội phạm, kiến nghị khởi tố của Cơ quan Cảnh sát điều tra, Cơ quan được giao
nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Thanh tra huyện, Công an cấp xã.
Đặc biệt, phân công cán bộ, Kiểm sát viên phụ trách địa bàn các xã, thị trấn
trong công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị
khởi tố, phải thường xuyên nắm bắt, yêu cầu hàng tháng Trưởng Công an các xã
báo cáo tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật ở địa phương cho Cơ quan Cảnh sát
điều tra và Viện kiểm sát nhân dân huyện Kiến Thụy.
Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân huyện Kiến Thụy kiểm tra, hướng dẫn
việc xác minh, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm của Công an xã
Trong thời gian tiếp theo, Viện kiểm sát nhân dân
huyện Kiến Thụy tiếp tục triển khai, thực hiện hiệu quả các quy định của pháp
luật; Chị thị, Nghị quyết của Đảng, các Thông tri, chỉ đạo của cấp ủy đảng,
chính quyền và các quy chế phối hợp đã ban hành. Phấn đấu 100% các tố giác, tin
báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố đều được phân loại, giải quyết kịp thời,
đúng quy định của pháp luật; góp phần giữ vững an ninh chính trị, bảo đảm trật
tự, an toàn xã hội, an ninh con người, an ninh kinh tế, an ninh mạng, xây dựng
xã hội trật tự, kỷ cương.
|
Phạm Quốc Việt - VKSND huyện Kiến Thụy
|