Thẩm quyền áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh trong giai đoạn giải quyết tố giác, tin báo tội phạm
Công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, đây là hoạt động mở đầu của quá trình giải quyết vụ án hình sự nhằm phát hiện hành vi phạm tội. Trên cơ sở tiếp nhận tin báo, tố giác, cơ quan có thẩm quyền xác định có dấu hiệu tội phạm hay không để quyết định việc khởi tố hoặc không khởi tố vụ án hình sự. Trách nhiệm của Viện kiểm sát trong công tác này là kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, bảo đảm việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo tội phạm của Cơ quan điều tra đúng pháp luật, đầy đủ; bảo đảm mọi tội phạm đều được phát hiện, khởi tố, điều tra và xử lý.
Ảnh minh họa
Vai trò của công tác giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm đã được quy định tại Điều 103 BLTTHS 2003, cụ thể hóa tại Thông tư liên tịch số 06 ngày 02/8/2013 và đã được pháp điển đầy đủ tại BLTTHS 2015. Tuy nhiên, còn nhiều vấn đề vướng mắc nảy sinh trong thực tiễn, như vấn đề thẩm quyền áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh đối với người bị tình nghi trong giai đoạn giải quyết tố giác, tin báo tội phạm. Vụ việc cụ thể sau đây là một ví dụ:
Vào khoảng 12 giờ 15 phút ngày 15/9/2016, Phạm Tiến H, sinh năm 1988, trú tại thôn Minh Kha, xã Đồng Thái, An Dương, Hải Phòng mang theo 01 con dao bầu đi bộ từ nhà ở cùng thôn sang nhà ông Lê Văn Q, sinh năm 1958, cũng ở thôn Minh Kha gây sự, chửi bới. Sau đó, H dùng con dao bầu mang theo đâm ông Q ba nhát. Hậu quả: Ông Q bị thương phải đi cấp cứu tại bệnh viện Việt – Tiệp.
Ngày 15/9/2016, bà Phạm Thị Y (vợ ông Q) đã làm đơn trình báo lên công an huyện An Dương yêu cầu giải quyết vụ việc.
Tại bản kết luận giám định pháp y số 494/2016/TgT ngày 05/12/2016 của Trung tâm pháp y Thành phố Hải Phòng kết luận: Tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể của nạn nhân Lê Văn Q do các thương tích gây nên là 13%.
Quá trình xác minh tin báo, Cơ quan điều tra phát hiện đối tượng Phạm Tiến H có biểu hiện không bình thường về nhận thức nên Cơ quan điều tra đã đưa Phạm Tiến H đi giám định pháp y tâm thần.
Tại bản kết luận giám định pháp y tâm thần của Viện pháp y tâm thần trung ương số 364/KLGĐ ngày 09/11/2016 kết luận: Trước, trong, sau khi gây thương tích cho ông Lê Văn Q và tại thời điểm giám định, đối tượng Phạm Tiến H bị bệnh tâm thần phân liệt thể paranoide. Tại các thời điểm trên Phạm Tiến H mất khả năng nhận thực và điều khiển hành vi.
Ngày 12/01/2017, Cơ quan CSĐT Công an huyện An Dương có Công văn trao đổi thống nhất ra Quyết định không khởi tố vụ án hình sự, theo Khoản 2 Điều 107 BLTTHS và đề nghị Viện kiểm sát huyện An Dương ra Quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh đối với đối tượng Phạm Tiến H.
Sau khi nghiên cứu tài liệu có trong hồ sơ và các quy định trong Bộ luật tố tụng hình sự hiện hành, Viện kiểm sát huyện An Dương thấy rằng Bộ luật tố tụng hình sự hiện hành và văn bản hướng dẫn chỉ quy định Viện kiểm sát có thẩm quyền ra Quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh trong giai đoạn điều tra, truy tố ( Điều 311 BLTTHS và Nghị định 64/2011/NĐ-CP ngày 28/7/2011 của Chính phủ). Trong vụ án này, sau khi có Kết luận giám định pháp y tâm thần kết luận đối tượng Phạm Tiến H bị mắc bệnh tâm thần làm mất khả năng nhận thức và điều khiển hành vi thì Cơ quan điều tra đã ra Quyết định không khởi tố vụ án hình sự theo quy định tại Khoản 2 Điều 107 BLTTHS – Hành vi không cấu thành tội phạm, vì chủ thể thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội không có đủ năng lực trách nhiệm hình sự. Do đó, Viện kiểm sát huyện An Dương không có thẩm quyền ra Quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh đối với đối tượng Phạm Tiến H.
Tuy nhiên, cũng từ quy định của BLTTHS như trên dẫn đến trên thực tế hiện nay đối tượng Phạm Tiến H vẫn lang thang ở ngoài xã hội, việc quản lý đối tượng trên chưa thuộc thẩm quyền của cơ quan nào. Việc đối tượng ở ngoài xã hội tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn, gây lo lắng hoang mang cho người dân. Cơ quan điều tra đã phối hợp với Trung tâm bảo trợ người tâm thần Thành phố để đưa đối tượng đi điều trị tuy nhiên theo quy định, Trung tâm chỉ nhận những đối tượng không có gia đình, lang thang trong khi đối tượng Phạm Tiến H vẫn có gia đình nên không được nhận vào Trung tâm.
Trên đây là vấn đề phát sinh từ thực tiễn quá trình công tác, tôi xin nêu ra để các đồng nghiệp cùng nghiên cứu, trao đổi./.
Trương Thị Thanh Nhàn, Viện kiểm sát nhân dân huyện An Dương