Bàn về việc tính án tích đối với người phạm tội trong giải quyết vụ án hình sự
Tính án tích đối với người phạm tội là vấn đề thường xuyên phải xem xét trong quá trình giải quyết các vụ án hình sự. Tuy nhiên, trên thực tiễn vẫn còn nhiều quan điểm khác nhau về nhận thức và áp dụng chế định này, đến nay chưa có hướng dẫn thống nhất. Do đó, trong khuôn khổ bài viết này, người viết muốn được đưa ra để cùng trao đổi về cách tính án tích trong một số trường hợp cụ thể sau đây:

1. Trường hợp thứ nhất

Nhân thân Nguyễn Văn A có các tiền án như sau:

- Án số 135/2018/HSST ngày 15/11/2018, Tòa án nhân dân huyện D, tỉnh N xử phạt 05 tháng tù về tội Trộm cắp tài sản (Tài sản trị giá 2.160.000 đồng). Ra tù ngày 29/01/2019. Thi hành án phí sơ thẩm ngày 10/9/2020.

- Án số 123/2019/HSST ngày 15/10/2019, Tòa án nhân dân thành phố Q, tỉnh B áp dụng khoản 1 Điều 173, điểm h khoản 1 Điều 52 (tái phạm), xử phạt 09 tháng tù về tội Trộm cắp tài sản (Tài sản trị giá 4.000.000 đồng). Ra tù ngày 08/4/2020. Thi hành án phí sơ thẩm ngày 10/9/2020.

- Án số 15/2022/HS-ST ngày 09/3/2022, Tòa án nhân dân huyện T, thành phố H áp dụng điểm b khoản 1 Điều 173 BLHS xử phạt 15 tháng tù về tội Trộm cắp tài sản (Tài sản trị giá 1.800.000 đồng). Ra tù ngày 02/3/2023. Đã thi hành án phí hình sự sơ thẩm và án phí dân sự sơ thẩm, chưa thi hành nghĩa vụ bồi thường do bị hại chưa có đơn yêu cầu.

Ngày 14/10/2023, A đã lén lút chiếm đoạt của anh B 01 điện thoại di động, qua định giá, có giá trị 5.000.000 đồng nên đã bị khởi tố, điều tra về tội Trộm cắp tài sản theo quy định tại Điều 173 Bộ luật hình sự.

Đối với A, hiện đang có 02 quan điểm đánh giá về việc xóa án tích đối với các tiền án trên, cụ thể:

Quan điểm thứ nhất cho rằng, cần áp dụng tinh thần tại điểm a mục 7.3 của Nghị quyết 01/2006/NQ-HĐTP ngày 12/5/2006 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, do 02 tiền án đầu đã sử dụng làm tình tiết định tội đối với lần phạm tội thứ 3 nên không sử dụng để tính tái phạm, tái phạm nguy hiểm. Do đó, tính đến lần phạm tội này, chỉ có tiền án thứ 3 (năm 2022) chưa được xóa án tích, hành vi trộm cắp tài sản ngày 14/10/2023 của A chỉ phải chịu tình tiết tăng nặng Tái phạm, theo quy định tại điểm h khoản 1 Điều 52 Bộ luật hình sự.

Quan điểm thứ hai cho rằng, quy định tại điểm a mục 7.3 của Nghị quyết 01/2006/NQ-HĐTP ngày 12/5/2006 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao chỉ sử dụng để tính đối với lần phạm tội thứ 3 (năm 2022). Theo đó, 02 tiền án trước đã sử dụng làm tình tiết định tội nên Bản án số 15/2022/HS-ST ngày 09/3/2022 (đối với lần phạm tội thứ 3) không đánh giá là tình tiết tăng nặng tái phạm hay tái phạm nguy hiểm. Vì vậy, hành vi trộm cắp tài sản ngày 14/10/2023 của A đã phạm tội thuộc trường hợp Tái phạm nguy hiểm, theo quy định tại điểm g khoản 2 Điều 173 Bộ luật hình sự.

Người viết ủng hộ quan điểm thứ hai, bởi lẽ: trong trường hợp này, cần hiểu điểm a mục 7.3 của Nghị quyết 01/2006/NQ-HĐTP ngày 12/5/2006 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao chỉ hướng dẫn để áp dụng đối với lần vi phạm năm 2022, không dùng để đánh giá toàn bộ quá trình nhân thân của người phạm tội. Để xem xét quá trình nhân thân, đánh giá các tiền án đã xóa hay chưa, cần căn cứ Điều 7, Điều 70, Điều 73 BLHS 2015 để tính riêng đối với từng bản án. Do A liên tục phạm tội, cần tính thời hạn xóa án tích của các bản án là 02 năm bắt đầu từ ngày ra tù 02/3/2023. Đến lần phạm tội lần này, ngày 14/10/2023, chưa hết 02 năm nên cả 03 tiền án đều chưa được xóa, nên hành vi trộm cắp tài sản của A đã phạm tội thuộc trường hợp Tái phạm nguy hiểm, theo quy định tại điểm g khoản 2 Điều 173 Bộ luật hình sự.

Ngoài ra, nếu áp dụng theo quan điểm thứ nhất, giả sử, C cũng có 02 tiền án đầu tương tự A nhưng ngày 09/01/2022, C trộm cắp tài sản trị giá 5.000.000 đồng thì sẽ lần phạm tội thứ 3, C sẽ bị xét xử về tội Trộm cắp tài sản thuộc trường hợp Tái phạm nguy hiểm theo quy định tại điểm g khoản 2 Điều 173 Bộ luật hình sự. Trong trường hợp này, C có ý thức chấp hành pháp luật tốt hơn (chỉ trộm cắp tài sản 03 lần) thì lại bị xét xử nặng hơn A (trộm cắp tài sản 04 lần). Như vậy, là không đúng tinh thần nghiêm trị của pháp luật và không đảm bảo tính công bằng.

Trên thực tiễn, trường hợp tương tự đã được Toà án nhân dân Tỉnh Hải Dương xét xử phúc thẩm và Toà án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng xét xử giám đốc thẩm theo hướng huỷ án sơ thẩm do cấp sơ thẩm áp dụng tình tiết tăng nặng tái phạm là không đúng tính chất, nhân thân bị cáo. (Bản án phúc thẩm số 01/2020/HS-PT ngày 09/01/2020 của Tòa án nhân dân tỉnh Hải Dương và Bản án Giám đốc thẩm số 13/2022/HS-GĐT ngày 21/6/2022 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng được in trên trang Công bố bản án của Tòa án nhân dân tối cao).

2. Trường hợp thứ hai

Bị cáo Nguyễn Văn D nhân thân có 02 tiền án:

- Bản án số 51/2011/HSST ngày 04/8/2011 Tòa án nhân dân quận H, thành phố H xử 30 tháng tù cho hưởng án treo về tội Cướp giật tài sản.

- Bản án số 180/2016/HSST ngày 23/11/2016 Tòa án nhân dân quận L, thành phố H xử phạt 40 tháng tù, nhận định lần phạm tội này thuộc trường hợp “tái phạm”, tổng hợp hình phạt với Bản án số 51/2011/HSST, buộc D phải chấp hành 70 tháng tù.

Nguyễn Văn D ra tù ngày 30/5/2021 và đã chấp hành hết các quyết định khác của cả 02 bản án.

Ngày 10/9/2023, Nguyễn Văn D lén lút chiếm đoạt tài sản có giá trị 5.000.000 đồng nên đã bị khởi tố, điều tra về tội Trộm cắp tài sản theo quy định tại Điều 173 Bộ luật hình sự.

Hiện đang có 03 quan điểm đánh giá về việc xóa án tích đối với Nguyễn Văn D, cụ thể:

Quan điểm thứ nhất cho rằng: Theo phần Quyết định tổng hợp Bản án năm 2016, hình phạt là 70 tháng tù, như vậy tính đến thời điểm thực hiện hành trộm cắp tài sản ngày 10/9/2023, D chưa được xóa án tích đối với 02 Bản án nêu trên, lần phạm tội này của D thuộc trường hợp “tái phạm nguy hiểm”.

Quan điểm thứ hai cho rằng: do Bản án năm 2016 đã tổng hợp hình phạt với Bản án năm 2011 nên để xác định thời hạn xóa án tích đối với D cần phải theo phần Quyết định tổng hợp hình phạt của Bản án năm 2016 là 70 tháng. Tuy nhiên, vì Bản án năm 2011 đã được tổng hợp nên chỉ xác định Bản án năm 2016 chưa được xóa án tích, lần phạm tội này D bị áp dụng tình tiết tăng nặng “tái phạm”.

Quan điểm thứ ba cho rằng: Bản án năm 2011 do chưa được xóa án tích, bị can tiếp tục phạm tội và bị tổng hợp hình phạt theo Bản án năm 2016 là 70 tháng, tuy nhiên Bản án năm 2016 chỉ xử phạt bị can 40 tháng tù nên thời hạn xóa án tích đối với Bản án này là 02 năm. Do đó cho đến thời điểm phạm tội mới (ngày 10/9/2023), D đã được xóa án tích đối với cả hai Bản án trên, nên lần phạm tội này không xác định tái phạm hay tái phạm nguy hiểm.

Người viết ủng hộ quan điểm thứ ba, bởi lẽ: Khoản 1 Điều 73 BLHS quy định: “Thời hạn xóa án tích quy định tại Điều 70 và Điều 71 của Bộ luật này căn cứ vào hình phạt chính đã tuyên”. Điều 56 BLHS quy định về việc tổng hợp hình phạt chỉ là biện pháp để tạo thuận lợi cho việc thi hành bản án. Theo đó, cần tính thời hạn xóa án tích căn cứ vào hình phạt chính đã tuyên với lần phạm tội cụ thể được xét xử trong Bản án đó. Hơn nữa, theo nguyên tắc có lợi cho bị can, bị cáo, không nên căn cứ vào kết quả tổng hợp hình phạt của nhiều bản án để tính thời hạn xóa án tích. Như vậy đối với Bản án năm 2016, do hình phạt chính tuyên với lần phạm tội này là 40 tháng tù nên thời hạn xóa án tích là 02 năm. Tính đến thời điểm phạm tội mới (ngày 10/9/2023), D đã được xóa án tích đối với cả hai Bản án nêu trên, nên lần phạm tội này không thuộc trường hợp tái phạm hay tái phạm nguy hiểm.

Trên đây là một số trường hợp trên thực tiễn đang có nhiều cách hiểu và áp dụng khác nhau, chưa có sự thống nhất, người viết đưa ra để cùng trao đổi trên quan điểm cá nhân, rất mong nhận được phản hồi của các đồng nghiệp để nâng cao thêm nhận thức./.

                   Đồng Thị Lan Anh – Phòng 7 VKSND thành phố Hải Phòng.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

* Trường hợp thứ ba

        Người chấp hành án đã chấp hành xong hình phạt tù, đã đủ thời gian được xem là đương nhiên được xóa án tích theo quy định tại Điều 70 của Bộ luật Hình sự. Tuy nhiên, người này chưa thi hành hình phạt bổ sung, chưa nộp tiền án phí hình sự sơ thẩm và các quyết định khác của bản án do không nhận được thông báo và quyết định thi hành án của Cơ quan thi hành án dân sự. Hoặc trường hợp người này chưa thi hành phần bồi thường dân sự do trong thời hạn 05 năm kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật, người được thi hành án cũng không có đơn yêu cầu nên Cơ quan thi hành án dân sự cũng không ra quyết định thi hành án đối với nội dung này. Trên thực tiễn, nhiều đơn vị còn quan điểm khác nhau về việc trường hợp này có được đương nhiên xóa án tích không?

        Quan điểm thứ nhất cho rằng: Nếu Cơ quan Thi hành án dân sự (THADS) chưa nhận được bản án để thụ lý hồ sơ để ra thông báo và quyết định thi hành án theo thủ tục chung, hoặc người được thi hành án cũng không có đơn yêu cầu nên Cơ quan thi hành án dân sự cũng không ra quyết định thi hành án đối với nội dung này mà đã hết thời hạn 05 năm, kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật, bị can, bị cáo, cần đánh giá là được đương nhiên xóa án tích theo quy định tại Điều 60 và Điều 70 của Bộ luật Hình sự vì bản án đã hết thời hiệu thi hành.

        Quan điểm thứ hai cho rằng: Cơ quan THADS đã thụ lý hồ sơ để ra thông báo và quyết định thi hành án theo thủ tục chung, nhưng người bị kết án (sau này là bị can, bị cáo trong một vụ án mới) không nhận được thông báo và quyết định thi hành án của Cơ quan thi hành án dân sự nên chưa chấp hành xong hình phạt bổ sung và các quyết định khác của bản án. Trong trường hợp này, cần đánh giá là người bị kết án không đương nhiên được xóa án tích theo quy định tại Điều 70 của Bộ luật Hình sự theo đúng hướng dẫn tại Công văn số 64 ngày 03/4/2019 của Tòa án nhân dân tối cao.

Theo quan điểm của người viết, Pháp luật thi hành án dân sự quy định nhiều phương thức thi hành để người phải thi hành án có quyền lựa chọn như: tự nguyện thi hành, thỏa thuận thi hành án hoặc nhờ người thân nộp thay. Theo quy định của Luật Thi hành án dân sự, trong thời hạn 05 năm, kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật, người được thi hành án, người phải thi hành án có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền ra quyết định thi hành án. Như vậy, Luật Thi hành án dân sự đã dành nhiều thời gian để người phải thi hành án dân sự chủ động yêu cầu thi hành án. Mặt khác, Điều 70 của Bộ luật Hình sự quy định đủ các điều kiện đương nhiên được xóa án tích, trong đó có điều kiện: người bị kết án nếu từ khi chấp hành xong hình phạt chính hoặc hết thời gian thử thách của án treo, người đó đã chấp hành xong hình phạt bổ sung, các quyết định khác của bản án. Như vậy, điều luật không loại trừ việc người bị kết án chưa chấp xong hình phạt bổ sung và các quyết định khác của bản án với bất kỳ lý do gì. Do vậy, nếu hết thời hiệu yêu cầu thi hành án dân sự mà người bị kết án chưa thực hiện xong nghĩa vụ thì cần coi là chưa chấp hành xong hình phạt bổ sung, các quyết định khác của bản án. Trong trường hợp này người bị kết án không đương nhiên được xóa án tích theo quy định tại Điều 70 của Bộ luật Hình sự. Những nội dung này đã được Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn tại Công văn số 64/TANDTC-PC ngày 03/4/2019 và vẫn sử dụng để trả lời kiến nghị của cử tri gửi tới Quốc hội trước kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, đến nay vẫn chưa có văn bản hướng dẫn mới hơn.

Tuy nhiên trong những trường hợp chưa chấp hành xong các quyết định khác của bản án, cần lưu ý một trường hợp loại trừ đó là: Theo quy định tại Điều 6 và điểm a khoản 1 Điều 7a Luật Thi hành án dân sự năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014) thì người bị kết án (phải thi hành án) và bị hại (được thi hành án) có quyền thỏa thuận về việc thi hành án, nếu thỏa thuận đó không vi phạm điều cấm của pháp luật và không trái đạo đức xã hội. Kết quả thi hành án theo thỏa thuận được công nhận. Do vậy, trong trường hợp mặc dù đã hết thời hiệu yêu cầu thi hành án, bị hại không có đơn yêu cầu thi hành án nhưng giữa người bị kết án và bị hại đã có thỏa thuận thi hành án về việc người bị kết án, không phải thi hành khoản tiền bồi thường cho bị hại theo bản án, quyết định của Tòa án thì người bị kết án không phải thi hành khoản tiền này nữa và họ đương nhiên được xóa án tích theo quy định tại Điều 70 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Tuy nhiên, để đảm bảo chặt chẽ, trong trường hợp này, để có cơ sở xem xét, đánh giá, hồ sơ cần thu thập đầy đủ tài liệu gồm lời khai của các bên liên quan và văn bản thỏa thuận, nêu rõ thời gian, địa điểm, nội dung thỏa thuận, có chữ ký hoặc điểm chỉ của các bên tham gia thỏa thuận theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP của Chính phủ.

 


Ứng dụng hỗ trợ nghiệp vụ
Tin tức
Thông tin cần biết
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1

Trang thông tin điện tử: VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG - Cơ quan chủ quản: VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO
Địa chỉ: Lô 18A, Lê Hồng Phong, Hải An, TP Hải Phòng - Điện thoại: 02253.838308 - Fax: 02253.839072 - Email: vp_haiphong@vks.gov.vn
Trưởng ban biên tập: Phó Viện trưởng Lưu Xuân Sang
Số giấy phép: 03/GP-STTTT do Sở Thông tin và Truyền thông TP Hải Phòng cấp ngày 17 tháng 10 năm 2017 (Giấy phép có giá trị 10 năm)
Bản quyền thuộc về VKSND TP Hải Phòng - Thiết kế bởi VNPT | Quản trị

Chung nhan Tin Nhiem Mang