Dấu ấn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với ngành Kiểm sát nhân dân từ góc nhìn của cán bộ Kiểm sát
Những ngày qua, khi hay tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần, nhân dân cả nước, từ khắp mọi miền của Tổ Quốc đều trào dâng xúc động, muôn vàn niềm tiếc thương. Một trái tim vĩ đại đã ngừng đập, để lại sự mất mát to lớn, niềm tiếc thương vô hạn và ca ngợi về một Người lãnh đạo khiêm tốn, gần gũi, đôn hậu, về hình ảnh mẫu mực của một người đảng viên trong việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh. Riêng đối với ngành Kiểm sát nhân dân, trong những ngày tháng 7 đầy ý nghĩa hàng năm đều diễn ra các hoạt động chào mừng kỷ niệm thành lập Ngành, song năm nay ngành Kiểm sát cũng không tổ chức các hoạt động kỷ niệm, để tưởng niệm một nhà Lãnh đạo ưu tú, vừa có tâm, vừa có tầm.
Sinh thời, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng rất quan tâm và
đánh giá cao công tác ngành Kiểm sát nhân dân, đã từng tham dự và phát
biểu tại hội nghị triển khai công tác của ngành Kiểm sát nhân dân năm
2015, nhân dịp kỷ niệm 55 năm ngày thành lập Ngành. Tại thời điểm đó, đồng chí đã
nhận định, trải qua 55 năm xây dựng và trưởng thành, ngành Kiểm sát nhân dân đã
không ngừng phấn đấu, vượt qua khó khăn, thử thách, hoàn thành xuất sắc trọng
trách mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó. Là cơ quan thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, Viện
kiểm sát các cấp đã góp phần tích cực vào công cuộc đấu tranh phòng, chống tội
phạm, vi phạm pháp luật, xử lý nghiêm minh những hành vi vi phạm, tội phạm,
đồng thời, bảo đảm cho hoạt động của các cơ quan bảo vệ pháp luật tuân thủ đúng
đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Những đóng góp quan
trọng của các thế hệ cán bộ Kiểm sát ngày càng tô thắm thêm truyền thống vẻ
vang của ngành Kiểm sát nhân dân Việt Nam: Truyền thống nghiêm chỉnh tuân
thủ pháp luật, kiên quyết tấn công tội phạm, bản lĩnh thực thi công lý, tận tâm
bảo vệ nhân dân.
Đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Ủy viên Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam phát biểu tại hội nghị. Ảnh: TTXVN
Đồng chí ghi nhận sự quyết tâm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong từng khâu
công tác, đưa các yêu cầu của cải cách tư pháp và Hiến pháp vào thực tiễn cuộc
sống, ngành Kiểm sát nhân dân đã tích cực triển khai thực hiện nhiều biện pháp
đột phá và đạt được những thành tích đáng trân trọng. Một trong những nội dung
quan trọng, mang giá trị định hướng cho đến thời điểm hiện tại, đó là đồng chí
đã xác định công tác kiểm sát của ngành Kiểm sát nhân dân là một khâu quan
trọng của quá trình đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Ngành Kiểm sát nhân dân đã chủ động, quyết liệt vào
cuộc cùng toàn Đảng, toàn dân tạo ra những chuyển biến tích cực trong việc phát
hiện và xử lý hành vi, tội phạm tham nhũng. Đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tố tụng đẩy nhanh
tiến độ giải quyết các vụ án, nhất là các vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức
tạp; xử lý nghiêm minh người phạm tội, củng cố niềm tin của nhân dân về quyết
tâm phòng, chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước ta.
Có thể thấy phòng, chống tham nhũng là vấn đề Tổng Bí thư luôn trăn trở, dù
toàn Đảng, toàn dân đã có nhiều cố gắng, song tham nhũng
vẫn đang là thách thức, là vấn đề bức xúc; công tác đấu tranh phòng, chống tham
nhũng vẫn chưa đạt được kết quả như mong muốn. Với vị trí, trách nhiệm quan
trọng của một cơ quan được giao nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, đồng chí Tổng
Bí thư mong muốn Viện Kiểm sát phải phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các cơ quan
có liên quan để chủ động trong nắm thông tin về tội phạm tham nhũng, nhất là những
vụ án tham nhũng lớn, có tổ chức; đẩy nhanh tiến độ xử lý các vụ án tham nhũng,
mở rộng điều tra cả hành vi và đối tượng tham nhũng. Đồng chí nhấn mạnh, để
chống tham nhũng hiệu quả, trước hết nội bộ của Ngành phải thực sự trong sạch,
vững mạnh. Ban Cán sự đảng, lãnh
đạo Viện kiểm sát các cấp phải thường xuyên chăm lo, giáo dục, rèn luyện bản
lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức; trình độ các mặt, nhất là nắm vững luật
pháp; duy trì kỷ cương, kỷ luật nghiêm minh trong đội ngũ cán bộ của ngành, đặc
biệt là các đơn vị được giao nhiệm vụ chuyên trách xử lý án tham nhũng. Cán bộ,
kiểm sát viên làm công tác này phải luôn giữ cho mình thật sự trong sạch, thật
sự liêm chính, phải là người có bản lĩnh, dũng khí, kiên quyết đấu tranh bảo vệ
cái đúng, không khoan nhượng với tham nhũng. Cán bộ làm công tác chống tham
nhũng mà "tay đã nhúng chàm" thì không thể chống
được tham nhũng.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì phiên họp thứ 24 Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngày 16/8/2023. Ảnh: TTXVN
Đồng chí ghi nhận nỗ lực của ngành Kiểm sát nhân dân, gửi niềm tin của Đảng
và Nhà nước đối với ngành Kiểm sát nhân dân nói chung và Cơ quan điều tra của
Viện Kiểm sát nhân dân tối cao nói riêng trong việc chủ động phát hiện, khởi
tố, điều tra nhiều vụ án tham nhũng trong lĩnh vực tư pháp, có tác dụng siết
chặt kỷ cương, kỷ luật, góp phần xây dựng các cơ quan tư pháp trong sạch, vững
mạnh, nâng cao hiệu quả hoạt động tư pháp.
Cho đến nay, ngành Kiểm sát nhân dân không phụ sự tín nhiệm của Đảng, Quốc
hội và nhân dân cả nước, Cơ quan điều tra của ngành Kiểm sát nhân dân đã ngày
một lớn mạnh và chuyên nghiệp hơn, bài bản hơn, tiếp tục đấu tranh không khoan
nhượng đối với tội phạm tham nhũng trong lĩnh vực tư pháp, góp phần làm trong
sạch bộ máy và hệ thống chính trị, theo định hướng của “người đốt lò vĩ đại”.
Mỗi công chức, viên chức, người lao động đều tự hào là người cán bộ ngành Kiểm
sát nhân dân, mỗi đảng viên đang công tác trong ngành Kiểm sát nhân dân đều tự
hứa sẽ tiếp tục cố gắng học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, như Tổng Bí thư đã từng quán triệt và gương mẫu thực hiện lúc sinh thời./.
Nguyễn Thị Liên – Đảng ủy viên phụ trách Tuyên giáo, Đảng bộ cơ quan VKSND thành phố Hải Phòng