Thực hiện Công văn số
2081/VKSTC-V14 ngày 09/5/2025 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao về tham gia
đóng góp ý kiến các dự án Luật, Nghị quyết của Quốc hội do Viện kiểm sát nhân
dân tối cao chủ trì xây dựng, Công văn số 45/CV-HLG ngày 08/5/2025 của Hội Luật
gia thành phố Hải Phòng về việc tổ chức lấy ý kiến về dự thảo Nghị quyết sửa đổi,
bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, ngày 20/5/2025, Viện kiểm sát nhân
dân thành phố Hải Phòng tổ chức Hội nghị lấy ý kiến các dự án Luật, Nghị quyết
của Quốc hội. Đồng chí Nguyễn Sơn Hà, Phó Viện trưởng VKSND thành phố, Phó Chủ
tịch Hội luật gia thành phố Hải Phòng, chủ trì Hội nghị.
Đ/c Nguyễn Sơn Hà – Phó Viện trưởng VKSND thành phố, khai mạc
hội nghị
Tham dự Hội nghị có đại diện Lãnh
đạo, Văn phòng Hội Luật gia thành phố, đại diện Lãnh đạo các đơn vị cấp phòng
thuộc VKSND thành phố và Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện, Kiểm sát viên các
đơn vị thuộc ngành Kiểm sát Hải Phòng và toàn thể Hội viên Chi hội Luật gia
VKSND thành phố.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã
phát huy trí tuệ, tâm huyết, thảo luận sôi nổi các nội dung dự án Luật, Nghị
quyết của Quốc hội sửa đổi trong thời gian tới, gồm:
Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số
điều của Hiến pháp năm 2013
Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số
điều của Bộ luật Tố tụng hình sự
Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số
điều của Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân
Dự án Luật tương trợ tư pháp về
hình sự
Dự án Nghị quyết của Quốc hội về
việc thí điểm Viện kiểm sát nhân dân khởi kiện vụ án dân sự để bảo vệ quyền dân
sự của các chủ thể là nhóm dễ bị tổn thương hoặc bảo vệ lợi ích công

Báo cáo tổng quan nội dung sửa đổi, bổ
sung các Dự án Luật, Nghị quyết
Góp ý tại hội nghị, các ý kiến
bày tỏ sự đồng tình về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung các dự án luật nhằm đáp ứng
yêu cầu thực tiễn hiện nay; đồng thời bổ sung, làm rõ hơn một số điều trong nội
dung các dự thảo luật, cũng như về bố cục, từ ngữ…
Đối với dự thảo sửa đổi Hiến
pháp, đa số các ý kiến nhất trí với dự thảo, tuy nhiên còn một số ý kiến tham
gia cần thiết phải bổ sung quy định Chánh án Toà án nhân dân, Viện trưởng Viện
kiểm sát nhân dân thuộc phạm vi đối tượng trả lời chất vấn của đại biểu Hội đồng
nhân dân để phù hợp với Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Ban Chấp
hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp
quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.
Đối với dự thảo sửa đổi Bộ luật Tố
tụng hình sự, hội nghị thống nhất chuyển đổi mô hình tố tụng: chuyển Viện kiểm
sát khu vực với nhiệm vụ, quyền hạn tương đương Viện kiểm sát cấp huyện hiện
nay, bên cạnh đó cần bổ sung, làm rõ hơn một số điều của Bộ luật, về nội dung
cũng như về bố cục, từ ngữ như đề nghị thay cụm từ “bị can” bằng cụm từ “người
thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội” trong khoản 1 Điều 449 BLTTHS để mở rộng
phạm vi đối tượng bị áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh, …
Đối với dự thảo sửa đổi Luật tổ
chức Viện kiểm sát nhân dân, hội nghị nhất trí với quan điểm: việc tiếp tục quy
định Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tiến hành điều tra tội phạm xâm phạm
hoạt động tư pháp và tội phạm tham nhũng, chức vụ trong hoạt động tư pháp trong
Luật Tổ chức Cơ quan điều tra hình sự là khách quan và cần thiết. Ngoài ra, cần
quy định cụ thể ngạch bậc Kiểm sát viên phù hợp với Viện kiểm sát nhân dân các
cấp.
Đối với dự thảo Luật tương trợ tư
pháp, Luật tương trợ tư pháp năm 2007 điều chỉnh đa lĩnh vực, một số điều luật
thuộc phần quy định chung khi áp dụng cho hoạt động tương trợ tư pháp về hình sự
đã thể hiện sự bất cập trong phối hợp triển khai, thi hành. Việc ban hành Luật
tương trợ tư pháp về hình sự là phù hợp và cần thiết nhằm hoàn thiện pháp luật
về tương trợ tư pháp về hình sự, đảm bảo giải quyết tốt các vụ án hình sự có yếu
tố nước ngoài, đấu tranh hiệu quả với các loại hình tội phạm có tổ chức xuyên
quốc gia, khắc phục những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc, nâng cao hiệu
quả của hoạt động tương trợ tư pháp về hình sự, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn
trong thời gian tới, tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho việc ký kết các Hiệp định
tương trợ tư pháp về hình sự giữa Việt Nam với nước ngoài.
Đối với Dự thảo Nghị quyết của Quốc
hội về việc thí điểm Viện kiểm sát nhân dân khởi kiện vụ án dân sự để bảo vệ
quyền dân sự của các chủ thể là nhóm dễ bị tổn thương hoặc bảo vệ lợi ích công,
việc bảo vệ các quyền dân sự của chủ thể thuộc nhóm dễ bị tổn thương và bảo vệ
lợi ích công là yêu cầu của bất kỳ quốc gia, dân tộc nào, thể hiện chức năng,
vai trò của Nhà nước đối với xã hội, góp phần duy trì sự ổn định và phát triển
xã hội, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng và hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá
nhân. Thực tế hiện nay, đã và đang xảy ra vụ việc dân sự xâm hại các quyền dân
sự của chủ thể thuộc nhóm dễ bị tổn thương và lợi ích công nhưng chưa có chủ thể
nào được giao thực hiện việc khởi kiện hoặc chưa được các cơ quan, tổ chức có
trách nhiệm thực sự quan tâm, chủ động yêu cầu và khởi kiện. Do đó, Viện kiểm
sát có quyền khởi kiện vụ án dân sự để bảo vệ các quyền dân sự của chủ thể thuộc
nhóm dễ bị tổn thương và lợi ích công là điều hoàn toàn phù hợp.
Phát biểu tại Hội nghị, Nguyễn
Sơn Hà - Phó Viện trưởng VKSND thành phố ghi nhận, đánh giá cao những ý kiến
đóng góp của các đơn vị đối với các dự thảo Luật, Nghị quyết. Đồng thời, yêu cầu
các đơn vị tiếp tục nghiên cứu và bổ sung thêm những ý kiến nhằm tháo gỡ khó
khăn, vướng mắc, bất cập trong thực hiện nhiệm vụ chung của Ngành, để Văn phòng
VKSND thành phố tổng hợp, xây dựng báo cáo Viện kiểm sát tối cao, Đoàn Đại biểu
Quốc hội và Hội luật gia thành phố Hải Phòng./.
Một số
hình ảnh tại hội nghị:






Cấn Hoàng Chiến – Chi hội viên
Chi hội Luật gia VKSND TP. Hải Phòng