Nâng cao hiệu quả chất lượng công tác quản lý hành chính của chính quyền các cấp trên địa bàn thành phố từ những kiến nghị phòng ngừa của Viện kiểm sát
Trên địa bàn thành phố thời gian qua, tình hình tội phạm có xu hướng gia
tăng, đáng lưu ý là nhóm tội xâm phạm tình dục đối với trẻ em. Nhiều vụ án được phát hiện khi hành
vi tội phạm thực hiện tại nhà nghỉ, khách sạn.
Có nhiều nguyên nhân để lý giải cho sự gia
tăng của nhóm tội phạm này như ảnh hưởng tiêu cực của các nguồn văn hóa phẩm độc
hại trong thời đại phát triển công nghệ; do sự thiếu quan tâm, chăm lo giáo dục
của gia đình, nhà trường và xã hội; do sự suy đồi về đạo đức, lối sống. Bên cạnh những nguyên nhân trên, một phần còn
có có sự buông lỏng quản lý của lực lượng chức năng đối với hệ thống nhà nghỉ,
khách sạn, sự thờ ơ vô trách nhiệm của chủ sở hữu, người quản lý hoặc nhân viên
của nhà nghỉ, khách sạn dẫn tới nhiều vụ việc trẻ em bị xâm hại.
Thực tiễn quá trình thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra các vụ án xâm
hại tình dục trẻ em tại các nhà nghỉ, khách sạn, Viện kiểm sát nhân dân thành
phố nhận thấy các đối tượng phạm tội trong một số vụ án đã lợi dụng việc nhà
nghỉ, khách sạn không lưu giữ thông tin cá nhân của khách hàng nên đưa người bị
hại vào thuê phòng để thực hiện hành vi phạm tội.
Theo quy định Điều 44 Nghị định 96/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ
quy định điều kiện về an ninh, trật tự đối với một số ngành, nghề đầu tư kinh
doanh có điều kiện:
“Trách nhiệm của cơ sở kinh
doanh dịch vụ lưu trú
Ngoài trách nhiệm quy định tại Điều 25, cơ sở kinh
doanh dịch vụ lưu trú có trách nhiệm:
1. Ban
hành nội quy quy định về công tác đảm bảo an ninh, trật tự, phòng chống tệ nạn
xã hội, phòng cháy và chữa cháy, niêm yết tại nơi dễ thấy, dễ đọc.
2. Kiểm
tra giấy tờ tùy thân của khách lưu trú, gồm một trong các loại giấy tờ sau:
Giấy chứng minh nhân dân; Căn cước công dân; Hộ chiếu; Thẻ thường trú hoặc Thẻ
tạm trú (đối với người nước ngoài); các loại giấy tờ có dán ảnh do các cơ quan
quản lý nhà nước Việt Nam cấp.
Khi khách lưu
trú không có giấy tờ tùy thân thì sau khi bố trí vào phòng nghỉ phải thông báo
ngay cho Công an xã, phường, thị trấn hoặc đồn, trạm Công an quản lý địa bàn.
3. Ghi đầy đủ
thông tin của khách lưu trú vào sổ quản lý (hoặc nhập đầy đủ thông tin vào máy
tính) trước khi cho khách vào phòng nghỉ.
4. Thông
báo cho Công an xã, phường, thị trấn hoặc đồn, trạm Công an nơi quản
lý địa bàn đối với khách lưu trú là người Việt Nam và khai báo tạm trú đối với
khách lưu trú là người nước ngoài (nghỉ qua đêm hoặc nghỉ theo giờ) phải thực
hiện trước 23 giờ trong ngày. Trường hợp khách đến lưu trú sau 23 giờ thì thông
báo trước 08 giờ sáng ngày hôm sau. Việc thông báo thực hiện theo các hình thức
sau:
a) Đối
với khách lưu trú là người Việt Nam, nếu cơ sở kinh doanh đã kết nối mạng
Internet với cơ quan Công an thì việc thông báo thực hiện qua mạng Internet;
nếu cơ sở kinh doanh chưa kết nối mạng Internet thì thông báo trực tiếp tại cơ
quan Công an hoặc thông báo qua điện thoại;
b) Đối
với khách là người nước ngoài, cơ sở kinh doanh phải ghi mẫu Phiếu khai báo tạm
trú cho người nước ngoài và chuyển đến cơ quan Công an.
5. Kiểm
tra và quản lý giấy tờ tùy thân của người đến thăm khách lưu trú tại phòng
nghỉ, ghi đầy đủ thông tin vào sổ và trả lại giấy tờ tùy thân khi họ ra khỏi cơ
sở kinh doanh dịch vụ lưu trú.
6. Lưu
trữ thông tin của khách lưu trú và thông tin của người đến thăm khách lưu trú
tại phòng nghỉ trong thời hạn ít nhất 36 tháng.
7. Trường
hợp khách mang theo vũ khí, công cụ hỗ trợ, phải yêu cầu xuất trình giấy phép
sử dụng do cơ quan Công an hoặc Quân đội cấp, nếu khách không xuất trình giấy
phép sử dụng phải báo ngay cho cơ quan Công an.”.
Việc các nhà nghỉ, khách sạn không kiểm tra giấy tờ tùy thân, không ghi
thông tin của khách lưu trú đã gián tiếp tạo điều kiện, cơ hội để các bị can, bị
cáo thực hiện hành vi phạm tội Hiếp dâm người dưới 16 tuổi, đồng thời gây khó
khăn cho việc thu thập chứng cứ trong hoạt động điều tra của các cơ quan tiến
hành tố tụng.
Để phòng ngừa tội phạm, Viện kiểm sát nhân dân thành phố đã ban hành kiến
nghị đối với Ủy ban nhân dân thành phố, với các nội dung cụ thể:
Thứ nhất: Kiến nghị Ủy ban nhân dân
thành phố yêu cầu Công an thành phố chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ, Công an các
quận, huyện phối hợp cùng cơ quan chức năng tăng cường công tác kiểm tra, thanh
tra toàn diện hoặc đột xuất việc chấp hành các quy định về an ninh, trật tự đối
với các cơ sở lưu trú. Trong đó tập trung kiểm tra, thanh tra nội dung việc ghi
chép sổ lưu trú, việc kiểm tra giấy tờ tùy thân, thông báo khách lưu trú đến
chính quyền địa phương, lưu trữ thông tin khách hàng. Xử lý nghiêm đối với các
hành vi vi phạm, nếu vi phạm nhiều lần cần thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện
vềan ninh, trật tự.
Thứ hai, chỉ đạo Ủy ban nhân dân các quận, huyện có biện pháp tích cực
tuyên truyền pháp luật đến các cơ sở lưu trú, khuyến khích các cơ sở lưu trú
láp camera tại khu vực để phương tiện cỉa khách lưu trú. Khi phát hiện các trường
hợp nghi ngờ có dấu hiệu tội phạm như: Quan sát trang phục của người đến lưu trú,
đặc biệt là các cháu gái có mặc đồng phục học sinh, có biểu hiện bất thường, có
hành vi, động tác kêu cứu hoặc kháng cự thì cần kiểm tra kỹ giấy tờ tùy thân,
ghi chép thông tin cá nhân, biển số xe và trình báo ngay đến Cơ quan Công an.
Sau khi Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hải Phòng ban hành kiến nghị, Ủy
ban nhân dân thành phố Hải Phòng đã có công văn giao Công an thành phố thực hiện
nội dung thứ nhất, Ủy ban nhân dân các quận, huyện thực hiện nội dung thứ hai
mà VKSND thành phố kiến nghị.
Để triển khai yêu cầu của Ủy ban nhân dân thành phố, Công an thành phố đã
ban hành văn bản chỉ đạo các phòng có liên quan thuộc Công an thành phố và Công
an các quận, huyện thực hiện các nội dung, cụ thể: Phòng PC06 tăng cường công
tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định về an ninh, trật tự đối với
các cơ sở lưu trú; Phòng PA03 tăng cường tham mưu chỉ đạo phối hợp với các đơn
vị chức năng của Sở giáo dục và đào tạo để đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến giáo
dục pháp luật tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố; Phòng PX03, PX04
taập trung tuyên truyền pháp luật đến các cơ sở lưu trú...
Có thể thấy, từ kiến nghị phòng ngừa của Viện kiểm sát nhân dân thành phố,
các cơ quan chức năng có liên quan đã vào cuộc và quyết liệt trong việc thực hiện
chức năng, nhiệm vụ của mỗi Ngành, với sự phối hợp vì mục tiêu chung phòng ngừa
tội phạm, chúng ta có thể hy vọng việc phòng ngừa tội phạm nói riêng và tội phạm
xâm phạm tình dục trẻ em nói chung sẽ đạt hiệu quả cao trong thời gian tới.
Ban Biên tập VKSND thành phố