VKS thành phố tổ chức tập huấn: “Các giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác kiến nghị, kháng nghị trong xét xử các vụ án hình sự”
Ngày
05/4/2024, Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hải Phòng tổ chức Hội nghị tập huấn
“Các
giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác kiến nghị, kháng nghị trong xét xử các
vụ án hình sự” theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến tại 15
điểm cầu trong toàn ngành Kiểm sát Hải Phòng. Đồng chí Vũ
Văn Quang – Phó Viện
trưởng Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hải Phòng chủ trì hội
nghị. Tham dự Hội nghị, có đồng chí Lê Đức Trí, Phó trưởng Ban Nội chính Thành
ủy, lãnh đạo, Kiểm sát viên các Phòng 1, Phòng 2, Phòng 3, Phòng 7, Phòng 15, Thanh
tra – Khiếu tố, Văn phòng cùng 15 đơn vị VKSND quận, huyện.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Vũ Văn Quang, Phó Viện trưởng Viện
kiểm sát nhân dân thành phố Hải Phòng nhấn mạnh: Ngành Kiểm sát Hải Phòng luôn
xác định Kháng nghị, Kiến nghị là hoạt động quan trọng hàng đầu để hoàn thành
tốt chức năng, nhiệm vụ cũng như góp phần thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 96/2019/QH14
ngày 27/11/2019, trong đó giải quyết án hình sự là lĩnh vực có nhiều khó khăn
để đạt yêu cầu của chỉ tiêu. Với mục đích là để tổng kết, đánh giá thực trạng công tác kiểm sát bản án,
trong đó, chỉ ra những cách làm tốt, đặc biệt tập trung vào những tồn tại, hạn
chế, khó khăn, vướng mắc cụ thể phát sinh khi kiểm sát bản án của Tòa án. Trên
cơ sở đó, Hội nghị tập trung chia sẻ kỹ năng, cách làm hay của những đơn vị đã
làm tốt nhiệm vụ này cũng như vấn đề cần rút kinh nghiệm từ những thiếu sót của
một số bản án trên thực tế đã bị kháng nghị, hủy, sửa trên cấp hoặc bị kiến nghị,
được tiếp thu và đề xuất các giải pháp khắc phục.
Toàn cảnh hội nghị
Trong khuôn khổ
của Hội nghị, Ban tổ chức Hội nghị đã tập trung đưa ra thảo luận vào một số vấn
đề liên quan trực tiếp tới công tác tăng cường kháng nghị, kiến nghị, bao gồm: Kinh
nghiệm phát hiện một số dạng vi phạm, thiếu sót thường gặp trong các bản án
hình sự sơ thẩm; phân loại, đánh giá để thực hiện quyền kiến nghị, kháng nghị,
thực trạng tại đơn vị và giải pháp; Mối quan hệ giữa công tác kiểm sát việc chuẩn
bị xét xử, kiểm sát xét xử và kiểm sát bản án với công tác kháng nghị, kiến nghị
trong lĩnh vực xét xử hình sự; Một số kinh nghiệm tăng cường vai trò của lãnh đạo,
Kiểm sát viên đối với công tác kháng nghị, kiến nghị trong lĩnh vực xét xử án
hình sự; Mối quan hệ phối hợp với Tòa án cùng cấp và Viện kiểm sát cấp trên khi
thực hiện quyền kháng nghị, kiến nghị trong công tác thực hành quyền công tố,
kiểm sát xét xử án hình sự…
Hội
nghị đã nghe nhiều ý kiến phát biểu của các đồng chí lãnh đạo, Kiểm sát viên
các đơn vị VKSND hai cấp tại nhiều điểm cầu. Đồng chí Vũ Văn Quang – Phó Viện
trưởng Viện kiểm sát nhân dân thành phố phát biểu kết luận Hội nghị: Đồng chí
đánh giá cao đơn vị Phòng 7 Viện kiểm sát nhân dân thành phố đã thực hiện tốt
công tác tổ chức Hội nghị. Đồng chí cũng đồng tình với những nội dung tham luận
mà các đồng chí đã thẳng thắn nêu ra tại Hội nghị về tồn tại, hạn chế, cũng như
cách làm hay của các đơn vị. Để tiếp tục nâng cao hơn nữa ý thức, trách nhiệm
và chất lượng công tác kháng nghị, kiến nghị trong kiểm sát xét xử các vụ án
hình sự nói chung, toàn ngành cần thực hiện các nội dung sau:
1. Tăng cường và đổi mới công tác lãnh đạo,
chỉ đạo:
Thời
gian tới, trước hết Lãnh đạo VKS các cấp cần quan tâm hơn nữa đến việc duy trì,
tổ chức thực hiện một cách có hiệu quả quyền kháng nghị, kiến nghị và coi
đây là nhiệm vụ thường xuyên. Cần tiếp tục quán triệt Chỉ thị số 08 ngày
06/4/2016 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về tiếp tục tăng cường
công tác kháng nghị hình sự. Lãnh đạo đơn vị cần xây dựng chương trình, biện
pháp phù hợp với đặc thù của đơn vị và đề ra chỉ tiêu cụ thể, đồng thời đảm bảo
việc kiểm tra, đôn đốc sâu sát, kịp thời và coi đây là một trong các tiêu chí
quan trọng để đánh giá và xếp loại thi đua. Viện kiểm sát nhân dân thành phố
Hải Phòng cũng cần xây dựng các cuộc kiểm tra, thanh tra định kỳ hoặc đột xuất
đối với hoạt động này của các cấp Kiểm sát. Viện kiểm sát hai cấp cần tăng
cường các hình thức đào tạo tại chỗ và tập trung để nâng cao kỹ năng thực hiện
quyền năng này. Đối với các đơn vị có mô hình, biện pháp hay, cần tổ chức học
tập, nhân rộng điển hình (ví dụ: một số
đơn vị đã chủ động, chặt chẽ hơn trong việc đôn đốc Tòa án gửi bản án, quyết
định theo đúng quy định tại Điều 260, Điều 286 BLTTHS bằng cách ban hành văn
bản đôn đốc, gửi đến Tòa án và lưu trong hồ sơ kiểm sát; một số đơn vị phối
hợp với Tòa án trong việc nhận vả gửi đồng thời bản án đến Viện
kiếm sát thành phố, hạn chế tình trạng Tòa án “quên” gửi; một số đơn
vị xây dựng bộ tài liệu nhận diện vi phạm trong các giai đoạn tố tụng hình sự).
Khi thấy cần ban hành kháng nghị phải
đảm bảo tuân thủ các quy chế, quy định trong ngành Kiểm sát về chế độ thông tin
báo cáo. Đồng thời chú ý đảm bảo chặt chẽ từ hình thức đến nội dung và đúng thủ
tục, thời hạn pháp luật quy định, không để xảy ra những sai sót đáng tiếc trong
bản kháng nghị. Kháng nghị cần thể hiện tính tranh tụng, phân tích, đánh giá rõ
các vi phạm, thiếu sót, tránh tình trạng chỉ nêu nội dung một cách chung chung.
Lãnh đạo đơn vị cần kiểm tra những nội dung đã nêu để đảm bảo sự phù hợp với hồ
sơ vụ án cũng như quy định của pháp luật, tránh tình trạng nhầm lẫn, thiếu căn
cứ. Phần quyết định của kháng nghị phải chính xác, phù hợp với nội dung đã phân
tích, rõ ràng, đúng căn cứ cụ thể theo các trường hợp luật định. Đối với
những bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật, nếu phát hiện được vi phạm
nghiêm trọng, đủ căn cứ thì phải kịp thời báo cáo lãnh đạo để báo cáo Viện kiểm
sát cấp cao kháng nghị theo trình tự giám đốc thẩm hoặc tái thẩm.
2.
Nâng cao nhận thức, trình độ, kỹ năng và trách nhiệm của Kiểm sát viên về công
tác kháng nghị, kiến nghị trong lĩnh vực hình sự:
Các Kiểm sát viên phải xác định được vai trò của mình
trong việc kháng nghị, kiến nghị là hết sức quan trọng vì đây là lực lượng trực
tiếp kiểm sát điều tra, xét xử. Chính vì vậy một trong những giải pháp hàng đầu
là phải xây dựng được đội ngũ Kiểm sát viên đủ mạnh, có nhận thức đầy đủ và
tinh thần, trách nhiệm cao về vai trò, chức năng và nhiệm vụ của ngành trong
tình hình mới. Các Kiểm sát viên phải có trình độ nghiệp vụ vững vàng, có trách
nhiệm cao mới đảm bảo công việc được giao với khối lượng công việc và yêu
cầu nghiệp vụ có xu hướng ngày càng tăng. Do đó, bản thân mỗi Kiểm sát
viên phải tự mình học hỏi, nâng cao trình độ chuyên môn, nắm vững hệ thống các
văn bản pháp luật có liên quan để xây dựng cho mình bản lĩnh nghề nghiệp vững
vàng, thường xuyên rèn luyện phẩm chất, ý thức trách nhiệm với công
việc. Từ đó có đủ tự tin và ý thức cao trong việc giải quyết vụ án nói
chung và đề xuất kháng nghị phúc thẩm nói riêng.
Kiểm sát viên cần thường xuyên trau dồi kỹ năng nghề
nghiệp từ việc phát hiện các vi phạm của các cơ quan tố tụng, cơ quan quản lý
Nhà nước trong các giai đoạn đến việc tổng hợp đánh giá và đề xuất kháng nghị.
3.
Tăng cường mối quan hệ phối hợp:
Cần thiết tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa VKS hai
cấp trong việc thực hiện quyền kháng nghị. Cần quan tâm hơn nữa tới công tác
thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử tại phiên tòa cũng như sau phiên tòa
nhằm phát hiện kịp thời các vi phạm của bản án sơ thẩm để kháng nghị. Đặc biệt,
cần tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác kiểm sát bản án, quyết định sơ thẩm ở
các đơn vị. Các Viện kiểm sát cấp sơ thẩm cần tăng cường chất lượng công tác
kiểm sát bản án sơ thẩm, lập phiếu kiểm sát theo đúng mẫu quy định về gửi kèm
theo bản án đúng thời hạn cho Viện kiểm sát cấp phúc thẩm. Qua công tác kiểm
sát bản án, nếu phát hiện có vi phạm, thiếu sót nghiêm trọng cần kiên quyết
kháng nghị phúc thẩm; đối với những trường hợp vi phạm không nghiêm trọng cũng
cần tập hợp để kiến nghị chung. Trường hợp Tòa án tuyên khác quan điểm của Viện
kiểm sát thì Kiểm sát viên phải nghiên cứu lại vụ án, báo cáo lãnh đạo và VKS
cấp trên để phối hợp, đồng thời có chỉ đạo kịp thời, nếu quyết định không kháng
nghị phải nêu rõ lý do. Viện kiểm sát cấp phúc thẩm cần tăng cường công tác
kiểm sát bản án để phát hiện vi phạm kháng nghị phúc thẩm trên cấp, đồng thời
tăng cường rút kinh nghiệm về công tác kháng nghị với các đơn vị cấp sơ thẩm, nhất là
đánh giá tính chính xác của những tồn tại đã nêu. Qua đó góp phần nâng cao kỹ năng
phát hiện vi phạm, kỹ năng xây dựng kháng nghị, giải đáp những vướng mắc cho
các đơn vị cấp sơ thẩm hoặc tổng hợp, báo cáo lãnh đạo Viện thống nhất với Tòa
án hướng dẫn thực hiện chung cho 2 ngành, 2 cấp; trường hợp không quyết định
được sẽ báo cáo cấp trên có hướng dẫn cụ thể.
Đối với các cơ quan tố tụng cùng cấp, cần tăng cường
sự trao đổi để thống nhất về đường lối giải quyết, tránh trường hợp trái quan
điểm một cách không cần thiết, dẫn tới việc VKS kiến nghị hoặc kháng nghị nhưng
không được chấp nhận. Đối với trường hợp có khó khăn, vướng mắc, nhiều quan
điểm trái chiều cần kịp thời thỉnh thị, phối hợp liên ngành, 2 cấp họp để thảo luận, bàn bạc và thống nhất
đường lối trước khi quyết định chính thức.
Bên cạnh đó, cần tăng cường quan hệ phối hợp giữa các
khâu công tác kiểm sát để nâng cao hiệu quả công tác kiến nghị. Cần có sự trao
đổi thông tin, hỗ trợ lẫn nhau giữa khâu công tác như: khâu kiểm sát việc giải
quyết đơn, khiếu nại tố cáo; khâu kiểm sát tạm giữ, tạm giam; khâu kiểm sát thi
hành án hình sự, dân sự… với khâu thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra,
xét xử vụ án hình sự; giữa các đơn vị khác nhau hoặc các Kiểm sát viên cùng đơn
vị nếu có thông tin liên quan (ví dụ: bị can phạm nhiều tội ở nhiều địa bàn
khác nhau). Như vậy, sẽ tránh được trường hợp thiếu thống nhất trong cùng đơn
vị, bỏ lọt hành vi phạm tội và hỗ trợ nhau phát hiện các vi phạm để có biện
pháp khắc phục kịp thời./.
Lê Thị Lộc – Phòng 7 VKSND thành phố